ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 10-1-25 14:13:08
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Cổ tích ở Cù lao Ông Hổ

Báo Cà Mau Nhơn Mỹ, xã ở Cù lao Ông Hổ, huyện Chợ Mới (An Giang), từ lâu đã được nhắc đến như biểu tượng của tinh thần học tập ở miền Tây Nam Bộ. Trước đây, Nhơn Mỹ là vùng đất nghèo khó, nơi người dân đa phần sống dựa vào những mảnh ruộng, mùa nước nổi lại thêm lo toan chồng chất. Thế nhưng, bằng sức mạnh của giáo dục và sự nỗ lực không ngừng, Nhơn Mỹ đã vươn mình, trở thành “Làng hiếu học” như một câu chuyện cổ tích giữa thế kỷ 21.

Ông Cao Phước Ðông, năm nay 80 tuổi, người được cả xã Nhơn Mỹ trìu mến gọi “thầy”, là một trong những người đặt nền móng cho phong trào khuyến học trên mảnh đất cù lao. Hành trình gây dựng những câu chuyện như “cổ tích” trong khuyến học, khuyến tài của ông bắt đầu từ năm 2002, khi ông nghỉ hưu sau hàng chục năm gắn bó với sự nghiệp "trồng người". “Trong thời gian xây dựng nền tảng phát triển các chương trình, phong trào khuyến học, tôi nhận thấy, ngoài khích lệ, động viên con em gia đình khó khăn tiếp bước học tập thì cần tạo động lực từ những người thành đạt là con em của đất Nhơn Mỹ. Vậy là năm 2012, tôi đề xuất Ðảng uỷ, UBND xã Nhơn Mỹ thực hiện chương trình "Vinh danh người thành đạt". Tính đến đầu năm học 2024-2025, Hội Khuyến học xã Nhơn Mỹ đã vinh danh 6 tiến sĩ, 57 thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa, 1.266 tân sinh viên. Riêng năm học 2024-2025, xã vinh danh 6 thạc sĩ, bác sĩ khuyên khoa và 142 tân sinh viên”, ông Ðông kể.

Thầy Cao Phước Ðông và bà Ðặng Thị Láng xem lại những hình ảnh hoạt động của Hội Khuyến học xã.

Thầy Cao Phước Ðông và bà Ðặng Thị Láng xem lại những hình ảnh hoạt động của Hội Khuyến học xã.

Từ một xã thuần nông, chưa có dấu ấn lớn trong công tác khuyến học ở huyện Chợ Mới, giờ Nhơn Mỹ đã là địa phương đi đầu trong các chương trình, mô hình, phong trào khuyến học ở cả khu vực đồng bằng sông Cửu Long. “Toàn xã hiện có 43 chi hội khuyến học được thành lập rộng khắp ở các ấp, tổ tự quản, các trường, cơ sở thờ tự, đoàn thể và doanh nghiệp tư nhân. Cùng với đó, xã còn xây dựng thành công 24 chi hội khuyến học dòng họ; công nhận trên 4.600 gia đình đạt danh hiệu học tập. Ðặc biệt, năm 2024 lần đầu tiên Hội Khuyến học xã Nhơn Mỹ tổ chức đêm văn nghệ gây quỹ khuyến học, khuyến tài đã nhận được hơn 750 triệu đồng ủng hộ từ doanh nghiệp, mạnh thường quân”, bà Ðặng Thị Láng, Chủ tịch Hội Khuyến học xã Nhơn Mỹ, thông tin thêm.

Giờ đây, nhắc đến Nhơn Mỹ là nhiều người nghĩ đến những câu chuyện khuyến tài như “cổ tích”, đó là sự kiên trì học vấn, minh chứng sống động cho tinh thần vượt khó, vươn lên của những con người bình dị miền sông nước Cửu Long. Người dân Nhơn Mỹ chủ yếu làm nghề nông, sống giản dị và chân chất. Thế nhưng, điều làm nên sự khác biệt của ngôi làng này chính là truyền thống hiếu học. Từ thế hệ ông bà, cha mẹ đến con cháu, việc học luôn được đặt lên hàng đầu, như một chiếc chìa khoá mở ra tương lai.

Trong câu chuyện với thầy Ðông, tôi mường tượng lại viễn cảnh từ hơn 20 năm trước của vùng Nhơn Mỹ. Một thời nghèo khó, nhiều nhà không đủ ăn. Ðến kỳ đóng học phí, cha mẹ dù có phải bán lúa, vay mượn cũng quyết không để con nghỉ học. Có gia đình cả 3 đời đều đỗ đạt, làm nên danh tiếng của làng. Những câu chuyện truyền cảm hứng nổi bật nhất phải kể đến gia đình ông Hồ Văn Bổ, ấp Nhơn Hiệp, xã Nhơn Mỹ. “Ngày xưa tôi không được đi học, nên dặn lòng phải làm mọi cách để con mình không rơi vào hoàn cảnh của mình. Xét thấy chỉ có học mới thay đổi cuộc sống khấm khá hơn, nên tôi quyết tâm nuôi 5 người con học hành, đến nay đều đỗ đạt, có việc làm, gia đình riêng ổn định. Giờ nhìn các con thành đạt, tôi thấy bao nhiêu vất vả cũng xứng đáng”, ông Bổ kể.

Ông Nguyễn Công Minh, Chi hội trưởng Chi hội Khuyến học dòng họ Lương Văn Cù, ấp Nhơn Hiệp, cho biết thêm: “Các gia đình đều xem việc học là cách duy nhất để thoát nghèo. Nhờ sự động viên từ chi hội, các thế hệ sau của dòng họ đều được định hướng tốt, không ai bỏ học giữa chừng. Chi hội ngoài gia đình ông Bổ còn có nhiều gia đình hiếu học tiêu biểu khác, như ông Trương Phú Hữu, ông có 3 con đều tốt nghiệp đại học và có việc làm, xây dựng cuộc sống khấm khá hơn. Không những thế, khi họ thành đạt thì ủng hộ nhiệt tình các phong trào, chương trình khuyến học ở địa phương, kịp thời giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn khác”.

Lễ vinh danh tân sinh viên năm học 2024-2025.

Lễ vinh danh tân sinh viên năm học 2024-2025.

Nguồn quỹ khuyến học, khuyến tài đến đúng địa chỉ, những tri thức trẻ ở Nhơn Mỹ đã tìm thấy và định hướng tương lai tươi sáng nhờ sự hỗ trợ kịp thời. Em Phan Như Quỳnh, ấp Nhơn Hiệp, xã Nhơn Mỹ, chia sẻ: “Nhà em khó khăn, thiếu đất sản xuất. Từ nhỏ, em luôn nuôi ước mơ làm giáo viên nên năm nay quyết tâm thi vào Ðại học Sư phạm ngành Sư phạm Tiếng Anh của Trường Ðại học An Giang. Khi trúng tuyển chưa hết mừng thì gặp phải mối lo kinh phí. Biết được hoàn cảnh, Hội Khuyến học xã ủng hộ suất học bỗng “Chắp cánh ước mơ” với số tiền 9 triệu đồng. Với khoản tiền này, em sẽ chi tiêu vào việc học và là bước đệm để phấn đấu tốt hơn trên giảng đường đại học”.

Một điều chắc chắn rằng, bất cứ học sinh nào trong xã Nhơn Mỹ đạt thành tích cao đều được vinh danh, khích lệ để tiếp tục con đường học vấn. Ngày nay, "làng hiếu học" và sự lan toả tinh thần học tập vẫn được giữ vững; trường học được xây dựng khang trang, con em trong làng không chỉ học ở các trường trong nước mà còn vươn ra nước ngoài. Bà Ðặng Thị Láng, Chủ tịch Hội Khuyến học xã, chia sẻ: “Chúng tôi luôn tự hào về truyền thống hiếu học ở địa phương. Giờ đây, chuyện khuyến học khuyến tài, vinh danh người thành đạt không chỉ là niềm tự hào của riêng Nhơn Mỹ mà còn là mô hình mẫu để nhiều địa phương khác noi theo”.

Bỏ lại phía sau những chuyến đò qua Sông Hậu, chúng tôi mang theo hình ảnh tươi sáng như trong truyện cổ tích của Nhơn Mỹ, một vùng đất không chỉ đổi đời nhờ giáo dục mà còn lan toả giá trị của tri thức. Làng hiếu học Nhơn Mỹ đã viết nên câu chuyện đẹp về sự vươn lên từ gian khó, minh chứng rằng, giáo dục chính là chìa khoá thay đổi tương lai./.

 

Phong Phú - Phúc Danh

 

Mệnh lệnh trái tim

"Nghiên cứu tiếp tục triển khai đoạn tuyến cao tốc từ TP Cà Mau tới Ðất Mũi (khoảng 80 km), giao Cà Mau triển khai với sự hỗ trợ, bố trí vốn của Trung ương, cố gắng khởi công trong năm tới". Ðây là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhân chuyến kiểm tra, làm việc, đôn đốc 2 dự án cao tốc trục ngang và trục dọc tại đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL), gồm tuyến Cần Thơ - Cà Mau và Châu Ðốc (An Giang) - Cần Thơ - Sóc Trăng, vào chiều 15/12.

Tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các dự án đường cao tốc

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 538/TB-VPCP kết luận của Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, về việc tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các dự án đường cao tốc tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

200 năm - Mầm xanh bên dòng Vĩnh Tế

Kênh Vĩnh Tế được đào 200 năm trước (1819-2024). Kênh có chiều dài hơn 90 km, rộng 30 m, sâu 2,55 m. Ðiểm bắt đầu từ TP Châu Ðốc (An Giang), điểm cuối là TP Hà Tiên (Kiên Giang). Kênh có nhiệm vụ kiểm soát lũ cho toàn vùng Tứ giác Long Xuyên, đặc biệt đóng vai trò quan trọng trong thoát lũ ra biển Tây; cấp nước tưới cho khoảng 144.000 ha trên tổng số gần 400.000 ha đất nông nghiệp ở vùng này.

Gáo Giồng mùa cò ốc sinh sản

Rừng Gáo Giồng (thuộc địa bàn tại xã Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh, tỉnh Ðồng Tháp) có hệ sinh thái đặc trưng vùng Ðồng Tháp Mười vô cùng độc đáo, diện tích 1.600 ha (có 1.200 ha rừng tràm, 250 ha rừng nguyên sinh). Với nhiều loài thực vật như tràm, lau sậy, sen, súng, cà na, gáo... rừng Ráo Giồng thích hợp cho các loài động vật, đặc biệt là loài chim cò quý hiếm được đưa vào sách đỏ, trong đó có loài cò ốc sinh sống.

Sẽ có một triệu héc-ta lúa chất lượng cao, phát thải thấp

Chiều 15/10, tại Cần Thơ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị triển khai Ðề án "Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) đến năm 2030".

Trăm năm nghề tranh kiếng Chợ Mới

Nghề vẽ tranh trên kiếng từ xưa ở Nam Bộ trứ danh với 3 vùng sản xuất là: Lái Thiêu (Bình Dương), Chợ Lớn (Sài Gòn) và Chợ Mới (An Giang). Mỗi nơi sản xuất có riêng đặc điểm và phong cách của vùng miền, văn hoá tín ngưỡng, nếp sống người dân. Tranh kiếng Chợ Mới tuy xuất hiện muộn, nhưng mẫu mã phong phú, đa dạng, giá thành hợp lý. Hiện nay, sản phẩm tranh kiếng Chợ Mới vẫn được người dùng ưa chuộng.

Sức vóc miền biên giới Hồng Ngự

Thực hiện Chỉ thị 07/CT-TTg, ngày 15/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về thu hút các nguồn lực xã hội cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng biên giới đất liền, trên biển và hải đảo, gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia và nâng cao đời sống Nhân dân; Nghị quyết số 23/NQ-CP, ngày 2/3/2022 của Chính phủ về phát triển kinh tế khu vực biên giới đất liền, những năm qua, tỉnh Ðồng Tháp không ngừng đẩy mạnh các giải pháp, ban hành nhiều chủ trương, cùng với sự phát huy nội lực, các địa phương trong tỉnh đã vươn mình, khởi sắc. Trong đó, huyện Hồng Ngự là một trong những điển hình cho sự phát triển nhanh và bền vững.

Ðặc sản "cơm đình"

Trong rất nhiều hoạt động của lễ hội kỷ niệm 156 năm ngày hy sinh của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực, "cơm đình" là một trong những nét văn hoá độc đáo mà rất nhiều du khách háo hức mong chờ.

Di sản đương đại “Vương quốc lò gạch”

Nằm trên bờ Nam sông Cổ Chiên và dọc theo kênh Thầy Cai, huyện Mang Thít (tỉnh Vĩnh Long) có một làng nghề gạch, gốm đỏ nổi tiếng hàng trăm năm tuổi, được ví như "Vương quốc lò gạch" đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL). Trải qua hơn 2 thế kỷ thăng trầm, nay làng nghề ấy dần hình thành "Di sản đương đại Mang Thít", thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước.

Mục tiêu 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao

Diện tích trồng lúa ở nước ta hiện nay khoảng 7,1 triệu héc-ta, riêng đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) khoảng 3,8 triệu héc-ta. Trước những thách thức lớn của ngành lúa gạo ÐBSCL trước tình trạng biến đổi khí hậu, Ðề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ÐBSCL đến năm 2030” được coi là giải pháp phù hợp, khả thi, mở ra hướng đi bền vững cho ngành lúa gạo và gia tăng lợi nhuận cho người nông dân trồng lúa.