ĐT: 0939.923988
Thứ năm, 17-4-25 02:44:05
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Học để thoát nghèo

Báo Cà Mau Cái nghèo đeo bám gia cảnh khiến giấc mơ nối dài con đường học tập của những bạn trẻ này không hề dễ dàng. Biến khó khăn thành động lực phấn đấu, hành trang bước vào đời là sự cố gắng không ngừng, cùng những vòng tay nhân ái luôn che chở - tất cả đã tạo nên sức mạnh để các bạn bước tiếp trên hành trình chinh phục tri thức.

Cố gắng gấp đôi

Hành trình để trở thành tân sinh viên ngành Quản trị kinh doanh (Trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau) của chàng trai Nguyễn Thái Hoàng đầy truân chuyên, như chính hoàn cảnh của em.

Ngày Hoàng cất tiếng khóc chào đời, mẹ em đã từ giã cõi trần do hôn mê sâu, sức yếu. Biến cố tiếp tục ập đến, chỉ sau 1 năm, cha Hoàng cũng qua đời vì căn bệnh tai biến mạch máu não. Thương em như cánh chim nhỏ không người chở che, anh chị em trong gia đình cùng nhau đùm bọc, dạy dỗ Hoàng cách yêu thương và cả cách làm người. Tuổi thơ lớn lên cùng chị gái, dù chị có gia đình riêng, hoàn cảnh không dư dả nhưng vẫn cố gắng lo cho Hoàng ăn học.

Hoàng cho biết: “Ðể có tiền chăm lo cho em và gia đình, chị em phải đi làm giúp việc, mấy năm gần đây chị bệnh nhiều, sức khoẻ không đảm bảo nên chị không đi làm được nữa, kinh tế đều trông cậy vào anh rể. Riêng tiền nuôi em ăn học do anh chị ruột lo, mỗi người góp một ít”.

Cô Võ Tuyết Ngân, Bí thư Ðoàn trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau, nhớ lại: “Cơ duyên nhà trường gặp gỡ Hoàng là trong đợt tiếp sức mùa thi vừa qua, sau khi tìm hiểu, gợi ý, lắng nghe nguyện vọng ngành học, nhà trường đã có nhã ý hỗ trợ các suất học bổng phù hợp để bạn có thể an tâm đến trường”.

Giữ đúng lời hứa, sau khi Hoàng tốt nghiệp THPT, được xét tuyển và trở thành tân sinh viên ngành Quản trị kinh doanh của trường, trường đã xét tặng 2 suất học bổng trị giá hơn 9 triệu đồng để em có điều kiện trang trải đầu năm học. Vì nhà cách xa trường đến 15 km, chưa có phương tiện đi lại nên Hoàng còn được Văn phòng Ðoàn trường tạo điều kiện có người đưa rước hằng ngày.

Nguyễn Thái Hoàng luôn được người thân, bạn bè, thầy cô đồng hành trên hành trình tri thức. (Ảnh nhân vật cung cấp)Nguyễn Thái Hoàng luôn được người thân, bạn bè, thầy cô đồng hành trên hành trình tri thức. 

Hoàng tâm sự: “Ngày đầu đi học, em được một bạn gần nhà, học cùng trường thương tình cho đi nhờ, sau này bạn học khác buổi, không thể quá giang bạn nên em được một anh khoá trên, công tác ở Văn phòng Ðoàn trường đến đón đi học. Dù nhà anh ở khác xã, đến nhà em mất khoảng 2 cây số nhưng anh vẫn chịu khó chạy lên Tắc Vân rước em đi cùng, em biết ơn nhiều lắm”.

Mồ côi, Hoàng ý thức được bản thân phải cố gắng gấp đôi người khác. Tuy mới là sinh viên năm nhất, chưa hình dung được những gì đang chờ phía trước, nhưng mục tiêu lớn nhất của Hoàng ngay lúc này là cố gắng học tập thật tốt để không phụ lòng những người đã giúp đỡ, tin tưởng mình.

Hoàng bộc bạch: “Khi ổn định lịch học, em dự định sẽ tìm công việc làm thêm để có chi phí trang trải việc học. Ðược gia đình, mọi người xung quanh ủng hộ, đó là động lực để em phấn đấu. Mong muốn sau này ra trường em sẽ có công việc ổn định để chia sẻ với chị, cho chị bớt vất vả”.

Nghị lực của chàng sinh viên “5 tốt”

May mắn hơn Hoàng vì có được gia đình trọn vẹn, nhưng em Trần Quan Trọng, sinh viên Khoa Ngoại ngữ - Công nghệ thông tin - Du lịch, lại trưởng thành trong gia cảnh khó khăn, chật vật với cuộc sống tạm bợ. Xuất thân trong gia đình lao động, vì nhiều biến cố xảy ra, đến nay gia đình Trọng phải sống trong căn nhà trọ nhỏ. Vất vả là thế nhưng cha mẹ em vẫn cố gắng làm lụng, chắt chiu để hai anh em Trọng được học hành tử tế. Thương cha mẹ vất vả mưu sinh, Trọng luôn nỗ lực hết mình trong học tập.

“Ngay từ nhỏ em rất đam mê công nghệ và thiết bị điện tử, em nuôi dưỡng ước mơ và hiện thực hoá bằng cách trở thành sinh viên ngành công nghệ thông tin. Ðến nay, khi được học tại Trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau, em thấy lựa chọn này là đúng đắn, vì thầy cô đã cho em nhiều cơ hội để học tập cũng như phát triển bản thân”, Trọng tâm tình.

Ðúng như những gì chàng sinh viên năm 3 chia sẻ, từ những ngày đầu bước vào giảng đường, Trọng luôn là một trong những sinh viên nổi bật và sở hữu thành tích học tập ấn tượng. Trong các năm học, em luôn là sinh viên giỏi của trường và nhận được học bổng, đây cũng là phần thưởng động viên em cố gắng nhiều hơn.

Trọng là thành viên Dự án “Xây dựng trợ lý ảo thông minh cho cơ quan, doanh nghiệp”, dự án đã lọt vào vòng chung kết Cuộc thi khởi nghiệp “Ý tưởng học sinh, sinh viên khởi nghiệp khu vực đồng bằng sông Cửu Long", lần II, tổ chức tại Trà Vinh. Bên cạnh đó, Trọng cũng là tác giả bài báo khoa học “Giải pháp ứng dụng chatbot trợ lý ảo tư vấn mua bán các đặc sản của Cà Mau tích hợp vào Fanpage của cửa hàng kinh doanh” đăng trên Tập san Thông tin khoa học và công nghệ Cà Mau.

Trần Quan Trọng (thứ hai từ trái sang) cùng đồng đội thực hiện Dự án “Xây dựng trợ lý ảo thông minh cho cơ quan, doanh nghiệp”. (Ảnh nhân vật cung cấp)Trần Quan Trọng (thứ hai từ trái sang) cùng đồng đội thực hiện Dự án “Xây dựng trợ lý ảo thông minh cho cơ quan, doanh nghiệp”. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Ðam mê, nghiên cứu sâu về lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), Trần Quan Trọng đặt mục tiêu lớn, đó là sử dụng AI để đóng góp công nghệ vào các lĩnh vực: y tế, giáo dục và môi trường. “Trong tương lai, em mong muốn sẽ trở thành kỹ sư phần mềm giỏi và cũng ấp ủ ý tưởng tạo ra ứng dụng hỗ trợ chẩn đoán bệnh sớm nhất, nâng cao hiệu quả giáo dục từ xa và quản lý tài nguyên thiên nhiên một cách bền vững”, Trọng chia sẻ dự định.

Không chỉ nổi bật về thành tích học tập, trong các hoạt động Ðoàn, chàng trai này rất tích cực tham gia chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè, Tiếp sức mùa thi. Hiện Trọng là đội trưởng đội thiết kế của trường, là thành viên Câu lạc bộ Khởi nghiệp, Câu lạc bộ Lý luận trẻ và truyền thông của trường. Ngoài giờ học, Trọng còn tham gia giảng dạy Tin học cho các em nhỏ tại Làng trẻ SOS.

Ðặc biệt, danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” cấp tỉnh chính là sự ghi nhận xứng đáng cho những nỗ lực không ngừng nghỉ của chàng sinh viên nghèo hiếu học.

Nói về chàng “sinh viên 5 tốt” Trần Quan Trọng, cô Võ Tuyết Ngân nhận xét: “Trọng rất đa tài, đặc biệt là ở mảng thiết kế đồ hoạ và lập trình. Với tài năng như thế, Ðoàn trường định hướng, hỗ trợ để em đạt yêu cầu cho những giải thưởng cấp cao hơn. Chúng tôi đã hoàn thiện hồ sơ cho Trọng gửi về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh đề nghị tuyên dương học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp xuất sắc tiêu biểu năm 2024 tới đây”./.

 

Yến Nhi - Hữu Nghĩa

 

Ươm mầm mơ ước con trẻ

Chủ đề “Nghề nghiệp” là 1 trong 9 chủ đề thú vị được đưa vào chương trình giáo dục mầm non theo quy định của Bộ Giáo dục và Ðào tạo. Thông qua các hoạt động trải nghiệm, trẻ được khám phá thế giới nghề nghiệp, hiểu hơn về đặc thù công việc, những vất vả cũng như giá trị mà mỗi nghề mang lại cho xã hội.

214 giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tiểu học năm học 2024-2025

Sau gần một tháng diễn ra, Hội thi Giáo viên dạy giỏi cấp tiểu học tỉnh Cà Mau, năm học 2024-2025 đã kết thúc thành công tốt đẹp.

Hơn 150 triệu đồng hỗ trợ Trường Tiểu học Hoà Mỹ 2

Sáng 11/4, tại Trường Tiểu học Hoà Mỹ 2, xã Hoà Mỹ, huyện Cái Nước, báo Sài Gòn Giải Phóng phối hợp với chính quyền địa phương và nhà tài trợ tổ chức chương trình “Thắp sáng niềm tin - Vượt khó đến trường” nhằm trao tặng học bổng và trang thiết bị học tập cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025

Sáng nay (11/4), Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cà Mau đã triệu tập hội nghị triển khai các văn bản liên quan và tập huấn phần mềm quản lý thi tốt nghiệp THPT năm 2025, tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Cà Mau. 

416 học sinh đạt giải học sinh giỏi THCS cấp tỉnh

Theo thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Cà Mau, Kỳ thi học sinh giỏi THCS cấp tỉnh năm học 2024-2025 có 416 em đạt giải ở 7 môn thi.

Giúp học sinh nhận thức đúng về giới tính

Ở lứa tuổi vị thành niên, các em còn hạn chế hiểu biết, kiến thức về giới tính cũng như chăm sóc sức khoẻ sinh sản. Ðể giúp các em hình thành những quan điểm đúng đắn về sức khoẻ sinh sản và cung cấp thêm kiến thức để bảo vệ bản thân, giáo dục giới tính cho học sinh là điều hết sức cần thiết trong môi trường học đường.

Ðể con em đồng bào tiếp cận giáo dục

Ðể đảm bảo quyền tiếp cận giáo dục cho con em đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), thời gian qua, tỉnh Cà Mau có nhiều giải pháp thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế. Trọng tâm là tuyên truyền vùng đồng bào dân tộc để người dân hiểu hơn về vai trò của giáo dục trong thời kỳ mới, từ đó thay đổi nhận thức, chủ động đưa con em đến với nền giáo dục chính quy, hiện đại, đúng độ tuổi.

Ưu tiên đầu tư nâng cấp Trường THCS - THPT Tân Bằng

Sáng 2/4, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Luân có chuyến khảo sát thực tế tại 2 trường THCS - THPT trên địa bàn huyện Thới Bình để đầu tư nâng cấp hướng đến đạt chuẩn quốc gia.

Thiết thực chính sách nội trú, miễn giảm học phí

Ðối với sinh viên vùng sâu, vùng xa như tỉnh Cà Mau, các chính sách ưu đãi của Nhà nước trong lĩnh vực giáo dục đã thể hiện tính nhân văn sâu sắc, giúp các em giảm bớt khó khăn về chi phí học hành, thêm điều kiện thực hiện ước mơ tri thức.

Giáo dục Cà Mau khẳng định vị thế

Kết quả đạt được trong phát triển giáo dục mũi nhọn của tỉnh thời gian qua khẳng định hướng đi đúng trong công tác tuyển chọn, bồi dưỡng, đào tạo học sinh giỏi (HSG) - “hạt nhân” tương lai của tỉnh, đất nước. Ðó là cơ sở, nền móng vững chắc, góp phần xây dựng tỉnh Cà Mau phát triển nhanh và bền vững. “Với mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, bồi dưỡng nhân tài cho tỉnh, những năm qua, ngành giáo dục chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn. Qua đó, góp phần khẳng định vị thế trong sự nghiệp “trồng người””, Tiến sĩ Lê Hoàng Dự, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT), khẳng định.