ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 23-11-24 16:58:14
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Có một ngôi trường nhớ mãi trong tôi

Báo Cà Mau (CMO) Từ ngày trường tôi - trường Ninh Bình B (khoá 2) huyện Cái Nước khai giảng đến nay gần tròn nửa thế kỷ. Khoảng thời gian ấy so với dòng chảy lịch sử chẳng thấm tháp vào đâu, nhưng so với đời người, nhất là đối với lứa tuổi học trò chúng tôi tuổi mới mười tám, đôi mươi, chợt nghe như huyền thoại khó tin mà có thật.

Trường Ninh Bình B (khoá 3) thời ấy trước sau có 5 thầy cô giảng dạy: thời gian đầu xây cất, hình thành trường có thầy Út Luận, thầy Tư Tài. Lần lượt tiếp sau huyện bổ sung thêm thầy Tư Thông, thầy Ba Quận và cô Tuyết Hồng. Trường có 30 học sinh cả nam lẫn nữ theo học (chương trình dạy lớp 5 hệ 7 năm). Thầy Tư Thông vừa là giáo viên giảng dạy, vừa được phân công phụ trách như một hiệu trưởng của trường. Quá trình dạy và học của thầy trò Trường Ninh Bình B (khoá 3) gặp ngay khó khăn, gian khổ, ác liệt - một thử thách quá lớn, từ đầu trường đã bị giặc ném bom, đổ quân bắn phá và đốt cháy.

Trường Ninh Bình B (khoá 3) cho đến bây giờ vẫn còn in đậm trong ký ức của tôi: 5 gian nhà kê bằng cột tràm, mái nhà lợp bằng lá chằm đốp, xuôi theo liếp dừa trong khu vườn rộng của gia đình chú Sáu Nhậm, ấp Lý Ấn, xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước - địa danh bình dị nhưng rất đỗi ân tình ấy vẫn còn sâu nặng trong trái tim thế hệ học trò chúng tôi và tồn tại cho đến ngày nay.

Còn nhớ, tôi đến ấp Lý Ấn vào một buổi chiều thứ Bảy, trời trong, gió mát, nắng đã ngả vàng trên sông. Người đầu tiên thay mặt trường tiếp nhận tôi vào học là thầy Út Luận, không phải ngay điểm trường mà tại bến sông trước sân nhà anh Năm Săn. Thầy Út sau đó dẫn tôi vào gởi ở nhà anh Năm.

Nhà anh Năm Săn còn có một bạn học sinh khác cùng ở chung với tôi, bạn ấy tên Hội. Mặc dù chân ướt chân ráo mới đến, nhưng bước đầu tôi rất yên tâm vì được biết anh Năm Săn là người tốt. Hơn nữa, anh đang là cán bộ Xã đoàn uỷ viên xã Hưng Mỹ.

Học sinh trường Ninh Bình tham gia lao động cải hoạt. Ảnh tư liệu

Một trong những kỷ niệm đáng nhớ trong đời học sinh thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước của tôi chính là buổi chiều thứ Bảy hôm đó. Tất cả các bạn học sinh đến trước, sau thời gian tham gia xây cất trường xong đều được nhà trường cho nghỉ về quê thăm gia đình. Chỉ còn tôi và bạn Hội vì đến trễ, đến sau cùng nên không được nghỉ, phải ở lại.

Chính đây là cái rủi vô cùng đến với tôi và bạn Hội, nhưng lại là cái may rất lớn của thầy và các bạn: mới sáng sớm hôm sau (tức Chủ nhật, ngày 14/9 âm lịch năm 1969), bất ngờ máy bay giặc trờ tới quần đảo, ném bom, bắn phá rồi đổ quân càn quét, bắn giết. Nếu thầy và các bạn không được nghỉ, đều có mặt tại trường sáng Chủ nhật đó như tôi và bạn Hội thì không biết số phận của thầy và các bạn như thế nào, hậu quả sẽ ra sao? Ắt hẳn tổn thất không nhỏ.

Vậy là, dưới sự dẫn dắt của anh Năm Săn, tôi và bạn Hội chạy luồn lách theo anh ngang qua trường, ra tuốt sau hậu vườn, lần mò nép rạp người bò qua mấy bụi tre gai mới đến được miệng hầm bí mật. Hầm bí mật này do chính tay anh Năm cùng bạn Tấn Đức, bạn Niềm, bạn Ón (quê ấp Cái Rắn, xã Phú Hưng) đào và nguỵ trang xong vài ngày trước.

Ở một bụi tre khác cách chúng tôi không xa lắm cũng có một hầm tương tự như hầm chúng tôi, thân hầm đào sâu ngập khỏi đầu người, quanh hàng tre gai dài rậm rạp. Có tới 6 thanh niên người địa phương mà tôi chưa biết mặt, biết tên đang ngồi trên hầm bên đó. Họ thản nhiên hút thuốc, trò chuyện to nhỏ như không hề ngồi trốn giặc. Anh Năm bực tức nhìn qua, quát: “Coi chừng lính tới đó. Trốn giặc không lo, lại còn hút thuốc. Tào lao... hoài”.

Ầm! Lính tới. Ngay loạt đạn đầu giặc bắn chết tại miệng hầm 2 thanh niên và ập tới bắt sống 4 thanh niên còn lại. Không lâu sau đó chúng cũng phát hiện được hầm chúng tôi, qua lời khai của 4 thanh niên địa phương bị bắt. Bọn chúng liên tục giẫm đạp trên nắp hầm, vừa không ngớt chửi rủa, văng tục...

Sau một hồi giằng co, cuối cùng anh Năm Săn lên vì đám thanh niên bị bắt biết rõ anh trốn dưới hầm và kêu ngay tên anh. Trước khi ra khỏi miệng hầm, anh Năm đưa tay sờ sờ vào trán tôi và nói nhỏ như căn dặn: “Lộ rồi... Tao lên để cứu mạng 2 thằng bây. Nếu tao không lên, nó quăng lựu đạn xuống cả 3 ở dưới hầm đều chết hết. Rủi... tao có bề gì, tụi bây nhớ trả thù cho tao”.

Anh Năm Săn vừa ra khỏi miệng hầm, có lẽ vì hoảng sợ quá hay sao, bạn Hội cũng vọt theo ra, mặc cho tôi nắm tay lại nhưng không được. Một mình còn lại tôi cố thủ dưới đáy hầm, nhất quyết thà chết chớ không lên để giặc bắt, mặc cho bọn lính đứng trên nắp hầm la hét, chửi bới, hết hăm doạ này đến hăm doạ khác, kể cả hăm quăng lựu đạn xuống hầm nếu tôi không lên. Không được, bọn chúng điên tiết tập trung chĩa hết các mũi súng bắn xối xả xuống hầm. Tôi đinh tai, điếc óc, muốn ngộp thở vì bao nhiêu khói thuốc súng cứ tấp nập tống vào. Nhưng tôi không chết, nhờ các co đất quanh co trong hầm đã hứng đạn hết cho tôi.

Chiều, giặc tan. Bà con ấp Lý Ấn bàng hoàng trước cảnh tang thương. Trừ 2 thanh niên bị giặc bắn chết tại chỗ trên miệng hầm kế bên hầm tôi, 6 người bị chúng bắt, kể cả anh Năm Săn và Hội, khi dẫn tốp người này ra tới phố Rau Dừa cũ, bọn chúng đè mổ bụng, moi gan, lấy mật và lần lượt bắn chết 5 người. Riêng bạn Hội, vì thấy còn nhỏ, bọn giặc không giết mà bắt đưa lên trực thăng theo chúng về Cà Mau để xét hỏi, lấy lời khai.

Trường Ninh Bình B (khoá 3) mới vừa xây cất xong, chưa kịp khai giảng vào học được ngày nào đã bị giặc dội bom bắn phá và đổ quân càn quét đốt cháy rụi. Thầy trò chúng tôi vất vả vô cùng, lại phải khổ công dốc hết sức lực bung ra nhiều nơi tìm xin cây lá của bà con quanh vùng về đóng bàn ghế, cất lại trường. Vậy mà chỉ 10 ngày sau đó, trường đã được cất lại xong, cũng ngay trên nền đất cũ của trường vừa bị giặc đốt phá.

Những tưởng từ đây đã yên ổn, không ngờ vào học chẳng được bao lâu, khoảng 3 tháng là cùng, giặc lại đổ quân. Sau 2 lượt phản lực F105 đến dội bom bắn phá dữ dội, trường trúng bom hư hại hoàn toàn. Trận thứ 2 bị máy bay giặc dội bom và đổ quân càn quét này, như có phép màu, tôi lại thoát nạn, nhưng đau thương, mất mát không nhỏ: thầy Ba Quận bị giặc bắn chết (thầy Ba Quận hy sinh chỉ trước có một ngày khi vừa liên hệ móc nối được vợ con từ thành thị vô thăm); bạn Hồng Sương bị giặc bắn chết tại miệng hầm. Bạn Tâm bị bắt, bị giặc tra tấn và đưa về giam, xét hỏi tại tỉnh An Xuyên của Mỹ - nguỵ thời đó, nay là TP. Cà Mau.

Trước tổn thất quá nặng nề do kẻ thù tàn bạo gây ra, thầy chết, bạn học có người chết, người bị giặc bắt, trường 2 lần bị phá huỷ mà thời gian cách nhau không xa, thầy trò Trường Ninh Bình B (khoá 3) chúng tôi mất ăn mất ngủ, bụng dạ bối rối tựa tơ vò... Có bạn, mặc dù tuổi còn nhỏ nhưng lúc đó muốn xin nghỉ học để trực tiếp cầm súng chiến đấu trả thù cho thầy, cho bạn.

Giữa lúc ấy có lệnh đến bất ngờ, thầy trò chúng tôi nhận được lệnh của huyện, bí mật gấp rút di dời học sinh đi nơi khác. Vậy là thầy trò chúng tôi với đôi chân trần, vai mang bồng, ba lô và các vật dụng cần thiết khác lặng lẽ băng đồng, lội bộ gần 10 cây số, vượt đầm Thị Tường đến kinh Bà Ký, xã Phú Mỹ A (nay là xã Phú Mỹ, huyện Phú Tân) ngay trong đêm tối. Quá vất vả, cực nhọc nhưng bù lại là đến kinh Bà Ký, chúng tôi được học ngay, học nhờ một trường dạy lớp ba, lớp bốn của xã mà không phải mất thời gian, công sức xây cất trường như trước. Nghĩa là các em học buổi sáng, nhường lại buổi chiều chúng tôi học.

Thời gian học ở kinh Bà Ký, thầy trò Trường Ninh Bình B (khoá 3) chúng tôi không còn cảnh bị giặc đổ quân đánh úp bất ngờ như hồi còn ở ấp Lý Ấn, xã Hưng Mỹ nữa. Thay vào đó là thường đêm bị đồn vàm kinh Bà Ký, đồn Ba Tiệm thay nhau bắn vu vơ vô địa hình trú ẩn học tập của chúng tôi. Chẳng những vậy, thầy trò chúng tôi còn mất ăn mất ngủ bởi nạn thường xuyên bị lính đồn vàm kinh Bà Ký nống ra biệt kích bắn giết, phá hoại...

Mỗi lần như vậy, cứ hễ nửa đêm về sáng, nghe có tiếng trống mõ nổi lên thông báo là thầy trò chúng tôi cuốn mùng chiếu, vội băng ra đồng khơi trốn tránh nhằm bảo toàn lực lượng. Tôi còn nhớ một chuyện thật mắc cười. Đêm đó, bên ngọn đèn dầu leo lét, đâu lối gần một giờ khuya, chúng tôi vẫn còn ngồi học, cố ôn bài thật kỹ để chuẩn bị kiểm tra cuối lớp, kết thúc khoá học. Bỗng nghe ngoài đường có tiếng “lụp bụp” như tiếng người đi, lúc xa lúc gần, lúc dồn dập.

“Biệt kích tới”, có tiếng ai đó la lên thất thanh trong đêm, chúng tôi vù phóng chạy, không kịp thổi đèn, không kịp chụp sổ sách, viết mực. Mạnh ai nấy chạy thoát thân ra đồng khơi, trốn dưới đáy đìa nứt nẻ chân chim giữa đồng khô của chú Ba Súng, chủ nhà. Rất lâu không nghe tiếng súng nổ, cũng không nghe động tĩnh gì, chúng tôi rất phân vân, nhưng không ai dám lẻn vào xóm thăm dò. Cứ vậy ngồi thức tới sáng, đứa nào đứa nấy muốn thụt hai con mắt. Hỏi ra mới biết, không phải lính biệt kích gì hết mà là đàn trâu của ai đó vừa sút chuồng, đứt dây lội đi phá phách suốt đêm.

Thế đó, chúng tôi dốc tâm dốc lực học để làm người, làm cách mạng, đã phải chịu đựng gian khổ, hiểm nguy, vượt qua biết bao nghịch cảnh của thời chiến.

Chính chúng tôi là học sinh, là nhân chứng lịch sử của trường Ninh Bình B (khoá 3) - nơi có máu của thầy và trò chúng tôi góp phần xây đắp nên nền móng vững chắc cho truyền thống vẻ vang của trường, của sự nghiệp giáo dục - đào tạo cách mạng. Đã góp phần nhỏ bé của mình vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và đổi mới, hội nhập, từng bước tiến lên chủ nghĩa xã hội tươi đẹp mà chúng ta đang thụ hưởng ngày hôm nay!./.

Phan Anh Tuấn

Những "ngôi nhà cách mạng"

Thời chiến tranh chống giặc ngoại xâm, Cà Mau là căn cứ địa đặc biệt quan trọng đối với phong trào cách mạng cả nước. Từ thành thị đến làng rừng có rất nhiều địa điểm ghi dấu ấn, nay là di tích lịch sử cách mạng.

Chuyện xin giống cây vú sữa trồng ở Phủ thờ Bác

Tại Phủ thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, xã Trí Lực, huyện Thới Bình (mọi người thường gọi thân thương là “Phủ thờ Bác xã Trí Lực”), hiện có cây vú sữa được nhân giống từ cây vú sữa của má Lê Thị Sảnh (Ấp 10, xã Trí Phải, huyện Thới Bình) gửi Tiểu đoàn 307 mang ra miền Bắc tặng Bác Hồ trên chuyến tàu tập kết năm 1954. Cây vú sữa này cũng đã cho trái từ mấy chục năm qua, khắc sâu thêm tình cảm thiêng liêng của người dân Cà Mau đối với Bác. Thế nhưng, chuyện xin cây vú sữa mang về trồng như thế nào và từ khi nào, cũng là thắc mắc của nhiều người.

Vụ thảm sát Cái Sắn qua lời kể của nhân chứng U100

Ông Phạm Văn Quang (Hai Quang), Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Thới Bình, là người tâm huyết với công tác khuyến học, hầu như khóm, ấp nào trong huyện cũng có bước chân ông. Một hôm, ông phấn khởi điện cho tôi: “Chú biết có ông cụ này tuổi hơn 90, còn minh mẫn lắm, biết rất nhiều chuyện xưa của vùng đất Thới Bình, trong đó có vụ thảm sát ở Cái Sắn. Sắp xếp rồi chú đưa đi gặp cụ”.

Việt Nam trân trọng độc lập, phát triển bền vững

Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố trước quốc dân, đồng bào và toàn thế giới ngày 2/9/1945 đã khẳng định Việt Nam là một quốc gia tự do, độc lập. Ở đó người dân có quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc… Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, đến nay chúng ta ngày càng có cơ sở vững chắc để khẳng định sự thật chúng ta đã trở thành nước tự do độc lập, người dân ngày càng ấm no hạnh phúc…

Tự hào 79 mùa thu lịch sử

Cách đây 79 năm, với thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Ðộc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà, ngày 2/9/1945 trở thành ngày Tết độc lập đầu tiên của Tổ quốc trong thời đại Hồ Chí Minh - thời đại của độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; Nhân dân ta từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước với ánh sáng chân lý của sự nghiệp cách mạng mà Bác Hồ và Ðảng ta soi đường, dẫn lối. Một mùa thu vạch ngang lịch sử, được lịch sử lựa chọn để đi vào bất tử.

Tri ân hai vị lãnh đạo nghĩa quân

Những ngày tháng Tám lịch sử, chúng tôi có dịp tháp tùng cùng Nhà báo Ðỗ Văn Nghiệp (Sáu Sơn), hiện là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Kể chuyện lịch sử (do Bảo tàng tỉnh thành lập) về thăm, thắp hương tại Khu tưởng niệm hai lãnh đạo nghĩa quân, Ðỗ Thừa Luông - Ðỗ Thừa Tự (toạ lạc tại ấp Bùng Binh, xã Hoà Thành, TP Cà Mau) - Di tích lịch sử cấp tỉnh.

Món quà nghĩa tình tri ân mẹ

Thiêng liêng gì bằng Tổ quốc và mẹ. Mẹ đã cống hiến tuổi xuân, tài sản lớn nhất là chồng, là con cho Tổ quốc. Bằng tấm lòng tôn kính, cảm phục, việc xuất bản quyển kỷ yếu "Bà mẹ Việt Nam anh hùng tỉnh Cà Mau” thể hiện trách nhiệm và là món quà mang nặng nghĩa tình của Ðảng bộ và Nhân dân tỉnh Cà Mau gửi đến các Mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) còn sống, thay nén tâm hương dâng lên những mẹ đã khuất.

Chuyện về liệt sĩ nằm lại vùng đất lửa

Cách đây 5 năm, trong chuyến về nguồn cùng Tỉnh đoàn Cà Mau, đó là lần thứ 3 tôi được đặt chân đến Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn (tỉnh Quảng Trị). Mang theo tấm lòng của người con miền Nam đến thắp nén tâm hương cho những vị anh hùng của Tổ quốc, như một sự tình cờ kỳ diệu, giữa hơn 10 ngàn ngôi mộ liệt sĩ nằm lại ở vùng đất lửa, đoàn chúng tôi bất ngờ tìm được một phần mộ đặc biệt. Ðó chính là nơi an nghỉ của Liệt sĩ Nguyễn Ngọc Xinh, quê tại xã Tân Lộc, huyện Thới Bình.

Những địa chỉ thiêng liêng

Trong 2 cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, lớp lớp những người con Cà Mau lên đường đánh giặc, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Ðể đổi lấy ngày độc lập, chỉ trên quê hương Cà Mau đã có 17.678 liệt sĩ, 16.467 thương binh, 2.510 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, gần 17 ngàn người đang hưởng trợ cấp hằng tháng.

Làm đẹp địa chỉ đỏ

Trải qua hai cuộc chiến tranh ác liệt, xương máu của lớp lớp thế hệ ông cha đã thấm đẫm trên từng tấc đất quê hương. Ðể tưởng nhớ công ơn các anh hùng liệt sĩ, tại các xã, thị trấn trong huyện Ngọc Hiển đều xây dựng các đài tưởng niệm, nhà bia ghi danh liệt sĩ. Những công trình này vừa thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, vừa góp phần giáo dục truyền thống cách mạng vẻ vang của dân tộc cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.