(CMO) Cậu bé 15 tuổi với gương mặt sáng, thân hình gầy nhưng rắn rỏi. Em không nhìn thẳng mà ánh mắt nghiêng về một hướng: chồng lú bát quái trong vách nhà. Em nói rất ít, chỉ có mẹ và cha em trả lời hộ: “Ráng cho nó học hết lớp 9, sang năm nghỉ ở nhà phụ tui đi biển!”.
Chênh vênh vào đời
Dù cuối năm nay đạt học lực trung bình, trong khi cha mẹ nhất quyết sang năm cho em nghỉ học, nhưng Nguyễn Trọng Phúc (lớp 9A1, Trường THCS Đất Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển) vẫn chuẩn bị bộ quần áo học sinh để đến trường dự ngày tổng kết. Bộ đồng phục mà có lẽ em sẽ không được mặc nữa.
Vợ chồng anh Nguyễn Chí Thuận (cha Phúc, ấp Kinh Đào Đông, xã Đất Mũi) trần tình: “Biển mấy năm trước còn đỡ, có tiền lo cho hai anh em nó đi học. Cả năm nay, biển thất bát, phần vì mất 40 cái lú, mỗi cái 300.000 đồng chứ ít gì, phải đi mượn tiền để mua lại. Mướn bạn đi biển một chuyến hơn 200.000 đồng mà còn không có người. Bây giờ ở xứ này, một tháng dựa vào nghề đánh lú ngoài biển để trang trải gia đình, thêm chuyện học hành thì khó lắm. Chỉ có cái nhà để ở, lại không thuộc diện chính sách để hai đứa nhỏ được hỗ trợ chi phí học hành, nên sang năm tôi cho nó nghỉ học phụ đi biển, nhường lại cho nhỏ em nó tiếp tục đi học”.
Tranh thủ những ngày hè, em Lâm Thị Tú Hà (giữa) phụ bà nội vá lưới mành để cha em đi đánh bắt thuỷ sản. |
Cùng với chiếc xe đạp được trường trao tặng để đi học, những tấm giấy khen, quyển vở là động lực để Hà (bìa trái) tiếp tục phấn đấu học tập. |
Phúc biết theo cha đi biển đánh lưới, đánh lú từ hồi 10 tuổi nên bây giờ, em thạo nghề không khác gì những thanh niên trai tráng. Gương mặt còn non choẹt, chi chít mụn của tuổi đang lớn, nhưng da em đã nhuốm màu phù sa. Hỏi Phúc có muốn đi học tiếp không, em cũng không nhìn thẳng, vẫn hướng về đống lú nhưng khẽ gật đầu. Mẹ em tiếp lời: “Biết con muốn đi học nhưng hoàn cảnh khó khăn quá. Cả tháng nay trời dông gió thất thường, biển thất, treo lú trong nhà rồi”.
Em Nguyễn Hoàng Luân (ấp Kinh Đào, xã Đất Mũi), bạn học cùng lớp với Phúc, cùng dáng người, cũng ít nói và cũng dừng chuyện học như Phúc. Hoàn cảnh gia đình Luân thì không mấy khó khăn, nhưng khiếm khuyết. Cha mẹ em không sống cùng nhau, Luân sống với ông bà nội. Lần này, Luân nhìn thẳng, chỉ nói ngắn gọn: “Em nghỉ học, ở nhà kiếm việc làm, đợi đủ tuổi đi nghĩa vụ”.
Nối dài ước mơ
Sau kỳ nghỉ Tết, học sinh có thêm kỳ nghỉ dài ngày do dịch Covid-19. Không chỉ khó khăn cho việc học tập của các em, mà kinh tế gia đình cũng ảnh hưởng rất lớn bởi chủ yếu sống bằng nghề biển.
Thầy Lại Mạnh Tường, Hiệu trưởng Trường THCS xã Đất Mũi, giãi bày: “Sau thời gian nghỉ Tết và nghỉ dịch, trường có 62 em nghỉ học/572 học sinh, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng đa phần là suy nghĩ không quan trọng việc học, hoặc nghỉ học để đi làm kiếm tiền, theo gia đình đi làm ăn xa... Thầy cô đã tìm nhiều cách như liên lạc qua điện thoại, đến từng gia đình gặp trực tiếp tìm hiểu nguyên nhân và vận động các em trở lại trường, nhưng chỉ được 5 em quay lại tiếp tục việc học”.
Cha đi theo ghe lưới đánh bắt ngoài khơi, mỗi con nước chỉ được 2-3 triệu đồng, em Nguyễn Thảo Nguyên (lớp 7A2, Trường THCS xã Đất Mũi) nói: “Em thấy cha đi ghe cực nhưng không có bao nhiêu tiền, được nghỉ dịch ở nhà em giữ em nhỏ 3 tuổi và đi làm kiếm tiền thêm cho em gái em học lớp 6 đi học. Em cũng định nghỉ học luôn nhưng sau khi được thầy chủ nhiệm đến nhà khuyên nhủ, em thấy việc học bây giờ rất quan trọng cho tương lai sau này nên đã đi học lại. Những kiến thức, bài kiểm tra trong thời gian em nghỉ được thầy cô tạo điều kiện cho làm lại nên em cũng hoàn thành xong năm học lớp 7”.
Em Nguyễn Như Quỳnh, bạn cùng lớp với Nguyên, cũng nghỉ học hơn 1 tháng, theo chị gái lên Lâm Đồng làm công việc ghép cây trong vườn ươm. Tháng lương đầu tiên của em được hơn 3 triệu đồng. “Sau khi hết nghỉ dịch, em đi học lại 1 tuần thì chế rủ em đi làm kiếm tiền nên em bỏ học đi theo. Làm hơn 1 tháng em thấy nhớ nhà, nhớ các bạn, thầy cô. Ở trên đó, thấy học sinh trở lại trường, em thèm được đi học lại nhưng sợ nghỉ đã lâu sẽ bị đuổi học. Nhưng qua điện thoại, thầy nói nhà trường sẽ tạo điều kiện cho em trở lại trường và hoàn thành hết kiến thức trong năm học nên em về tiếp tục đi học”.
Thời gian qua, số học sinh nghỉ học, bỏ học khi bước sang học kỳ 2 rất nhiều tại các trường học ven biển. Tại huyện Ngọc Hiển, đầu năm học có 10.974 học sinh nhập học, nhưng đến cuối năm học còn 10.695 em. Có 188 em bỏ học, chiếm 1,7% (tiểu học 66 học sinh, THCS 122 học sinh) và 94 em chuyển đi (tiểu học 42 học sinh, THCS 52 học sinh).
Thầy Lại Mạnh Tường chia sẻ thêm: “Trong học kỳ 2, trường có 18 học sinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo được cấp bù, miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập theo Nghị định 86/2015 NĐ-CP. Học sinh có hoàn cảnh khó khăn luôn được nhà trường, địa phương và xã hội quan tâm, hỗ trợ tiền đò, xe đạp, tập vở, sách giáo khoa, bảo hiểm y tế để khích lệ tinh thần các em cố gắng trong học tập. Vì thời điểm này là mùa biển thất nhất trong năm, nên số người đi lao động xa rất nhiều, kéo theo số học sinh có nguy cơ bỏ học rất cao. Trong đó, độ tuổi đang học cấp THCS cao nhất vì các em đã biết lao động, thêm nữa là điều kiện học cấp 3 đối với học sinh nơi đây còn khó khăn. Bởi Trường THPT Viên An và THPT Ngọc Hiển cách xa nơi đây hơn 25 km”.
Trong căn nhà được cất từ Chương trình 167, thuộc diện hộ dân tộc Khmer nghèo, sống với ông bà nội đã ngoài 70 tuổi, chị em Lâm Thị Tú Hà (lớp 8A2, Trường THCS xã Đất Mũi) và Lâm Thị Tú Hường (lớp 3, Trường Tiểu học 1 xã Đất Mũi) vẫn được cha cố gắng làm thuê, đánh lưới để tiếp tục nối dài con chữ.
Hà kể: “Cha mẹ Hà li dị nhau, 2 em sống với cha. Cha em đi làm theo con nước, có khi 1 tuần, 10 ngày mới về nhà. Em ở nhà với ông bà nội. Ban ngày em phụ dọn dẹp nhà cửa, nấu cơm, chăm em và dạy em học bài. Hơn 6 giờ tối, em mới dành thời gian học bài. Đến 1 giờ khuya, em đến vựa thu mua để phân loại tôm, cá khi có ghe chở vào, đến 4 giờ sáng thì về. Mỗi buổi em làm được khoảng 10 kg, mỗi ký được trả công 3.000 đồng. Trưa em lại chuẩn bị cho buổi học chiều”. Dáng Hà gầy, nước da ngăm vì phải gánh vác thêm phần của mẹ. Vậy mà từ lớp 1 đến lớp 8, em đều đạt học sinh khá, giỏi.
Những ngày hè thật sự đã đến, Hà có nhiều thời gian hơn để cáng đáng việc nhà. Vào năm học mới, em sẽ lên lớp 9. Khi được hỏi, nếu đến lúc cha đi làm không đủ tiền nuôi em ăn học nữa thì sao? Em vẫn khẳng định không bao giờ bỏ học. Vì em vẫn được nhà trường, xã hội giúp em tiếp bước đến trường./.
Thảo Mơ