Châu Kim Hún, giáo viên Trường THPT Hồ Thị Kỷ: Ðảm bảo cơ sở vật chất cho chuyển đổi số
Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, diễn ra rất nhanh, đặc biệt trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay. Cụ thể, trong giáo dục tập trung vào nội dung chủ đạo là chuyển đổi số trong quản lý giáo dục và trong dạy, học, kiểm tra, đánh giá, nghiên cứu khoa học.
Ðể đáp ứng công tác chuyển đổi số, nhà trường đã trang bị 2 phòng vi tính cho môn Tiếng Anh, 4 phòng vi tính cho môn Tin học, 41 ti-vi, 4 máy chiếu cho các phòng học. Song song đó, nhà trường đã ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào việc quản lý hồ sơ giáo viên, học sinh. Ðặc biệt, thời gian tới nhà trường sẽ lên kế hoạch tổ chức thi Tiếng Anh trực tuyến cho học sinh khối 11 và khối 12.
Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên hầu hết đều có chứng chỉ tin học hoặc ứng dụng CNTT cơ bản, có máy tính riêng, kết nối mạng Internet, là yếu tố thuận lợi để nâng cao điều kiện tự học, rèn luyện về kỹ năng sử dụng CNTT, khai thác tài nguyên mạng phục vụ cho công tác, đáp ứng các công việc soạn bài giảng điện tử, tạo ngân hàng câu hỏi, sử dụng hệ thống giảng dạy Online…
Tuy nhiên, trình độ, năng lực CNTT của giáo viên nhà trường không đồng đều, đó là thách thức. Vì vậy, thời gian tới, để đáp ứng công tác chuyển đổi số, đội ngũ quản lý và giáo viên cần tiếp tục được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng an toàn thông tin, kỹ năng khai thác tài nguyên mạng phục vụ hiệu quả công việc dạy và học, đáp ứng yêu cầu chương trình đổi mới SGK hiện nay.
Phòng học Ngữ Văn của trường THCS Hàng Vịnh, xã Hàng Vịnh, huyện Năm Căn. Ảnh: B.THANH |
Nguyễn Quốc Vĩnh, Phó hiệu trưởng Trường THPT Phan Ngọc Hiển:
Thu hẹp khoảng cách nhà trường và phụ huynh
Chuyển đổi số thay đổi từng ngày diện mạo giáo dục. Các nhà giáo dục đang nỗ lực để thích ứng. Việc đẩy mạnh số hoá, ứng dụng CNTT trong quản lý giúp phụ huynh theo dõi, đồng hành cùng nhà trường trong việc giáo dục con em họ, nhờ đó khoảng cách giữa nhà trường với phụ huynh được thu hẹp.
Trước đây, mối liên hệ giữa phụ huynh và nhà trường thường không chặt chẽ. Cơ hội gặp gỡ để đối thoại trực tiếp chỉ là các buổi họp cha mẹ học sinh. Giờ đây, với việc ứng dụng CNTT, mối liên hệ giữa phụ huynh và nhà trường chặt chẽ hơn. Phụ huynh hoàn toàn có thể đăng nhập vào các ứng dụng để theo dõi thông tin chuyên cần, điểm, thời khoá biểu, thông báo quan trọng từ nhà trường, cũng như xem xét những kiến nghị từ phía giáo viên để đồng hành và hỗ trợ con mình, tìm ra giải pháp giáo dục phù hợp nhất. Việc trò chuyện với giáo viên và các phụ huynh cũng trở nên dễ dàng và tiện lợi hơn. Ðồng thời, giáo viên có thể chia sẻ hình ảnh, hoạt động của trường, của lớp và trao đổi với phụ huynh một cách nhanh chóng. Nhờ vậy, phụ huynh nắm bắt kịp thời và chính xác tình hình của con em mình mọi lúc, mọi nơi.
Trần Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Tân Lộc:
Thay đổi tích cực từ chuyển đổi số
Ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, dạy học, kiểm tra, đánh giá chất lượng của trường phổ thông giai đoạn hiện nay là một nhu cầu và sự cần thiết của tất cả các nhà trường.
Trước năm 2018, hầu hết các trường THPT mới tiếp cận với CNTT, công tác quản lý, dạy học, kiểm tra, đánh giá chất lượng chủ yếu chỉ tập trung ở việc trao đổi thông tin qua email, qua mạng nội bộ VIC, một số tiết học được sử dụng máy chiếu; hồ sơ sổ sách đa số sử dụng bản giấy; số cơ sở giáo dục có website để cung cấp thông tin, giới thiệu, quảng bá hình ảnh của trường không nhiều; trang thiết bị phục vụ việc ứng dụng CNTT còn hạn chế.
Từ năm 2018 đến nay, sự chỉ đạo quyết liệt của Sở GD&ÐT về việc tăng cường quản lý và ứng dụng CNTT trong nhà trường, các trường THPT đã có sự thay đổi rất lớn trong việc ứng dụng CNTT vào quản lý, dạy học, kiểm tra, đánh giá chất lượng. Các chỉ số ứng dụng CNTT vào quản lý, dạy học, kiểm tra, đánh giá chất lượng của trường THPT tăng hàng năm.
Năm 2020, khi tình huống dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các trường đã tổ chức triển khai học tập theo phương thức trực tuyến, học qua truyền hình. Ðến nay phần lớn giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh đã được tiếp cận và quen dần với phương thức này.
Bên cạnh những mặt tích cực, những kết quả đã đạt được, cũng còn một số vướng mắc, tồn tại như: nguồn nhân lực CNTT tại các trường THPT không đồng đều nên khó khăn trong việc triển khai ứng dụng CNTT; một số lãnh đạo nhà trường chưa thật sự quan tâm, còn xem nhẹ việc ứng dụng CNTT vào công tác quản lý, giảng dạy của trường; khoảng cách số giữa các khu vực còn lớn, đặc biệt là các trường vùng sâu, vùng xa; hạ tầng CNTT được quan tâm trang bị, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng nhu cầu thực tế.
Với thực trạng nêu trên, mặc dù còn một số vướng mắc, tồn tại nhưng với sự quyết tâm của lãnh đạo ngành giáo dục, của người đứng đầu các cơ sở giáo dục, sự nỗ lực của các nhà trường, sự tác động và thay đổi từ cuộc cách mạng 4.0, việc ứng dụng tốt CNTT vào quản lý, dạy học, kiểm tra, đánh giá chất lượng ở các trường THPT trong thời gian qua là cơ sở để chúng ta tin tưởng vào thành công trong chuyển đổi số của ngành GD&ÐT tỉnh nhà./.
Sở GD&ÐT Cà Mau
(tổng hợp)