(CMO) Trong điều kiện của Cà Mau, chuyển đổi số sẽ hỗ trợ đổi mới và phát triển giáo dục nhanh hơn. Quá trình đó, công nghệ thông tin như điều kiện tiên quyết, góp phần nâng cao chất lượng GD&ÐT. Người đứng đầu (hiệu trưởng) là người chịu trách nhiệm trực tiếp về chuyển đổi số trong nhà trường. "Niềm tin số" sẽ trở thành yếu tố quyết định một khi công nghệ trở thành cảm hứng sáng tạo.
Mục tiêu chuyển đổi số
Chuyển đổi số toàn diện trên tất cả lĩnh vực của ngành, trọng tâm là năng lực quản trị trường học, năng lực quản lý Nhà nước về giáo dục; hoạt động dạy và học; học liệu dùng chung, phần mềm mô phỏng, hoạt động truyền thông đến phụ huynh và Nhân dân; xây dựng dữ liệu quản lý học sinh, trường học thông minh; bồi dưỡng kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cho đội ngũ giáo viên và học sinh đáp ứng yêu cầu cơ bản thực hiện chuyển đổi số. Triển khai hệ thống đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến; thực hiện các bước kiểm tra, đánh giá năng lực học tập và kiểm định chất lượng giáo dục trên môi trường mạng, kết nối dữ liệu giữa các hệ thống ứng dụng trong và ngoài ngành giáo dục. Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; chú trọng giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, năng lực sáng tạo, thực hành, khả năng ngoại ngữ và tin học, hình thành thế hệ "công dân toàn cầu". Ðẩy mạnh giáo dục mũi nhọn, coi trọng giáo dục truyền thống, ý thức chấp hành pháp luật đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ÐT.
Các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh được đầu tư phát triển theo hướng chuẩn hoá về cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ thông tin đạt khá so với cả nước, có một số cơ sở giáo dục chuyển đổi số đạt trình độ tiên tiến.
Giờ thực hành tin học của thầy và trò Trường THPT Hồ Thị Kỷ (TP Cà Mau). Ảnh: BĂNG THANH |
Nội dung chuyển đổi số
Trong điều kiện của Cà Mau, chuyển đổi số sẽ hỗ trợ đổi mới và phát triển giáo dục nhanh hơn. Quá trình đó cần phải tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy, học, nghiên cứu khoa học, góp phần nâng cao chất lượng GD&ÐT, số hoá các văn bản chỉ đạo, điều hành hoạt động của đơn vị, trường học, văn bản đi và văn bản đến. Xây dựng, hoàn thiện và khai thác hiệu quả cơ sở dữ liệu ngành về giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên; triển khai kết nối liên thông dữ liệu, tích hợp các hệ thống thông tin vào cơ sở dữ liệu ngành; triển khai giải pháp tuyển sinh trực tuyến đầu cấp học, hệ thống thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt, thư viện số, phòng thí nghiệm ảo...
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong đổi mới nội dung, phương pháp dạy, học, thi và kiểm tra đánh giá, quản lý giáo dục, quản trị nhà trường; áp dụng dạy, học trực tuyến; phát triển kho học liệu số toàn ngành, ngân hàng câu hỏi trực tuyến dùng chung, kho bài giảng e-learning kết nối với hệ tri thức Việt số hoá; xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác điều hành quản lý, dạy, học; từng bước triển khai các giải pháp giáo dục thông minh tại các đơn vị, trường học có điều kiện nhằm nâng cao chất lượng dạy, học.
Triển khai áp dụng mô hình giáo dục tích hợp khoa học - công nghệ - kỹ thuật - toán học - nghệ thuật - khởi nghiệp; đào tạo tiếng Anh và kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, bảo đảm an toàn thông tin ở các cấp học. Thực hiện đào tạo, tập huấn hướng nghiệp để học sinh có các kỹ năng sẵn sàng học tập, trải nghiệm trên môi trường số.
Các điều kiện đảm bảo chuyển đổi số
Thứ nhất, để đảm bảo thành công chuyển đổi số, trước tiên cần phải tuyên truyền, thống nhất, thông suốt về nhận thức trong toàn ngành, đến từng nhà trường, mỗi cá nhân. Chuyển đổi số là xu thế tất yếu của ngành, diễn ra với tốc độ rất nhanh cho nên chuyển đổi nhận thức về sứ mệnh, sự cần thiết, tính cấp bách của chuyển đổi số trong ngành, từ riêng lẻ một người, một số người tới nhiều người; từ một cơ sở giáo dục đến nhiều cơ sở giáo dục bằng những câu chuyện thành công điển hình, có tính thuyết phục cao. Quá trình đó, người đứng đầu (hiệu trưởng) chịu trách nhiệm trực tiếp về chuyển đổi số trong nhà trường mà mình phụ trách. "Niềm tin số" sẽ trở thành yếu tố quyết định một khi công nghệ trở thành niềm cảm hứng sáng tạo. Toàn ngành tiến hành chuyển đổi số thông qua sử dụng nguồn lực, hạ tầng công nghệ đã được đầu tư để số hoá, cấu trúc quy trình nghiệp vụ, từng bước tạo lập môi trường số. Ðể thực thi, ngành xây dựng lộ trình và tận dụng tối đa các nguồn lực, đẩy nhanh một số lĩnh vực chuyên môn làm tiền đề để bứt phá. Bên cạnh đó, ngành cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động phụ huynh học sinh, các lực lượng xã hội cùng tham gia, nhất là đầu tư cho học sinh về phương tiện, điều kiện học hành.
Thứ hai, đảm bảo điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông, cơ sở vật chất cơ bản phải được trang bị đồng bộ và là động lực để chuyển đổi số của ngành. Phần mềm quản lý và phần mềm dạy, học phải trở thành phổ biến, được ứng dụng rộng rãi. Ðể công nghệ đi trước của quá trình chuyển đổi số cần phải phát triển, hoàn thiện cơ sở hạ tầng mạng thông suốt, ổn định, an toàn thông tin. Huy động tối đa các nguồn lực xã hội đẩy nhanh học liệu số, thúc đẩy mạng xã hội giáo dục, hình thành mạng học tập mở.
Thứ ba, đảm bảo công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhân lực (cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, học sinh) có kiến thức, kỹ năng, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số. Ðặc biệt là kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, kỹ năng an toàn thông tin, kỹ năng khai thác, sử dụng hiệu quả các ứng dụng phục vụ công việc dạy và học.
Thứ tư, đảm bảo sự lãnh đạo của cấp uỷ đảng, chính quyền một cách đồng bộ và cụ thể. Chiến lược chuyển đổi số là 10 năm, nhưng ngành giáo dục cần lập kế hoạch 5 năm và hàng năm cho thật cơ bản, thiết thực và hiệu quả.
Thứ năm, làm tốt công tác phối hợp với các ngành, các địa phương trong hiến kế, đề xuất chủ trương và triển khai đầu tư các lĩnh vực chuyển đổi số của ngành; thực hiện chính sách, pháp luật hiện hành nhằm đảm bảo các quy định về chất lượng dạy, học trên môi trường mạng, an toàn thông tin mạng; liên quan đến chính trị, tư tưởng, đạo đức người dạy, người học, như bảo vệ thông tin cá nhân, an ninh thông tin trên môi trường mạng; và các quy định liên quan đến điều kiện tổ chức dạy, học trên mạng, kiểm định chất lượng, tính pháp lý và công nhận kết quả khi dạy, học trực tuyến./.
Tiến sĩ Nguyễn Minh Luân - Giám đốc Sở GD-ÐT Cà Mau
Bài cuối: MỘT SỐ GIẢI PHÁP CƠ BẢN