(CMO) Sáng nay, ngày 28/1 Đại hội lần thứ XIII của Đảng tiếp tục thảo luận các văn kiện Đại hội. Theo chương trình làm việc, chiều nay đại biểu nghe báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về công tác nhân sự Ban Chấp hành khóa XIII.
Trước đó, vào chiều 27/1, đồng chí Phạm Minh Chính, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương thay mặt Đoàn Chủ tịch điều hành phiên thảo luận. Có 11 đại biểu thuộc các đoàn đại biểu, các đảng bộ, đảng đoàn, ban cán sự đảng, cơ quan phát biểu ý kiến. Trong không khí thảo luận sôi nổi, thẳng thắn, dân chủ, nhiều đại biểu đặc biệt quan tâm đến vấn đề đảm bảo tiến bộ, công bằng và an sinh xã hội.
Đặt con người vào vị trí trung tâm
Đồng chí Đào Ngọc Dung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH cho rằng: Chủ trương của Đảng về quản lý và phát triển xã hội, an sinh xã hội là tương đối toàn diện, phù hợp với xu hướng tiến bộ của thế giới. Chính sách xã hội và quản lý phát triển xã hội của Đảng và Nhà nước luôn hướng đến mục tiêu vì con người và đặt con người vào trung tâm của quá trình phát triển.
Chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trở thành trụ cột chính trong hệ thống an sinh xã hội. Đến nay, trên 90% dân số đã tham gia bảo hiểm y tế, tăng gấp 12,7 lần so với năm 1995.
Đồng chí Đào Ngọc Dung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH
Chính sách trợ giúp xã hội đã bao phủ hầu hết các nhóm đối tượng ở mọi lứa tuổi, 3% dân số và 100% đối tượng bảo trợ xã hội đủ điều kiện được hưởng trợ cấp xã hội thường xuyên hằng tháng; trẻ em được bảo vệ và chăm sóc, xây dựng môi trường sống an toàn để thực hiện đầy đủ quyền trẻ em; chăm sóc và phát huy tốt hơn vai trò người cao tuổi; người khuyết tật được trợ giúp phục hồi chức năng, đào tạo nghề và tạo việc làm nên đời sống được ổn định và có phần cải thiện.
Đoàn đại biểu tỉnh Cà Mau tại Đại hội XIII của Đảng
Đã thu hẹp khoảng cách giới trên tất cả các mặt. Tỷ lệ nữ là lãnh đạo trong các cơ quan Đảng, Chính quyền từ Trung ương đến địa phương cũng như tỷ lệ nữ là lãnh đạo doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh đều tăng. Khoảng 48% lực lượng lao động là nữ, phụ nữ chiếm 50% đối tượng thụ hưởng chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Hệ thống dịch vụ xã hội đã được cải thiện, cơ bản bảo đảm quyền học tập, y tế, nhà ở, nước sạch và thông tin truyền thông của Nhân dân.
Quan tâm hơn nữa đồng bào dân tộc thiểu số
“Nhờ có sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước, kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã có bước phát triển mới, đời sống của đồng bào đã được nâng lên rõ rệt, nhưng so với mặt bằng chung thì đây vẫn là vùng có điều kiện khó khăn nhất, chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất, kinh tế - xã hội phát triển chậm nhất; tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thấp nhất, tỷ lệ hộ nghèo cao nhất”. Đó là khẳng định của đồng chí Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc.
Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi bao gồm 5.266 xã, 548 huyện, 51 tỉnh/thành phố. Đây là địa bàn sinh sống chủ yếu của gần 14,2 triệu đồng bào của 53 dân tộc thiểu số; chủ yếu là núi cao, biên giới, hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn, khí hậu khắc nghiệt, thường xuyên xảy ra thiên tai bão lũ, sạt lở đất.
Đồng chí Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc
Theo đồng chí Đỗ Văn Chiến: Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương và địa phương nên kết cấu hạ tầng kinh tế kỹ thuật địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được quan tâm đầu tư đồng bộ, đạt được kết quả quan trọng. Công tác xoá đói, giảm nghèo đạt kết quả ấn tượng, được bàn bè quốc tế đánh giá cao; Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt kết quả bước đầu đáng khích lệ. Sự nghiệp giáo dục, đào tạo và dạy nghề ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ngày càng phát triển cả về quy mô, mạng lưới và chất lượng. Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe Nhân dân được chú trọng, phát triển cả về trang thiết bị và đội ngũ; chất lượng khám chữa bệnh có chuyển biến tích cực. Công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số đạt được kết quả rõ nét hơn. Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số được quan tâm, có chuyển biến khá rõ nét. Quốc phòng, an ninh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được củng cố và tăng cường, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
“Đồng bào các dân tộc thiểu số nguyện đoàn kết một lòng “54 dân tộc anh em như cây một cội, như con một nhà”, một lòng sắt son theo Đảng, cùng nhau thống nhất ý chí và hành động, vun đắp tinh thần đại đoàn kết “trường tồn, nở hoa, kết trái”, hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước ta phát triển hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc”, đồng chí Đỗ Văn Chiến hạ quyết tâm.
Nâng cao chất lượng đời sống người lao động
Đồng chí Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng: Hoạt động của tổ chức Công đoàn tập trung vào nhiệm vụ cốt lõi là đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, nhất là lao động nữ, lao động yếu thế, công nhân tại các khu công nghiệp.
Đồng chí Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam
Thời gian qua, quyền lợi, phúc lợi cho đoàn viên, người lao động ngày càng được chú trọng. Các cấp công đoàn đã không ngừng tìm tòi, sáng tạo, đề xuất và tổ chức các hoạt động mang lại nhiều lợi ích cho đoàn viên như: “Mái ấm Công đoàn”; “Tết Sum vầy”, “Tháng Công nhân”, “Ngày hội công nhân - Phiên chợ nghĩa tình”, “Nâng cao chất lượng bữa ăn ca”; “ Phúc lợi đoàn viên”, xây dựng các thiết chế công đoàn, tham gia tháo gỡ những vấn đề bức xúc về nhà ở, nhà trẻ, nơi sinh hoạt văn hoá, chăm sóc sức khỏe… cho công nhân; tham mưu, tổ chức để lãnh đạo Đảng, Nhà nước thăm hỏi, tặng quà công nhân, người lao động khó khăn nhân dịp Tết Nguyên đán và tổ chức gặp gỡ, đối thoại hàng năm giữa Thủ tướng Chính phủ với công nhân.
Tạo cơ hội việc làm cho phụ nữ
“Chiếm tỷ lệ trên 50,23% dân số, phụ nữ là nguồn nhân lực quan trọng của đất nước. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của phụ nữ trong độ tuổi lao động tại Việt Nam lên đến hơn 66%, cao hơn hẳn so với phần lớn các quốc gia trên thế giới”. Đồng chí Hà Thị Nga, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam khẳng định.
Đồng chí Hà Thị Nga, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam
Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có chủ trương, chính sách để đảm bảo nghề cho lao động nói chung, lao động nữ nói riêng qua các chương trình, đề án. Tuy nhiên, các đề án này có thời gian đào tạo ngắn, chủ yếu đào tạo trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng, nội dung đào tạo tập trung vào một số lĩnh vực, ngành nghề mang tính giản đơn, chưa tạo ra thay đổi căn bản để người lao động thích ứng với tình hình mới.
Do vậy, để giúp lao động nữ có cơ hội việc làm, Nhà nước cần đảm bảo lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong quá trình xây dựng và thực thi các chính sách đào tạo nghề, có chính sách đào tạo nghề riêng cho phụ nữ, bảo đảm cho phụ nữ có cơ hội lựa chọn ngành nghề đúng với năng lực, sở trường./.
Chí Công lược ghi từ Thủ đô Hà Nội