(CMO) Nếu bạn có dịp trực tiếp lắng nghe tâm sự của người lỡ sa chân vào ma tuý đang nhọc nhằn trên bước đường tìm lại cuộc đời hoặc trực tiếp chứng kiến những đau khổ mà các bậc cha mẹ hoặc người thân của họ phải gánh chịu mới thấm thía hết ý nghĩa câu khẩu hiệu thường thấy ở nhiều nơi: "Không nên dùng thử - dù chỉ một lần".
Đằng sau cánh cổng là rất nhiều câu chuyện dài, cốt truyện có thể khác nhau nhưng tựu chung đều chất chứa những nỗi niềm của cả học viên lẫn gia đình, người thân khi đồng hành cùng con em mình vượt qua cái chết trắng.
Hơn 25 năm bị ma nghiện đeo đuổi
Hơn 25 năm bị con ma nghiện đeo đuổi với nhiều lần cai nghiện không thành công, học viên Dương Tuấn Kiệt (bìa phải) đã thật sự thấm thía: “Ma tuý - không thử dù chỉ một lần”. |
"Đã lỡ bước vào con đường này là coi như mất hết cuộc đời, nếu nghĩ đến tương lai thì tốt nhất nên tuyệt đối không đụng đến ma tuý", đó là lời nhắn nhủ của học viên Dương Tuấn Kiệt (sinh năm 1967, Khóm 9, Phường 6, TP Cà Mau). Ông Kiệt vào cơ sở cai nghiện ma tuý được 9 tháng và hiện là tổ trưởng tổ tự quản tại đây khi kể về hành trình dài đằng đẵng bị "con ma nghiện" đeo đuổi.
Từng theo gia đình vượt biên sang Canada năm 1987, sau vài năm làm công nhân ở hãng phụ tùng xe hơi, ông bắt đầu biết đến hàng trắng qua những lần cùng bạn bè đi chơi trong quán bar, vũ trường. Vừa chơi, vừa bán, đắm mình trong ma tuý khoảng 1 năm thì bị bắt và bị kết án 2 năm tù giam. Trở về cuộc sống đời thường, nghĩ rằng bản thân đã chấm dứt lầm lạc, ông bắt tay vào kinh doanh nhà hàng tại TP Toroto - nơi có nhiều người Việt sinh sống. Kinh tế phất lên rất nhanh nhưng đó cũng là thời điểm đưa ông chủ trẻ quay lại với làn khói trắng. Trong một lần tụ tập chơi bời, băng nhóm xảy ra xích mích qua lại, ông đâm chết người và đầu năm 2001 bị trục xuất về Việt Nam sau 2 năm bị tạm giam.
Một mình trên quê hương khi hầu hết anh chị em đều ở nước ngoài, tự hứa với lòng sẽ xoá sạch quá khứ đen tối, ông vét tất cả tiền bạc có được còn lại cộng với sự giúp sức của gia đình về Năm Căn mở trại ép tôm giống. Do không có kinh nghiệm, kiến thức về lĩnh vực này, cơ sở chỉ đắp đổi được 1 năm đành phá sản, bao nhiêu vốn liếng tiêu tan. Chán nản, buồn đời, bước chân mỏi mòn tiếp tục chọn heroin làm bạn, ban đầu còn tiền thì hút, sau hết tiền thì chuyển qua chích. Cũng có lúc ông rất quyết tâm để từ bỏ hẳn, nhưng chỉ được một thời gian ngắn, phần vì không đủ bản lĩnh, phần vì có quá nhiều cám dỗ, lời rủ rê nên cứ mãi sa vào.
Đã 4 lần ông vào đây, cả tự nguyện và bị công an bắt. Lần gần nhất bị bắt khi đang lấy hàng, chịu án 18 tháng. "Chỉ cần một lần sử dụng heroin thì cái ma mị này đã ăn sâu vào máu, vào não của mình rồi, khó xoá được lắm. Việc cai nghiện cực kỳ khó khăn, như địa ngục khi phải trải qua cảm giác uể oải, co giật đủ thứ. Cơn nghiện hành hạ ngày này qua ngày khác, sống không được mà chết không xong. Để cai thành công đòi hỏi học viên ý chí quyết tâm một thì sau khi ra trại phải được nhân lên nhiều lần, bởi phải đối mặt với rất nhiều cám dỗ, rủ rê cũng như khó khăn khi hoà nhập cuộc sống", ông Kiệt chua xót chia sẻ.
Cũng theo ông, có rất nhiều con đường khiến người ta tìm đến ma tuý. Hàng trăm con người vào đây, có người vì bạn bè lôi kéo muốn thử để tìm chút hương vị lạ, có người mượn làn khói trắng để giải toả buồn phiền, hoặc đơn giản thử cho biết một lần rồi mê hoặc không thoát ra được. Qua những cơn mê của ma tuý đá và heroin, cái giá phải trả quá đắt, rất nhiều trường hợp đánh đổi bằng cả tuổi thanh xuân.
Đồng hành cùng con nghiện
Cứ mỗi thứ Sáu hàng tuần, không khí tại Cơ sở cai nghiện ma tuý tỉnh Cà Mau lại nhộn nhịp hẳn lên, đó là ngày gia đình được vào thăm học viên. Cuộc gặp gỡ chóng vánh với nhiều cảm xúc: Học viên thì mong mỏi, đợi chờ người thân đến thăm, cùng với đó lại là những khắc khoải, đau đớn xen lẫn xót xa của người thân khi con em mình trót bị ma tuý mê hoặc. Ai cũng mong rằng người thân của mình sẽ sớm cai nghiện để làm lại cuộc đời.
Khẽ lau những giọt nước mắt khi cùng mẹ và cháu nội vào thăm người con trai út của mình, bà Mai Thanh Thuý, ngụ Khóm 1, Phường 6, TP Cà Mau, nức nở khi kể về hoàn cảnh hiện tại: "Không biết con chơi ma tuý đá từ lúc nào, chỉ biết khi phát hiện thì mọi nỗ lực can ngăn từ gia đình đều đã muộn". Theo lời người phụ nữ này kể, tuy gia đình tan vỡ từ những ngày con còn nhỏ vì không chịu được cảnh bạo lực của chồng nhưng bà vẫn cố gắng tần tảo để bù đắp tình thương cho các con. Người con trai sinh năm 1992, vốn rất hiền lành, trước đây làm công nhân xưởng giày ở tận Bình Dương, nhưng do bạn bè rủ rê đã tập tành chơi ma tuý đá rồi dần đi vào con đường nghiện ngập, sau đó bỏ về Cà Mau và ngày một lún sâu. Ba đứa cháu nội lần lượt ra đời trong nghèo khổ túng thiếu, bản thân bà vì quá khó khăn phải đi làm mướn ở Bạc Liêu với công việc thời vụ như rửa chén, tiếp đám... chắt chiu từng đồng để gửi về phụ giúp nuôi các cháu nhỏ nheo nhóc. "Khuyên con dữ lắm, mà nó không chịu nghe, cứ dính vào con đường này. Tôi thì già yếu làm gì ra tiền nên cuộc sống cứ vậy mà ngày một khánh kiệt", bà Thuý nức nở.
Trực tiếp gửi con vào cơ sở cai nghiện thì không đủ khả năng để đóng phí, bước đường cùng, gia đình phải chỉ điểm và năn nỉ công an khu vực đến bắt đưa đến cơ sở cai nghiện mong con trẻ làm lại cuộc đời. Ngày con trai bị bắt, đứa cháu nội nhỏ nhất mới hơn 10 ngày tuổi, con dâu phải bươn chải đủ thứ nghề để đắp đổi. Nước mắt của người bà, người mẹ khắc khổ cứ thay phiên nhau rơi. Đối với họ cơ sở cai nghiện là nơi gửi cả hy vọng, mong con, cháu mình chấm dứt con đường nghiện ngập.
Cũng mang những nỗi niềm khi vào thăm hai em trai đang ở trong trại, chị Lâm Thu Hà, ở thị trấn Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân, không giấu được nỗi xót xa khi ma tuý đá là nguồn cơn đưa gia đình chị đi đến bờ vực khốn khổ. Nhà có 3 em trai thì cả 3 đều dính vào ma tuý đá, ngoại trừ đứa em trai út 26 tuổi bị tai biến hiện còn cùng bạn bè nghiện ngập ở bên ngoài, hai em còn lại đang ở trại cai nghiện. Vì quá buồn phiền các con, mẹ chị mất, gia đình ngày một khó khăn. Theo lời chị Hà kể, ngày trước cuộc sống cũng khá giả. Nhà làm nghề ghe cào, thấy em trai lớn muốn làm tài xế, gia đình bỏ vài chục triệu cho đi học lái xe, ai ngờ tiền học phí được dùng cho thoả mãn những cơn ghiền. Bị công an bắt vào cơ sở cai nghiện một lần gần 2 năm, khi ra ngoài lại bị bạn bè lôi kéo rủ rê nên phải vào trại lại. Em trai kế cũng nối gót anh mình, rồi đứa em trai út cũng đi theo con đường nghiện ngập và không may bị tai biến mất hết sức lao động. "Chỉ cần 150 ngàn đồng là có thể chơi được ma tuý đá. Mỗi lần bị công an khu vực phát hiện kêu lên phạt hành chính 750 ngàn đồng. Bây giờ thà ở trại cai nghiện mình vô nuôi chớ ra ngoài cũng lặp đi lặp lại hoài vụ này nên sợ lắm rồi", chị Hà buồn hiu.
Từ chỗ có của ăn của để, hiện tại phải đi bưng từng tô cháo, tô bún, chắt mót từng đồng để lo cho các em. Lúc trước thì bị công an khu vực mời như cơm bữa, nay chạy đôn chạy đáo chỗ này chỗ kia lo tiền chữa trị cho mấy đứa em, đối với chị là những chuỗi ngày dài mỏi mệt. "Những lúc giận quá chỉ biết khóc thôi chứ làm gì được, dù sao tụi nó cũng là em của mình mà. Chồng giận nói muốn lo cho em thì cứ mặc sức mà lo, rồi bỏ đi biền biệt. Hồi trước cứ mong tụi nó sớm lập gia đình lo công ăn chuyện làm mà có được đâu!", câu nói buông lơi vì đến giờ làm thủ tục vào thăm người nhà.
Rời trại khi ánh nắng chiều đã nhạt màu, cánh cổng khuất xa dần nhưng hình ảnh nụ cười gượng gạo, những giọt nước mắt xót xa, cái mặc cảm ân hận của học viên và nỗi khắc khoải của người thân tại cuộc gặp gỡ ngày thứ Sáu cứ ám ảnh tôi. Hy vọng rằng cánh cổng đó sẽ khép lại một quá khứ không mấy tươi đẹp và nhen nhóm nhiều hy vọng mai này sẽ mở ra những chân trời mới (dù không hề dễ dàng) để những con người lầm lạc có cơ hội làm lại cuộc đời./.
Minh Hoàng Phúc