(CMO) Nếu như chuyển đổi số trong giáo dục là một tất yếu khách quan thì cũng chính từ kết quả mang lại góp phần khắc phục đáng kể những yếu kém, trì trệ trong nội tại ngành. Giáo dục luôn có vai trò quan trọng trong xã hội, làm tốt giáo dục trong thời đại số sẽ tác động rất lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Nhận thức - yếu tố quyết định trong chuyển đổi số
Người đứng đầu có trách nhiệm xác lập biện pháp nâng cao nhận thức về chuyển đổi số trong đơn vị, trường học mình phụ trách; tổ chức phổ biến, quán triệt chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về sự cần thiết và tính cấp thiết của chuyển đổi số. Gắn các mục tiêu, nhiệm vụ về chuyển đổi số với nghị quyết, chiến lược, chương trình hành động, mục tiêu, nhiệm vụ liên quan đến ngành.
Nâng cao nhận thức trong nội bộ ngành về chuyển đổi số là việc sớm phải làm, vì đây là việc rất quan trọng. Nội bộ ngành có thông suốt thì mới có thể triển khai thực hiện hiệu quả chủ trương xây dựng Chính phủ số trong ngành giáo dục. Muốn vậy, nhất thiết phải tập huấn để giáo viên nắm được những kiến thức cơ bản về chuyển đổi số và các kỹ năng cần thiết. Mặt khác, cần rà soát kỹ các quy định hiện hành, từ đó đề xuất cấp thẩm quyền bổ sung hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, cơ chế chính sách nhằm tạo môi trường pháp lý thuận lợi để thực hiện. Từ kinh nghiệm triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động giáo dục, để thúc đẩy giáo dục số, ngành giáo dục phải có sự chủ động, sẵn sàng thử nghiệm và áp dụng cái mới trong ngành. Ðây là lĩnh vực mới, bước đầu còn khó khăn nên việc chuẩn hoá đội ngũ về nghiệp vụ trên nền tảng công nghệ để khai thác, vận hành hiệu quả các dữ liệu số; xây dựng bộ tiêu chí đánh giá các mức của trường học số, bộ tiêu chí số đánh giá đội ngũ, thúc đẩy phương thức quản lý mới, nhất là việc xây dựng danh mục ứng dụng công nghệ, dịch vụ để phát triển giáo dục không chỉ là cơ sở nhận thức mà còn là giải pháp, hướng đi cơ bản, lâu dài.
Công nghệ thông tin - nền tảng của chuyển đổi số
Hạ tầng số là nền tảng đầu tiên của chuyển đổi số. Cho nên, ngành giáo dục nhất thiết phải có bước rà soát, đánh giá việc đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin đã qua, từ đó tiếp tục huy động các nguồn lực xây dựng ngành giáo dục số, cụ thể như: triển khai lớp học số/lớp học thông minh, triển khai hệ thống camera học đường, hệ thống học bạ điện tử, chia sẻ tri thức qua nền tảng kho học liệu, mạng xã hội học tập trực tuyến, hệ thống wifi trường học để phục vụ truyền tải thông tin, học liệu, tương tác qua các hình thức học trực tuyến.
Tiếp tục đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin, trước mắt là xây dựng dữ liệu tập trung hướng tới vận hành theo mô hình điện toán đám mây bằng đường truyền băng thông rộng cho hệ thống truyền dữ liệu chuyên dùng, kết nối đồng bộ, đa phương tiện, một đầu mối. Tiếp tục duy trì và phát huy hoạt động của hệ thống hội nghị truyền hình, đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến của ngành đảm bảo thông suốt cho cả hai chiều tương tác từ trên xuống và ngược lại. Kiểm định, nâng cao về chất quá trình số hoá dữ liệu, tài liệu, học liệu, văn bằng, chứng chỉ của ngành. Tiến tới xây dựng hạ tầng dữ liệu đảm bảo nhu cầu cung cấp và khai thác thông tin, công khai thông tin minh bạch, nhanh chóng.
Dữ liệu số là cơ sở của chuyển đổi số. Phát triển cơ sở hạ tầng dữ liệu ngành giáo dục để kết nối và chia sẻ dữ liệu, hình thành nên hệ sinh thái giáo dục thông minh là phương thức quản lý, vận hành còn nhiều mới mẻ đối với các cơ sở giáo dục. Cho nên, cần thiết phải ban hành danh mục hệ thống thông tin và quy định về hệ thống mã định danh điện tử được dùng thống nhất để tạo lập, lưu trữ và chia sẻ dữ liệu trong các hệ thống thông tin nội bộ ngành, đồng thời mở rộng khả năng kết nối chia sẻ dữ liệu ngành với các cơ sở dữ liệu của các ngành khác tạo thành thể thống nhất trong cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh. Các quy định bảo mật dữ liệu dựa trên trách nhiệm của người quản lý, sử dụng khi truy cập và lưu trữ được mã hoá đối với các loại dữ liệu thuộc danh mục bí mật của Nhà nước.
Phát triển giáo dục số
Chuyển đổi số trong ngành giáo dục đóng vai trò quan trọng thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số cấp độ địa phương cũng như góp phần vào chuyển đổi số quốc gia. Theo đó, ngành giáo dục sẽ tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp bám sát các tiêu chí nhằm nâng cao chỉ số thành phần nguồn nhân lực (HCI) theo phương pháp đánh giá Chính phủ điện tử. Cụ thể hoá nội dung chuyển đổi số quốc gia đối với ngành, đặc biệt là những kỹ năng, kiến thức cơ bản, tư duy sáng tạo, khả năng thích nghi với những yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đưa vào giảng dạy trong nhà trường một cách phù hợp. Thực hiện phổ cập tin học (như từng làm đối với phổ cập xoá mù chữ), triển khai dạy tin học cơ bản, làm quen với tin học cho học sinh ở tất cả các cấp học, xây dựng xã hội học tập, các trung tâm giáo dục cộng đồng, trung tâm giáo dục thường xuyên. Tăng cường đào tạo nhân lực công nghệ thông tin theo hướng chuyên nghiệp, chú trọng công nghệ thông tin ứng dụng, phục vụ yêu cầu chuyển đổi số trong ngành.
Từng cơ sở giáo dục đặc biệt chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà trường. Thực hiện theo phân cấp sử dụng hiệu quả phần mềm quản lý nhà trường đáp ứng yêu cầu liên thông dữ liệu với cơ sở dữ liệu dùng chung của ngành và có khả năng tích hợp với các phân hệ khác như: quản lý thời khoá biểu; quản lý phí, học phí, không dùng tiền mặt, y tế học đường, thư viện, camera an ninh, học bạ điện tử, sổ điểm điện tử, sổ liên lạc điện tử, chữ ký số, kiểm tra, đánh giá chất lượng học sinh, chất lượng dinh dưỡng, quản lý hoạt động bán trú…
Ðối với công tác cải cách hành chính của ngành, tiếp tục tuyên truyền trong nội bộ và sự tham gia của xã hội để đạt mục tiêu sử dụng dịch vụ công cấp độ 4 trong ngành giáo dục. Hướng đến mục tiêu 100% dịch vụ công cấp độ 4 và 80% dịch vụ được sử dụng trên dịch vụ công.
Ðối với công tác dạy học, đẩy nhanh triển khai nền tảng dạy học trực tuyến, kiểm tra, đánh giá chất lượng, thi trực tuyến. Tiếp tục đẩy mạnh bồi dưỡng trực tuyến, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục minh bạch, thực chất, không chạy theo thành tích. Tăng cường phối hợp, khảo sát địa phương, cơ sở, nghiên cứu đề xuất triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong phổ cập giáo dục và xoá mù chữ.
Hiện nay, học trực tiếp trên lớp là hình thức dạy học cơ bản, nhưng về lâu dài ngành giáo dục phải có lộ trình, bước đi cụ thể triển khai để học sinh vừa học trên lớp, vừa học qua chương trình trực tuyến phù hợp với điều kiện học tập của từng đối tượng và từng lứa tuổi. Ðối với những nơi có điều kiện khó khăn về hạ tầng công nghệ thông tin, máy móc, thiết bị học tập, học sinh nghèo thì cần thiết phải có chính sách và giải pháp xã hội hoá để hỗ trợ kịp thời.
Một nhiệm vụ rất quan trọng đối với ngành giáo dục là phải xây dựng chương trình hoạt động giáo dục cho thật phù hợp, theo hướng giảm tải, có lộ trình tăng dần tỷ lệ tiết dạy trực tuyến. Kế hoạch môn học do tổ bộ môn đề xuất phải theo hướng tích hợp kiến thức, chủ đề, chuyên đề nhằm hình thành phẩm chất, năng lực cho học sinh. Một kế hoạch hoạt động giáo dục của nhà trường và kế hoạch môn học theo hướng mở, khơi dậy tinh thần hiếu học, tạo được động lực, yếu tố tự thân nỗ lực vươn lên của người học bằng ý thức tự giác cao, tinh thần sáng tạo không ngừng nghỉ sẽ tạo được sự khác biệt và những giá trị mới mẻ.
Giáo viên Trường Tiểu học Lê Quý Ðôn, Phường 9, TP Cà Mau xây dựng kế hoạch ôn tập theo tuần và chuyển vào wesbite của trường để phụ huynh có thể cho con ôn tập tại nhà. Ảnh: PHƯƠNG LÀI |
Phát triển nguồn nhân lực
Việc đào tạo nhân lực cần hướng tới các đối tượng: nhân lực chuyên trách về công nghệ số, kỹ thuật số; cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục; giáo viên làm việc trong các cơ sở giáo dục; học sinh trong các nhà trường; phụ huynh và các đối tượng xã hội cùng tham gia. Trong đó, đội ngũ chuyên viên chuyên trách về công nghệ tại các đơn vị, trường học là lực lượng cốt cán, kỹ thuật chuyên sâu cần được đào tạo bài bản, tạo môi trường học tập, trau đổi kinh nghiệm, có trải nghiệm thực tiễn vừa đảm đương được vai trò tham mưu, vừa có nhiệm vụ hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật tác nghiệp cho đội ngũ giáo viên nhà trường.
Từ việc đầu tư cho con người, đầu tư phát triển nhân lực đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số (nhờ công nghệ như Big data, AI, Blockchain), đề xuất cấp thẩm quyền hoàn thiện cơ chế chính sách liên quan đến con người và các chính sách, cơ chế đầu tư hoàn thiện cơ sở dữ liệu quản lý giáo dục, thúc đẩy phát triển hình thức dạy học trực tuyến qua mạng; chính sách quản lý các khoá học trực tuyến đảm bảo chất lượng thông qua các quy định về điều kiện mở trường, mở lớp, thẩm định cấp phép nội dung, kèm theo chế tài phù hợp, tránh tình trạng mất kiểm soát, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người học.
Thúc đẩy phát triển xã hội số
Chuyển đổi số giúp phụ huynh học sinh được tiếp cận nền giáo dục thông qua công nghệ số. Bồi dưỡng giáo viên tập trung vào chuyển đổi kỹ năng, cung cấp các khoá học đại trà trực tuyến mở, ngành giáo dục chủ động hợp tác với các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp có nền tảng công nghệ tiên tiến để đào tạo, tập huấn, nâng cao kiến thức, kỹ năng về công nghệ số và chuyển đổi số, góp phần hình thành văn hoá số trong xã hội.
Quá trình chuyển đổi số, nhân lực số là trung tâm, nếu như giáo viên là đội ngũ cốt cán có vai trò dẫn dắt, thì học sinh là lực lượng tiên phong bước vào công nghệ số là những “công dân số”. Thông qua học sinh, tuyên truyền về chính quyền số đến phụ huynh học sinh, đặc biệt giới thiệu để phụ huynh có cơ hội, điều kiện tham gia các dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ số hành chính công tiện ích.
Phụ huynh có thể dễ dàng nắm bắt thông tin về học tập của con mình thông qua các kênh trao đổi thông tin giữa nhà trường và phụ huynh bằng các phương tiện thông tin và truyền thông. Chẳng hạn như phụ huynh có thể truy xuất hệ thống phần mềm qua Internet để xem kết quả và tình hình học tập của con em mình. Ðây là kênh thông tin để trao đổi đa chiều giữa giáo viên với học sinh, giữa nhà trường với phụ huynh và cộng đồng xã hội. Với các thông tin nhanh, kịp thời, góp phần giải toả các băn khoăn của phụ huynh học sinh, qua đó làm cho mối liên hệ giữa gia đình và nhà trường gắn kết, chia sẻ trách nhiệm với nhau nhiều hơn, hiệu quả hơn. Ðược thế, sẽ đem đến cho giáo dục sự đổi mới, hướng tới nền tảng giáo dục tiến bộ, hiện đại, học sinh nắm bắt được cơ hội tốt hơn. Nếu như chuyển đổi số trong giáo dục là một tất yếu khách quan thì cũng chính từ kết quả mang lại góp phần khắc phục đáng kể những yếu kém, trì trệ trong nội tại ngành.
Thời kỳ nào giáo dục cũng có vai trò quan trọng đối với xã hội. Làm tốt giáo dục trong thời đại số sẽ tác động rất lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội, đó vừa là yêu cầu, vừa là mục tiêu của giáo dục trong bối cảnh mới hiện nay./.
Tiến sĩ Nguyễn Minh Luân - Giám đốc Sở GD&ÐT Cà Mau