Công tác cải cách hành chính (CCHC) được tỉnh Cà Mau thực hiện toàn diện và đạt nhiều kết quả tích cực, không ngừng nâng cao mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao vị thế vùng đất cực Nam Tổ quốc. Kết quả đó có sự đóng góp quan trọng của đội ngũ cán bộ, công chức, những người trực tiếp thực thi công vụ.
Đến Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả thị trấn Thới Bình, huyện Thới Bình, làm thủ tục xin việc, ông Nguyễn Văn Thành (Khóm 1, thị trấn Thới Bình) được hướng dẫn nộp hồ sơ trực tuyến và giải quyết nhanh chóng. Ông Thành phấn khởi: “Tôi nghe nói nhiều về nộp hồ sơ trực tuyến, nay mới được tự tay thực hiện. Tôi thấy cách này rất thuận tiện, nhanh chóng, không cần đến cơ quan Nhà nước vẫn có thể nộp hồ sơ, chỉ đến nhận kết quả”.
Thị trấn Thới Bình có tỷ lệ hồ sơ trực tuyến và thanh toán trực tuyến đạt gần 100%. Kết quả đó là thước đo sự nỗ lực, tận tâm của cán bộ, công chức.
Thị trấn Thới Bình có tỷ lệ hồ sơ trực tuyến và thanh toán trực tuyến đạt gần 100%. Kết quả đó là thước đo sự nỗ lực, tận tâm của cán bộ, công chức. Bộ phận Một cửa thị trấn được bố trí 4 người, trong đó có 1 công chức đầu mối tiếp nhận hồ sơ trực tuyến, sau đó chuyển đến công chức phụ trách từng lĩnh vực để giải quyết, đảm bảo nhanh chóng cho công dân. Hằng quý, thị trấn tổ chức kiểm điểm, đánh giá nhiệm vụ của cán bộ, công chức, để kịp thời chấn chỉnh cũng như biểu dương, tạo chuyển biến tích cực về tinh thần phục vụ.
Là người có thâm niên làm việc ở bộ phận một cửa, ông Nguyễn Văn Kiệt, công chức Tư pháp - Hộ tịch, chia sẻ: "Khi tiếp cận nhiệm vụ CCHC gắn với chuyển đổi số, tôi cũng bỡ ngỡ, nhờ được tập huấn, bồi dưỡng, rồi tự học, tự nghiên cứu thêm mà bản thân đảm bảo được công việc. Ngoài giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), chúng tôi còn tuyên truyền, hướng dẫn công dân cách thức nộp hồ sơ trực tuyến, thanh toán trực tuyến, để người dân quen dần với nền tảng số và trở thành những công dân số".
Xác định cán bộ, công chức giữ vai trò quan trọng trong nhiệm vụ CCHC, huyện Thới Bình không ngừng cải cách tổ chức bộ máy, sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức theo quy định về vị trí việc làm và phù hợp với trình độ đào tạo, khả năng đảm trách công việc. Ðồng thời, kiện toàn bộ phận một cửa của huyện và các xã, thị trấn. Bộ phận Một cửa huyện được bố trí 9 quầy giao dịch với 11 công chức, đảm bảo thực hiện tốt việc giải quyết TTHC cho người dân. Trong năm 2023, Bộ phận Một cửa cấp huyện đã tiếp nhận 8.680 hồ sơ, tất cả đều được xử lý trước hẹn và đúng hẹn, không có hồ sơ trễ hẹn.
Bộ phận Một cửa huyện Thới Bình hằng ngày tiếp rất đông công dân, áp lực công việc không tránh khỏi. Thế nên, công chức nơi đây rèn luyện tác phong chuyên nghiệp, đạo đức công vụ để làm hài lòng người dân và doanh nghiệp.
Ông Quách Thành Nguyện, công chức Văn phòng HÐND-UBND huyện, cho biết: "Khi tiếp thu các văn bản chỉ đạo của cấp trên, chúng tôi nghiên cứu các hướng dẫn, triển khai cụ thể nhất để người dân dễ hiểu, dễ nhớ. Bộ phận có bố trí người trực tiếp hướng dẫn, hỗ trợ người dân, từ bước tạo tài khoản đến tìm hiểu thủ tục, theo dõi xử lý, thanh toán trực tuyến. Yêu cầu nhiệm vụ CCHC ngày càng nâng cao, áp lực công việc là khó tránh, chúng tôi quyết tâm rèn luyện tác phong chuyên nghiệp, đạo đức công vụ, để làm hài lòng người dân và doanh nghiệp".
Những nỗ lực trong thực hiện nhiệm vụ CCHC đã giúp hình ảnh cán bộ, công chức trở nên thân thiện, gần gũi hơn trong mắt người dân. Việc lựa chọn cán bộ, công chức làm việc tại bộ phận một cửa được các địa phương đặc biệt quan tâm, hướng đến đạt chuẩn về đạo đức, thái độ phục vụ và có tâm với công việc. Trong quá trình thực hiện các TTHC đảm bảo công khai, minh bạch, nâng cao tinh thần, trách nhiệm trong phục vụ Nhân dân.
Ngoài giải quyết TTHC, công chức còn tuyên truyền, hướng dẫn công dân cách thức nộp hồ sơ trực tuyến, thanh toán trực tuyến, để người dân quen dần với nền tảng số và trở thành những công dân số.
Ông Trần Minh Nhân, Phó chủ tịch UBND huyện Thới Bình, khẳng định: “Người được bố trí thực hiện nhiệm vụ CCHC phải có trình độ chuyên môn, nắm chắc quy trình giải quyết từng vụ việc cụ thể, ứng dụng thành thạo công nghệ thông tin. Chúng tôi kiên quyết xử lý nghiêm minh, kịp thời và công bằng những sai phạm của cán bộ, công chức có hành vi vi phạm đạo đức công vụ, những hành vi gây nhũng nhiễu, phiền hà trong giải quyết TTHC cho người dân, nhằm góp phần giáo dục và răn đe cán bộ, công chức, đồng thời củng cố niềm tin của Nhân dân vào Nhà nước và pháp luật”.
Thực tế cho thấy, nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức sẽ là một trong những yếu tố quyết định đến thành công của nhiệm vụ CCHC, góp phần xây dựng nền tảng cơ bản, hướng đến nền hành chính phục vụ, hiện đại, vì dân./.
Mộng Thường - Hoàng Vũ