ĐT: 0939.923988
Thứ ba, 22-4-25 15:44:04
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Công tác tuyên huấn thời chiến

Báo Cà Mau

i thoát ly tham gia kháng chiến vào giữa cuối năm 1967 và may mắn được làm nhiệm vụ ấn loát văn phòng Ban Tuyên huấn huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau.

Từ những ngày đầu bỡ ngỡ, được tiếp xúc với từng văn bản tài liệu hay bản tin tức viết tay in bột hoặc tập viết bản kẽm in giấy sáp. Sống ở nhà dân, điều kiện làm việc dã chiến, lật thùng đạn loại 200 hoặc 500 viên làm bàn viết, thế mà vẫn viết được mới hay. In bột xong rồi, rứt ra từng miếng nhỏ trải phơi nắng, khi cần mới rưới nước lên nhồi lại để in nữa, do lâu ngày nên bột ngả mùi chua khăn khẳn… Nhưng in giấy sáp dùng bẹ chuối kéo mực màu đen hoặc đỏ pha dầu Brilantin, nhớ mùi mực dầu thơm phức phát ghiền!

Cơ quan có 3 khạp đựng tài liệu lưu trữ. Một hôm, tôi mở nắp nhìn, rồi rút xem thử tập “Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng”, một xấp bản nhạc bìa vẽ bức tranh in màu sắc đẹp “Bài ca phá lộ” của Nhạc sĩ Thanh Trần, nhiều tài liệu như “5 bước công tác cách mạng”, công tác tuyên truyền, huấn học in giấy sáp qua nét chữ nghiêng bén - ngòi bằng kim hát máy viết trên bản kẽm của anh Ba Nhân…

Đội vũ trang tuyên truyền trực thuộc Ban Tuyên huấn Cà Mau được tổ chức phục vụ cho giải phóng miền Nam. Ảnh tư liệu

Thời kháng chiến, do các cấp uỷ Đảng lãnh đạo, Ban Tuyên huấn các cấp đảm trách hết các công việc chuyên môn nghiệp vụ mà sau ngày toàn thắng 30/4/1975 một số tiểu ban chuyển sang thuộc hệ thống chính quyền. Tuyên huấn bao gồm 4 chức năng như: Tuyên, Văn, Huấn, Giáo, tức Tuyên truyền, Văn hoá, Huấn học, Giáo dục. Môi trường tuyên huấn đã tôi luyện nhiều cán bộ tài năng, chuyên môn giỏi, có tư chất thông minh, viết giỏi, nói hay là những người làm tuyên huấn giỏi…

Cuối năm, tôi được giao nhiệm vụ thực hiện viết chữ màu nước sơn đỏ tấm băng trên 3 lớp vải trắng, xong gỡ ra thành 3 tấm băng cùng một nội dung… Cận Tết Mậu Thân 1968, chúng tôi được lệnh di chuyển văn phòng về tại nhà chú Năm Ách, Bí thư Chi bộ ấp Đòn Dong. Và đến chiều 30 Tết, tôi và Bá mới được anh Tám Cẩn (Trưởng ban) giao nhiệm vụ bí mật ngồi viết bản kẽm in giấy sáp 2 truyền đơn quan trọng: NHẬT LỆNH của Uỷ ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và LỆNH TẤN CÔNG của Bộ Chỉ huy Các lực lượng vũ trang Nhân dân Giải phóng miền Nam Việt Nam.

Đêm 30 Tết, ra bờ dừa thắp đèn dầu, Bá phòng thêm cây đèn pin. Bá và tôi ngồi in giấy sáp. Khi in xong một mặt 2 trang, trở bề in mặt sau. Do mệt và buồn ngủ nên tôi quên, lại đổi chỗ ngồi rút giấy sang bên khác nên khi in xong, coi lại lộn trang hư hết. Anh Tám rầy nhẹ, phải ngồi in lại tiếp, mất thêm mấy giờ đồng hồ…

Truyền đơn NHẬT LỆNH và LỆNH TẤN CÔNG chúng tôi in ra và mấy tấm băng vải tôi vẽ chữ màu nước sơn đỏ nội dung kêu gọi anh em binh sĩ khởi nghĩa trở về với cách mạng… chủ yếu, cung cấp cho Đội Tuyên truyền của huyện tung ra vùng kềm. Hồi đó các anh Hai Song, Hai Triều, Hai Be… kinh nghiệm dày dạn nói chuyện đồn bót, từng ngồi công sự đối mặt với lửa đạn kẻ thù. Anh Hai Triều kể lại lần đi phóng thanh đồn thị tứ Sông Đốc vào ban đêm, khi anh vừa mở máy phát ra tiếng: “Hỡi anh em binh sĩ…”, thì cũng vừa lúc bọn hải thuyền nổ máy tàu sắt rụ lên và tuôn chạy ào ào… Ra tới cửa biển, bọn chúng quay lại bắn như vãi đạn vào điểm loa phóng thanh…

Chúng tôi di chuyển liên tục, từ Kinh Cũ, Kinh Tư, Hậu Đòn Dong, trở lên Kinh Cũ, rồi lại di chuyển một mạch xuống kinh Hãng Giữa - gần Cống Đá. Tôi đi với anh Tám Cẩn bên bờ Nam, ghé hỏi nhà để đặt văn phòng. Ghé nhà đầu, chủ là người Khmer, tôi không chịu… Anh Tám Cẩn chiều ý, đi tới, ghé vào nhà kế lại gặp trúng ngay ông chủ nhà bị bệnh cùi… Anh Tám quay ra, vừa đi vừa nhằn… nhà đầu tiên được rồi, đòi đi nữa để gặp ông cùi… Và đến nhà thứ ba tôi mới chịu, và cũng lại là chủ nhà người dân tộc Khmer… Gần nửa thế kỷ sau, tôi về ấp Kinh Hãng B, nhắc chi tiết này, cháu Phạm Hoàng Em cho biết: Kinh Hãng Giữa có ngã tư Út Cùi (không cùi). Ông cùi thật là Bảy Nam.

Từ sau Tết Mậu Thân 1968, Mỹ nguỵ ráo riết phản kích bằng bom đạn vào các vùng nông thôn giải phóng. Văn phòng luôn di chuyển, từ kinh Hãng Giữa, qua kinh Hãng Bìa, rồi trở lên khu vực cánh đồng hoang - nền Khu trù mật Quản Hảo, ở nhà anh Tư Hữu trên bờ chuối sau ruộng.

Khi trở lại kinh Hào Sai, một buổi trưa tắm giặt phơi đồ, tôi xếp gọn đưa vào cái trấp làm bằng thùng dầu lửa hiệu con sò để tại nhà anh Hai Niên (giáo viên). Tôi chỉ mặc quần ngắn và choàng khăn rằn, chống xuồng vô kinh Chống Mỹ - gần hậu đất kinh Sáu Thước, cùng với Bá in tài liệu. Chúng tôi đang ngồi kéo bẹ chuối in giấy sáp, bỗng con “đầm già” (L19) rè rè bay đến, lượn mấy vòng rồi có tiếng phản lực gầm rú. “Đầm già” phóng trái pháo điểm bựng khói trắng xuống bờ kinh - ngay đội hình chúng tôi. Bom miểng nổ chát chúa, trúng nhà cửa, cây lá, đất, nước tung lên rớt xuống bựng bựng. Bom dầu phang sà sà, gây cháy nhà rừng rực, khói lửa mịt trời…

Tan trận ném bom của máy bay Mỹ, chúng tôi trở vô xóm. Nhà bác Tư Vĩ (ngang nhà bác Hai Cam) tan tành. Chị Út Dứt, cháu ruột bác Tư, đứng giữa nền đất vụn, nhìn xác người thân bị vùi dưới lớp đất mỏng như tro, sụt sùi khóc… Tôi chống xuồng qua, thấy bác Tư ở trần, mặc quần ngắn, chết nằm co quắp trên đống đất nền nhà bị bom Mỹ vừa cày xới lên.

Bên nhà anh Hai Niên - nơi tôi ở, chỉ còn một đống tro than. Đồ đạc tôi đựng trong trấp bị cháy rụi. Anh Tám Cẩn xách cái thùng đạn loại 200 viên đựng tài liệu của anh mở ra. Còn quyển thơ Kiều của Nguyễn Du, hình thù quyển sách còn nguyên, nhưng lật từng trang đều thành than. Anh Tám tiếc hùi hụi…

***

Cuối mùa mưa 1968, tôi rời Văn phòng Ban Tuyên huấn huyện đóng ở kinh Hãng Bìa, xã Khánh Hưng A, về tham gia Ban Tuyên huấn xã Trần Hợi do anh Bùi Sĩ Hùng (Ba Hùng) làm Phó ban và anh Tư Hữu (Hồ Minh Lý) Trưởng ban.

Tôi tiếp tục làm nhiệm vụ ấn loát văn phòng, chủ yếu in bột và tham gia làm diễn viên Đoàn Văn công, hoạt động sôi nổi ở xã Trần Hợi cho đến mùa thu năm 1969 trở đi, tình hình hết sức căng thẳng... Giặc mở chiến dịch “Bình định cấp tốc”, “Nhổ cỏ U Minh”, tái chiếm Chi khu Rạch Ráng, đánh phá ác liệt địa bàn xã Trần Hợi, xã Khánh Lâm và khắp huyện Trần Văn Thời…

Đầu năm 1971, tôi trở lại Văn phòng Ban Tuyên huấn huyện tạm đóng ở căn nhà của bác Tám Ngáo (bác gái) trên bờ trâm bầu giữa ruộng hậu kinh Đòn Dong. Tại đây, chú Bảy Thanh (Phó ban) đi nắm tình hình ra vùng kềm đã bị bọn giặc đồn Công Nghiệp Giữa biệt kích bắn hy sinh tại nhà bác Tư Đệ… Chúng tôi dời ra cất nhà văn phòng trên bờ Kinh Ngang. Nhạc sĩ Phan Thao ở Khu Tây Nam Bộ về đến đây ngồi viết, kẻ bản nhạc của anh in giấy sáp với lời ca mở đầu: Ta phá ta ban bót đồn, diệt ác trừ gian…

Khi giặc lấn chiếm cứ điểm Cầu Chữ Y, chúng tôi trở vô khu vực nền trường U Minh anh dũng của huyện ở góc ngã tư Cơi Nhì. Mùa khô 1971, chúng tôi vào khu Dinh Điền tập trung kéo cỏ, dọn mấy con mương nước rọt, bắt cả xuồng cá đồng về mần phơi khô phát ham... Cũng sau lần đi bắt cá ở khu Dinh Điền, anh Bảy Quốc trong Đội Tuyên truyền về nhà nghỉ, đã bị bọn giặc đồn thị tứ Sông Đốc biệt kích bắn chết ở Bảy Ghe...

Thực hiện phương châm tản thưa ra, mùa mưa, chúng tôi chuyển đến các nhà văn phòng trên bờ chuối ranh đất của chú Tám Bửu ở đoạn kinh Cơi Nhì, ngã tư lên một đỗi. Một mùa mưa - mùa lúa cấy nở bụi no tròn đáng nhớ đối với tôi ở đây. Năm 1971 chiến tranh lên đỉnh điểm, anh Mười Dũng (Tuyên truyền) được phân công đi công tác “điểm” ở xã Phong Lạc, may mắn gặp mối lương duyên tiền định, lập gia đình rồi nghỉ luôn, nhà ở Lung Trường…

Cuối năm 1971, cơ quan Ban Tuyên huấn huyện cất nhà văn phòng ra công khai trên đất của chị Chín Thôi, đoạn bờ kinh Cơi Ba, ngã tư Chín Rỗ lên một đỗi, phía bên trái. Ngôi nhà chữ đinh dài 3 gian, 2 mái lá, đòn dong day ra kinh Cơi Ba, sáng đẹp, dưới bóng dừa mát mẻ, có sinh khí mới... Tại đây, anh Tư Oanh (Giáo dục) từng thổ lộ nguyện vọng với anh em cơ quan: Sau này miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất nước nhà, anh sẽ đi học đại học… Nhưng ước mơ hoài bão của anh không thành. Cơ quan phân công anh Tư Oanh đi công tác “điểm” xã Phong Lạc, có trang bị khẩu súng ngắn P38, nhưng chẳng may anh đã bị bọn giặc bắn hy sinh lúc 13 giờ 30 phút ngày 30/1/1972, nhằm ngày 15 tháng Chạp năm Tân Hợi (1971) tại Lung Trường, xã Phong Lạc.

Tôi không sao quên được những người ở Ban Tuyên huấn huyện Trần Văn Thời. Từ vị thủ trưởng đầu tiên như chú Tám Thắng, anh Tám Cẩn, đến các anh Năm Triết, Ba Gấm, chú Bảy Thanh (Phó ban). Chú Hai Song, các anh Hai Triều, Hai Be, Mười Dũng, Hai Tổng, Bảy Quốc... (Tuyên truyền). Chú Tư Đàm, anh Sáu Sơn... (Huấn học). Các anh Hai Giang, Tư Ngữ, chị Bảy Phối, Út Thợn, Hồng Huê, anh Sáu Lộc (Văn nghệ). Các anh Hai Trí, Tư Cẩn, chị Út Biết, Sáu Hoà, Sáu Yên, anh Ba Hữu, Tư Oanh, chị Ba Ánh, Sáu Hùng, Tư Lự (Giáo dục). Các anh Út Thuận, Ba Nhân, Bảy Bá, Tư Minh, Lữ Hùng, Kim Phụng, Thu Hương, Thanh Đồng, Thạnh, Bảy Dung và tôi (Văn phòng).

Qua rồi một cậu bé ngây thơ, khờ dại, ham vui, dám bỏ tiền mua pháo nổ đốt ngày Tết Mậu Thân 1968, bị anh Tám Cẩn kiểm thảo tự ái bỏ về xã, lần trở lại này, vào tháng 5/1972, tôi được anh Nguyễn Minh Gấm phân công đi học Trường Thông tấn báo chí (TTBC)  miền Tây Nam Bộ ở rừng đước Năm Căn vào “mùa hè đỏ lửa” trên chiến trường Quảng Trị… Tôi trở về cơ quan nơi đây, giữa lúc chiến trường U Minh đồng loạt tấn công quân giặc ở cứ điểm Bà Thầy, Nổng Cạn, Đồn Cồi, Rạch Ráng, Cầu Chữ Y… Tôi được anh Ba Gấm giao nhiệm vụ theo dõi thời sự, tổng hợp số liệu, lo nội dung làm tờ tin tức của huyện.

Tôi nhớ một hình ảnh thật đẹp: Cô nhân viên cơ quan Hội Phụ nữ huyện chừng 20 tuổi, dáng trung trung, mập mạp, gương mặt bầu bĩnh, mặc bộ bà ba đen đi xuồng chèo ghé lên cơ quan gửi thư… Anh Ba Hữu bước lại khều tôi như mách tôi để ý, vì thứ và tên 2 người hợp nhau lắm! Tôi là Năm Nối, còn cô ấy là Sáu Liền, quê ở kinh Kiểu Mẫu. 45 năm sau, khi nghe tôi nhắc chi tiết này, anh Nguyễn Hữu Thành cho biết: Sáu Liền có chồng, hiện sống nghề bán cơm ở ngã ba Sóc Trăng.

Qua học Trường TTBC miền Tây Nam Bộ ở rừng đước về, tôi biết làm báo tường của cơ quan Ban Tuyên huấn huyện. Giữa cuối năm 1972, anh Đỗ Văn Nghiệp (Sáu Sơn) được điều động về Tiểu ban Huấn học thuộc Ban Tuyên huấn tỉnh. Trước ngày lên đường, anh làm bài thơ viết vội dán lên tờ báo tường này. Lạ thay, bài thơ vần điệu thật hay, tôi đọc qua mà thuộc đến nay tròn nửa thế kỷ - bài thơ “Tạm biệt” của anh Sáu Sơn cảm xúc nỗi niềm, da diết lắm!

Tiếp sau Nhà văn Nguyễn Thanh, anh Nguyễn Kiên Định (Sáu Kiên), Trưởng Tiểu ban Văn nghệ tỉnh vượt Sông Đốc về đây sống với chúng tôi cả tuần. Anh Sáu luôn thời sự sôi nổi, bàn về con số 9... Nhờ anh Sáu đưa mượn đọc mà tôi tranh thủ ngồi chép gần hết quyển Bông hồng vàng, chép nốt đoạn kết của tiểu thuyết Ruồi trâu và mấy bài chép tay của anh Sáu: Tóm tắt truyện ngắn Bà lão Y-gẹc-gin, Lược trích bài thơ Con người (M.Gorki). Anh Sáu động viên tôi: Em hãy đọc, chép, thức làm việc mỗi đêm cho đến khi cái tim đèn dầu đóng một cục khói đen bằng ngón tay cái mới giỏi được…

Từ Ban Tuyên huấn huyện Trần Văn Thời lần lượt lên đường về khu có chú Tám Thắng, anh Ba Nhân (đi học, hy sinh). Về tỉnh có các anh Tám Cẩn, Tư Cẩn, Hai Trí, Bảy Bá, Tư Ngữ (Tỉnh đội), anh Sáu Sơn, tôi, anh Ba Gấm, Thanh Đồng, Hai Triều, Lữ Hùng, Kim Phụng, Sáu Lộc; những năm sau tới lượt anh Hai Giang, Hữu Thành, Út Thuận…

28 năm sau, tôi trở về Ban Tuyên giáo Huyện uỷ Trần Văn Thời nhận Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp tư tưởng” vào năm 2000.

Cái Nước,  27/7/2022

 

Nguyễn Minh

 

Trang sử Cà Mau thời kháng chiến năm 1973

Sau Hiệp định Paris năm 1973, về mặt đấu tranh công khai, Ban Liên hợp quân sự 4 bên khu vực 4 (Quân khu 9), do đồng chí Hoàng Hà làm Trưởng ban, đồng chí Phạm Văn Liêm làm Phó ban, Tổ liên hợp Cà Mau do đồng chí Tống Kỳ Hiệp và đồng chí Trịnh Thành Kế phụ trách đã đấu tranh chống lại sự vi phạm Hiệp định của địch trong khu vực. Ta buộc địch công nhận vùng tự do của ta ở Cà Mau và đã thực hiện việc trao trả tù binh ở Kinh Ba, xã Quách Phẩm, huyện Ngọc Hiển (Tư Kháng), Ðầm Dơi ngày nay.

Về “Đất thép thành đồng”

Thiết thực các hoạt động chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931-26/3/2025), ngày 30/3, đồng chí Nguyễn Hồ Hải, Bí thư Tỉnh uỷ, cùng đoàn cán bộ Tỉnh đoàn đã có chuyến hành trình giáo dục truyền thống, về nguồn tại "Ðất thép thành đồng": Củ Chi - TP Hồ Chí Minh.

“Chùa Cộng sản” ở làng Thạnh Phú - Dấu xưa một thời

Trong hành trình tìm về quá khứ, có những việc tuy ngoài sách sử, nhưng lại đậm sâu trong ký ức nhiều người. Ðó cũng là câu chuyện về “chùa Cộng sản” ở làng Thạnh Phú, nay thuộc ấp Sở Tại, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước.

Những ngày tháng Ba của mùa Xuân đại thắng

Nửa thế kỷ đã qua kể từ mùa Xuân đại thắng 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, Bắc - Nam sum họp một nhà, đất nước thống nhất, kết thúc thắng lợi vẻ vang cuộc kháng chiến của dân tộc chống lại đế quốc sừng sỏ và bè lũ tay sai. Tháng 3/1975 là “đêm trước” của ngưỡng cửa chiến thắng. Cục diện chiến trường chuyển biến mau lẹ; không khí cách mạng dâng cao sục sôi; cùng với đó là sự lãnh đạo, chỉ đạo bằng tất cả ý chí, niềm tin, sức mạnh của Đảng ta, để toàn dân tộc cùng nhau kề vai chung sức, chớp lấy thời cơ, làm nên một chiến thắng vang dội, hào hùng, bất tử.

Thân thương hai tiếng Cà Mau

Cà Mau không chỉ là điểm cuối của đất nước, nơi ai cũng mong một lần được ghi dấu bước chân mình tại cột mốc toạ độ, mà còn là vùng đất để lại trong tim nhiều người những tình cảm khó quên.

Biệt khu Hải Yến - Bình Hưng - Lịch sử không thể lãng quên

Tôi đồng tình với ông Sáu Sơn (ông Ðỗ Văn Nghiệp, tác giả chủ trì đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh “Ðiều tra, sưu tầm chứng tích tội ác Mỹ - Nguỵ tại Biệt khu Hải Yến - Bình Hưng” cách đây 20 năm), rằng: “Khép lại quá khứ, không có nghĩa là lãng quên quá khứ. Bài học đúc kết từ quá khứ là bài học bằng xương máu, sẽ có nhiều bổ ích cho hiện tại và tương lai”.

Bến Dựa một lần về

Bến Dựa chỉ là một đoạn sông ngắn, hằng ngày cần mẫn làm người trung chuyển đưa nước lớn về ngã ba Cái Đuốc, ngọn Cái Ngay; tiễn nước ròng ra Cái Nháp, đổ ra ngã ba Tam Giang, xuôi về biển cả. Khu rừng bên bờ Đông Bến Dựa nơi cơ quan Huyện uỷ Tư Kháng (Đầm Dơi ngày nay), làng rừng Huỳnh Ngọc Điệp tồn tại.

Chiều Sài Gòn

Tựa bài viết “Chiều Sài Gòn” nghe như chơi vơi, rất xưa, bởi Sài Gòn - Gia Ðịnh đã có hơn 300 năm tuổi, thì đồng nghĩa cũng có hơn một triệu buổi chiều. Nhưng “Chiều Sài Gòn” tôi viết đây chỉ là chiều 30/4/1975, buổi chiều đầu tiên “Sài Gòn ơi ta đã về đây” như lời bài hát một thời có sức hút mạnh mẽ.

Huyền thoại biệt động thành Cà Mau

Thị xã Cà Mau những năm cuối thập niên 1950, dưới chế độ Mỹ - Diệm, không khí ngột ngạt bởi những cuộc càn quét, bắt bớ. Đám cảnh sát mật vụ, lính bảo an lùng sục khắp nơi, ráo riết truy lùng những người kháng chiến cũ, những người mà chúng nghi là "Việt cộng nằm vùng".

Thăm địa chỉ đỏ

Di tích Hồng Anh Thư Quán (số 43, đường Phạm Văn Ký, Phường 2, TP Cà Mau) là một trong những di tích lịch sử hiếm hoi ghi dấu chặng đường cách mạng của người Cà Mau trước năm 1930. Hồng Anh Thư Quán được công nhận Di tích lịch sử - văn hoá cấp Quốc gia ngày 4/8/1992.