(CMO) Ông gọi cho tôi và nói nhanh qua điện thoại: “Việc sản xuất vũ khí của Xưởng Quân giới Cà Mau, cháu đã có viết, nhưng còn chuyện này mấy chú chưa kể…”.
Vậy là một ngày cuối tuần, tôi xuống đường Lý Văn Lâm (Phường 1, TP Cà Mau), qua khỏi Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh một đỗi để tới nhà ông. Hơi giật mình vì thấy ông xuống sức nhanh so với mấy lần gặp trước, chân không còn nhanh nhẹn, tóc bạc nhiều hơn. Cũng phải, ông đã ở tuổi “bát thập” có dư rồi còn gì. Mừng là đầu óc ông còn khá minh mẫn và giọng nói thì vẫn sang sảng như ngày nào.
Ông “vào đề” ngay sau vài câu thăm hỏi: “Chú muốn kể chuyện đưa gần 20 tấn máy móc của Xưởng Quân giới Cà Mau vượt sông Tam Giang giữa lúc “Hạm đội nhỏ trên sông” hoành hành dữ dội. Giờ nhớ lại vẫn còn thấy hồi hộp trong lòng...”.
Những năm sau tổng tiến công và nổi dậy của quân, dân ta Xuân Mậu Thân 1968, giặc điên cuồng phản công. Tại rừng đước Năm Căn, nơi có nhiều cơ quan của tỉnh, của Khu đang hoạt động, bọn chúng ngoài dập bom, phóng pháo, cho bộ binh đi càn, rải chất độc hoá học hòng huỷ diệt, còn dùng chiến thuật “Hạm đội nhỏ trên sông” ngày đêm tuần tra phong toả sông Tam Giang, nhằm cắt đứt sự viện trợ từ đồng bằng, chia cắt, cô lập vùng căn cứ.
Ông Nguyễn Tấn Phát (nguyên Phó giám đốc Xưởng Quân giới Cà Mau - bên phải) và ông Ðào Hồng Hải (nguyên Trưởng ban Kỹ thuật xưởng) trong một lần thăm lại máy móc của Xưởng Quân giới Cà Mau, trưng bày tại Phòng Truyền thống Tỉnh đội. |
Lúc này, Xưởng Quân giới Cà Mau đang đóng ở rạch Bà Bường (xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển). Ðể thuận lợi cho việc sản xuất và cung cấp vũ khí cho bộ đội tác chiến, Tỉnh uỷ và Tỉnh đội chỉ đạo phải dời xưởng ngược về đồng bằng, miệt kênh Ông Ðơn (xã Thanh Tùng, huyện Ðầm Dơi ngày nay). Lệnh đã có, nhưng việc di dời phân xưởng tiện (phân xưởng có nhiều máy móc nhất chuyên hàn, tiện, sản xuất vũ khí bắn như: lăn-xà-bom, B50 và nhiều loại vũ khí khác) do ông là Nguyễn Tấn Phát - Ba Phát làm Phó giám đốc Xưởng Quân giới Cà Mau, kiêm phụ trách phân xưởng, vẫn chưa thực hiện được.
“Cả dàn máy tiện, máy hàn, khuôn dập… gần 20 tấn, di chuyển qua sông Tam Giang lúc đó đâu phải chuyện đơn giản. Trước hết mình phải tìm được nơi cất giấu máy móc an toàn ở bên kia, dời qua “ém” tạm, sau đó tính tiếp việc vận chuyển về địa điểm mới. Rồi còn phải “nằm đường” nắm quy luật tuần tra của tàu địch; coi con nước lúc nào phù hợp nữa. Mà lúc ấy bọn giặc cứ đánh tới, đánh tới hoài nên chưa thể di dời được”, ông phân trần.
Ông nhớ lại: “Hôm đó, mới 6 giờ sáng, giặc cho máy bay đánh ngay khu vực xưởng. Ðội chiến đấu bảo vệ xưởng đánh giằng co với chúng từ sáng tới trưa. Thấy tình hình không ổn, tôi chỉ đạo anh em rã hết máy móc của phân xưởng ra, khiêng dọn ngay xuống xuồng di chuyển ra khu vực rừng chồi. Vì mình phán đoán khu vực này bọn chúng ít chú ý, chủ yếu chúng tập trung đánh vào rừng rậm bởi có nhiều cơ quan của Khu, của tỉnh đang đóng. Từ trưa tới chiều, chúng tiếp tục cho nhiều đợt máy bay phóng pháo, quần đảo. Anh em bảo vệ vẫn bám theo, chiến đấu ngoan cường, tới 5 giờ chiều mới đẩy lùi được chúng. Mừng là con người và máy móc đều an toàn hết”.
Thấy bị lộ, không thể nào bám lại được nữa, ngay trong đêm đó ông quyết định bỏ căn cứ, chuyển hàng đi “ém” và gấp rút tính phương án vượt sông. “Vậy là 10 chiếc xuồng, mỗi chiếc từ 1,5-2 tấn chở đầy máy móc được đưa về ngọn Cả Chồn Lớn (cách đó gần 3 cây số) để nguỵ trang, cất giấu. Nơi này nước sâu, khi thời cơ thuận tiện là mình vận chuyển ra ngoài, vượt sông ngay. Chứ máy móc nặng mà để trong rạch cạn thì khó chủ động lắm”, ông giải thích.
Sau khi liên hệ và chọn được địa điểm tạm cất giấu hàng là Trại giam huyện Duyên Hải (Năm Căn ngày nay), ở kênh Cây Mắm (từ sông Tam Giang vô khoảng cây rưỡi số), ông tiến hành cho người đi trinh sát nắm tình hình.
“Anh em phải mất cả tuần theo dõi để nắm quy luật đi tuần tra của các tàu địch, sự xoay vòng của con nước, rồi về báo cáo. Cuối cùng chúng tôi quyết định qua sông lúc 6 giờ tối. Khi đó vừa né được cữ tuần tiễu của tàu địch, lại ngay nước lớn gần đầy sông, nếu có sự cố, chẳng hạn xuồng chết máy, thì hỗ trợ tới vàm Cây Mắm là nước lớn sẽ đẩy xuồng vào kênh. Chứ nếu bố trí ngay nước ròng, rạch cạn và chảy ngược ra, có sự cố là rất nguy hiểm”, ông diễn giải. Ðó là vào khoảng cuối năm 1971.
Câu chuyện tiếp tục trong hồi hộp: “Kế hoạch đâu đó xong xuôi, máy móc đang vận chuyển ra sông thì có tin bọn biệt kích vô ngọn Cả Chồn Lớn để đánh trạm kiểm lâm. Lúc đó, từ ngọn Cả Chồn Lớn đi ra có 2 đường rẽ, đường rẽ bên phải vô kênh Ba Láng là nơi trạm kiểm lâm đóng; đi thêm đoạn nữa tới đường rẽ trái là vô kênh tẻ thông ra Ðường Ðào tới nơi tập kết máy móc chuẩn bị vượt sông. Ðoàn vận chuyển vừa vào kênh tẻ thì xuồng chở bọn biệt kích chạy qua để vô kênh Ba Láng. Lúc này vỏ lãi chở 4-5 anh em chúng tôi vẫn còn loay hoay chỗ đầu kênh tẻ, bọn chúng chạy ngang bên kia sông, chỉ cách chừng 30 m. Có lẽ lo tập trung cho mục tiêu nên bọn chúng không để ý chúng tôi”.
Ông bảo, đây là một sự trùng hợp không lường trước được. Cái may là tàu vận chuyển máy móc đã vào khuất trong kênh, nếu không thì chẳng biết sự việc sẽ như thế nào - mặc dù các ông luôn trong tâm thế chiến đấu tới cùng để bảo vệ máy móc, phương tiện.
Khi đoàn xuồng được đưa tới điểm tập kết thì được biết đầu vàm Cả Chồn Lớn (trên sông Tam Giang, cách đó chỉ khoảng cây số), có chiếc tàu giặc đang đậu. Trước tình thế hết sức gay go, không nằm trong kịch bản, sau vài giây suy nghĩ, ông nhanh chóng đưa ra quyết định vẫn vượt sông, với nhận định: “Ðây là tàu đậu để yểm trợ bọn biệt kích, vì vậy ngay thời điểm bọn chúng nổ súng đánh trạm kiểm lâm thì đám lính trên tàu cũng tập trung tiếp ứng, hỗ trợ, lúc này mình lập tức cho nổ máy đồng loạt, tăng tốc hết mức để vượt sông. Ðây là thời cơ tốt nhất”.
Thế rồi mọi việc được thực hiện y như kế hoạch. “Chỉ trong vòng 5 phút, đoàn xuồng 10 chiếc chở gần 20 tấn máy móc và 1 vỏ lãi chở người theo bảo vệ đã nhanh chóng vượt sông Tam Giang một cách nhanh gọn, an toàn”, ông hào hứng kể, niềm vui chiến thắng ngày nào như sống lại.
Ông cũng cho biết, đoạn sông chỗ đó gần 500 m, nếu đi bình thường cũng tầm 8-10 phút. Trong tình thế cấp bách như vậy, phải phát huy cao độ khả năng con người và máy móc; mừng là không gặp trục trặc gì. Chuyến vượt sông này của xưởng được các đơn vị tiếp ứng khi đó đánh giá cao về sự nhanh gọn, chặt chẽ, tính quyết đoán và tinh thần trách nhiệm.
Tôi hỏi ông, lúc đó có khi nào nghĩ tới chuyện dừng kế hoạch vượt sông? Ông bảo chưa nghĩ tới, mọi việc chuẩn bị công phu, có quá trình nên kiên quyết thực hiện. Phương án vượt sông lúc đó có phần mạo hiểm, nhưng nhờ linh động chớp lấy ngay thời cơ tốt nên rất tự tin. Ở lại, không chắc tình hình tốt đẹp hơn.
Câu chuyện vẫn chưa kết thúc. Ông cho biết, về nơi đó chưa lâu, đơn vị phải chiến đấu một trận dữ dội với Tiểu đoàn Trâu Ðiên khét tiếng hung ác của Sư 21 nguỵ. Phải 1 ngày 1 đêm đơn vị mới đẩy lùi được trận càn tầm cỡ của địch.
“Lúc đó tôi mở máy bộ đàm nghe dưới mặt đất báo cáo lên trực thăng là ba mươi mấy nằm, 5-6 ngồi; tức là ba mươi mấy tên chết, 5-6 tên bị thương. Phía mình hy sinh 1 là Ðoàn Văn Trưa, cháu ruột đồng chí Ba Vị (Ðoàn Thanh Vị, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Minh Hải)”, ông nhớ lại.
“Vậy là trước khi dời máy móc bị đánh, sau khi dời lại bị đánh”, tôi nói. Ông bảo, không phải chỉ 2 trận mà phải chiến đấu hàng mấy chục trận. “Bảo vệ xưởng lúc đó khó khăn vất vả lắm, phải vừa sản xuất vừa chiến đấu. Mà máy móc phân xưởng tiện là nhiều nhất và nặng nề nhất. Mỗi khuôn tiện từ 1-2 tấn, phải 30-40 người khiêng. Ở rừng U Minh, mỗi khi di tản máy móc thường đào giấu; về rừng đước thường khiêng xuống xuồng và nhận chìm. Qua đợt chống càn, lại trục vớt lên lau chùi, tiếp tục sản xuất. Máy móc sản xuất ra vũ khí đánh giặc, nếu bị tiêu huỷ rồi thì bó tay. Vì vậy mà cỡ nào cũng phải quyết tâm bảo vệ. Mừng là suốt 15 năm từ lúc xưởng thành lập đến ngày giải phóng đất nước, máy móc của xưởng được bảo vệ tuyệt đối an toàn”, ông tự hào.
Là người có mặt cùng Xưởng Quân giới Cà Mau từ những tháng đầu mới thành lập và gắn bó đến ngày giải phóng; từ thợ hàn, tiện lên quản đốc bộ phận này, rồi khi lên phó giám đốc xưởng cũng phụ trách bộ phận ấy nên ông luôn coi máy móc như máu thịt. Vì vậy mà tôi hiểu phần nào tình cảm của ông.
Chưa hết, sau khi về nghỉ hưu, theo đề xuất của Tỉnh đội, ông còn cùng ông Ðào Hồng Hải (nguyên Trưởng ban Kỹ thuật xưởng) và ông Ðỗ Thái Hoà (nguyên Quản đốc phân xưởng nguội) mày mò phục chế 32 mẫu vũ khí của xưởng và trưng bày tại Phòng Truyền thống Tỉnh đội.
Trở lại câu chuyện vượt sông, ông trần tình: “Thật ra, không phải để kể công, các chú sắp theo ông bà rồi, có mưu cầu danh lợi gì. Nhắc lại thời gian nan để thấy trách nhiệm với Ðảng, với dân, việc chấp hành mệnh lệnh của tổ chức và dù khó khăn vất vả thế nào vẫn cố gắng thực hiện tốt nhiệm vụ. Nhắc lại, để hậu thế phần nào hiểu được thực tế lịch sử lúc ấy, hiểu được những khó khăn mà thế hệ đi trước đã trải qua; để biết quý trọng cuộc sống hoà bình và có trách nhiệm với đất nước, quê hương”.
Thành lập tháng 1/1960, trải qua 15 năm hoạt động, Xưởng Quân giới Cà Mau sản xuất, cải biên hàng trăm loại vũ khí với hàng ngàn tấn phục vụ các đơn vị chiến đấu. Nổi tiếng nhất là sản xuất súng đạn lăn-xà-bom, làm nên tên tuổi Ba Lò Rèn. Ðơn vị 2 lần được tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân và 2 cá nhân: ông Nguyễn Trung Thành (Ba Lò Rèn, nguyên Giám đốc xưởng) và ông Trần Văn Phú (nguyên Phó giám đốc xưởng) vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân.
Huyền Anh