ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 21-6-25 14:47:56
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Chuyện về gia đình người thương binh 2/4

Báo Cà Mau Quê hương Cà Mau sản sinh biết bao người con ưu tú anh dũng, kiên cường, góp phần to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Câu chuyện về gia đình ông Nguyễn Thành Do (Sáu Do) ở ấp Tân Hoà, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước, càng tô đậm thêm truyền thống anh hùng của xứ sở.

Cả nhà đều tham gia cách mạng

Trong không khí tự hào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chúng tôi có dịp gặp gỡ ông Nguyễn Thành Do (Sáu Do) tại chính căn nhà của ông ở ấp Tân Hoà, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước. Nơi đây đã vinh dự được chọn làm địa điểm họp mặt truyền thống của Trung đoàn 1 - U Minh mà ông từng gắn bó và cống hiến.

Hình ảnh người thương binh 2/4 chỉ còn một cánh tay, trong bộ quân phục cựu chiến binh, ngực áo lấp lánh huân, huy chương, ánh mắt hướng về phía con lộ trông ngóng những đồng đội năm xưa, đã để lại trong chúng tôi ấn tượng sâu sắc. Mỗi cái nắm tay, mỗi lời nhắc nhớ kỷ niệm, nụ cười rơm rớm nước mắt càng thấy rõ tình đồng chí thiêng liêng trong những năm tháng chiến đấu ác liệt. Những câu chuyện về gia đình ông, về quê hương một thời khói lửa được khơi gợi, lan toả...

Gia đình ông Sáu Do có 7 anh em trai, điều đáng tự hào là tất cả họ, khi vừa 15, 16 tuổi đã hăng hái lên đường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Ba người anh của ông đã anh dũng hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Những người còn lại tham gia lực lượng du kích xã. Nối gót các anh, năm 15 tuổi, ông Sáu Do tham gia du kích xã Thạnh Phú. Ðến năm 1968, ông được lệnh bổ sung vào Ðại đội súng máy cao xạ của Trung đoàn 1 - U Minh, tham gia chiến đấu trên khắp chiến trường Tây Nam Bộ.

Ông Nguyễn Thành Do (bên phải) xúc động gặp lại đồng đội trong buổi họp mặt truyền thống của Trung đoàn 1 - U Minh.

Ông Nguyễn Thành Do (bên phải) xúc động gặp lại đồng đội trong buổi họp mặt truyền thống của Trung đoàn 1 - U Minh.

Ông Sáu Do xúc động kể: “Người rèn cho chúng tôi ý chí kiên cường chính là mẹ tôi, Mẹ Việt Nam anh hùng Hồ Thị Mỹ. Từ khi tôi còn nhỏ, mẹ đã hoạt động giao liên bí mật, rồi đảm nhận vai trò Tổ trưởng Tổ Mẹ chiến sĩ, hoạt động trong Hội Phụ nữ. Ba lần tiễn con đi, mẹ đều không nhìn được mặt con lần cuối, mỗi khi nhận thư báo tử, mẹ đau đớn vật vã, nhưng không cho phép mình ngã gục, vì nợ nước, thù nhà. Mẹ miệt mài hoạt động cho tới ngày giải phóng, rồi tiếp tục góp sức cho địa phương thông qua công tác hội phụ nữ, vận động chị em nỗ lực lao động, sản xuất, gầy dựng lại xóm làng”.

Không lâu sau, chúng tôi trở lại gặp ông Sáu Do, duyên may ngay lúc đám giỗ của mẹ Hồ Thị Mỹ, một lần nữa được lắng nghe những câu chuyện hy sinh của mẹ và các thành viên trong gia đình mà ông Sáu Do kể lại cho con cháu nghe, thật xúc động. Họ cùng nhau tưởng nhớ công ơn người đi trước, nguyện tiếp nối truyền thống quý báu, ra sức cống hiến cho quê hương.

Mất một cánh tay vẫn chiến đấu

Ông Sáu Do nhớ nhất những trận đánh ác liệt ở Thứ 11, An Biên, Rạch Giá; đánh địa bàn Long Mỹ, Phụng Hiệp, Cần Thơ; địch tập trung tấn công, có lúc lên đến 70 tiểu đoàn bộ binh, rồi xe tăng, xe bọc thép... 4 lần bị thương chí mạng nhưng ông Sáu Do vẫn tiếp tục chiến đấu. Trận đánh vào chiều 26/3/1973, ông Sáu Do đã để lại chiến trường cánh tay trái.

Lúc bấy giờ, ông là Ðại đội trưởng Ðại đội súng máy cao xạ, chỉ huy tập kích xe bọc thép ở xã Hoà An, huyện Phụng Hiệp. Lực lượng địch đông, ông Sáu Do lệnh cho anh em vào công sự, chờ thời cơ, còn ông với khẩu súng AK ngồi ngoài mé công sự nắm tình hình. Thấy nguy hiểm, đồng đội nhiều lần thúc giục, ông quyết định vào công sự, nhưng chiếc máy PRC-25 dùng để nghe tin tức địch còn bên ngoài, ông quay lại thì trái pháo nổ gần đó, trúng vào cánh tay, đứt động mạch.

“Máu chảy rất nhiều, tôi kêu người dùng băng gạt nhét chặt vào vết thương, rồi cố gắng bình tĩnh để anh em tiếp tục hành quân; sau đó được anh em đưa xuống xuồng chở về đội phẫu. Nước chảy ngược, bơi rất vất vả, phải hơn 6 giờ sáng hôm sau mới tới nơi. Mọi người khẩn trương luộc khử trùng các dụng cụ y tế để tiến hành mổ, sau bao nỗ lực, đến 3 giờ chiều đành phải cưa bỏ cánh tay. Không đủ thuốc tê, dùng cưa sắt để cưa, thật là đau đớn, mọi người cố gắng chỉ mong giữ lại mạng sống cho tôi. Càng xúc động hơn, khi tỉnh lại, mới biết nguồn máu truyền cứu tôi là của Nhân dân Cu Ba hiến”, người thương binh 2/4 kể lại.

Chiến trường miền Nam năm 1974 ác liệt. Sau khi hồi phục sức khoẻ, được đơn vị gợi ý về an dưỡng, nhưng ông Sáu Do nhất mực ở lại cùng đồng đội chiến đấu. Ở tuổi 26, còn một cánh tay, ông Sáu Do nhận nhiệm vụ Chính trị viên Ðại đội pháo DKZ; tiếp tục sát cánh cùng Tiểu đoàn 307, Tiểu đoàn 303 đánh các chi khu, phân chi khu ở Vĩnh Long, Trà Vinh. Trong những lần đối mặt với kẻ thù hùng mạnh, ông Sáu Do bình tĩnh, mưu trí, chỉ huy tác chiến trong tình thế quân ta người ít, đạn ít, mọi quyết định phải kỹ càng và phải thật chính xác.

Ông Sáu Do kể: “Trận đánh Chi khu Ba Càng - Vĩnh Long tháng 4/1975 tôi mãi vẫn chưa quên. Quân ta tập trung lực lượng tiến công địch, đánh chiếm và làm chủ khu vực phà Mỹ Thuận trên Sông Tiền và phà Cần Thơ trên Sông Hậu, không cho địch cơ động lực lượng lên ứng cứu Sài Gòn và rút lực lượng từ miền Ðông về co cụm ở Vùng 4 chiến thuật. Lúc đó quân ta hy sinh nhiều do địch sử dụng hoả lực quá mạnh, đồng đội khuyên tôi ở lại phía sau để chỉ huy, nhưng tôi nhất quyết ra chiến trường cho đến ngày toàn thắng”.

Sau ngày đất nước thống nhất, ông Sáu Do cùng cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn 1 tiếp tục vượt biển giải phóng đảo Thổ Chu, Hòn Ông, Hòn Bà, đánh tan 2 tiểu đoàn Pol Pot. Cho đến năm 1978, ông Sáu Do mới về nhận nhiệm vụ Giám đốc Trung tâm Giáo dục lao động ở Cái Tàu, rồi Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Cà Mau, nghỉ hưu năm 2002.

Cuộc đời binh nghiệp của ông Sáu Do là minh chứng cho tinh thần chiến đấu quả cảm, sự tận tuỵ với Tổ quốc và trách nhiệm cao cả đối với Nhân dân.

Câu chuyện hy sinh và truyền thống cách mạng quý báu của gia đình ông Do mãi là tấm gương sáng cho các thế hệ mai sau.

Câu chuyện hy sinh và truyền thống cách mạng quý báu của gia đình ông Do mãi là tấm gương sáng cho các thế hệ mai sau.

Không chỉ anh dũng trên chiến trường, thương binh 2/4 Nguyễn Thành Do còn là tấm gương sáng về ý chí và nghị lực trên mặt trận kinh tế. Với tinh thần "tàn nhưng không phế", ông cùng gia đình cần cù lao động, phát triển mô hình sản xuất tôm - lúa kết hợp trồng cây ăn trái và nuôi cá, mang lại cuộc sống ổn định và sung túc. Niềm tự hào của gia đình còn nhân lên gấp bội khi 2 người con của ông đều thành đạt, đang tích cực đóng góp trí tuệ và sức lực vào công cuộc xây dựng quê hương Cà Mau ngày càng đổi mới và phát triển.

Câu chuyện về gia đình ông Nguyễn Thành Do thực sự là một biểu tượng sáng ngời cho truyền thống cách mạng kiên cường, bất khuất của người dân Cà Mau. Từ sự tham gia chiến đấu dũng cảm của những người anh trong gia đình đến những chiến công và sự hy sinh cao cả của bản thân ông Sáu Do, đã tô điểm cho trang sử hào hùng và đáng tự hào cho mảnh đất cuối trời Tổ quốc này. Câu chuyện của họ sẽ mãi là tấm gương sáng cho các thế hệ mai sau./.

 

Mộng Thường

 

Những khó khăn, thách thức của người làm báo trong thời kháng chiến

Mùa khô năm 1964, lần thứ hai tôi theo mẹ từ Bến Tre vào Cà Mau thăm ba tôi đang làm ruộng và dạy học tư ở Kinh Hãng Giữa... Ba tôi bất hợp pháp kể từ năm bác ruột thứ tư của tôi - 1 trong 12 người Việt Minh làng Ba Mỹ bị giặc Pháp bắt chặt đầu ở bót Nhà Việc Mỹ Chánh năm 1946... Lần này, ba tôi không cho tôi trở về quê nữa, vì về ngoải mai mốt lớn lên tụi giặc nó bắt lính... Thế là tôi phải ở lại trong này, thành công dân Cà Mau từ đó.

Báo chí cách mạng Cà Mau góp phần động viên, cổ vũ kháng chiến

Báo chí cách mạng không những góp phần động viên, cổ vũ mà còn là “vũ khí sắc bén” trong các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược, thống nhất đất nước. Lịch sử dân tộc Việt Nam là lịch sử của những cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước vĩ đại. Trong nhiều loại vũ khí chống chọi với quân thù, có một thứ vũ khí “thanh cao mà đắc lực”, “có sức mạnh hơn mười vạn quân”. Ðó là văn chương nghệ thuật, đặc biệt là văn chương, báo chí cách mạng Hồ Chí Minh.

Từ Báo Chiến đến Báo Cà Mau

Từ những năm 1946, trong giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, tờ báo của Ðảng bộ tỉnh chúng ta ra đời, có tên là báo Chiến, thời đó bao gồm 2 tỉnh, Cà Mau và Bạc Liêu ngày nay. Báo Chiến ra mỗi tuần 1 kỳ, 4 trang, khổ giấy manh, in bằng giấy sáp.

Tây Nam Bộ lịch sử qua ống kính (1954-1975)

Được phát hành vào tháng 4 vừa qua, tập sách ảnh đen trắng “Tây Nam Bộ kháng chiến - Lịch sử qua ống kính (1945-1975)” truyền đi thông điệp mạnh mẽ về khát vọng hoà bình, độc lập, tự do, thống nhất đất nước. Ðây là công trình kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), 100 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2025).

Kỷ vật trở về

Ông Ðinh Anh Toàn, Phó Giám đốc Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh Cà Mau, cho biết: Tỉnh nhận 465 bộ hồ sơ cán bộ "đi B" từ Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III, 2 lần tổ chức trao lại gần 40 hồ sơ, hiện vật. Những buổi lễ trang trọng ấy không chỉ là sự kiện trao trả kỷ vật mà còn là những cuộc hội ngộ của ký ức, tiếp thêm niềm tin và hy vọng cho hành trình đi tìm dấu vết người thân, kéo dài hơn nửa thế kỷ.

Nhà báo Trần Ngọc Hy một lòng trung kiên, bất khuất

Năm 1943, tốt nghiệp Diplôme, Trần Ngọc Hy về quê tham gia phong trào nông dân đấu tranh chống bọn địa chủ ác bá, chống bọn chính quyền tay sai hà khắc bóc lột nông dân, chống sưu cao thuế nặng.

Ký ức Dớn Hàng Gòn

56 năm đã trôi qua, nhưng những ký ức về trận B52 Mỹ rải thảm huỷ diệt gần 2 cây số kinh Dớn Hàng Gòn ngày 11/9/1969 (âm lịch) gây biết bao đau thương, tang tóc vẫn còn được người dân nơi đây lưu giữ để nhắc nhớ về giá trị của hoà bình, thống nhất cho thế hệ sau. Chúng tôi tìm gặp những nhân chứng để kể lại chuyện xưa, không phải để khơi lại nỗi đau, mà phác hoạ cho đầy đủ thêm diện mạo của đất và người Khánh Lâm anh hùng.

Người về từ trại VII

Men theo con đường bê tông cặp bờ sông từ chùa Ông Bổn đi về hướng Tắc Thủ một quãng ngắn, rồi rẽ vào con hẻm nhỏ sâu hút vừa đủ chiếc xe hai bánh qua, tôi đến nhà ông Trương Văn Liền, nguyên Phó chủ tịch Hội Cựu tù Chính trị TP Cà Mau. Căn nhà vừa được sửa chữa, tường vôi màu xanh nhạt, nền lát gạch sáng bóng, chừng như ông lo trước cho ngày kết cục của mình nên chừa một khoảng sân khá rộng, mấy ngọn gió chui vào lắt lay khóm trúc kiểng, người cùng hẻm khen ông có số hưởng được lộc trời.

Chuyện về gia đình người thương binh 2/4

Quê hương Cà Mau sản sinh biết bao người con ưu tú anh dũng, kiên cường, góp phần to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Câu chuyện về gia đình ông Nguyễn Thành Do (Sáu Do) ở ấp Tân Hoà, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước, càng tô đậm thêm truyền thống anh hùng của xứ sở.

Nhà báo - Anh hùng Trần Ngọc Hy khí tiết lưu danh

Hiếm có mảnh đất nào lại có truyền thống báo chí cách mạng đầy tự hào như ở Cà Mau khi có đến 3 nhà báo là liệt sĩ, anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân (LLVTND): Phan Ngọc Hiển, Trần Ngọc Hy và Nguyễn Mai. Đó là những đại diện ưu tú nhất, thể hiện đầy đủ khí phách, tài hoa, tấm lòng tận hiến của những người làm báo Cà Mau với sự nghiệp cách mạng. Trong đó, Nhà báo - Liệt sĩ, Anh hùng LLVTND Trần Ngọc Hy đã để lại những dấu ấn sâu đậm, niềm tự hào lớn lao và cảm hứng dào dạt để những thế hệ người làm báo tiếp nối ở Cà Mau nghiêng mình ngưỡng vọng, tri ân và kế tục.