ĐT: 0939.923988
Thứ ba, 6-5-25 00:34:23
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Những vùng quê vượt qua nỗi đau

Báo Cà Mau Sau 50 năm kiến thiết xây dựng quê hương, vùng đồng bằng sông Cửu Long còn đó những chiến tích bi thương, oai hùng. Trở lại những địa chỉ năm xưa từng xảy ra các vụ thảm sát tang thương như: TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang; xã Trí Phải (huyện Thới Bình), xã Nguyễn Huân (huyện Ðầm Dơi), tỉnh Cà Mau... đều cảm nhận được sự thay đổi lớn lao. Ðó là những vùng quê bừng sáng, đi đầu trong các phong trào ở địa phương.

Qua rồi ngày thảm sát bi thương

Cuối năm 1958 đầu 1959 thất bại ở biệt khu U Minh, Mỹ - Diệm ráo riết thực hiện kế hoạch lập khu trù mật, chúng chọn Vị Thanh - Hoả Lựu (tỉnh Cần Thơ xưa, nay thuộc tỉnh Hậu Giang) làm điểm điển hình ở miền Nam. Với ý định xây dựng trở thành “thành luỹ chống cộng có hiệu quả” hòng thực hiện âm mưu “tát nước bắt cá”, tách dân với chính quyền cách mạng. Thị xã Cần Thơ khi đó là trung tâm đầu não của Vùng 4 chiến thuật. Ðịa bàn đặc biệt này là vùng đất nông nghiệp trù phú, dân cư đông, nối liên hoàn với các tỉnh trong khu vực Cần Thơ - Rạch Giá - Cà Mau. Nếu cách mạng giữ được Long Mỹ - Vị Thanh là bảo vệ được cửa ngõ căn cứ U Minh, vừa tạo được bàn đạp tấn công ra thị xã Cần Thơ. Về phía địch, nếu thực hiện được âm mưu gom dân lập Khu trù mật Vị Thanh - Hoả Lựu, chiếm được Long Mỹ - Vị Thanh sẽ làm chỗ dựa để đánh phá, bình định vùng căn cứ U Minh.

Ðể xây dựng Khu trù mật Vị Thanh - Hoả Lựu, địch mở 880 cuộc càn quét lớn nhỏ ở Vị Thanh và các xã lân cận thuộc huyện Long Mỹ (Hậu Giang) và huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) để bắt lính, gom dân. Hàng trăm công đất vườn cây ăn trái, hàng ngàn công đất lúa sắp đến ngày thu hoạch bị phá huỷ. Không những thế, hàng ngàn ngôi mộ cũng bị đào xới. Bọn tay sai của Mỹ - Diệm ở Vị Thanh thẳng tay tàn sát, bắt bớ người dân, gây nên bao cảnh tang tóc, đau thương. Tại voi Bần (ngang Nhà máy đường Vị Thanh ngày nay) chúng giết và chôn sống 300 người... Tội ác Mỹ - Diệm chồng chất, Nhân dân Long Mỹ - Vị Thanh truyền miệng bài ca dao: “Ai về Long Mỹ - Vị Thanh/ Nhìn nhà, nhìn cửa tan tành mà đau/ Mả mồ bị cuốc, bị đào/ Vườn hoang nhà trống đượm màu tóc tang/ Ðầy đường ngập tiếng oán than/ Mỹ - Ngô gieo hoạ, xóm làng tả tơi/ Gió đưa uất hận ngút trời/ Thổi cao ngọn lửa, đốt loài gian manh”.

TP Vị Thanh hôm nay. Ảnh: LÝ ANH LAM

TP Vị Thanh hôm nay. Ảnh: LÝ ANH LAM

Chuyện bi hùng ở Khu trù mật mà không thể quên những trận thảm sát do Mỹ - Ngụy gây ra trên khắp vùng châu thổ Cửu Long. Ðó còn là câu chuyện của một gia đình có 2 anh em ruột: ông Nguyễn Văn Ðạm và Nguyễn Văn Việt, cùng bị thảm sát ở cánh đồng Bàu Hang (xã Nguyễn Huân, huyện Ðầm Dơi, tỉnh Cà Mau). Ðể rồi 2 người vợ là bà Lê Thị Hường và bà Ngô Thị Hoà thắt lòng, nuôi dạy con chờ ngày hỏi tội kẻ thù. Những người con ngày ấy đều được 2 bà mẹ đặt cùng tên Hận: Nguyễn Trường Hận và Nguyễn Quốc Hận. Ðó là ngày kinh hoàng: Khoảng 14 giờ ngày 16/9/1959, từ quận Ðầm Dơi, chúng chuyển người bằng xuồng chạy máy Cole 4 vào đến đập Quảng Ngôn đưa hết lên bờ. Cả 10 người bị trói cùng một sợi dây thừng và dẫn giải vào tới Kinh Tây, thuộc cánh đồng Bàu Hang. Ở đó, bọn chúng đã tập hợp khoảng hơn 1.000 lực lượng gồm: lính bảo an, thanh niên cộng hoà (bảo vệ hương thôn)... Chúng đọc lời tế cờ cho Dương Văn Tiếu và tuyên bố nếu cộng sản giết chúng 1 người thì chúng sẽ giết lại 10 người để trả thù. Sau đó, chúng hô hào cho bọn thanh niên cộng hoà lao vào dùng gậy đập đầu những người yêu nước cho đến chết.

Sau cuộc thảm sát 10 người tại cánh đồng Bàu Hang, người thân đến nơi, không ai nhận ra thân nhân của mình. Xương máu của những người bị giết trong trận thảm sát tại Bàu Hang năm nào đã hoà chung vào quê hương xứ sở và hơn 60 năm qua họ lại tổ chức giỗ cùng chung 1 ngày.

Ðó còn là câu chuyện bi đát của những năm đánh Mỹ ở vùng căn cứ Trí Phải (huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau), Mỹ - ngụy dã man dội đạn pháo vào xóm dân cư làm 72 người thương vong ở lung Máng Diệc. “Chạng vạng tối ngày 10/2/1970, người dân ở kênh Si Ðo, kênh Công Nghiệp đã chứng kiến cảnh tượng tàn khốc nhất. 70 người chết, 2 người bị thương sau 2 trận nã đạn từ máy bay trực thăng của Mỹ - nguỵ. Chúng tôi đã dùng trâu để cộ số người thương vong về an táng”, ông Nguyễn Văn Thêm (Út Thêm), cựu chiến binh Ấp 4, xã Trí Phải - người từng chứng kiến cảnh tượng hãi hùng cách nay hơn nửa thế kỷ ở lung Máng Diệc, kể lại.

Tiếp nối truyền thống anh hùng

Nhân dân Vị Thanh với truyền thống cách mạng kiên cường đã đấu tranh quyết liệt với kẻ thù. Có những gia đình bị địch đốt nhà nhiều lần, nhưng vẫn “một tấc không đi, một ly không rời”. Ðể khắc sâu tội ác và giáo dục Nhân dân ta, nhất là thế hệ trẻ về lòng căm thù đối với Mỹ - nguỵ lập Khu trù mật Vị Thanh - Hoả Lựu, ngày 2/8/1997, Bộ Văn hoá - Thông tin ra quyết định công nhận “Khu trù mật Vị Thanh - Hoả Lựu di tích tội ác Mỹ - Diệm tàn sát đồng bào” là Di tích Lịch sử - Văn hoá cấp Quốc gia.

Cựu chiến binh Nguyễn Thanh Bình, Khu vực 1, Phường VII (TP Vị Thanh), kể: “Mổ bụng, lấy mật là tội ác của Mỹ - Diệm, giết đồng bào không gớm tay với nhiều hình thức tàn khốc, bọn nó thả trôi sông, có khi bắt dân đem qua voi Bần chôn sống. Sau ngày thống nhất, cả vùng đất nén đau thương quyết tâm xây dựng quê hương giàu đẹp”.

Như ông Bình, cựu chiến binh Trần Văn Ðồng, Khu vực 1, Phường VII, có người thân trực tiếp tham gia vào cuộc chiến, kể: “Bọn chúng lê máy chém khắp nơi giết hại người vô tội, chỉ cần nghi là Việt cộng, tụi nó sẽ chém đầu thị chúng, để gây kinh hãi, hoảng sợ cho đồng bào. Chứng kiến cảnh đồng bào bị thảm sát tàn nhẫn, không riêng gì dòng họ nhà tôi chiến đấu trả thù, mà ở Vị Thanh ai cũng đứng lên kháng chiến, với tinh thần quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

Ở những vùng quê Bàu Hang, Máng Diệc trên vùng đất Cà Mau, sau nửa thế kỷ ngày đất nước thống nhất, Nhân dân giờ cuộc sống ổn định. Những gia đình có 2-3 người cùng thương vong trong trận thảm sát cũng vươn lên khá, giàu. Không những thế, nơi đây còn ghi nhận những câu chuyện cảm động về lòng căm thù giặc xâm lược thời kháng chiến và hết lòng xây dựng quê hương vào thời bình của những người mẹ, người con và cả những tấm lòng “xẻ đất” để xây dựng các công trình tưởng niệm. Ðể có diện tích đất xây dựng bia tưởng niệm trận thảm sát của Mỹ - nguỵ tại lung Máng Diệc, ông Nguyễn Văn Hiệp (Tám Hiệp) dù kinh tế gia đình khó khăn nhưng đã tự nguyện hiến 1.000 m2 đất. Giờ ông Tám Hiệp đã qua đời, con trai ông bị nhiễm chất độc hoá học nhưng vẫn không chùn bước, vượt qua khó khăn xây dựng cuộc sống gia đình.

Ở xã Nguyễn Huân, ông Trần Việt Bắc đã tình nguyện hiến hơn 1.000 m2 để xây dựng Bia tưởng niệm Bàu Hang, dù sự kiện thảm sát ở Bàu Hang xảy ra khi ông chưa sinh ra. Ông Bắc cho biết: “Sau này, được nghe người lớn kể lại, tôi biết thêm về những mất mát đau thương thời chiến. Nơi từng xảy ra thảm sát, hiện nay lại nằm trên khu vực đất của mình, nên tôi tự nguyện hiến để xây dựng Di tích Bia tưởng niệm 10 cán bộ và Nhân dân bị Mỹ - nguỵ  thảm sát”.

Những vùng quê tang thương ngày ấy giờ đang hồi sinh, phát triển. Hệ thống hạ tầng giao thông được đầu tư xây dựng. Trường học từ bậc mầm non đến trung học cơ sở đều đạt chuẩn quốc gia. Hệ thống giao thông nông thôn kết nối, tạo thuận lợi cho phát triển sản xuất. Dấu tích của chiến tranh vẫn còn đó qua những bia mộ tập thể, những tượng đài, hiện vật đang được lưu giữ, là động lực trong xây dựng đời sống mới. Trên cung đường tang thương cách nay hơn nửa thế kỷ ở Bàu Hang, Máng Diệc, Hoả Lựu - Vị Thanh... giờ là những tuyến đường hoa xanh thắm, tuyến phố văn minh - Nơi nỗi đau đã nhường chỗ cho cuộc sống yên vui, đủ đầy./.

 

Phong Phú - Phúc Danh

 

Những vùng quê vượt qua nỗi đau

Sau 50 năm kiến thiết xây dựng quê hương, vùng đồng bằng sông Cửu Long còn đó những chiến tích bi thương, oai hùng. Trở lại những địa chỉ năm xưa từng xảy ra các vụ thảm sát tang thương như: TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang; xã Trí Phải (huyện Thới Bình), xã Nguyễn Huân (huyện Ðầm Dơi), tỉnh Cà Mau... đều cảm nhận được sự thay đổi lớn lao. Ðó là những vùng quê bừng sáng, đi đầu trong các phong trào ở địa phương.

Nghề dệt của đồng bào Khmer vùng biên giới

Ðồng bào Khmer là 1 trong 54 dân tộc anh em không thể tách rời trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam. Những năm qua, Ðảng, Nhà nước ta luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến các dân tộc thiểu số, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, đời sống của đồng bào Khmer vùng đồng bằng sông Cửu Long cải thiện rõ rệt.

Giữ nghề dệt thổ cẩm ở làng Chăm

Trong căn nhà gỗ 3 gian trưng bày hàng thổ cẩm truyền thống của đồng bào Chăm ở ấp Phũm Xoài, xã Châu Phong, thị xã Tân Châu (tỉnh An Giang), lão Mohamach chậm rãi rót trà. Hơi nóng toả lên, hoà vào không khí tĩnh lặng của ngôi làng. Hôm nay là ngày lễ Ramadan, khách đến thăm vào dịp này không nhiều, nhưng họ muốn tìm hiểu văn hoá, phong tục của đồng bào, nên lão vui vẻ nhận lời.

Ðổi thay đất anh hùng

Mùa này, nắng nhuộm vàng những vườn cây trĩu quả bên bờ Sông Hậu, xuyên qua Cù lao Tân Quy, những con đường thẳng tắp, rợp bóng cây như minh chứng đất Cầu Kè đang khoác lên mình diện mạo mới; một vùng quê trù phú, điểm sáng trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Trà Vinh.

Tinh hoa mặn mà từ biển Bạc Liêu

Nằm ở vùng đất cực Nam của Tổ quốc, Bạc Liêu từ lâu đã nổi danh với nghề làm muối truyền thống. Những cánh đồng muối trắng xoá trải dài, lấp lánh dưới ánh mặt trời, không chỉ là nguồn sinh kế của người dân địa phương mà còn là biểu tượng văn hoá độc đáo của miền Tây Nam Bộ. Nơi đây được coi là thủ phủ muối khi là một trong những nơi có diện tích sản xuất muối lớn nhất cả nước nằm ở 2 huyện: Hoà Bình và Ðông Hải. Với lịch sử hơn 100 năm hình thành và phát triển, diêm dân nơi đây đã tích luỹ được những kinh nghiệm thực tế và kế thừa nghề làm muối độc đáo qua bao thế hệ.

Muối Bạc Liêu và cơ hội vươn mình

Nếu so với các tỉnh, thành phố trong khu vực Nam Bộ thì Bạc Liêu là vùng đất được khai phá muộn màng. Ðến với vùng đất mới, các bậc tiền nhân Bạc Liêu đã biết khai thác tài nguyên thiên nhiên sẵn có, tạo ra của cải, vật chất để nuôi sống bản thân và dùng để giao lưu, trao đổi phục vụ cho mục đích không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống. Từ đó, các ngành, nghề truyền thống ở Bạc Liêu lần lượt ra đời, trong đó một số nghề nổi tiếng như: trồng nhãn, đan đát và làm muối... Hầu hết các nghề này đã tồn tại và phát triển hơn 100 năm nay.

Hương tràm vùng biên

Tháng Giêng, trời biên giới Tây Nam hanh hao nắng. Nước bắt đầu rút nhanh trên các nhánh sông, để lại dòng kênh ven rừng sánh màu nâu đỏ của lá tràm khô, bờ kênh phơi mình trong nắng vàng óng ánh, ửng lên màu vàng cháy của phèn. Phía bên kia tuyến dân cư thưa thớt là vệt rừng tràm khô khát. Vậy là chúng tôi đã lọt thỏm vào khu vực 730 ha rừng tràm do Trung đoàn 30, Sư đoàn 4 quản lý dọc biên giới Tây Nam thuộc địa phận huyện Giang Thành và Hòn Ðất, tỉnh Kiên Giang.

Mùa quýt hồng chín rộ

Trong những ngày giáp Tết nguyên Đán, Ất Tỵ 2025, trên vùng đất phù sa châu thổ Cửu Long thuộc các xã Long Hậu, Tân Thành, Hòa Thành và Vĩnh Thới, Vĩnh Hậu huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp đang vào mùa quýt hồng chín rộ, thu hút hàng ngàn du khách đổ về tham quan, check-in và thưởng thức những quả quýt chín vàng tươi, ngọt lịm.

Thúc đẩy kinh tế biển phát triển

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 140/QÐ-TTg ngày 16/1/2025 phê duyệt Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ðây là quy hoạch mang tầm chiến lược nhằm thúc đẩy kinh tế biển phát triển.

Cổ tích ở Cù lao Ông Hổ

Nhơn Mỹ, xã ở Cù lao Ông Hổ, huyện Chợ Mới (An Giang), từ lâu đã được nhắc đến như biểu tượng của tinh thần học tập ở miền Tây Nam Bộ. Trước đây, Nhơn Mỹ là vùng đất nghèo khó, nơi người dân đa phần sống dựa vào những mảnh ruộng, mùa nước nổi lại thêm lo toan chồng chất. Thế nhưng, bằng sức mạnh của giáo dục và sự nỗ lực không ngừng, Nhơn Mỹ đã vươn mình, trở thành “Làng hiếu học” như một câu chuyện cổ tích giữa thế kỷ 21.