Chọn đề tài viết tiếp tác phẩm "Bến quê" của Nhà văn Nguyễn Minh Châu và đề xuất nhiều sáng kiến, kinh nghiệm phát triển văn hoá đọc cho học sinh vùng sâu, vùng xa, Phạm Ðức Thuận, Lớp 10A1, Trường THPT Ðầm Dơi (huyện Ðầm Dơi) đoạt giải Khuyến khích toàn quốc cuộc thi Ðại sứ Văn hoá đọc năm 2024.
- Chủ động tổ chức Ngày Sách và văn hoá đọc
- Ngày Sách và văn hoá đọc thu hút trên 3.000 lượt khách tham quan
- Ngành ngân hàng lan toả văn hoá đọc
- Trao giải Đại sứ văn hoá đọc năm 2024 cho 34 học sinh
Sinh ra và lớn lên ở xã Tân Thuận, huyện Ðầm Dơi, địa bàn vùng sâu, vùng xa của tỉnh, thế nhưng điều đó không làm giảm đi tình yêu đối với sách, niềm đam mê tìm đến tri thức thông qua sách của Ðức Thuận.
Từ năm lớp 2, Thuận đã bắt đầu say mê với những trang sách. Quyển sách đầu tiên cũng là quyển sách dẫn lối để em tìm tòi kho tàng tri thức từ sách, chính là Ngữ văn lớp 6, sau đó là Ngữ văn lớp 7, 8, 9 sẵn có ở nhà. Niềm đam mê ấy một phần được truyền cảm hứng từ mẹ Thuận là chị Lê Thị Hương, giáo viên Ngữ văn của Trường THCS Tân Thuận.
Ngoài sách Ngữ văn, chị Hương sưu tầm rất nhiều sách với đa dạng thể loại. Có lẽ tình yêu sách của Thuận cũng bắt nguồn từ đó.
Thuận chia sẻ: “Ðọc sách Ngữ văn, dù là thơ hay truyện đều rất lôi cuốn. Cảm giác như mọi tinh hoa, đặc sắc của văn học Việt Nam đều hội tụ, khiến con mê mẩn không thoát ra được. Ðọc sách cho con những cung bậc cảm xúc khác nhau. Khi đọc "Tắt đèn" của Ngô Tất Tố hay "Lão Hạc" của Nam Cao, con như cảm nhận được sự tăm tối, cũ kỹ của xã hội phong kiến đương thời. Khi đọc "Làng" của Kim Lân, nhân vật ông Hai cho con thấy được tình yêu làng, yêu nước nồng cháy của mỗi con người trên đất nước Việt Nam. Sự mới mẻ, độc đáo của từng cuốn sách, từng tác phẩm đã khiến con càng thấy yêu thích sách hơn. Lúc đọc sách, con thấy yên bình, chìm vào từng câu từng chữ của người viết, cảm giác tuyệt lắm, thú vị hơn chơi game và xem phim rất nhiều”.
Ðối với Thuận, sách không chỉ là bạn mà còn mở ra chân trời mới với rất nhiều điều mới mẻ.
Nhiều năm liền Thuận là học sinh giỏi, tích cực tham gia các hoạt động phong trào ở trường và luôn được bạn bè, thầy cô yêu mến. Mỗi ngày, dù lịch học khá dày, em vẫn phân bổ thời gian hợp lý cho sở thích. Học bài xong, Thuận sẽ đọc sách trước khi đi ngủ hoặc lúc rảnh rỗi; dành thời gian tập luyện thể thao, rèn sức khoẻ.
Ðọc đa dạng các thể loại sách báo, với Thuận, sách là bạn thân trên con đường học tập. Những trang sách giúp Thuận mở rộng vốn hiểu biết, thấu hiểu hơn về cuộc đời; sách cũng đưa em đến những miền đất mới, biết đến những con người thú vị và trải nghiệm nhiều điều. Những bài học từ sách còn giúp em nuôi dưỡng lòng nhân ái, vun đắp lý tưởng, mơ ước và dần hoàn thiện bản thân.
Tham gia cuộc thi Ðại sứ Văn hoá đọc do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức, ở cấp tỉnh, năm 2022, Thuận đoạt giải Nhất, năm 2024 đoạt giải Nhì và là 1 trong 6 bài thi đoạt giải Khuyến khích toàn quốc.
Bài thi đoạt giải Khuyến khích toàn quốc, Thuận chọn đề tài viết tiếp đoạn kết cho tác phẩm "Bến quê" của Nhà văn Nguyễn Minh Châu. Thuận xây dựng tâm lý nhân vật khớp với tính cách nhân vật mà tác giả đã viết trước đó. Thông qua đoạn kết mới này, Thuận gởi gắm thông điệp về văn hoá đọc đến mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ.
Thuận có nhiều sáng kiến lan toả văn hoá đọc: thành lập các câu lạc bộ sách để mọi người giao lưu, trao đổi về sách; kết hợp với Ðoàn Thanh niên, thầy cô Tổng phụ trách Ðội, cán bộ địa phương lựa những đầu sách hay, có ích để giới thiệu trên loa phát thanh của trường, địa phương; thành lập thư viện lưu động để đến các khu dân cư vào cuối tuần, những buổi họp hội giới thiệu đến người dân và mở rộng văn hoá đọc; mở những cuộc thi: Rung chuông vàng, giới thiệu sách để nâng cao hoạt động đọc và tìm hiểu sách đến mọi người...
Ðức Thuận tâm huyết: “Mỗi hoạt động dù nhỏ cũng sẽ tác động đến nhận thức của mọi người về văn hoá đọc. Không cần công trình gì lớn lao, chỉ cần tạo cho mọi người sự hứng thú với sách, thay đổi và tiếp cận từng chút một, lâu dần, văn hoá đọc trong từng người sẽ phát triển”./.
Vân Anh