ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 22-11-24 15:49:38
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Chuyện mùa thi

Báo Cà Mau (CMO) Về vùng đất Cà Mau thấy chuyện thi cử của các em mà ấm lòng, ấm dạ. Nhớ đợt giãn cách xã hội hồi đầu tháng 4, nghe tin một số em học sinh cuối cấp ở Viên An, Ngọc Hiển bỏ học mà thương. Các em nghỉ học vì đò không chạy, đường sá cách trở. Chúng tôi nghe thầy Lê Biên Giới, trường THPT Viên An nói mà canh cánh trong lòng: “Một số em muốn nghỉ học đi mần phụ giúp ba mẹ”.

Nhưng rồi chính quyền địa phương, nhà trường ra sức vận động, rốt cuộc, các em cũng đi đến kỳ thi tốt nghiệp THPT. Nói gì thì nói, đời người có mấy kỳ thi, kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn là cái gì đó đầu tiên, lớn lao và lo lắng.

Đồng hành cùng học sinh

Có lẽ trong đợt thi này, duy nhất điểm thi C15 gồm thí sinh từ 2 huyện Năm Căn và Ngọc Hiển tổ chức được việc đưa rước tập trung bằng ô tô. Thông tin bên lề của kỳ thi đều cho rằng, năm nay chuyện thi cử chắc sẽ nhẹ nhàng. Điều này chỉ đúng một phần ở nội dung của đề thi. Còn riêng công tác chuẩn bị, thật công phu và kỹ lưỡng. Bởi kỳ thi năm nay không chỉ để thi, mà thi còn để chống dịch, thi để thấy rằng đất nước đang kiểm soát tốt dịch bệnh. Người thi rồi vẫn còn ngoáy cổ lại để bùi ngùi, vẫn còn nhiều bạn bè trang lứa vì dịch bệnh mà chưa được thi cử như mình.

Trường THPT Ngọc Hiển tổ chức ăn nghỉ, đưa đón tập trung, cô giáo gần gũi chia sẻ, động viên thí sinh. Ảnh: Quốc Rin

Ghé thăm cô trò trường THPT Ngọc Hiển, huyện Ngọc Hiển về trọ ở Năm Căn để tiện việc thi cử, biết thêm nhiều chuyện vui. Chắc ít nơi, khi thi tốt nghiệp THPT mà thầy cô phải khăn gói cùng học trò đi thi. Có học trò còn nhì nhèo với cô giáo: “Hổng có cô đưa con đi thi buồn lắm!”. Ngọc Hiển cách Năm Căn đâu xa, nhất là khi cầu Năm Căn thông suốt đường bộ giữa 2 huyện. Nhưng theo cô Huỳnh Ngọc Thảo thì: “Nhà trường đưa ra phương án tập trung các em về trọ ở ngay gần điểm thi, từng điểm sẽ có giáo viên của trường phụ trách để thuận tiện hơn trong thi cử”.

Giáo viên kịp thời hỗ trợ thí sinh tại kỳ thi.  Ảnh: Ngô Nhi

Buổi thi môn Ngữ văn xong, cô Thảo cùng học trò về phòng nghỉ, tranh thủ rà lại đáp án của đề thi. Em Hồ Mỹ Trang Đài thủ thỉ: “Lên Năm Căn hổng xa, mà đi thi hồi hộp lắm, có cô giáo đi theo thì còn gì bằng”. Hết ngày thi thứ nhất, Trang Đài làm bài thi tốt, nhất là môn Ngữ văn. Còn bạn nam Nguyễn Phúc Nguyên, cùng học trò của cô Thảo thì tâm đắc: “Nhờ có cô đi theo mà tụi em không ngủ quên, mang đủ các đồ dùng cần thiết cho thi cử”. Đến đây, chợt nhớ tới mấy trường hợp không may của thí sinh Cà Mau trong mùa thi năm nay, 1 em ở điểm thi THPT Hồ Thị Kỷ đi muộn không được vào thi, 1 em ở Đầm Dơi may mắn hơn, ngủ quên nhưng được đón kịp thời.

Chở... mẹ đi thi!

Năm nay, có một thay đổi lớn ở trước các điểm thi, đó là tình trạng phụ huynh tập trung đông để chờ con em mình. Vậy rồi chúng tôi để ý thấy một cô ngồi khép nép cạnh rạp của lực lượng thanh niên tình nguyện ở điểm thi C15. Hỏi cô đưa con đi thi phải không, cô trả lời rất nhỏ: “Ừ, cô đưa con trai đi thi. Mà nó chở cô đi, chớ cô đâu biết chạy xe”. Từ ấp Biện Trượng, xã Lâm Hải ra thị trấn Năm Căn ngót 15 cây số, vậy mà cô nhất quyết phải ngồi theo xe con trai tới bằng được điểm thi. Hỏi cô đi chi cực vậy, cô trả lời: “Hồi đó, chế nó cô cũng theo đi thi. Học cao đẳng rồi về bán tiệm thuốc, cô đi cho con cô…hên, thi đâu đậu đó”.

Cô Lương Thị Phải rất vui vì con trai Đinh Văn Nhân làm được bài thi  Ảnh: Quốc Rin

Cô tên Lương Thị Phải, quê gốc Bạc Liêu. Về Năm Căn lập nghiệp mà không có cục đất chọi chim, đành lấy nghề làm thuê, làm mướn làm kế sinh nhai. Dù khổ cực, nhưng điều hạnh phúc nhất của cô là có 2 đứa con chăm ngoan, chịu khó học hành. Con gái lớn của cô đã tốt nghiệp, có công ăn việc làm, bây giờ lo tới con trai út. Thức dậy từ 4 giờ sáng, cô dặn con chuẩn bị đồ đạc, ghé quán cho con trai ăn sáng, tới điểm thi. Rồi buổi thi cũng kết thúc, thí sinh Đinh Văn Nhân, trường THPT Phan Ngọc Hiển cũng tươi rói bước ra: “Má ơi! Con làm bài được lắm”.

Nhiều phụ huynh dầm mưa chờ đón con. Ảnh: Hữu Nghĩa

Em Nhân học lực khá, nguyện vọng thi ngành cơ khí, bởi lý do: “Em theo học ngành này chắc mai mốt dễ xin việc làm. Em sợ học tốn tiền, rồi không có việc làm, khổ ba má lắm”. Vợ chồng cô Phải trình độ không bằng ai, tài sản không có gì đáng kể, vậy nên chuyện chăm lo cho con học hành là ưu tiên cao nhất. Nhưng nghĩ tới đó chỉ mới đúng chớ chưa đủ, cô Phải trải lòng: “Giờ mà không tính, mai mốt nó ra trường thất nghiệp, có bằng cấp mà đi làm mướn thì tội lắm”.

Cùng con vượt khó

Nhà ở tận ấp 4 xã Khánh Hội, huyện U Minh. Để con chủ động về giờ giấc mới non 5 giờ sáng là mẹ con bà Lê Thị Ngon bắt chuyến xe buýt sớm nhất để đi huyện. Đưa con đến tận cổng trường bà Ngon không ngừng dặn dò đủ thứ: “Bình tĩnh mà làm bài nghe con, đọc kỹ đề coi người ta yêu cầu gì hả làm, mẹ ở ngoài này đợi”. Chỉ nhắn nhủ đôi lời vậy thôi rồi bà hất hất tay ra dấu kêu thằng con vô cổng cho kịp giờ.

Lựa cái chòi nước làm điểm dừng chân trong khi chờ con, xác định nguyên ngày nay là ở huyện nên trước khi đi bà đã sạc đầy pin cho điện thoại, phòng khi ở nhà có ai gọi ra hỏi thăm tình hình thì cũng có máy để trả lời.

Tựa lưng bất cứ nơi nào để đợi con hoàn thành bài thi. Ảnh: Ngô Nhi

Ngồi cùng với bà Ngon còn có bà Đỗ Hồng Út, ấp 6 xã Khánh Lâm, cũng như mọi bậc làm cha mẹ, hôm nay bà Út cũng đưa con đi thi.

Bà Út tâm tình: “Bữa nay tôi với ổng đi một chiếc xe rồi kêu thêm một chiếc xe ôm nữa chở con. Trước đó ổng (chồng bà Út) kêu tôi ở nhà đi để tôi đi với con được rồi nhưng tôi nhất quyết theo, chớ ở nhà cũng không làm được gì hết, theo cho yên tâm”.

 Mỗi người một tâm trạng nhưng ai nấy đều mong con làm bài thi suôn sẻ. Ảnh: Ngô Nhi

Những con người xa lạ nay bỗng chốc thành quen, họ có cùng một chủ đề để bàn là về con, về kỳ thi và những lo lắng, trăn trở xung quanh về kỳ thi của con. vậy là, ngoài hình ảnh thí sinh hối hả cho ngày thi thì đâu đó vẫn còn hình ảnh người cha, người mẹ túc trực bên ngoài cổng chẳng khác nào như đứng trên đống lửa, ngồi trên đống than. Thế mới thấy, con đường tìm đến tri thức, các thí sinh đâu chỉ dấn bước một mình, mà xung quanh các em là bóng dáng của thầy cô, cha mẹ, ông bà...luôn dõi theo từng giờ, từng phút./.

Quốc Rin-Ngô Nhi

 

 

 

 

 

Cậu học trò đam mê Tin học

Ðam mê Tin học, cộng với đức tính cần cù, chăm chỉ trong rèn luyện và học tập, cậu học trò Cao Nguyên Khang, Lớp 12A, Trường THPT U Minh, thị trấn U Minh, không chỉ duy trì thành tích học sinh khá giỏi mà còn sở hữu nhiều thành tích ấn tượng tại các cuộc thi Tin học.

Phạm Ðức Thuận và giải thưởng Ðại sứ Văn hoá đọc

Chọn đề tài viết tiếp tác phẩm "Bến quê" của Nhà văn Nguyễn Minh Châu và đề xuất nhiều sáng kiến, kinh nghiệm phát triển văn hoá đọc cho học sinh vùng sâu, vùng xa, Phạm Ðức Thuận, Lớp 10A1, Trường THPT Ðầm Dơi (huyện Ðầm Dơi) đoạt giải Khuyến khích toàn quốc cuộc thi Ðại sứ Văn hoá đọc năm 2024.

Trao 11 suất học bổng, 50 suất quà cho học sinh

Ngày 16/11, tại trường THCS Ngọc Chánh (huyện Đầm Dơi), Đoàn khối Dân chính đảng phối hợp trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau trao tặng 11 suất học bổng, 50 suất quà cho học sinh trong chương trình Nâng bước đến trường.

Gặp gỡ hai thủ khoa đầu vào ngành Sư phạm

Thầy Phạm Việt Hưng, Hiệu trưởng Trường THPT Ðầm Dơi (huyện Ðầm Dơi), cho biết, nhà trường vừa đón nhận niềm vui có hai em học sinh của trường là thủ khoa đầu vào ngành Sư phạm. Cụ thể, em Nguyễn Hải Ðăng, thủ khoa ngành Sư phạm Toán học tại Trường Ðại học Cần Thơ và em Bùi Hải An, thủ khoa ngành Sư phạm Lịch sử - Ðịa lý tại Trường Ðại học Sài Gòn.

Nâng chất giáo dục mầm non

Huyện Ngọc Hiển có 8 trường mầm non, mẫu giáo, trong đó có 4 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 và 2 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, với tổng số hơn 1.600 trẻ theo học. Những năm qua, huyện quan tâm đầu tư cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị dạy học, sân chơi cho trẻ theo hướng ngày càng chuẩn hoá, đáp ứng điều kiện chăm sóc, giáo dục, góp phần nâng cao tỷ lệ huy động trẻ đến trường.

Gương sáng cô giáo Trần Hồng Măng

Những năm qua, Chi uỷ Trường Tiểu học Nguyễn Văn Huyên, thị trấn U Minh, huyện U Minh luôn quan tâm chỉ đạo đảng viên trong trường nghiêm túc thực hiện việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, xem đây là một trong những phong trào thi đua thiết thực từng năm học. Quá trình thực hiện, trong Chi bộ đã xuất hiện nhiều cá nhân điển hình tiên tiến, cô giáo Trần Hồng Măng là một trong số đó.

Học để thoát nghèo

Cái nghèo đeo bám gia cảnh khiến giấc mơ nối dài con đường học tập của những bạn trẻ này không hề dễ dàng. Biến khó khăn thành động lực phấn đấu, hành trang bước vào đời là sự cố gắng không ngừng, cùng những vòng tay nhân ái luôn che chở - tất cả đã tạo nên sức mạnh để các bạn bước tiếp trên hành trình chinh phục tri thức.

Giáo dục sức khoẻ giới tính trong học đường

Nhằm thực hiện công tác giáo dục sức khoẻ giới tính trong lứa tuổi vị thành niên, thời gian qua, Chi cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình (DS-KHHGÐ) đã đẩy mạnh hoạt động tư vấn trực tiếp, cung cấp kiến thức về vấn đề giới tính cho học sinh tại các trường THCS, THPT trên địa bàn tỉnh.

Trao bằng tốt nghiệp cho trên 400 tân thạc sĩ, dược sĩ, cử nhân

Năm học 2023-2024, Phân hiệu  trường Đại học Bình Dương tại Cà Mau đã đào tạo hơn 2.000 người học các hệ chính quy và sau đại học, kết hợp linh hoạt giữa hình thức học trực tiếp và trực tuyến, góp phần tạo điều kiện để người học có thể tham gia học tập mọi lúc mọi nơi. Theo đó, có 410 tân thạc sĩ, dược sĩ, cử nhân được trao bằng tốt nghiệp.

Tìm giải pháp nâng chất lượng thi tốt nghiệp THPT

Năm 2024, tỷ lệ tốt nghiệp THPT của tỉnh đạt 99,11%, giảm so với 2 năm gần nhất là 2022 (99,16%) và 2023 (99,22%), nhưng tỷ lệ điểm trung bình của tất cả các bài thi/môn thi tăng so với 4 năm liền kề. Từ đó cho thấy, chất lượng dạy và học tăng lên. Theo tổng hợp, điểm trung bình chung trong 5 năm cao hơn 0.01 điểm, xếp hạng trên 1 bậc so với khu vực và cả nước.