Qua 3 năm thực hiện công tác dân vận và phong trào thi đua "Dân vận khéo" (2020-2023), các cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở huyện Trần Văn Thời tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện, tạo sức lan toả mạnh mẽ các phong trào thi đua trong cán bộ, đoàn viên, hội viên và Nhân dân, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, xây dựng NTM, đô thị văn minh ở địa phương.
Những năm qua, mô hình trồng bí đỏ dưới ruộng ở Ấp 5, xã Trần Hợi mang lại hiệu quả kinh tế cao, được nhân rộng trong và ngoài ấp. Nhờ duy trì và phát triển mô hình này mà kinh tế người dân không ngừng phát triển, nhiều hộ có mức thu nhập hàng trăm triệu đồng/vụ.
Nông dân Ấp 5, xã Trần Hợi thu hoạch vụ bí đỏ dưới ruộng năm 2023.
Ông Nguyễn Ngọc Hân, Ấp 5, xã Trần Hợi, cho biết: "Mô hình này cho thu nhập cao gấp 2-3 lần làm lúa, thường đạt từ 75-80 triệu đồng/ha/vụ; nhiều hộ thu nhập hơn 300 triệu đồng/vụ". Ðến nay, mô hình này đã lan toả đến 109 hộ dân ở Ấp 4, Ấp 5, xã Trần Hợi và ấp Minh Hà A, xã Khánh Bình Ðông, với tổng diện tích 230 ha.
Mặc dù vùng đất quanh năm nước mặn nhưng qua nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm, ông Huỳnh Chí Nguyện, ấp Công Ðiền, xã Phong Ðiền, đã thực hiện thành công mô hình nuôi lươn không bùn, với lợi nhuận hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Ông Nguyện cho biết: "Tôi có khoảng 2 ha đất sản xuất, trước đây chủ yếu nuôi tôm, cua truyền thống nên hiệu quả không cao. Tôi nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm từ sách báo và đi tham quan, khảo sát thực tế tại các hộ nuôi lươn ở tỉnh Ðồng Tháp, năm 2015, tôi mạnh dạn đầu tư cơ sở để nuôi lươn không bùn trong nhà kính. Lúc đầu chỉ xây dựng vài hồ để nuôi thử nghiệm, thấy lươn phát triển tốt, phù hợp với điều kiện tự nhiên, tôi bắt đầu mở rộng quy mô".
Hiện tại, ông Nguyện có tổng số 24 hồ nuôi lươn bằng bê tông, mỗi vụ nuôi từ 10-12 tháng; lươn đạt trọng lượng 3-4 con/kg thì bắt đầu xuất bán. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm ông Nguyện lãi khoảng 500 triệu đồng.
Ðối với Chi bộ Khóm 2 và Hội LHPN thị trấn Sông Ðốc, mặc dù mô hình “Thùng rác gia đình kiểu mẫu” mới được triển khai thực hiện chưa lâu, nhưng được người dân hưởng ứng tích cực và đã phát huy hiệu quả, góp phần bảo vệ môi trường, hướng đến xây dựng đô thị văn minh.
Hội LHPN và Chi bộ Khóm 2, thị trấn Sông Ðốc triển khai thực hiện mô hình “Thùng rác gia đình kiểu mẫu”.
Khóm 2 là nơi đầu tiên triển khai thực hiện mô hình, hiện có gần 100 hộ dân tham gia. Anh Ðỗ Văn Vững chia sẻ: "Tôi thấy mô hình này rất hay, tạo thói quen cho người dân trong việc tập kết rác thải đúng quy định, bảo vệ tốt môi trường. Gia đình tôi sẽ thực hiện tốt mô hình này và vận động các hộ xung quanh cùng thực hiện".
Từ năm 2020-2023, có 1.112 mô hình đăng ký cấp huyện, trong đó có 743 mô hình tập thể, 369 mô hình cá nhân. Qua thực hiện, có 952/1.112 mô hình đạt hiệu quả, đạt 85,6%; 85 mô hình được các cấp khen thưởng; 47 mô hình được nhân rộng. Có 98 mô hình đăng ký cấp tỉnh, gồm 71 mô hình tập thể, 27 mô hình cá nhân.
Thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng mô hình, điển hình “Dân vận khéo” gắn với tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện tốt chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân, góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh ở địa phương./.
Anh Quốc