(CMO) “Học sinh của trường tuy khiếm khuyết, nhưng tình cảm đong đầy, nồng ấm. Những lúc các em buồn, nhớ nhà hay gặp rắc rối, các em chỉ biết ôm chầm lấy chúng tôi mà nức nở. Có lẽ vì thế mà tôi càng thương các em nhiều hơn, mong muốn mang đến cho các em những gì tốt đẹp nhất”, cô Lê Thị Mộng Tuyền chia sẻ. Cô Tuyền đã gắn bó với Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật Cà Mau được 7 năm.
Ngày trước, cô Tuyền có bạn công tác nơi này, cô vào trường chơi. Người lạ, nhưng các em quý mến lắm, cứ nắm tay, ôm chầm. Mọi trao đổi, giao tiếp chỉ có thể ra dấu, dùng ánh mắt, khẩu hình miệng, cô thì chẳng hiểu các em muốn nói gì với mình, phải nhờ đến bạn.
“Lần đó về tôi nhớ mãi hình ảnh các em. Những ký hiệu, những nụ cười ngây thơ, hồn nhiên, ánh mắt trìu mến của các em khiếm thính. Còn với các em khiếm thị, mỗi lời nói, tiếng hát đều mang ước mơ được lớn khôn, được vui chơi và học hành. Thương các em đến lạ”, cô Tuyền bày tỏ.
Ít lâu, nghe bạn cho hay trường tuyển nấu bếp, cô ừ và thu xếp lên ngay. Ngày gặp lại các em, cô mừng vui khôn tả, tuy chẳng em nào nhớ rõ cô đã từng ghé thăm, nhưng tình cảm của cô dành cho các em vẫn vẹn nguyên.
Ở lâu, cô Tuyền thông thạo các ký hiệu, giao tiếp các em dễ dàng hơn, hiểu các em nhiều hơn, lại càng thương các em thêm nữa. Cô quan sát từng em, biết các em thích ăn món gì, cảm nhận được sức khoẻ của các em để điều chỉnh chế độ ăn và nêm mùi vị cũng khác.
Cô Tuyền cười: “Chịu khó quan sát, kề cận, các em dạy tôi làm sao hiểu ý các em và dạy tôi cách gần gũi. Khi tôi làm sai, các em cười tinh nghịch, nắm tay, vỗ vai như trấn an, động viên tôi cố gắng học cách hiểu các em nhiều hơn”. Nhờ đó, cô Tuyền trở thành người bạn, người chị. Hễ đói, mệt mỏi, vui, buồn, nhớ nhà, hay đơn giản là muốn tìm người trò chuyện, các em lại xuống bếp kiếm cô Tuyền.
Hiệu trưởng nhà trường Nguyễn Nga cho biết, hiện trường có 120 em theo học, trong có có 100 em nội trú. Đối tượng hầu hết là trẻ khiếm thính, chỉ có 4 em khiếm thị và 20 trẻ bệnh tự kỷ. Do đó, phải thật sự thương các em, quan tâm như người thân thì mới có thể gắn bó lâu với nơi này. Cô Tuyền rất thương các em. Thế nên nhà trường phân công cô từ nhà bếp lên làm quản lý học sinh.
Ngoài việc chăm lo ăn uống, cô Tuyền lo luôn việc chăm sóc sinh hoạt hằng ngày cho các em. Và cô luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, được các em quý mến và coi như người thân trong gia đình.
“Những lúc các em bệnh, cô Tuyền uôn túc trực coi sóc. Có em nằm viện, cô cũng xin theo vừa là “phiên dịch” với bác sĩ vừa là người thân chăm sóc các em. Chính sợi dây yêu thương gắn kết họ với nhau”, cô Nguyễn Nga chia sẻ.
Cô Lê Hồng Nhung ân cần chăm sóc học trò khiếm thính bị đau đầu. |
Còn với cô Lê Hồng Nhung, mặc dù còn rất trẻ (22 tuổi) và thời gian công tác tại trường chỉ hơn 6 tháng, nhưng cô không chỉ làm tốt vai trò y sĩ chăm sóc các em mà còn yêu thương các em hết mực, phụ đỡ cô Tuyền và những giáo viên khác trong việc chăm sóc các em ở trường.
“Tôi coi các em như em trai, em gái trong nhà. Và các em cũng vậy, thương và quan tâm tôi lắm. Nhất là khi thấy tôi không khoẻ, các em lui tới phòng y tế suốt. Có em còn sờ trán, lắc đầu rồi ra hiệu cho tôi nghỉ ngơi, ra dấu biểu các bạn khác về nơi ở, không phiền cô. Tôi vừa buồn cười, vừa cảm động đến phát khóc”, cô Nhung bộc bạch.
Hôm đến tham quan phòng y tế, thấy một em khiếm thính đau đầu được cô Nhung theo dõi. Cô ngồi cạnh giường, chốc lát lại quan sát xem em ấy có ổn không. Cô Nhung lo lắng: “Các em khiếm thị còn nói được mình khó chịu thế nào. Còn em bị khiếm thính, mọi cảm xúc phải bày tỏ bằng cử chỉ, hành động. Khi bệnh, các em lười ra dấu mà chỉ nằm im, nên tôi phải quan sát, theo dõi kỹ".
Cậu học trò mặt nhăn nhó, cô Nhung rót nước, ân cần đưa em uống rồi sờ trán, vỗ về em là không sao, uống thuốc sẽ mau khoẻ. Đợi đến khi em ấy ổn hơn, cô mới ra dấu cho em ấy xuống ăn cơm trưa với các bạn. Cô Nhung trực tiếp nắm tay dẫn xuống nhà ăn. Cái nắm tay rất chặt và nụ cười hiền hoà, ấm áp./.
Băng Thanh
Ghi nhận sự tận tình, chu đáo đối với các em học sinh Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật, nhân kỷ niệm 2 năm Ngày công tác xã hội Việt Nam (25/3/2017-25/3/2018), cô Lê Thị Mộng Tuyền và Lê Hồng Nhung là 2 trong số 35 gương mặt tiêu biểu của tỉnh được nhận biểu trưng và chứng nhận. Đây là niềm vui, niềm vinh dự và là động lực rất lớn để các cô hoàn thành tốt nhiệm vụ, xứng danh “cô giáo như mẹ hiền”. |