(CMO) Giải pháp xây thêm phòng học cho năm học mới 2020-2021 và những năm sau đã được ngành giáo dục huyện U Minh trình các cấp từ tháng 3/2020, sau khi đánh giá lại tình hình học sinh và tỷ lệ lớp học của năm học 2019-2020. Thế nhưng, đến khi năm học mới 2020-2021 chính thức vận hành thì các nhu cầu về phòng học cho học sinh tiểu học như đã nói vẫn chưa triển khai.
Để giải quyết khó khăn về việc dạy học 2 buổi/ngày đối với lớp 1 hiện nay ở 2 điểm trường lẻ, Điểm 21 (Ấp 20, xã Khánh Thuận) của Trường Tiểu học Đào Duy Từ và điểm Đội 9 (Ấp 15, xã Khánh Thuận) của Trường Tiểu học Đỗ Thừa Luông, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện U Minh chỉ đạo bằng giải pháp cấp bách nhất.
Đới với Trường Tiểu học Đỗ Thừa Luông, trong thời gian ngắn nhất phải chuyển 1 lớp 4 với 24 học sinh về học tại điểm trường lẻ ở Kênh 11 (Ấp 13, xã Khánh Thuận). Điểm trường lẻ này đã được quyết định xoá bỏ trong chương trình tinh gọn trường lớp học từ năm 2019.
Điểm Kênh 11, cách điểm Đội 9 hiện nay khoảng 3,5 km. “Cơ sở vật chất điểm Kênh 11 vẫn đảm bảo an toàn cho học sinh và giáo viên. Chúng tôi chỉ cần vận chuyển bàn, ghế và tu sửa điện, đèn, quạt”, thầy Triệu Thanh Dùm cho biết.
Như vậy, sau khi dời 1 lớp, điểm Đội 9 của Trường Tiểu học Đỗ Thừa Luông còn lại 8 lớp, với 5 phòng học sẽ đảm bảo cho lớp 1 học 2 buổi/ngày (điểm này có 2 lớp 1 với 75 học sinh, do vậy phải cần 2 phòng học). 3 phòng còn lại dành cho 6 lớp học của các khối lớp khác.
Lớp học quá nhiều trong khi phòng học ở điểm lẻ thiếu nên học sinh lớp 1 điểm Đội 9 vẫn chưa được học 2 buổi/ngày theo quy định. |
Điểm 21 của Trường Tiểu học Đào Duy Từ có 4 lớp với 2 phòng học, vì vậy chỉ tổ chức dạy học 1 buổi/ngày đối với lớp 1 (25 tiết/tuần) theo hướng dẫn tại Công văn số 3866/BGDĐT ngày 26/8/2020 của Bộ GD&ĐT.
“Phòng GD&ĐT huyện đã chỉ đạo Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đào Duy Từ tổ chức dạy đúng, đủ nội dung và thời lượng các tiết học bắt buộc đối với lớp 1, đảm bảo mục tiêu, yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018”, thầy Huỳnh Việt Bắc, Phó trưởng phòng GD&ĐT huyện U Minh, cho biết.
Huyện U Minh hiện có 42 trường học trực thuộc: 9 trường mầm non, 21 trường tiểu học, 8 trường THCS và 4 trường 2 cấp học (tiểu học - THCS), trong đó có 26 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1.
Năm 2020, Phòng GD&ĐT đã tham mưu cho UBND huyện về kế hoạch và sẽ phấn đấu có 100% trường học đạt chuẩn quốc gia đến năm 2023. Song, là địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội chưa thuận lợi, đời sống Nhân dân còn khó khăn, ngân sách còn hạn hẹp nên quá trình đầu tư xây dựng các hạng mục đáp ứng theo chuẩn quốc gia ở U Minh còn gặp rất nhiều trở ngại.
Từ yêu cầu phải có đủ tỷ lệ phòng học/lớp, đủ phòng chức năng, đủ bàn ghế theo tiêu chuẩn, môi trường học tập đảm bảo, đến đủ nhân viên đảm đương các nhiệm vụ theo vị trí việc làm, những tiêu chuẩn công nhận trường đạt chuẩn quốc gia luôn được thay thế sau mỗi chu kỳ vài năm, do vậy tiêu chuẩn sau cao hơn tiêu chuẩn trước; nên việc đảm bảo trường, phòng học so với địa phương như U Minh rất khó.
Dù khó khăn nhưng việc học vẫn được duy trì ở xứ rừng U Minh. |
Một vấn đề khác cũng đang tác động mạnh mẽ đến công tác giảng dạy ở xứ rừng, đó là việc sắp xếp lại trường lớp, xoá điểm lẻ, chuyển học sinh về điểm chính. “Nhu cầu học tập của học sinh, phụ huynh học sinh ở những trường đạt chuẩn quốc gia ngày càng tăng. Điều này được minh chứng số học sinh và số lớp ở các trường được công nhận đạt chuẩn tăng dần so với trước khi được công nhận. Như Trường Tiểu học Lê Quí Đôn năm công nhận có 10 lớp học, nhưng hiện nay là 12 lớp, dẫn đến thiếu phòng học”, thầy Huỳnh Việt Bắc phân trần.
Huyện U Minh rất mong được ưu tiên nguồn vốn xây dựng bổ sung cấp bách 3 phòng học để dạy học 2 buổi/ngày ở khối lớp 1 năm học 2020-2021 của 2 trường: Tiểu học Đỗ Thừa Luông và Tiểu học Đào Duy Từ, như đã nêu. Đồng thời, cần xây dựng bổ sung gấp 27 phòng học phục vụ việc thực hiện Chương trình giáo dục mới đối với lớp 1 và 2 năm học 2021-2022.
“Có như thế huyện mới giải quyết được các vấn đề học tập và nhu cầu tối thiểu của việc tổ chức giảng dạy, đặc biệt ở các trường và điểm trường nằm sâu ở lâm phần”, thầy Huỳnh Việt Bắc khẳng khái.
Theo báo cáo của ngành GD&ĐT tỉnh Cà Mau, năm học 2020-2021, toàn tỉnh có 227 trường tiểu học với 3.466 phòng học phục vụ nhu cầu học tập của 118.586 học sinh, được chia thành 3.833 lớp học. Tỷ lệ này cho thấy, năm nay cấp tiểu học đã giảm 8 trường so với năm học 2019-2020 do thực hiện tinh gọn trường lớp. Song, vấn đề không ở chỗ giảm hay tăng cơ học lượng trường mà là đảm bảo nhu cầu tối thiểu thiết yếu nhất ở những vùng, địa phương cụ thể nhất. Không nên vì thành tích chung mà đâu đó học sinh vùng khó đã thiệt lại càng chịu thiệt./.
Phong Phú