(CMO) Những ngày này, các em học sinh THCS, tiểu học và mầm non vẫn tiếp tục được nghỉ học tránh dịch Covid-19. Kỳ nghỉ bất đắc dĩ dài ngày này, nhiều em được ba mẹ gửi về gia đình ông bà hay tham gia các hoạt động vui chơi khác. Bên cạnh công tác phòng dịch, việc đảm bảo an toàn phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước cho các em cũng cần hết sức quan tâm.
Trẻ em là lứa tuổi hiếu động, thích khám phá nên vui chơi, thể thao là những hoạt động các em thường rất thích tham gia. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố như điều kiện sinh sống, sự quan tâm và nhắc nhở của phụ huynh, những kiến thức và kỹ năng tự phòng vệ cho bản thân mà các em được trang bị chưa thật sự hiệu quả…, dẫn đến không ít nguy cơ mất an toàn cho các em nhỏ.
Những ngày nghỉ tránh dịch, phụ huynh vẫn ôn tập bài vở cho con, cháu mình. |
Bà Trịnh Hồng Xuyến, Khóm 3, Phường 6, TP Cà Mau, cho hay: “Cháu tôi theo cha mẹ sống ở TP Hồ Chí Minh từ nhỏ. Cả tháng nay được nghỉ học nên nó về ở với tôi. Buổi sáng thì dạy nó học bài, ôn lại bài để không quên kiến thức khi trở lại lớp. Lúc đi học thì mình đỡ lo vì có cô giáo nhắc nhở thường xuyên. Giờ nghỉ ở nhà, mà cháu còn nhỏ, hiếu động nên tôi phải theo trông chừng suốt”.
Trong khi đó, tại nhiều vùng nông thôn, tuy không phải là nơi thường xuyên tập trung đông người nhưng các em nhỏ nơi đây vẫn tiềm ẩn không ít nguy cơ tai nạn. Với đặc thù là vùng sông nước, nhiều kênh rạch, đuối nước là một trong những tai nạn thường xảy ra nhất đối với trẻ em vùng nông thôn. Do đó, những ngày nghỉ học tránh dịch Covid-19, các bậc phụ huynh hết sức lo lắng và thận trọng bảo vệ con mình.
Bà Nguyễn Cẩm Tiên, ấp Lung Tràm, xã Tân Hưng Tây, huyện Phú Tân, bộc bạch: "Nhà tôi có 2 cháu nhỏ, đều được nghỉ học phòng dịch. Bé ở nhà được mình nhắc nhở vệ sinh tay chân cẩn thận, trang bị khẩu trang cho các cháu khi đi ra ngoài. Do ở vùng sông nước nên mấy năm nay các cháu được gia đình tập cho biết bơi. Tuy vậy, mỗi lần đi đâu đều phải nhắc và trông chừng, hạn chế cho cháu đi xuồng, chơi gần mé sông hay tắm sông một mình”.
Nhiều phụ huynh tích cực theo dõi tin tức thời sự để nhắc nhở, chăm sóc con mình. Chị Nguyễn Thị Nhớ, ấp Tân Nghĩa, xã Rạch Chèo, huyện Phú Tân, cho hay: “Nhà tôi thường xuyên theo dõi tin tức trên truyền hình, điện thoại để nắm tình hình dịch bệnh cũng như thời gian trở lại đi học của con mình. Ở nhà thì nghe theo những khuyến cáo, là vệ sinh tay chân sạch sẽ và hạn chế đi đến chỗ đông đúc. Con ních ở quê thì đủ trò chơi, như câu cá, tắm sông, đá bóng…, mà cả xóm đều nuôi tôm, ao nước sâu nên thời gian các cháu nghỉ học, nhà tôi phải trông coi cẩn thận hơn”.
Phó giám đốc Sở GD&ĐT Tạ Thanh Vũ cho biết: “Việc đảm bảo an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích cho học sinh là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Trên lớp, các em thường xuyên được nhà trường nhắc nhở vấn đề này, có trường thực hiện giáo dục kỹ năng sống cho các em thông qua những tiết học. Trong thời gian học sinh nghỉ học để phòng dịch Covid-19, các trường tăng cường giám sát, phối hợp với gia đình, phụ huynh học sinh bằng các giải pháp như tuyên truyền, giám sát gián tiếp thông qua giáo viên chủ nhiệm, hiệu trưởng nhà trường. Mỗi đơn vị trường có một nhóm để chia sẻ thông tin 2 chiều, giữa nhà trường và gia đình, quản lý sức khoẻ học sinh. Đồng thời, nhắc nhở các em tự bảo vệ bản thân để đảm bảo sức khoẻ, an toàn trong những ngày nghỉ học tránh dịch Covid-19”.
Có thể thấy rằng, thời gian qua không ít những vụ tai nạn đuối nước thương tâm đã xảy ra. Hầu hết những vụ việc này đều xảy ra tại những vùng nông thôn, nơi có nhiều sông ngòi, kênh rạch. Không chỉ trong những ngày nghỉ học phòng, chống dịch, thiết nghĩ việc trang bị cho con em mình những kiến thức, kỹ năng để tự bảo vệ bản thân là điều hết sức cần thiết. Đặc biệt với những trẻ em ở vùng nông thôn - nơi có trẻ em tử vong do tai nạn đuối nước xảy ra thì việc dạy trẻ học bơi không bao giờ là quá sớm./.
Kỳ An