(CMO) Tuyến kênh T29 nói chung và các kênh: 88, 89, 90, 93, 94… nối liền với kênh T29, thuộc các xã: Khánh An, Nguyễn Phích, Khánh Lâm, huyện U Minh, là tuyến dân cư mới được hình thành và phát triển kinh tế từ khi có chủ trương giao đất, giao rừng cho người dân quản lý, sản xuất.
Do vùng đất này còn bị nhiễm phèn, trồng lúa kém phát triển nên người dân lên liếp, rửa phèn để trồng rừng và các loại cây ăn trái, đặc biệt là cây mít thái, mít nghệ. Vài năm trở lại đây, cây mít ở U Minh phát triển rất mạnh, có hộ trồng vài cây trước nhà, sau vườn, có hộ trồng từ vài chục đến vài trăm cây. Ðặc biệt, có hộ trồng hàng ngàn cây, như hộ ông Trần Văn Nhựt (Ấp 10, xã Nguyễn Phích), ông Phan Hoàng Anh (Ấp 16, xã Khánh An)…, mỗi vụ thu hoạch vài tấn mít là chuyện bình thường, có vụ gần chục tấn.
Cây mít rất thích hợp trồng trên vùng đất U Minh. |
Theo bà Phạm Thị Ngọc, vợ ông Phan Hoàng Anh: “600 gốc mít sau 3 năm trồng đã cho thu hoạch. Vụ này vườn mít của gia đình thu gần 4 tấn, lãi trên 40 triệu đồng”.
Vườn mít 600 gốc của bà Phạm Thị Ngọc sau 3 năm trồng đã cho thu hoạch. |
Vựa thu mua mít ở Ấp 10, xã Nguyễn Phích của anh Trần Khánh và chị Trương Thị Nghiến đã thu mua hơn 30 tấn trái, nhiều nhất là giống mít nghệ, trái sai và rất to, mỗi cây từ 5-10 trái, mỗi trái nặng hơn 10 kg. Năm nay mít trúng mùa, được giá, mít loại 1 giá 12 ngàn đồng/kg, gần gấp đôi so với năm trước, nên nhà vườn rất phấn khởi.
Chị Trương Thị Nghiến, cơ sở thu mua mít ở Ấp 10, xã Nguyễn Phích, cho biết: “Mít trúng mùa, được giá nên nhà vườn rất phấn khởi”.
Thương lái đến tận nhà vườn thu mua, vận chuyển mít.
Du khách gần xa có dịp đến với tuyến kênh T29 đừng quên thưởng thức đặc sản mít U Minh và mua về làm quà cho người thân.
Huỳnh Lâm thực hiện