“Việc bỏ tiền tỷ đầu tư vào rừng U Minh Hạ - nơi được mệnh danh là xứ sở của phèn chua giờ không còn lạ. Nếu như trước đây không lâu, nhiều người bỏ đi không dám quay lại nhìn thì nay vùng đất này có sức hút mãnh liệt với những người có đầu óc làm ăn. Không lâu nữa xứ này tìm tỷ phú không khó”, anh Nguyễn Văn Thuần, Liên Tiểu khu trưởng Liên Tiểu khu Sông Trẹm, lạc quan.
“Việc bỏ tiền tỷ đầu tư vào rừng U Minh Hạ - nơi được mệnh danh là xứ sở của phèn chua giờ không còn lạ. Nếu như trước đây không lâu, nhiều người bỏ đi không dám quay lại nhìn thì nay vùng đất này có sức hút mãnh liệt với những người có đầu óc làm ăn. Không lâu nữa xứ này tìm tỷ phú không khó”, anh Nguyễn Văn Thuần, Liên Tiểu khu trưởng Liên Tiểu khu Sông Trẹm, lạc quan.
Để minh chứng cho nhận định của mình, anh Thuần đưa chúng tôi đến thăm nhà anh Trần Văn Hậu, Tiểu khu 008, Liên Tiểu khu Sông Trẹm (thuộc ấp 16, xã Khánh Thuận) - một trong những trường hợp trồng rừng theo diện hợp tác đầu tư. Nhà ở tại xã Tân Bằng, huyện Thới Bình, nhưng anh Hậu đã bỏ ra gần 1 tỷ đồng đầu tư trồng 36 ha rừng.
Giá tràm tăng cao, sau khi khai thác, người dân hối hả mua giống về trồng. |
Sau những câu chào hỏi xã giao, anh Hậu phấn khởi thông tin, anh mới nộp đơn lên công ty xin năm sau khai thác 6 ha keo lai đến tuổi (hiện đã 5 năm tuổi). Cây đang phát triển khá tốt, đường kính đạt gần 20 cm. Câu chuyện làm giàu trên đất rừng U Minh Hạ thêm phần sôi động khi có sự góp mặt của ông Phan Văn Nhã. Quê tận huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long nhưng cũng bị rừng thu hút mà ông Nhã xuống Liên Tiểu khu Sông Trẹm đầu tư trồng gần 36 ha rừng. Cũng như anh Hậu, năm sau, ông Nhã có 6 ha đến kỳ khai thác.
Anh Thuần tính toán: “Hiện mỗi héc-ta keo lai thấp nhất cũng mang về trên 200 triệu đồng, vậy 6 ha của anh Hậu, ông Nhã cho thu nhập trên 1 tỷ đồng rồi. Chuyện làm giàu ở rừng U Minh Hạ giờ có khó gì đâu”.
Kể từ khi rừng U Minh Hạ được “cởi trói” bằng chính sách cho phép vùng rừng kinh tế được chuyển sang trồng rừng thâm canh với các loại cây năng suất cao và hoạt động khai thác được diễn ra quanh năm, diện mạo vùng rừng thật sự thay đổi. Anh Thuần cho biết, giá cừ tràm cũng đã tăng gấp 3-4 lần so với trước. Do người dân chuyển sang trồng rừng thâm canh năng suất cao, cũng như được chủ động khai thác quanh năm nên không bị thương lái ép giá, giá trị cây tràm nhờ đó mà tăng lên đáng kể. Giờ đây, với 1 ha tràm 6-7 năm tuổi khai thác, người dân thu về thấp nhất cũng trên 150 triệu đồng. “Người dân nhận khoán đất rừng trên lâm phầm U Minh Hạ không nghèo, hộ nghèo chủ yếu là hộ di dân tự do, không có tư liệu sản xuất”, anh Thuần khẳng định.
Vừa trồng xong phần diện tích rừng mới khai thác gần 5 ha, ông Đoàn Văn Lực, ấp 14, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh lại cặm cụi dọn bụi rậm những phần đất quanh vườn, bờ bao để trồng thêm keo lai. Đất của ông gần như không còn khoảng trống.
“Hơn 20 năm vào sinh sống trên đất rừng này, giờ đây tôi mới thấy phấn khởi thật sự. Việc khai thác tràm mang về lợi nhuận bạc trăm triệu đồng cứ như là giấc mơ. Giờ đây, trên đất rừng “toàn là tiền”, từ lá chuối, bắp chuối, trái chuối cho đến đọt choại, cá, mật ong…, thứ gì cũng có thể cho cơm no, áo ấm”, ông Lực chia sẻ.
Niềm vui của ông Lực càng củng cố thêm quan điểm “đất rừng U Minh Hạ không nghèo” trước đây của ông Trần Thanh Liêm, nguyên Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cà Mau.
Để hiện thực hoá nhận định “nếu phát huy hết những gì hiện có của vùng U Minh Hạ, không lâu, dân nơi đây sẽ đều khá, giàu” của mình, sau khi về hưu, ông Trần Thanh Liêm đầu tư trang trại chăn nuôi kết hợp dưới tán rừng tại xã Nguyễn Phích thay vì an hưởng tuổi già nơi đô thị. Không dừng lại ở thu nhập vài trăm triệu đồng/năm từ chăn nuôi, trồng rừng, cây ăn trái kết hợp, ông Liêm có ý định xây dựng làng du lịch sinh thái cộng đồng nơi đây. Ông Liêm chia sẻ, đất rừng U Minh rất giàu tiềm năng, nhưng thời gian qua người dân chỉ mới khai thác được một phần nhỏ.
Kinh tế rừng ngày một phát triển đã thu hút nhiều người dân, doanh nghiệp đến hợp tác đầu tư, liên doanh liên kết. Theo ông Trần Văn Hiếu, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ, hiện công ty đã hợp tác đầu tư, liên doanh liên kết với 65 đối tác. "Hơn 2.475 hộ nhận khoán đất rừng đều đã chuyển sang hình thức trồng thâm canh. Tương lai không xa, những cánh rừng thâm canh này sẽ giúp người dân vươn lên khá, giàu. Và, kinh tế rừng sẽ là ngành kinh tế mũi nhọn không chỉ của huyện U Minh mà còn của tỉnh Cà Mau", ông Hiếu khẳng định.
Bí thư Huyện uỷ U Minh Lê Thanh Triều đúc kết, từ khi chuyển sang trồng rừng thâm canh, đổi mới cơ cấu cây trồng có năng suất, có đầu ra ổn định; bên cạnh việc kết cấu hạ tầng từ đường bộ đến đường thuỷ và điện lưới được đầu tư khá cơ bản… đã làm cho giá trị kinh tế từ rừng tăng hơn 40% so với trước. Từ đó, đời sống người dân từng bước phát triển, ổn định và mang tính bền vững./.
Yếu tố đầu tiên đánh thức tiềm năng rừng chính là Cà Mau đẩy nhanh tiến độ thực hiện Nghị định 181/2004/NĐ-CP về thi hành Luật Đất đai, trong đó có việc giao khoán đất lâm nghiệp cho người dân. Hầu hết các hộ dân trong lâm phần đủ điều kiện đã được lập hồ sơ và đang được thẩm tra ký quyết định; có gần 1.000 hộ được cấp sổ đỏ. Người dân nhận khoán đất rừng theo nghị định đều rất phấn khởi và chí thú làm ăn, kinh tế phát triển thấy rõ. Ngoài ra, toàn bộ 2.475 hộ dân trong lâm phần quản lý của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ cũng được công ty giao khoán rừng, đất rừng sản xuất theo Nghị định số 135/2005/NÐ-CP ngày 8/5/2005 của Chính phủ với trên 17.171 ha và trên 6.000 ha được quốc doanh hợp tác đầu tư.
Sức hút của rừng còn bắt nguồn từ chủ trương cho phép vùng rừng kinh tế được chuyển sang trồng rừng thâm canh, với các loại cây năng suất cao và hoạt động khai thác được diễn ra quanh năm. Sự xuất hiện của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu - Chế biến Gỗ Cà Mau với Nhà máy Chế biến Gỗ Cà Mau công suất trên 100.000 tấn nguyên liệu/năm đã tạo được đầu ra, thị trường ổn định, bền vững cho lâm sản. Không dừng lại ở sản phẩm là gỗ ván thanh, ghép thanh, công ty còn sản xuất than viên gỗ nén đạt tiêu chuẩn xuất khẩu với công suất trên 50.000 m3 gỗ nguyên liệu/năm; góp phần đáng kể nâng cao giá trị cây tràm, cây keo lai khi tận dụng các phế phẩm sau khai thác cây rừng. Đây cũng là yếu tố thúc đẩy kinh tế rừng phát triển. Bên cạnh đó, các sản vật dưới tán rừng từ cây ăn trái, hoa màu, mật ong, cá đồng… ngày càng tìm được “chỗ đứng” trên thị trường, góp phần tăng thu nhập cho người dân sống trên lâm phần. Người dân vùng rừng đang đẩy mạnh đa canh, thực hiện nhiều mô hình sản xuất tổng hợp nhằm khai thác hết tiềm năng của rừng tràm U Minh Hạ để cuộc sống ngày càng sung túc hơn. Sự cộng hưởng từ những yếu tố trên đã và đang đưa kinh tế rừng chuyển sang giai đoạn mới, ổn định hơn và tương lai không xa sẽ trở thành ngành sản xuất chủ lực của Cà Mau./. |
Bài và ảnh: Song Nguyễn