ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 21-9-24 04:38:41
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Cố Nghệ nhân dân gian Lâm Tường Vân: “Cây đại thụ” của phong trào đờn ca tài tử Nam Bộ

Báo Cà Mau Người ta gọi Nghệ nhân dân gian Lâm Tường Vân (Mười Mây) là “Cây đại thụ của phong trào đờn ca tài tử Nam Bộ” quả không sai. Ông là “con chim đầu đàn” nâng cánh phong trào này suốt hơn 60 năm qua ở Cà Mau.

Người ta gọi Nghệ nhân dân gian Lâm Tường Vân (Mười Mây) là “Cây đại thụ của phong trào đờn ca tài tử Nam Bộ” quả không sai. Ông là “con chim đầu đàn” nâng cánh phong trào này suốt hơn 60 năm qua ở Cà Mau.

Ươm mầm tài năng

Nghệ nhân dân gian Lâm Tường Vân tên thật là Lâm Thanh Tâm, quê ở xã Khánh Lâm, huyện U Minh. Lúc vào hoạt động trong Làng Rừng, huyện Trần Văn Thời, anh em gọi ông là Mười Khói. Do bị lộ, ông đổi Khói thành Mây, còn trong các tác phẩm của mình, ông chuyển Mây thành Vân.

Lúc nhỏ ông rất mê và thuộc lòng nhiều tuồng tích cải lương, từ những đĩa hát ASIA như: San Hậu, Tô Nguyệt Kiểu, Ðổng Kim Lân, Ðời Cô Lựu, Muôn dặm tìm chồng, Ngày về cố quận, Lâm Sanh - Xuân Nương, Châu Mãi Thần...

Cố nghệ nhân dân gian Lâm Tường Vân.  Ảnh: MINH TẤN

Sau khi Khởi nghĩa Nam Kỳ thất bại, ở quê ông có một số đảng viên từ Hoà Tú (Sóc Trăng) đến vừa tránh giặc, vừa xây dựng lại phong trào. Trong số đó có ông Lê Văn Bường, người ta thường gọi thầy mù Bường, vì ông không thấy đường nhưng lại đàn rất giỏi. Với cây ghi-ta trên vai, thầy Bường đi dạy đờn ca tài tử khắp nơi, không một ai biết ông là cộng sản. Nhiều bài ca “quốc sự” được truyền bá khắp vùng nông thôn Cà Mau, tạo dấu ấn mạnh mẽ về một cuộc vùng lên giành độc lập, vừa sục sôi, vừa lan rộng. Nghệ nhân dân gian Lâm Tường Vân biết đàn và đàn thuộc loại giỏi từ người thầy đảng viên đặc biệt đó.

Ngoài dạy đàn, thầy Bường còn kêu ông ghi gần 100 từ chính trị như: độc lập, tự do, cách mạng, cộng sản, quốc tế… và dạy ông thuộc bài xàng xê Nâng cao ngọn cờ hồng để sau này “có vốn” làm cách mạng.

Cách mạng Tháng Tám thành công, thầy Bường giới thiệu ông vào tổ chức. Từ dân quân tự vệ (năm 1945), đến Phó Công an huyện Cà Mau (năm 1954). Từ năm 1958 đến 1961, ông bị địch bắt đày Phú Lợi và Côn Ðảo. Tại Côn Ðảo, ông gặp thầy Sáu Già, một người thông thạo nhiều bài bản ca nhạc cải lương. Thầy Sáu Già truyền dạy cho ông 20 bản tổ, gồm ba nam, sáu bắc, bảy bài, bốn oán... Ðây là thời gian giúp ông tôi luyện nghề đàn để có thể trở thành “bậc thầy” trong tương lai.

Sau khi ra tù, ông gắn bó với sự nghiệp sáng tác và biểu diễn. Cuộc đời của Nghệ nhân Lâm Tường Vân như “chiếc cầu không vận”, nâng cánh phong trào đờn ca tài tử Nam Bộ ở Cà Mau suốt những quãng đường dài.

Sáng tác để phục vụ cách mạng

Lúc còn trẻ, ông thích đàn và hát hơn sáng tác. Nhưng vào năm 1952, khi nghe kể chuyện có một nông dân ở xã Tân Lộc được cách mạng cấp đất, quá vui mừng đã quỳ gối nơi miếng đất vừa nhận, ngẩng mặt về phương Bắc cảm ơn Bác Hồ, nước mắt đầm đìa... Ông viết bài Ðảng cấp đất cho dân cày theo điệu Chuồn chuồn, được nhiều người trong kháng chiến chống Pháp khen ngợi:

“Nhìn lúa vàng phơi mình trước gió

Hàng dừa tơ lả ngọn trước gió xuân.

Lòng lâng lâng, rạo rực, vui mừng.

Quên sao được ân tình cách mạng...”

Ðến khi đình chiến và hoạt động bí mật thời kỳ đầu chống Mỹ, ông dạy nhiều người học đàn, học ca. Căm ghét bọn Mỹ - Diệm, ông sáng tác bài Bạo chúa Tần Thuỷ Hoàng theo điệu Tây Thi:

“Hận thay Tần Thuỷ Hoàng bất lương

Mộng bá đồ vương, hòng mong gồm thâu thiên hạ.

Ðêm ngày lo việc đao binh

Mới xây Vạn lý trường thành,

Hòng làm pháo luỹ chiến tranh

Ðàn áp, giết hại Nhân dân...”

Năm 1958, khi bị địch bắt giam vào bót Lò Heo (phường 1, TP Cà Mau bây giờ), trước cảnh tra tấn dã man của quân thù, ông sáng tác bài Ngày tàn Hạng Võ, theo điệu Xuân tình. Khi bị Mỹ - Diệm đày ra Côn Ðảo, ông được tổ chức phân công phụ trách văn nghệ, chuyên tổ chức các tiết mục văn nghệ phục vụ tù nhân. Trước tình hình địch ra sức mua chuộc, dụ dỗ cán bộ đầu hàng, đầu thú, làm tay sai cho chúng, ông vừa học đàn, vừa sáng tác bài vọng cổ Tâm sự nàng Tây Thi, nhằm khơi dậy lòng yêu nước đối với anh em cán bộ, quyết không thể xiêu lòng khi bị cám dỗ:

“Từ Phạm Lãi trở về Ðất Việt

 Nàng Tây Thi ở lại Ngô Bang

Cuộc đời tuy điện ngọc, cung vàng

Nhưng nàng vẫn xót xa vì nghịch cảnh.

Trên nhung lụa nàng thấy mình rét lạnh...”

Ở trong tù, anh em thường nghe bài này trước khi xem các vở: Trần Hưng Ðạo bình nguyên, Lam Sơn khởi nghĩa, Nguyễn Trãi tiễn cha, Vân Tiên - Nguyệt Nga...

Khi ra tù (năm 1961), lúc địch thực hiện mưu đồ “ấp chiến lược”, bắt Nhân dân bỏ nhà cửa ruộng vườn vào sống trong các trại tập trung, ông viết tuồng Kiếp sống trong ấp chiến lược và Ly rượu thề.

Năm 1965, Ban Tuyên huấn tỉnh phát hiện và rút ông về Tiểu ban Văn nghệ. Thời gian này, ông viết 2 vở cải lương Hoàng Phi Hổ quy Châu và Dưới cờ bảo quốc. Ngoài ra, ông còn viết một số vở ngắn như Dưới ánh trăng rằm, cổ vũ phong trào thanh niên tòng quân đang diễn ra khắp nơi trong tỉnh.

Năm 1967, sau khi đi học 3 tháng ở trường viết kịch do Trung ương Cục miền Nam xuống T3 (Khu Tây Nam Bộ) mở lớp tại kinh Ông Ðơn, ông được phân công làm Trưởng Ðoàn Văn công Giải phóng tỉnh Cà Mau. Ông vừa lãnh đạo đoàn, vừa tiếp tục sáng tác, trong đó có bài Cây vú sữa Bác Hồ, cùng rất nhiều bài khác.

Sau ngày hoà bình, ông viết nhiều tác phẩm như: Dưới ngọn cờ hoà bình, Ngày giỗ mẹ, Ðôi bạn, Cô gái đồng quê, Nghĩa nhân và tội ác, Tâm tình dạ cổ hoài lang, Ngày xuân nhớ mẹ... Ðến nay, ông đã xuất bản 3 tập gồm Ca nhạc cải lương, Ðờn ca tài tử Nam Bộ và hàng trăm bài ca khác. Một số tác phẩm của ông dù trải qua bao năm tháng vẫn  được nhiều người ưa thích và mến mộ như Chuyện tình anh giải phóng quân, được anh em ở quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh dựng lại; Khúc nhạc trùng dương viết về chị Võ Thị Sáu, được anh em ở Côn Ðảo dàn dựng… Ðặc biệt, tuồng cải lương Dưới cờ bảo quốc cho đến thời gian gần đây, Ðoàn Cải lương Hương Tràm vẫn còn biểu diễn thường xuyên.

Ông tâm sự rằng, nhờ am tường nhiều bài bản, nên khi sáng tác không phải mất thời gian mò mẫm, nói chung là không sợ trật; mặt khác, do thuộc quá nhiều vở cải lương từ lúc nhỏ, nên khi sáng tác, không phải làm đề cương chi tiết, nhờ vậy mà viết được nhiều hơn một số anh em khác.

Trong chiến tranh cũng như trong hoà bình, ông dạy khá đông học trò, chủ yếu là dạy hát, đến nay nhiều người đã trưởng thành như: Minh Ðương, Minh Hoàng, Hoàng Nhất, Lịch Sử, Hoa Phượng...

Một thời tay súng, tay đàn

Thời chống Mỹ, đồng bào rất thích xem văn nghệ. Ông Lâm Tường Vân cho biết: “Hồi đó đâu có sân bãi như bây giờ, có khi đứng xem, bùn sình ngập mắt cá mà không có lần nào diễn dưới 5.000 người. Sân khấu của mình không đủ cao, bà con đứng xem khó lắm. Nhiều lần tôi phải động viên bà con: “Ði xem văn nghệ là đi kháng chiến, ngồi xem, có dơ chút đỉnh không sao”. Rồi tôi pha đèn đến đâu, bà con mình ngồi hết đến đó. Những lần bị máy bay quần đảo, bà con vẫn ráng ngồi chờ, máy bay bay xa, mình nổi đèn diễn tiếp.

Hồi đó, anh em Tiểu đoàn U Minh thích văn công lắm. Hễ lấy được súng mới, kêu văn công cho liền. Ðoàn chúng tôi có 12 nam thì có 12 súng, toàn súng tốt. Anh em lại hết lòng bảo vệ đoàn. Nhớ lần trực thăng đổ quân tại Khánh Hưng B, gần Ðá Bạc, anh em U Minh II cho một đại đội bắn trực thăng, kéo chúng đi, giải vây cho chúng tôi...”.

Ông Lâm Tường Vân vẫn không quên được những ngày Ðoàn Văn công Giải phóng phải tự “đảm cung”, nhất là thời kỳ địch bình định (từ 1969-1972): “Sau khi biểu diễn, anh em phải đi giăng câu, giăng lưới, bán cá lấy tiền mua gạo. Ðồng bào nghèo, mình mượn hoài, không trả được, làm sao? Phải chia nhỏ đoàn ra đi hoạt động, rồi cùng nhau đi nhổ bồn bồn, bắt ba khía, nhờ các má chở đi bán giùm, mua gạo đem về. Có lần đồng chí Võ Văn Kiệt về thăm, thấy anh em quá khó khăn, đồng chí giải quyết cho 100 giạ lúa, Tỉnh uỷ cũng cho, nhưng đoàn bốn, năm chục người, vẫn phải tiếp tục bươn chải.

Không chỉ có gian khổ, thiếu thốn mà còn gánh chịu tổn thất, mất mát. Ngày 20/10/1965, sau khi biểu diễn xong, đoàn về tạm nghỉ tại Cái Keo, xã Ðịnh Thành, bị địch biệt kích, Bảy Ðảo, Út Thiết và Tám Vui hy sinh, Tư Phương bị thương. Mặc dù vậy, hễ mỗi lần gặp địch là phải trong tư thế sẵn sàng chiến đấu, trước nhất là bảo vệ mình, quyết không để rơi vào tay giặc".

Giá trị nhân văn còn mãi

Chính những ngày đầy hy sinh, gian khổ đó là điều kiện tiên quyết để Nghệ nhân Lâm Tường Vân đạt đến đỉnh cao sự nghiệp của mình. Ông kể rằng, trong chiến tranh, mỗi lần tuyên bố khai mạc xong đêm biểu diễn, ông có thể ngồi sáng tác ngay phía sau sân khấu như Cây vú sữa Bác Hồ, Chiến thắng Nam Lào. Ông nói: “Không hiểu vì sao lúc đó có thể viết những câu đầy chất lửa, vậy mà bây giờ bình yên vô sự lại không viết được như thế nữa”.

Là một người lớn lên từ chiếc nôi cách mạng tại vùng căn cứ địa U Minh, tâm hồn, trí tuệ, ý chí, nghị lực của ông thể hiện và lưu giữ mãi trong những tác phẩm đầy chất thép, chất thơ, nung nấu muôn lòng sẵn sàng hy sinh vì đại nghĩa. Tầm cao và bề rộng của “cây đại thụ” ấy chỉ có thể đo được bằng âm vang của bão táp cách mạng qua nhiều năm tháng, qua nhiều thế hệ, không những hôm nay mà còn cả ngày mai.

Khi mắc phải bệnh ung thư gan, nhiều lần lên TP Hồ Chí Minh điều trị, ông vẫn hy vọng có một ngày được tiếp tục mở lớp để dạy đàn ca cho lớp tuổi trẻ. Ông nói: “Quê hương Cà Mau - Bạc Liêu là chiếc nôi của làn điệu cải lương vang bóng một thời, rồi đây sẽ bị phai mờ, quên lãng nếu chúng ta không tìm cách tôn tạo, giữ gìn. Món ăn tinh thần nhiều khi bổ khoẻ hơn món ăn vật chất. Chỉ khi nào nhìn được cái không thấy được đó, những thứ vô hình mới trở thành sức mạnh hữu hình, mà “tiếng hát át tiếng bom” năm xưa là bài học vô cùng quý giá cho cả hiện tại và tương lai”.

83 tuổi đời, 63 tuổi Ðảng, ông ra đi để lại bao niềm tiếc thương của đồng chí, đồng bào. Lời căn dặn của ông vẫn còn có giá trị đến mai sau./.

Trường Sơn Ðông

"Lửa thử vàng" - Câu chuyện truyền nhân gia tộc cải lương

Cải lương đi qua thời hoàng kim, nhưng truyền nhân các gia tộc cải lương chưa bao giờ tắt ngọn lửa đam mê và niềm khao khát viết tiếp chặng đường nghệ thuật của cha ông đã gầy dựng.

Cảm xúc dẫn lối

Từ nhỏ, Nguyễn Hoàng Giang đã yêu thích nghệ thuật. Cơ duyên đưa anh đến với nhiếp ảnh bắt đầu từ tình yêu dành cho cái đẹp và nghệ thuật. Thế nên, tuy từng có 20 năm gắn bó với Hà Nội, nhưng mảnh đất Hội An đậm chất nghệ thuật lại chính là động cơ thôi thúc, khiến anh quyết định chuyển vào nơi này định cư. Ðến nay, khi đã là chủ một công ty du lịch và sở hữu chuỗi khách sạn, nhà hàng, dù bận rộn, anh vẫn dành thời gian cho nhiếp ảnh.

Dâng hương Tổ nghiệp Sân khấu

Suốt 13 năm qua, Ngày Sân khấu Việt Nam cũng là ngày hướng về Tổ nghiệp của những người hoạt động lĩnh vực sân khấu. Ngày Giỗ Tổ là dịp để những người hoạt động trong lĩnh vực sân khấu cùng nhau nhắc nhớ về thế hệ tiền nhân đã có công sáng lập, gìn giữ loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống của dân tộc. Đồng thời cũng là cuộc họp mặt hâm nóng tình nghệ sĩ, tạo sự gắn kết, cùng động viên nhau phấn đấu để mang những cái hay, cái đẹp phục vụ công chúng.

Còn đó những cánh chim không mỏi

Nghe tôi có ý định tìm một địa điểm lý tưởng để khám phá, thưởng thức các loại hình nghệ thuật truyền thống tại mảnh đất được mệnh danh là “thành phố đáng sống”, một người anh đồng nghiệp đang công tác tại Ðài Phát thanh - Truyền hình Ðà Nẵng giới thiệu ngay Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. Vậy rồi, qua vài lời kết nối nhiệt tình, NSƯT Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát, liền đích thân mời đoàn văn nghệ sĩ Cà Mau đến xem một suất diễn trong ngày gần nhất.

Nối dài tình yêu nước bằng nghệ thuật

Nghệ thuật kết nối quá khứ và hiện tại, là phương tiện giúp gìn giữ, lưu truyền và phát huy văn hoá dân tộc. Với ý nghĩa ấy, các bạn trẻ tại Cà Mau, bằng hoạt động nghệ thuật, đã góp phần lan toả, nhân lên tình yêu quê hương, đất nước trong những người trẻ và cộng đồng.

Ấm áp chương trình nghệ thuật “Tình ca Đất Mũi”

Nhằm tôn vinh Âm nhạc Việt Nam nói chung, Âm nhạc Cà Mau nói riêng, thể hiện sự tri ân đối với các tác giả có nhiều cống hiến cho sự nghiệp âm nhạc tỉnh nhà. Tối 3/9, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh đã diễn ra Chương trình nghệ thuật chào mừng kỷ niệm lần thứ 15 Ngày Âm nhạc Việt Nam với chủ đề :“Tình ca Đất Mũi”. Chương trình do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng với Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh phối hợp tổ chức.

Sắc màu miền Tây đến với Huế

Những năm qua, mỹ thuật đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) có bước phát triển mạnh, tạo được tiếng vang trong khu vực, các vùng miền trong và cả ngoài nước. Câu lạc bộ (CLB) "Sắc màu miền Tây ART" đã có 4 cuộc triển lãm tại Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh và Hà Nội từ năm 2019-2023.

Khám phá cùng nhiếp ảnh

Nghệ sĩ Nhiếp ảnh (NSNA) Lê Minh Vũ (Quyên Vũ) sinh năm 1974, tại tỉnh Tiền Giang, hiện sinh hoạt tại Hội NSNA Việt Nam, Chi hội Tiền Giang.

Sắc màu văn hoá địa phương hoà quyện trong từng bài ca, điệu múa

Đạo diễn Nguyễn Tiến Dương, Trưởng Ban giám khảo Hội diễn Nghệ thuật quần chúng tỉnh Cà Mau lần thứ IX - 2024, đánh giá, một trong những điểm nổi bật của hội diễn là những sắc màu văn hoá của địa phương hoà quyện trong các bài hát, điệu múa, càng làm tăng thêm sự hấp dẫn. So với những hội diễn trước, các đội đã có nhiều sự tiến bộ về ca, múa, âm nhạc và trang phục.

Cho chữ mùa Vu lan

Tôi gặp thầy đang cho chữ tại một góc nhỏ trong khuôn viên chùa Thiền Lâm, phường Tân Thành, TP Cà Mau, vào ngày chùa tổ chức lễ Vu lan. Mặc dù bút trên tay đang nắn nót, mắt chăm chú vào con chữ, nhưng được vài nét, khi ngẩng lên chấm mực là thầy nhanh miệng mời gọi mọi người đang đứng túm tụm gần đó: “Viết mấy câu tặng cha mẹ đi chị (cô, chú, anh, em...) ơi!”; “Lại chú cho chữ cầu sức khoẻ, học giỏi nè các con!”; “Cầu tài lộc, sức khoẻ, vạn sự như ý nè anh chị em, cô bác ơi!”... Và bao giờ sau những câu mời gọi, thầy cũng nhấn mạnh “tặng chữ hoàn toàn miễn phí” để khách khỏi đắn đo.