“Bây giờ ra đường, xe bon bon trên lộ bê-tông, lộ nhựa thật sướng. Việc đi lại, làm ăn, học tập của con em đã khoẻ nhiều, các dịch vụ phục vụ sản xuất và sinh hoạt cũng được mở rộng về nông thôn. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân theo đó cũng được nâng lên đáng kể”, ông Trịnh Văn Thư (70 tuổi, ấp Tân Hiệp, xã Tân Dân) vui mừng chia sẻ.
“Bây giờ ra đường, xe bon bon trên lộ bê-tông, lộ nhựa thật sướng. Việc đi lại, làm ăn, học tập của con em đã khoẻ nhiều, các dịch vụ phục vụ sản xuất và sinh hoạt cũng được mở rộng về nông thôn. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân theo đó cũng được nâng lên đáng kể”, ông Trịnh Văn Thư (70 tuổi, ấp Tân Hiệp, xã Tân Dân) vui mừng chia sẻ.
Từ sức bật hạ tầng…
Bên ly trà nóng, Bí thư Chi bộ ấp Tân Phước, xã Tân Đức Trương Thanh Xuân không giấu được niềm vui khi ấp có thêm 1,1 km lộ bê-tông do dân tự bỏ tiền ra làm. Qua 2 cuộc họp, 17 hộ dân trên tuyến ai cũng thấy rằng, nếu cứ trông đợi vào tiền Nhà nước thì rất lâu, bởi ngân sách còn hạn hẹp. Phương án bỏ tiền làm lộ 1 m, khi có vốn Nhà nước sẽ mở rộng thêm 1,5 m để đạt chuẩn lộ nông thôn mới được sự thống nhất cao. Mỗi hộ bỏ ra khoảng 7,9 triệu đồng, riêng hộ ông Thạch Văn Cảnh vì là hộ nghèo nên số tiền 7,9 triệu đồng được chia đều cho 16 hộ. “Đường làng giờ được xây dựng khang trang, năm nay bà con đón cái Tết vui hơn”, Bí thư Chi bộ ấp Tân Phước Trương Thanh Xuân phấn khởi chia sẻ.
Một góc thị trấn Đầm Dơi hôm nay. |
Với anh Huỳnh Văn Út (ấp Tân Đức, xã Tân Đức), có lộ thì chuyện đi lại, học hành của thằng con trai lớn đã được giải quyết. Sáng đạp xe đi, chiều đạp về, tiện cả đôi đường. Anh Út nhẩm tính: “Nếu như năm học vừa rồi, mỗi tháng phải tốn cho cháu 300.000 đồng tiền đò, rồi còn tiền ăn uống khi ở lại trường buổi trưa, tiết kiệm lắm cũng ngót nghét 900.000 đồng. Năm nay, nhờ đi học bằng xe đạp, vậy là giảm được phần tiền đò”.
Phó Chủ tịch UBND xã Tân Đức Ngô Tấn Đạt cho hay, năm 2012, ấp Tân Đức A thành công với việc vận động dân tự bỏ tiền ra làm lộ. Từ đó, phong trào này được người dân trong xã nhiệt tình hưởng ứng. Đến nay, xã Tân Đức có gần 10 km lộ bê-tông do dân bỏ vốn ra làm và những con lộ này góp phần nối ấp liền ấp, ấp liền xã.
Thường trực Huyện uỷ Đầm Dơi Ngô Bá Thành cho biết, 4 năm qua, hạ tầng giao thông nông thôn trên địa bàn huyện không ngừng được đầu tư xây dựng. Nhờ huy động được sức dân trong xây dựng lộ nên khoảng cách thành thị - nông thôn được rút ngắn. Từ năm 2010 đến cuối năm 2014, Đầm Dơi xây dựng trên 283 km lộ bê-tông, tổng nguồn vốn trên 171 tỷ đồng, trong đó Nhân dân đóng góp trên 128 tỷ đồng.
Đến những câu chuyện thoát nghèo
Hơn 3 năm qua, từ nguồn vốn xoay vòng của Chi hội Phụ nữ ấp, gia đình chị Kim Thị Lượm (35 tuổi, dân tộc Khmer, ấp Đồng Tâm B, xã Tân Duyệt) có điều kiện nâng cấp xuồng hàng bông lên ghe bán tạp hoá, nhờ vậy kinh tế gia đình ổn định hơn, chị đã tự nguyện trả sổ hộ nghèo.
Còn gia đình ông Lương Văn Chính (60 tuổi, ấp Đồng Tâm A, xã Tân Duyệt) năm nay cũng đón cái Tết đầm ấm, ý nghĩa hơn. Đầm ấm vì kinh tế gia đình có bước phát triển ổn định. Ý nghĩa vì ông đã tự nguyện trả sổ hộ nghèo để chuyển sang hộ nghèo khác, giúp họ có cơ hội thoát nghèo như ông.
Nhà chỉ vọn vẹn 5 công đất vừa ở, vừa nuôi tôm, thiếu vốn nên mấy năm qua việc sản xuất bấp bênh, gia đình ông là 1 trong 108 hộ nghèo của ấp. Thực hiện Chỉ thị 10 của Huyện uỷ, các cấp chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân trồng rau màu, cây ăn trái và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Với 200 m2 đất trống trước nhà, ông Chính khoanh bao, lên liếp trồng các loại rau màu ngắn ngày. “Ngày thường tôi trồng rau, cải bán cho bà con trong xóm, những lúc thu hoạch nhiều thì mang ra chợ. Riêng Tết năm rồi tôi trồng củ cải trắng, cải tùa xại, sau khi trừ chi phí tôi còn lời trên 5 triệu đồng”, ông Chính khoe.
Nếu như năm 2010, toàn huyện có 7.065 hộ nghèo, chiếm 17,80%, thì đến cuối năm 2014, bằng sự quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền cộng với nỗ lực vượt khó của Nhân dân, toàn huyện chỉ còn 1.815 hộ nghèo, chiếm 4,16% (giảm 5.250 hộ). |
Đầu năm 2014, gia đình ông được hỗ trợ vay 10 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách - Xã hội huyện để mua tôm giống, heo giống về nuôi. Bên cạnh đó, ông còn nuôi thêm gà, vịt, nhờ vậy mà kinh tế từng bước phát triển, gia đình đón cái Tết năm nay sung túc hơn.
Theo Phó Bí thư Chi bộ ấp Đồng Tâm A, xã Tân Duyệt Đoàn Thanh Mức, thực hiện Chỉ thị 10 của Ban Thường vụ Huyện uỷ, cán bộ, đảng viên gương mẫu đi đầu trong việc tận dụng đất trống trồng các loại rau màu, cây ăn trái và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Cán bộ, đảng viên đi trước nên người dân học hỏi làm theo, từ đó công tác xoá đói giảm nghèo mới đạt hiệu quả cao. Năm 2013, Đồng Tâm A có 108 hộ nghèo, 10 hộ cận nghèo, đến nay ấp đã giảm được 20 hộ nghèo và 6 hộ cận nghèo.
“Cải tạo đất trống trồng hoa màu, chăn nuôi, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và cũng góp phần giải quyết được lao động nhàn rỗi ở địa phương. Đây là một trong những thành công mà Chi bộ, Ban Nhân dân cùng các đoàn thể ấp đạt được trong năm qua” - Lời khẳng định từ người cán bộ cơ sở Đoàn Thanh Mức cũng là niềm tin rất cụ thể về sự vươn lên đổi đời của biết bao bà con trên mảnh đất Đầm Dơi. Với họ, ngày mới là khi cái nghèo khó trở thành dĩ vãng./.
Bài và ảnh: Phương Lài