ĐT: 0939.923988
Thứ năm, 21-11-24 18:27:32
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Đồng bằng sông Cửu Long: Thách thức, thời cơ và vận hội mới - Bài cuối: Hành động kịp thời, mở ra vận hội mới

Báo Cà Mau Tại Hội thảo “Giải pháp cấp thiết bảo vệ vùng đồng bằng sông Cửu Long” được tổ chức vào tháng 5 vừa qua tại TP Cần Thơ, ông Nguyễn Văn Hiếu, Uỷ viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, Bí thư Thành uỷ TP Cần Thơ, cho rằng, thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành đã dành sự quan tâm lớn, có nhiều chủ trương, chính sách để tháo gỡ khó khăn, phát huy thế mạnh, tiềm năng toàn vùng, đã và đang mang lại nhiều kết quả tích cực, góp phần hoá giải được nhiều thách thức trong sản xuất nông nghiệp nói riêng và phát triển kinh tế nói chung. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu (BÐKH) tiếp tục gây hậu quả nặng nề, luôn là nỗi trăn trở đối với vùng, nhất là về an ninh nguồn nước, cần phải có giải pháp cấp bách, căn cơ, kịp thời hành động quyết liệt, có trách nhiệm để ứng phó hiệu quả, mở ra vận hội mới.

Theo ông Nguyễn Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), hiện đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) có hơn 9 triệu người được sử dụng nước sạch tập trung, đáp ứng 67% dân số vùng nông thôn. Tuy nhiên, trong đó có 70% sử dụng từ mạch nước ngầm, đây là vấn đề rất đáng quan tâm. Ngoài ra, hiện có khoảng 5 triệu người (với 1 triệu hộ) chưa được thụ hưởng nước sạch tập trung, chủ yếu trữ nước mưa để sử dụng. Theo đó, Bộ NN&PTNT đưa ra yêu cầu, từ đây đến năm 2025 tiếp tục đầu tư các công trình cấp nước sạch tập trung, phục vụ sinh hoạt, chủ yếu ở 8 tỉnh ven biển từ nguồn nước mặt.

Tại Cà Mau, giai đoạn  2021-2025, tổng nguồn hỗ trợ các dự án nông nghiệp là 2.507 tỷ đồng. Trong đó ngân sách Trung ương 970 tỷ đồng (39%), ngân sách địa phương 655 tỷ đồng (26%) và vốn nước ngoài (ODA) 882 tỷ đồng (33%). Riêng năm 2023, dự án ngành nông nghiệp 994 tỷ đồng (chủ yếu khắc phục thiên tai). Trong đó ngân sách Trung ương 710 tỷ đồng, ngân sách địa phương 190 tỷ đồng và vốn nước ngoài (ODA) 94 tỷ đồng. Ðồ hoạ: LÊ TUẤN

An ninh nguồn nước

Ông Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, khẳng định, qua các mùa hạn mặn, hệ thống ngăn mặn đã vận hành kịp thời, mang lại hiệu quả khá ổn định, tuy nhiên khô hạn kéo dài, xâm nhập mặn càng sâu, phần nào gây khó khăn cho sản xuất. Ông Vĩnh cho biết, hiện có 4 tỉnh là Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long và Bến Tre thống nhất kiến nghị Trung ương cho chủ trương xây đập trên sông Hàm Luông, phục vụ việc giữ ngọt, ngăn mặn triệt để. Ðây không chỉ phục vụ tỉnh Bến Tre mà liên vùng trọng điểm về cây ăn trái của Việt Nam.

Cũng là địa phương cuối nguồn, ông Lê Văn Hẳn, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, mong sớm triển khai đầu tư tuyến Hành lang ven biển phía Nam đúng tiến độ, vì đây là công trình mang tính liên kết vùng kết hợp ngăn mặn, chống tràn.

“Là một trong các tỉnh đang đứng trước nguy cơ thiếu nước sản xuất, sinh hoạt ngày càng lớn hơn, nhiều hơn, xét thấy cần chủ động trước một bước với nhiều phương pháp khác nhau. Vào mùa khô, hầu hết đều khai thác nước ngầm để sử dụng, kéo theo nhiều nguy cơ. Ðề nghị Chính phủ có chương trình hỗ trợ vốn, hoặc những chính sách ưu tiên cho kế hoạch hỗ trợ người dân trữ nước riêng lẻ, nhất là trữ nước mưa, vì hằng năm trữ lượng từ nguồn này rất lớn, tận dụng lại rất ít, phần lớn bỏ đi, rất tiếc”, ông Hẳn đề xuất; đồng thời cho rằng cần nạo vét, khơi thông các kênh, mương nhằm dẫn và trữ nước ngọt, ứng phó hạn hán.

Theo ông Lâm Minh Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, kể từ khi công trình Cái Lớn - Cái Bé đi vào vận hành, hiệu quả mang lại rất tích cực. Trên 384.000 ha vùng hưởng lợi từ công trình này, vùng nông nghiệp 5 tỉnh: Kiên Giang, Hậu Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng đã có nhiều thay đổi, liên tiếp những vụ mùa sản xuất ổn định, phát triển bền vững.

“Người sản xuất nông nghiệp vùng này chuyển dần từ chống đỡ sang chủ động, kiểm soát nguồn nước ngọt, mặn, lợ, giúp người dân thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Nhiều mô hình sản xuất theo hệ sinh thái luân phiên theo quy hoạch, giúp giảm từ 10-15% chi phí sản xuất và tăng 20% hiệu quả kinh tế; cùng với đó đã tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng cho việc đắp đập ngăn mặn mỗi khi mùa khô đến”, ông Lâm Minh Thành phấn khởi chia sẻ, đồng thời khẳng định, qua 2 năm vận hành, đến nay đã đánh giá được tư duy, tập quán sản xuất được thay đổi, dần thuận thiên, chủ động và thích ứng.

Ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết, địa phương chịu ảnh hưởng của thiên tai quanh năm, luôn trong tâm thế chống đỡ. Mưa thì gây ngập, phải xả hoặc bơm bỏ, nhưng khi nắng kéo dài thì thiếu nước, gây hạn hán, làm sụt lún đất, thiệt hại hạ tầng xây dựng, giao thương ngưng trệ. Mùa khô, người dân luôn thiếu nước sạch sinh hoạt và ngày càng nguy cấp hơn trong việc phòng cháy, chữa cháy rừng.

“Mỗi khi mùa khô đến là Cà Mau đứng trước nguy cơ cháy rừng, mà một khi đã cháy thì không có nước để dập lửa. Khi đó sẽ là thảm hoạ môi trường nếu không được ngăn chặn kịp thời, để cháy lớn”, ông Lê Văn Sử trăn trở.

Đặc thù của Cà Mau là sử dụng nước trời và khai thác nước ngầm, nguồn nước ngọt vốn khan hiếm. Tuy nhiên, việc tích trữ, tiếc kiệm nguồn nước chưa phát huy hiệu quả, dẫn đến mưa thì ngập phải bơm bỏ, nắng thì bị hạn, ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống của người dân.

Cà Mau vừa xây dựng hoàn thành hồ chứa nước ngọt nhưng diện tích hạn chế, chỉ đáp ứng cơ bản về nước sinh hoạt cho người dân trong khu vực. Tỉnh mong muốn hình thành thêm hồ chứa nước ngọt quy mô khoảng 100 ha, nhằm tăng cường khả năng trữ nước ngọt, ứng phó hạn hán.

Liên quan đến lĩnh vực nước sạch, nước sinh hoạt cho người dân, đặc biệt là về hồ chứa, ông Trần Duy Ðông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, đề xuất cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ những khu vực khó khăn, khan hiếm nguồn nước sạch thông qua hỗ trợ nghiên cứu, đầu tư các hệ thống hồ chứa với quy mô lớn (khoảng 30 ha/hồ) trữ nguồn nước ngọt dự phòng. Thứ trưởng Trần Duy Ðông yêu cầu bố trí một khoản riêng để đầu tư các dự án ngăn mặn, trữ ngọt cho toàn vùng ÐBSCL trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030.

Tư duy mới, tầm nhìn mới

Phát biểu tại Hội nghị Hội đồng Ðiều phối vùng ÐBSCL lần thứ tư vừa qua tại Cà Mau, đồng chí Lê Minh Khái, Phó thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Ðiều phối, khẳng định, Chính phủ rất quan tâm và xem trọng vai trò, tầm quan trọng của vùng ÐBSCL trong tiến trình phát triển của đất nước. Ðiều này được thể hiện khi ÐBSCL là vùng đầu tiên trong 6 vùng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch vùng và ban hành kế hoạch thực hiện quy hoạch. Ðến nay, 13/13 tỉnh, thành phố, thuộc vùng đã được phê duyệt quy hoạch tỉnh và hoàn thành tổ chức công bố quy hoạch.

Phó thủ tướng Lê Minh Khái chỉ rõ, kinh tế của vùng tuy tăng trưởng khá nhưng chưa thực sự bền vững, quy mô còn rất khiêm tốn (chỉ chiếm 12% quy mô GDP cả nước). Thách thức ngày càng hiện rõ, là vùng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của BÐKH và nước biển dâng, gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, ảnh hưởng đến sinh kế và đời sống người dân.

Ðể phát triển năng động hơn trong tương lai, Phó thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu cần tập trung và quán triệt nghiêm túc, thực hiện quyết liệt, hiệu quả, thực chất các nhiệm vụ, giải pháp đề ra nhằm phát triển nhanh và bền vững vùng ÐBSCL theo tinh thần các nghị quyết của Ðảng, Quốc hội, Chính phủ; các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch do Thủ tướng Chính phủ ban hành. Ðặc biệt là Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững vùng ÐBSCL thích ứng với BÐKH...

Để ĐBSCL tăng tốc phát triển và cất cánh bay cao, vươn xa, cần tiếp tục đầu tư những dự án trọng điểm nhằm khai thác lợi thế, tạo bứt phá, theo kịp xu thế hội nhập và phát triển toàn cầu. (Trong ảnh: Tỉnh Cà Mau kêu gọi đầu tư xây dựng cảng biển tổng hợp Hòn Khoai, cửa ngỏ giao thương quốc tế cho ĐBSCL).

Theo Phó thủ tướng, thực hiện chiến lược này, trước mắt cần tập trung cơ cấu lại các ngành kinh tế theo hướng hiện đại, ưu tiên phát triển các ngành, lĩnh vực có thế mạnh như: phát triển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, sinh thái, bền vững gắn với các sản phẩm trọng tâm của vùng, là thuỷ sản, trái cây và lúa gạo gắn với các cụm ngành nông, lâm, thuỷ sản, các trung tâm đầu mối. Tập trung nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ. Phát triển công nghiệp xanh, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, nhất là điện gió, điện mặt trời gắn với bảo vệ rừng và bờ biển. Trong phát triển kinh tế biển, chú trọng phát triển du lịch, dịch vụ biển, kinh tế hàng hải, khai thác dầu khí và năng lượng tái tạo, nuôi và khai thác hải sản xa bờ, các khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển, tái tạo nguồn lợi thuỷ sản và bảo vệ nguồn đa dạng sinh học biển. Ưu tiên đầu tư, đẩy nhanh các dự án động lực, trọng điểm, có tính lan toả lớn, có tính liên kết vùng, liên tỉnh để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng, tập trung vào các tuyến cao tốc; dự án đầu tư xây dựng cảng biển Trần Ðề, Hòn Khoai...

Để ĐBSCL tăng tốc phát triển và cất cánh bay cao, vươn xa, cần tiếp tục đầu tư những dự án trọng điểm nhằm khai thác lợi thế, tạo bứt phá, theo kịp xu thế hội nhập và phát triển toàn cầu. (Trong ảnh: Tỉnh Cà Mau kêu gọi đầu tư xây dựng cảng biển tổng hợp Hòn Khoai, cửa ngỏ giao thương quốc tế cho ĐBSCL).

Phó thủ tướng Lê Minh Khái khẳng định, con đường phát triển bền vững của ÐBSCL phải đi từng bước vững chắc trong ứng phó và thích ứng BÐKH, đó là giải pháp công trình và phi công trình. Theo đó, biến thách thức thành thời cơ và nhiệm vụ cấp thiết là cần chủ động hành động, mở ra không gian phát triển, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, để ÐBSCL tiếp tục vững vàng là trung tâm nông nghiệp của Việt Nam và thế giới.


“Một số nội dung, nhiệm vụ cụ thể thực hiện các nội dung, nhiệm vụ tại Nghị quyết số 78/NQ-CP của Chính phủ cho vùng còn chưa đáp ứng được tiến độ đề ra do một số nội dung mới, lĩnh vực nghiên cứu rộng, cần nhiều thời gian nghiên cứu, rà soát; một số cơ chế, chính sách ban hành đã dành nhiều sự quan tâm cho các địa phương trong vùng nhưng chưa thực sự mang tính đột phá, tạo sức bật đáng kể. Tuy nhiên, với tổng số 363 chương trình, dự án của quy hoạch được xác định, đây là những dự án lớn, quan trọng, có tính chất dẫn dắt, có tác dụng lan toả, sẽ ưu tiên tập trung đầu tư trước, đầu tư dứt điểm và đưa vào sử dụng để làm mồi dẫn thu hút các nguồn lực xã hội, nhất là nguồn vốn ngoài ngân sách. Trong đó, hạ tầng giao thông được xác định là một trong những khâu đột phá chính cho phát triển kinh tế - xã hội vùng nói chung và thúc đẩy liên kết vùng nói riêng..."

       (Trích Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Ðầu tư tại Hội nghị lần thứ Tư, Ban Chỉ đạo Ðiều phối vùng ÐBSCL năm 2024).


 

Trần Nguyên

 

Tô thắm vườn hoa tử tế - Bài cuối: Thầm lặng việc thiện nguyện

Gương mặt đôn hậu, nụ cười tươi tắn luôn nở trên môi là điều dễ tạo thiện cảm với bất cứ ai khi gặp cô Phạm Thị Ngọc Thảo, giáo viên Trường Tiểu học Phường 6/2, TP Cà Mau. Nhiều năm duy trì “Tủ bánh mì yêu thương”, lặng thầm trao hàng trăm món quà thiết thực tới những hoàn cảnh kém may mắn, cô Thảo cảm nhận được niềm hạnh phúc khi được sẻ chia.

Tô thắm vườn hoa tử tế - Bài 2: Người gieo hạnh phúc

Mỗi ngày trôi qua, trên khắp quê hương Cà Mau xuất hiện nhiều tấm gương bình dị mà cao quý. Ðó là câu chuyện của người phụ nữ vượt qua nỗi đau của bản thân để dìu dắt những người khuyết tật hoà nhập cộng đồng, là câu chuyện của những cựu chiến binh giàu nghĩa cử cao đẹp... Họ thầm lặng đóng góp cho đời, gieo hạt giống yêu thương, điểm tô cho cuộc sống thêm những gam màu tươi sáng.

Tô thắm vườn hoa tử tế

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn thường nói, xã hội ta có rất nhiều những tấm gương người tốt, việc tốt. Họ có mặt khắp nơi, đó là những bông hoa đẹp trong rừng hoa đẹp. Ðiều đó được minh chứng ở Cà Mau, nơi tình đất - tình người bền chặt thuỷ chung, sâu nặng nghĩa tình. Trong hành trình phát triển quê hương, bằng những việc làm trượng nghĩa, người Cà Mau đã tô thắm thêm vườn hoa tử tế, làm lay động bao trái tim và lan toả giá trị sống tốt đẹp.

Cửa Lớn mở tương lai

Những năm 1990 của thế kỷ trước, mỗi dịp nghỉ hè, tôi lại được theo ghe bán hàng bông của ba má, xuôi ngược từ xứ ngọt Trần Văn Thời về đất mặn Ngọc Hiển xa xôi và lạ lẫm.

Đội ngũ hoạt động ở ấp, khóm: Tựa tre, chăm măng - Bài cuối: Bàn về giải pháp

Thực tiễn công tác xây dựng đội ngũ người hoạt động ở ấp, khóm kế cận ở Cà Mau đầy sinh động, với nhiều cách làm hay, kinh nghiệm hữu ích. Bằng việc kết nối, đảm bảo tính kế thừa để phát huy tối đa những ưu điểm, bổ trợ những hạn chế giữa các thế hệ; đội ngũ này vừa ổn định vừa có những điểm sáng đột phá gắn với xu hướng trẻ hoá, chuẩn hoá. Bên cạnh đó, sự phát triển khởi sắc của tỉnh nhà cũng đang tạo ra môi trường tốt để nhiều người trẻ chọn trở về gắn bó lập thân, lập nghiệp.

Đội ngũ hoạt động ở ấp, khóm: Tựa tre, chăm măng - Bài 2: Những tín hiệu tích cực

Năng nổ, nhiệt huyết, nhạy bén và dám nghĩ, dám làm đang là những ghi nhận, đánh giá của các cấp uỷ đảng, chính quyền và Nhân dân khi nói về những người trẻ tuổi hoạt động ở ấp, khóm. Không khí tươi mới với nguồn năng lượng tích cực của đội ngũ trẻ đã thực sự trở thành điểm sáng ở nhiều địa bàn ấp, khóm ở Cà Mau trong hành trình phát triển. Ðó cũng là gợi ý hữu ích để Cà Mau tiếp tục công việc chuẩn hoá, trẻ hoá; tăng cường chất lượng và xây dựng đội ngũ kế thừa đảm đương nhiệm vụ ở khóm, ấp trong bối cảnh hiện nay.

Đội ngũ hoạt động ở ấp, khóm: Tựa tre, chăm măng

Thực tế đã khẳng định vai trò vô cùng quan trọng của đội ngũ người hoạt động không chuyên trách ở ấp, khóm trong việc cụ thể hoá đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào thực tiễn đời sống. Ðây là cánh tay nối dài của cấp uỷ, chính quyền cơ sở, nơi trực tiếp, sâu sát nhất với Nhân dân. Mọi chuyển động của cấp “cơ sở của cơ sở” sẽ quyết định đến việc thành hay bại của một quyết sách, một chủ trương, một phong trào... gắn với nhiệm vụ chính trị và sự phát triển của từng địa phương.

Tín dụng chính sách - Xây dựng niềm tin, hướng đến phát triển bền vững - Bài cuối: Hướng đến tín dụng "xanh"

Thông qua các khoản vay ưu đãi, nông dân và các hợp tác xã (HTX) có cơ hội mở rộng quy mô sản xuất, áp dụng công nghệ tiên tiến, từ đó xây dựng nền tảng cho các mô hình kinh tế nông nghiệp bền vững. Bên cạnh đó, tín dụng chính sách (TDCS) không chỉ giới hạn trong việc hỗ trợ sản xuất mà còn mở rộng sang các lĩnh vực quan trọng, như bảo vệ môi trường và phát triển tín dụng xanh.

Tín dụng chính sách - Xây dựng niềm tin, hướng đến phát triển bền vững

Tín dụng chính sách xã hội (CSXH) đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống của các nhóm yếu thế và phát triển kinh tế địa phương. Các chính sách đổi mới đã giúp hàng ngàn người tiếp cận vốn hỗ trợ, vượt qua khó khăn và xây dựng sinh kế bền vững. Bên cạnh đó, các hợp tác xã và mô hình nông nghiệp xanh ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế địa phương. Nỗ lực đổi mới trong quản lý và triển khai tín dụng đã phá vỡ rào cản, mở ra cánh cửa cho một tương lai phát triển toàn diện.

Tín dụng chính sách - Xây dựng niềm tin, hướng đến phát triển bền vững - Bài 2: Xoá rào cản, mở cửa cơ hội

Trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tín dụng chính sách xã hội (CSXH) không chỉ là công cụ hỗ trợ người dân thoát nghèo mà còn là động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế địa phương. Các khoản vay ưu đãi đã tạo điều kiện cho hàng ngàn hộ khởi nghiệp, mở rộng sản xuất, cải thiện đời sống và đóng góp vào sự phát triển bền vững. Ðặc biệt, CSXH đã hỗ trợ những nhóm yếu thế và các cá nhân chấp hành xong án phạt tù vượt qua rào cản xã hội, tạo điều kiện cho họ tái hoà nhập cộng đồng và xây dựng cuộc sống mới. Không chỉ dừng lại ở việc cung cấp tài chính, tín dụng này đã trở thành nền tảng vững chắc để họ từng bước vươn lên, thay đổi cuộc sống.