Với tỷ lệ hộ nghèo 5,62% (năm 2021), xã Viên An Ðông trở thành “rốn nghèo” của huyện Ngọc Hiển. Quyết tâm chuyển mình, địa phương đã triển khai hàng loạt giải pháp, chính sách giảm nghèo. Trong đó, lấy điểm tựa là nguồn vốn ưu đãi, xã đã hỗ trợ “cần câu” để tạo sinh kế, giải quyết việc làm, chuyển dịch cây trồng, vật nuôi, tăng nguồn thu nhập cho người nghèo.
- Thách thức khi chuyển nợ vay ngân hàng
- Gần 134 ngàn lượt hộ được vay vốn tín dụng chính sách
- Nhân văn nguồn vốn tín dụng ưu đãi
- Cầu nối lan toả tín dụng chính sách
Có vốn trợ lực, công tác giảm nghèo đi vào bài bản, Viên An Ðông bứt phá ấn tượng. Hiện, hộ nghèo của xã chỉ còn 2,2%, có 4/12 ấp trắng hộ nghèo, đời sống người dân nâng lên, diện mạo nông thôn bừng sáng.
Ðón chúng tôi trong căn nhà khang trang, chị Phan Thanh Giàu, ở ấp Nhưng Miên, xã Viên An Ðông, phấn khởi, đây chính là thành quả mà vợ chồng chị có được nhờ nguồn vốn ưu đãi.
Theo chị Giàu, trước đây, gia đình khá khó khăn, 6 bể ương nuôi tôm giống vừa trang trải chi tiêu sinh hoạt, vừa lo cho 2 con ăn học khiến kinh tế gia đình thiếu trước hụt sau. Ðầu năm 2022, Hội Phụ nữ ấp quan tâm, tạo điều kiện cho gia đình tiếp cận vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm. Có vốn, vợ chồng chị đầu tư thêm 15 bể ương, nâng cấp trại. Hiện, mỗi tháng gia đình chị xuất trại từ 500-600 ngàn con tôm giống, đem lại nguồn thu nhập ổn định hơn 11 triệu đồng.
Mỗi tháng, gia đình chị Phan Thanh Giàu xuất trại từ 500-600 ngàn con tôm giống, đem lại nguồn thu nhập ổn định.
Còn gia đình anh Lâm Tấn Chung, ấp Xẻo Lá, xã Viên An Ðông, nhờ 30 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi đã giúp anh có vốn xoay xở, thực hiện mô hình nuôi sò huyết thương phẩm. Liên tiếp những vụ nuôi thành công, gia đình đã thoát nghèo, cuộc sống sung túc.
Anh Chung trải lòng, vợ chồng mới ra riêng, tài sản không có gì ngoài ngôi nhà gỗ tạm. Vợ thì ở nhà nội trợ, chăm 2 con nhỏ, mọi chi tiêu của gia đình dựa vào tiền đi làm thuê của anh. Ðầu năm ngoái, vợ chồng tích góp được ít vốn mướn miếng vuông gần 2 ha để làm, tuy nhiên, tôm cá cũng thất thu, riêng anh xoay xở đủ nghề cũng không đủ ăn.
Giữa năm 2022, địa phương hỗ trợ gia đình vay vốn ưu đãi 30 triệu đồng. Từ nguồn vốn, anh bao ví 200 m2 thả nuôi sò huyết. Sau gần 7 tháng nuôi, anh thu hoạch, trừ chi phí, lợi nhuận thu về hơn 45 triệu đồng. Có kinh nghiệm, kỹ thuật, anh mạnh dạn mở rộng diện tích nuôi và 2 vụ nuôi gần đây, anh lãi hơn 70 triệu đồng/vụ.
Anh Chung tâm sự: “Nguồn vốn ưu đãi như phao cứu sinh giúp gia đình tôi có vốn làm ăn. Vốn vay có lãi suất thấp, nợ được chia nhỏ, trả phân kỳ hằng tháng nên gia đình yên tâm sản xuất. Giờ cuộc sống đã khá hơn, thoát khỏi cái nghèo, nợ trả cũng gần hết, vợ chồng tôi mừng lắm”.
Nhân viên tín dụng Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Ngọc Hiển giải ngân cho hộ dân vay vốn. (Ảnh chụp tại điểm giao dịch tại xã Viên An Đông).
Chị Giàu, anh Chung là 2 trong nhiều hộ vươn lên thoát nghèo từ nguồn vốn tín dụng ở Viên An Ðông. Theo ông Lương Huỳnh Hảo, Chủ tịch UBND xã Viên An Ðông, đến nay, xã đã giải ngân cho 1.894 lượt hộ vay vốn, tổng dư nợ hơn 74 tỷ đồng. Các chương trình có doanh số cho vay cao gồm: cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, giải quyết việc làm.
Ông Ðàm Văn Trọng, Phó giám đốc phụ trách Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Ngọc Hiển, thông tin: “Hiện nay, ngân hàng đang triển khai 18 chương trình cho vay, có 16.421 lượt khách hàng vay vốn với tổng dư nợ lên đến hơn 456 tỷ đồng. Ngân hàng đã và đang tạo mọi điều kiện để dòng chảy vốn chính sách về đến các khóm, ấp xa xôi, trao cơ hội cho nhiều gia đình thoát khỏi khó khăn, vươn lên phát triển kinh tế”./.
Trúc Linh