ĐT: 0939.923988
Chủ nhật, 27-7-25 12:52:31
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Chuyện học vùng ven biển

Báo Cà Mau (CMO) Ven các cửa biển của tỉnh có nhiều hộ dân sinh sống bằng nghề đánh bắt ven bờ, cuộc sống bấp bênh và nguy hiểm. Để tạo điều kiện cho người dân ổn định cuộc sống, ngành chức năng tỉnh đã xây dựng và đưa bà con vào các khu tái định cư (KTĐC) tập trung. Tuy nhiên, trong những KTĐC này lại thiếu sinh kế để người dân vươn lên.

Vì thế, có hộ phải đi nơi khác làm ăn nên chuyện học hành của con cái chưa được quan tâm. Nhiều đứa trẻ sống nơi đây tương lai sẽ giống cha mẹ chúng.

“Con chữ rơi rớt” theo... Cái nghèo

Gia đình chị Nguyễn Thị Út Chính (ấp Trùm Thuật, xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời) có 2 người con. Em Trần Huỳnh Duyên học chưa hết cấp THCS đã nghỉ học. Con gái út tên Trần Mỹ Huyên cũng nghỉ học 2 năm rồi. 

Gia đình chị Út Chính không đất sản xuất, về sống tại vàm Kênh Tư đã 16 năm. Mấy năm trước Nhà nước thực hiện chính sách đưa người dân vào KTĐC Trùm Thuật, gia đình chị không có sổ hộ khẩu nên chưa được cấp nền tái định cư. Căn nhà tạm thấp lè tè, nắng thì nóng, mưa thì dột của một hộ dân đã bỏ đi, chị mượn làm tổ ấm.

Những hộ dân sống trong các khu tái định cư chủ yếu bám biển kiếm sống, họ thiếu sinh kế để vươn lên.
Sau dịch Covid-19, nguy cơ "rơi rớt" con chữ càng đáng lo hơn.

Cũng vì không sổ hộ khẩu nên mặc dù hoàn cảnh rất khó khăn nhưng gia đình chị vẫn chưa được công nhận hộ nghèo. Mẹ chị bệnh liệt giường đã nhiều năm, vừa qua, phải phẫu thuật nên vay hơn 30 triệu đồng. Kinh tế gia đình phụ thuộc hoàn toàn vào người chồng làm ngư phủ. Thời gian gần đây, biển thất bát, chị Chính cũng muốn san sẻ với chồng nhưng ngặt nỗi ở địa phương không có sở nào làm. “Đứa con lớn tính cho học nữa nhưng đóng học phí gần 1 triệu đồng. Với lại đi học phải mua xe đạp, sổ sách, đồng phục... Không có tiền nên cho nó nghỉ học”, chị Út Chính buồn bã nói.

KTĐC Trùm Thuật được xây dựng để di chuyển người dân sống ngoài vàm Kênh Tư và dưới chân đê phòng hộ vào ở. Những hộ dân ở đây không đất sản xuất nên bám biển hoặc đi làm thuê kiếm sống. Gia đình bà Bùi Thị Keo có 4 người con. 2 người con lớn đã cho nghỉ học lâu rồi, còn 2 đứa nhỏ bà đang có ý định cho nghỉ vì em Huỳnh Khánh Duy năm nay xong lớp 9, nếu học tiếp phải ra huyện ở trọ đi học. Còn em Huỳnh Duy Khang năm nay cũng xong lớp 5, qua năm lên cấp 2 cũng phải ra xã học. Bà Keo bảo: “Ông xã tôi sức khoẻ ngày càng kém, không còn thức đêm đi bắt ba khía được nữa. Biển lại ngày càng thất bát, cơm gạo đang phải lo từng bữa nên việc cho hai đứa học là vấn đề lớn”.

Càng lo hơn sau dịch Covid-19

Theo quy luật, khi tại địa phương không có việc làm đảm bảo nhu cầu cuộc sống, người dân sẽ đi nơi khác làm ăn, thực trạng trên đang diễn ra tại KTDC Trùm Thuật. Ông Lê Văn Lâm có 4 cháu nội. 2 đứa lớn năm nay 11 tuổi nhưng mới học lớp 2, còn 2 đứa nhỏ 7 và 8 tuổi, học lớp 1. Nguyên nhân các cháu ông học trễ là do theo cha mẹ chúng đi làm phụ hồ ở TP Hồ Chí Minh, không được đi học. Ông Lâm lo cho các cháu nên đã đưa chúng về quê đi học, em Lê Quốc An ước mơ học đại học ngành Công nghệ thông tin để kiếm nhiều tiền, sau này nuôi ông.

Vợ chồng ông Lâm hiểu được tầm quan trọng của việc lo chữ cho thế hệ sau, nhưng chưa bao giờ dám khẳng định sẽ lo cho các cháu được như ước nguyện của chúng. Đặc biệt, mấy tháng qua do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các con ông cũng thất nghiệp, bản thân ông đã ngoài 60 vẫn phải đi làm mướn để có cái ăn, ngày mai ra sao đâu biết được. “Con cái không gửi tiền về thì vợ chồng tôi phải tự chạy lo cho mấy đứa nhỏ. Tôi ráng lo cho mấy đứa nhỏ đi học để nó có chữ, nhưng tương lai sau này tụi nó phải tự lo thôi”, ông Lâm nhìn xa xôi.

Vùng ven biển các huyện U Minh, Trần Văn Thời, Phú Tân... có nhiều KTĐC được xây dựng gần các cửa biển để di dời những hộ dân vào ở tập trung. KTĐC Lung Ranh (Ấp 1, xã Khánh Hội, huyện U Minh) là một trong những khu được đầu tư hạ tầng khá hoàn thiện để đồng bào dân tộc Khmer về ở. Tuy nhiên, cũng như tất cả các KTĐC khác, cái người dân thiếu luôn là sinh kế.

Chúng tôi ghé thăm nhà vợ chồng anh Võ Văn Luyến khi anh vừa đi làm hồ về. Em Võ Kiều Diễm, con gái út anh chị mới cho nghỉ học ở nhà một mình. Cô bé đang học lớp 4, nghỉ học từ sau dịch Covid-19. “Con ở nhà coi nhà cho ba mẹ đi làm”, cô bé 3 năm liền đều là học sinh giỏi rụt rè nói về lý do nghỉ học. Căn nhà chỉ rộng chừng 40 m2 vá ghép bằng tol nhìn qua đã toát lên cảnh khó khăn vì từ trước ra sau không thấy vật gì có giá trị.

Trước đây gia đình anh Luyến ở trong ngôi nhà lá rách nát gần như tệ nhất KTĐC Lung Ranh. Vừa qua, có người thân ghé thăm, thấy sắp đến mùa mưa mà căn nhà thủng trước thủng sau nên cho mượn 20 triệu đồng dựng lại mới được như vậy. Thời gian qua, dịch Covid-19 hoành hành, công việc của vợ chồng anh Luyến bị gián đoạn nên càng khó khăn hơn. “Trường ở cách nhà 7-8 cây số. Vợ chồng tôi đi làm phải kêu xe ôm đưa đón cháu, mỗi tháng khoảng 1 triệu đồng. Trước đây còn ráng được, bây giờ hết khả năng rồi”, anh Luyến trần tình về lý do cho con nghỉ học.

Toàn tỉnh có hơn 80 cửa biển và rất nhiều hộ dân sống ven theo kiếm sống. Sau những ngôi nhà tạm bợ của họ là những dãy rừng phòng hộ, sau rừng là biển cả bao la. Họ cực nhọc với rừng, biển để mưu sinh. Tại KTĐC Trùm Thuật, Lung Ranh, khi dông gió nổi lên tiếng sóng biển vỗ ầm ầm có thể làm người dân thức giấc, nhưng có đánh động được nhận thức của bà con về sự học để đi lên hay không lại là chuyện khác. Đã có những đứa trẻ phải nghỉ học sớm và được định sẵn sẽ nối nghiệp cha mẹ mình bằng con đường mưu sinh chật vật./.

Anh Trương Hoàng Minh (Phó trưởng ấp Lung Ranh): “KTĐC Lung Ranh có 60 hộ dân thì có đến 21 hộ nghèo. Tại đây có trường cấp tiểu học, nhưng năm trước đã thực hiện sắp xếp lớp 3, 4, 5 về trường trung tâm xã. Nhiều hộ khó khăn nhưng phải thuê xe ôm để con đi học. Năm nay lại có kế hoạch đưa cả lớp 1 và 2 về xã. Trên đoạn đường khoảng 8 cây số này chắc con chữ sẽ rơi rớt hết. Mong cấp, ngành liên quan xem xét lại vấn đề này”.
Trong hội nghị kiểm điểm chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh vừa qua, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Nguyễn Minh Luân bày tỏ băn khoăn về vấn đề học sinh nghỉ học. Theo ông Luân, sau dịch Covid-19, học sinh vắng học nhiều. Đáng chú ý, có những gia đình lâm cảnh khó khăn, phải đi làm xa và cho con cái nghỉ học, dù ít nhưng đây là vấn đề rất đang lưu tâm.

Khánh Hưng

Liên kết hữu ích

Cà Mau có 2 đội vào Chung kết Hội thi Tin học trẻ toàn quốc

Cà Mau xuất sắc giành 2 giải Nhất vòng khu vực miền Nam, có 2 đại diện tham dự Vòng chung kết Hội thi Tin học trẻ toàn quốc lần thứ XXXI, năm 2025.

Học mà chơi - chơi mà học

Dịp hè, các lớp dạy năng khiếu diễn ra sôi động tại Nhà Thiếu nhi tỉnh Cà Mau, được nhiều phụ huynh lựa chọn đăng ký cho con em theo học, qua đó giúp con vừa giải trí, vừa phát triển năng khiếu và hạn chế tiếp xúc các thiết bị điện tử.

"Trái ngọt" gọi tên vùng đất khó

Không nằm ở trung tâm, không sở hữu nhiều điều kiện học tập lý tưởng, nhưng Trường THPT Võ Văn Kiệt (xã Phước Long) và Trường THPT Ninh Quới (xã Ninh Quới) vẫn giữ vững thành tích 100% học sinh đậu tốt nghiệp THPT năm 2025. Giữa vùng khó đầy thử thách, 2 ngôi trường như mạch nguồn bền bỉ nuôi dưỡng khát vọng, vun bồi cây tri thức kết thành trái ngọt. Đó là tâm huyết, hành trình vượt khó, không ngơi nghỉ của cả thầy và trò. 

Hành trình chinh phục đỉnh cao tri thức của hai nam sinh Trường THPT chuyên Phan Ngọc Hiển

Những ngày qua, hai nam sinh Trường THPT chuyên Phan Ngọc Hiển: Nguyễn Ngọc Gia Bảo (lớp 12 chuyên Hóa) và Lê Trọng Nguyễn (lớp 12C3) đã mang về niềm tự hào cho gia đình, nhà trường và ngành giáo dục Cà Mau khi cùng đạt thành tích cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025.

Những người bền bỉ "gieo chữ"

Không chỉ vững chuyên môn, tích cực đổi mới phương pháp dạy học, cô Lê Thị Anh Thư và cô Lã Thị Thu Hương, giáo viên Trường Tiểu học Phan Ngọc Hiển (phường An Xuyên) còn là những tấm gương điển hình về lòng yêu nghề, sự tận tâm với học trò. Mới đây, cả hai vinh dự đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh năm 2025.

Thủ khoa Đất Mũi và hành trình mang ước mơ gửi vào màu áo lính

Võ Trương Gia Huấn, nam sinh Trường THPT chuyên Bạc Liêu (phường Bạc Liêu) không chỉ là thủ khoa kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 của tỉnh Cà Mau với tổng điểm 37,5 mà còn đồng thời là thủ khoa khối A00 của tỉnh (Toán 10, Lý 10, Hóa 9,75). Phía sau thành tích đáng nể ấy là câu chuyện đẹp của một chàng trai tự học bền bỉ, sống chân thành, và có ước mơ giản dị: “Phục vụ đất nước trong màu áo Quân nhân”.

Thủ khoa duy nhất toàn quốc khối B00, quê Cà Mau

Em là Trần Đức Tài, nam sinh quê hương Sông Đốc, tỉnh Cà Mau, xuất sắc trở thành thủ khoa duy nhất toàn quốc khối B00 (Toán – Hóa – Sinh) trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Là học sinh Trường THCS - THPT Nguyễn Khuyến, TP Hồ Chí Minh, Đức Tài đạt điểm 10/10 ở cả ba môn, với tổng điểm 30 tuyệt đối.

Cà Mau: Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT 2025 trên 99%

Điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2025 vừa được công bố vào lúc 8 giờ sáng nay. Năm nay, tỉnh Cà Mau (cũ) có tỷ lệ thí sinh đỗ tốt nghiệp đạt 99,26%, tỉnh Bạc Liêu (cũ) có tỷ lệ thí sinh đỗ tốt nghiệp đạt 99,56%. Tỷ lệ tốt nghiệp của tỉnh Cà Mau (mới) đạt 99,37%.

Tỉnh Cà Mau có Tạp chí Khoa học được Hội đồng Giáo sư Nhà nước công nhận tính điểm

Chiều 15/7, Trường Đại học Bạc Liêu tổ chức Hội nghị công bố quyết định thành lập Tạp chí Khoa học Trường Đại học Bạc Liêu (tạp chí in và tạp chí điện tử) và bổ nhiệm Tổng Biên tập.

Tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh theo cha mẹ về Cà Mau công tác

Sau sáp nhập đơn vị hành chính, ngành giáo dục Cà Mau khẩn trương bố trí trường lớp cho hơn 450 học sinh theo cha mẹ từ tỉnh Bạc Liêu (cũ) chuyển về, với phương châm "vướng đâu gỡ đó", đảm bảo không để học sinh nào bị gián đoạn trước thềm năm học mới 2025-2026.