(CMO) Thời gian gần đây, tình trạng ngộ độc thực phẩm do thực phẩm bẩn, kém chất lượng được đưa vào trường học trở thành tâm điểm và là nỗi lo canh cánh của các bậc phụ huynh các bậc học mầm non và tiểu học.
Trên địa bàn tỉnh tuy chưa xảy ra trường hợp trẻ em, học sinh nào bị ngộ độc thực phẩm do sử dụng thực phẩm không an toàn, nhưng an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) trong các trường học đang được kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ.
Trường Tiểu học Nguyễn Tạo, TP Cà Mau, hiện có khoảng 230 học sinh/7 lớp đang theo học bán trú. Mặc dù điều kiện cơ sở vật chất của trường chưa đảm bảo cho việc thực hiện bếp ăn bán trú nhưng công tác đảm bảo ATVSTP được nhà trường quan tâm, chỉ đạo xuyên suốt trong mỗi năm học.
Hiệu trưởng trường Tiểu học Nguyễn Tạo Lê Thị Lệ Thu cho biết, nhà trường thường xuyên tuyên truyền cho phụ huynh, học sinh về ATVSTP. Bên cạnh đó, những thực phẩm được nhà trường cho các em ăn hàng ngày đều có nguồn gốc rõ ràng ở những nơi cung cấp chất lượng, có thương hiệu.
Công tác đảm bảo ATVSTP được Trường Tiểu học Nguyễn Tạo quan tâm, chỉ đạo xuyên suốt trong mỗi năm học. |
Để đảm bảo dinh dưỡng cũng như an toàn cho học sinh, công tác đảm bảo ATVSTP luôn được nhà trường quan tâm, nhất là ở các trường mầm non. Bởi đây là nơi tập trung đông trẻ, bản thân trẻ chưa chủ động, ý thức về dinh dưỡng cũng như công tác đảm bảo ATVSTP. Để có nguồn thực phẩm an toàn, điều đầu tiên được các trường mầm non chú ý là việc chọn mua thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, ở những nơi có uy tín, chất lượng. Cùng với đó, chỉ đạo nhân viên cấp dưỡng thực hiện nghiêm túc quy trình chế biến bữa ăn cho trẻ bắt đầu từ khâu giao nhận đến chia ăn. Thực hiện việc kiểm tra, ghi chép đầy đủ, đúng quy trình kiểm thực 3 bước và lưu mẫu thức ăn của trẻ hàng ngày để đảm bảo an toàn và sức khoẻ cho trẻ.
Phó hiệu trưởng trường Mầm non Hương Tràm (Phường 5, TP. Cà Mau) Phạm Thị Lắm cho biết, quá trình tiếp phẩm, sơ chế, chế biến được nhà trường thực hiện theo quy trình kiểm tra 3 bước. Đặc biệt là công tác lưu mẫu được Ban giám hiệu nhà trường và cán bộ phụ trách y tế kiểm tra và thực hiện đúng theo quy định.
Hiệu trưởng trường Mẫu giáo Hoa Hồng (Phường 9, TP Cà Mau) Phạm Xuân Chiều chia sẻ, trường theo dõi chế độ dinh dưỡng và thực phẩm được nhận chế biến hàng ngày cho các trẻ. Ban Thanh tra Nhân dân của trường kiểm tra hàng ngày những loại thực phẩm trước khi được nhập vào nhà bếp để chế biến thức ăn, cũng như công tác lưu mẫu thức ăn để phòng tránh xảy ra ngộ độc thực phẩm. Đối với nhân viên cấp dưỡng, khi nhận thực phẩm tiến hành sơ, chế biến theo đúng quy định, đảm bảo an toàn vệ sinh.
Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh có ý kiến chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế tăng cường công tác bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục theo nội dung Công văn số 1074, ngày 19/3/2019 của Bộ GD&ĐT. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và các đơn vị có liên quan thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật An toàn thực phẩm, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ cũng như các văn bản khác của các cơ quan chức năng về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm trong trường học nhằm đảm bảo sức khoẻ cho trẻ và học sinh.
Ngoài ra, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, nhân viên nhà trường, học sinh và cha mẹ học sinh về việc đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm; Kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm và các khâu chế biến, bảo quản, vận chuyển thực phẩm trong các cơ sở giáo dục; Tuân thủ quy trình giao nhận, kiểm thực 3 bước, lưu mẫu thức ăn theo đúng quy định; Tăng cường vệ sinh trường học để phòng, chống các bệnh truyền nhiễm; Chủ động kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh trong trường học, đặc biệt là trong giai đoạn thời tiết giao mùa là điều kiện thích hợp để dịch bệnh có thể bùng phát./.
Thanh Phương