(CMO) Chuyện học sinh ở điểm trường lẻ đông hơn học sinh ở trường chính; lớp học phải đợi học sinh; điểm lẻ đã xoá nay trưng dụng lại vì thiếu phòng học; chuyện những khoảng cách địa lý từ điểm trường lẻ về điểm chính trên 16, 20 cây số… và câu chuyện cả xã chưa có một trường tiểu học, THCS được công nhận chuẩn quốc gia đã và đang hội tụ ở xứ rừng U Minh năm học 2020-2021 này.
11 giờ trưa, ông Ba Lâm như ngồi trên đống than, đi đi lại lại rồi tặc lưỡi: “Giờ này chưa về thì buổi chiều không kịp quay đầu”. Như để giải thích, thầy Cao Thanh Đượm, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đào Duy Từ, phân trần: “Mấy ngày nay chú Ba từng phàn nàn như thế với Ban Giám hiệu vì tuyến đường đưa rước học sinh từ Ấp 17 ra đến Điểm 21 (Ấp 20) rất xa. Nếu buổi sáng học sinh tan trường trễ thì việc đưa các em về rồi rước các em học sinh buổi chiều đến lớp sẽ muộn giờ”.
Ông Ba Lâm năm nay ngoài 50 tuổi. Ông đã hành nghề kiếm cơm bằng chiếc vỏ lãi 8,5 m đưa rước học sinh ở khu vực lâm phần (xã Khánh Thuận, huyện U Minh) mấy năm nay. Chuyến đò của ông chẳng những chở học trò mà còn có cả nhiều phụ huynh theo con vì lo trường xa, lo giờ ăn, giờ học cho con trẻ mới vào lớp 1.
Phần lớn học sinh Điểm 21 phải đi học bằng đò. |
Khoảng 10 giờ sáng, 4 bà mẹ đang mong ngóng con bên hiên nhà của một hộ dân cạnh Điểm 21. Chị Vân, ngụ Ấp 17, xã Khánh Thuận, cho biết, hầu hết phụ huynh theo con ở Điểm 21 là những người có con mới vào lớp 1. Vì đường đi xa nên đưa con rồi ở lại chờ rước về luôn. Sẵn tiện lo cho con ăn, uống vào giờ ra chơi.
Chị Vân theo chuyến đò của ông Ba Lâm từ Ấp 17 ra Ấp 20, chi phí mỗi ngày đi học của 2 mẹ con được chị Vân nhẩm tính ngót nghét 40.000-50.000 đồng. Đó là khoản chi không hề nhỏ đối với cư dân từng là nơi nghèo nhất xứ rừng U Minh Hạ. Đưa con đến Điểm 21 là đoạn đường ngắn và tiện nhất đối với chị Vân, bởi nếu đi ngược trở về điểm trường ở Đội 9 (Ấp 15) hay ra điểm chính Trường Đào Duy Từ thì khoảng cách từ nhà chị cũng đều trên 10 km.
Điểm 21 đã tồn tại 20 năm nhưng khu vực sân chơi vẫn là nền đất. |
“Mấy bữa học sinh khối sáng học 5 tiết, ra về muộn thì giờ học buổi chiều có khi phải chờ chuyến đò của chú Ba Lâm”, thầy Cao Thanh Đượm chia sẻ.
Điểm 21 như mọi năm lại râm ran tiếng đánh vần, học chữ. Trường được thành lập từ năm 2000 với vỏn vẹn 2 phòng học và khu vực nhà vệ sinh. Trải qua 20 năm phục vụ nhu cầu giảng dạy, học tập cho học sinh ven theo các tuyến ấp, từ 17 đến 20, xã Khánh Thuận, qua nhiều lần tu sửa, trường đã xuống cấp.
2 ao nước sâu trước và sau dãy phòng học luôn là nỗi lo thường trực của phụ huynh và giáo viên. Bằng nỗ lực của giáo viên và sự chung tay của người dân, một phần ao trước dãy phòng học đã được lấp đất thành khoảnh sân trường có lẽ độc nhất của ngành giáo dục hiện nay. Đó là khoảnh sân đất nhưng vẫn còn thấp hơn mặt bằng chung của đường đi khoảng 40 cm.
Phía phòng học, tuy nền cũ kỹ, la phông nhiều phía trống hốc nhưng lớp học luôn được vệ sinh sạch sẽ và giờ học nghiêm túc.
Từ Điểm 21 về điểm chính của Tiểu học Đào Duy Từ phải vượt qua đoạn đường trên 18 km đường bộ. “Mỗi khi về điểm trường chính họp, đoạn đường chúng tôi đi dài hơn đoạn về trung tâm huyện U Minh”, cô Đỗ Thị Trinh, giáo viên được phân công phụ trách Điểm 21, cho hay.
3 năm gần đây, sau khi mấy điểm lẻ khác cùng công năng với Điểm 21 đã được tinh gọn thì lượng học sinh ở Điểm 21 tăng dần. Năm học mới 2020-2021, trường có đến 86 học sinh của 4 khối lớp (từ lớp 1 đến lớp 4) trong khi điểm trường chỉ vỏn vẹn 2 phòng học. Để thuận tiện trong học tập và giảng dạy, Ban Giám hiệu trường đã bố trí điểm trường dạy 2 buổi/ngày, buổi sáng khối lớp 1 và 2, buổi chiều khối lớp 3 và 4.
Khi được hỏi về chương trình giáo dục mới đang ứng dụng dạy học sinh lớp 1 (2 buổi/ngày) ở điểm này, thầy Cao Thanh Đượm cho hay: “Để giải quyết tình thế, trường chỉ bố trí lớp 1 học đủ các môn theo quy định và chỉ đảm bảo học 25 tiết/tuần, mỗi ngày chỉ học 1 buổi sáng. Nếu áp dụng dạy 2 buổi/ngày đúng theo quy định mới của giáo dục tiểu học ở Điểm 21 thì phải xây thêm phòng học”.
Cách Điểm 21 hơn 10 km là điểm Đội 9, Ấp 15, thuộc Trường Tiểu học Đỗ Thừa Luông, cùng trên địa bàn xã Khánh Thuận. Trường có 2 lớp 1 với 75 học sinh thì phía bên ngoài luôn sẵn có trên 45 phụ huynh đứng, ngồi chờ con tan học. Cũng giống ở Điểm 21, phụ huynh ở điểm Đội 9 cũng theo con đến trường rồi chờ tan học rước về. Vì nếu cứ đưa đi xong quay về nhà chờ hết giờ quay lại trường đón con thì phải chi nhiều chi phí tiền xăng (đa phần đi vỏ máy).
Một sự thật đau lòng ở điểm Đội 9 ít ai ngờ tới, đó là điểm trường lẻ của Trường Tiểu học Đỗ Thừa Luông cách điểm chính trên 16 km, nhưng ở Đội 9 số lượng học sinh năm học mới 2020-2021 này lại nhiều hơn lượng học sinh ở điểm trường chính. Thầy Triệu Thanh Dùm, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đỗ Thừa Luông, cho hay: “Năm nay học sinh toàn trường có 444 em, được chia thành 15 lớp. Trong khi đó, điểm Đội 9 có đến 9 lớp với 275 học sinh. Do đó, đến nay trường vẫn chưa bố trí được chương trình học 2 buổi/ngày cho học sinh lớp 1”.
Điểm Đội 9 có cả thảy 5 phòng học, với 9 lớp học thì việc phân ca dạy sáng, chiều chỉ mới vừa đủ phòng học của các khối lớp. Theo thông tin từ Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện U Minh, chỉ tính riêng khối tiểu học, năm học 2020-2021 toàn huyện có 299 lớp học với 9.149 học sinh. Trong đó, lớp 1 có 62 lớp với 1.966 học sinh.
Với số lượng lớp học hiện tại, đến 62 lớp nhưng cả huyện chỉ có 59 phòng học phục vụ cho lớp 1. So với yêu cầu dạy học 2 buổi/ngày (1 phòng học/1 lớp) đối với lớp 1 hiện nay, huyện U Minh còn thiếu 3 phòng học.
Nghĩa là, huyện đang cần bức bách 3 phòng trong năm học này cho 2 điểm trường, Đội 9 của Trường Tiểu học Đỗ Thừa Luông (2 phòng) và Điểm 21 của Trường Tiểu học Đào Duy Từ (1 phòng).
Tuy nhiên, xét theo lộ trình thay sách và chương trình giáo dục mới, kể từ năm học sau 2021-2022, huyện U Minh lại thiếu 27 phòng học ở 11 trường có lớp tiểu học./.
Bài 2: MƯỢN LẠI PHÒNG HỌC CỦA ĐIỂM ĐÃ XOÁ
Phong Phú