ĐT: 0939.923988
Thứ năm, 19-6-25 09:46:34
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Ðạo diễn Nguyễn Phương Ðiền: "Khán giả càng khen, càng phải nâng cấp cách làm phim"

Báo Cà Mau Ðạo diễn Nguyễn Phương Ðiền là cái tên không xa lạ với khán giả miền Tây. Anh "chuyên trị" dòng phim xưa với nhiều tác phẩm ăn khách như: "Lưới trời", "Tiếng sét trong mưa"...

Nam đạo diễn khẳng định làm phim xưa nhưng bản thân phải mới.

Nam đạo diễn khẳng định làm phim xưa nhưng bản thân phải mới.

- Chào Ðạo diễn Phương Ðiền, mọi người vẫn hay gọi anh là “Ông hoàng phim xưa”, “Ðạo diễn mát tay của dòng phim xưa”... Anh có áp lực về sự ưu ái này của khán giả và có đặt thêm yêu cầu cao hơn cho bản thân khi làm phim xưa?

Ðạo diễn Nguyễn Phương Ðiền: Tôi trân trọng mọi danh xưng và tên gọi mà khán giả gọi mình. Ví dụ ngày xưa khi tôi ra đường, nhiều khán giả hay gọi tôi là anh đạo diễn "Ðiền đen". Tôi cứ vui hoài vì người ta có coi phim mình làm, có quan tâm đến mình mới trìu mến với mình như thế. Tuy nhiên, áp lực chắc chắn là có. Từ xuất phát điểm tình yêu thương và sự theo dõi từng phim mình làm, khán giả sẽ đặt nhiều kỳ vọng cho sản phẩm của mình hơn. Ðiều này đồng nghĩa với việc tôi không thể để mình dễ dãi, ẩu tả mà tạo ra một sản phẩm phim kém chất lượng, "cưỡi ngựa xem hoa" được. Khán giả càng khen, mình càng phải nâng cấp cách làm phim, không được lặp lại chính mình, phải có hướng đi mới tạo nên nhiều món ăn mới cho khán giả.

- Khi thực hiện một bộ phim xưa, điều gì anh áp lực và tốn thời gian nhất?

Ðạo diễn Nguyễn Phương Ðiền: Khi đã có kịch bản phim xưa hay, chắc chắn phần đi thực tế lựa chọn, cải tạo và tái tạo bối cảnh phim là cực nhọc, vất vả nhất. Có khi mình chọn được bối cảnh đúng giai đoạn phim diễn ra nhưng chủ nhà không cho thuê hay mượn để quay. Ðôi khi chọn được chỗ, nhưng để tái tạo đúng bối cảnh thì quá tốn kém. Làm dạng phim này phải chấp nhận mất thời gian, vì muốn nhanh thì giả trân. May mắn là tôi làm thể loại phim xưa cũng lâu, càng về sau càng có kinh nghiệm cũng như có nhiều đạo cụ hơn. Bản thân và ê kíp biết nhiều bối cảnh tốt, quen nhiều người thiết kế cứng nghề... và cũng tính toán việc tái sử dụng mọi thứ sao cho tiết kiệm nhưng hợp lý nhất có thể.

Phim xưa có sức hút riêng, nhưng nói thật, nhiều nhà đầu tư, nhà sản xuất phim ngại đầu tư cho thể loại này. Họ thường đặt nhiều câu hỏi cho tôi như: chi phí thế này có làm được và đảm bảo độ chân thật của lịch sử? Khán giả có đón nhận đề tài này không?... May mắn là tôi có được vài nhà sản xuất cùng chung quan điểm, chung chí hướng đồng hành nhiều năm qua. Hạnh phúc hơn là khán giả luôn đón nhận dòng phim xưa của cả ê kíp đã nỗ lực thực hiện.

- Nhiều người bảo anh là “ông trùm” tái sử dụng đạo cụ mà khó ai nhận ra, có đúng thế không?

Ðạo diễn Nguyễn Phương Ðiền: Thực sự với dòng phim xưa, chúng tôi không có nhiều đạo cụ. Tôi còn nổi tiếng là đạo diễn hay đi mượn đồ để quay phim. Còn nhớ hồi quay "Lưới trời", khi tôi dựng lại khu phố xưa cho cảnh quay Sài Gòn những năm 1940 ở tận An Giang, tôi đã cải tạo đến 40% khu phố để có màu thời gian mong muốn. Thiệt tình là toàn đồ xin tài trợ và mượn là chính. Sau khi quay phim xong, chính quyền địa phương xin giữ lại cho người dân tham quan, tổ chức tết cổ truyền để chụp ảnh... Tôi thấy công sức bỏ ra quay phim có thêm ý nghĩa khác thật xứng đáng.

Sau đó, tôi luôn khao khát có một phim trường được xây trên diện tích đủ rộng để làm phim đề tài xưa, để các nhà làm phim khỏi cực dựng lại cảnh làng, phố xá... như mình đã làm. Hy vọng tương lai không xa sẽ có phim trường như thế.

- Các bộ phim thể loại xưa mà anh làm đều tạo cơn sốt. Anh có tuân thủ một công thức mát tay nào không?

Ðạo diễn Nguyễn Phương Ðiền: Tôi không ù lì, không thụ động, mà luôn muốn tìm cái mới cho dòng phim xưa. Với thể loại phim này, đạo diễn phải cầm trịch, phải chủ động trong mọi thứ, từ sắp xếp, chỉnh sửa lời thoại khi ra cảnh quay, đến liên tưởng hình ảnh, tưởng tượng câu chuyện khi lên hình sẽ thế nào... Làm phim xưa càng trân trọng sự sáng tạo trong diễn xuất và cách tạo tình huống thú vị của các diễn viên miễn hợp lý và đúng giai đoạn lịch sử. Phim nào cũng chỉ một kịch tính giống nhau thì khán giả đoán trước hết, không còn gì thú vị để chờ đợi và dõi theo.

Ðạo diễn Nguyễn Phương Ðiều trực tiếp thị phạm diễn xuất cho Nhật Kim Anh trong phim “Lưới trời”.

Ðạo diễn Nguyễn Phương Ðiều trực tiếp thị phạm diễn xuất cho Nhật Kim Anh trong phim “Lưới trời”.

- Ở các phim của anh, bên cạnh diễn viên nổi tiếng, anh luôn chọn thêm gương mặt trẻ. Ðây có phải là cách anh tạo đất diễn và cơ hội cho người mới?

Ðạo diễn Nguyễn Phương Ðiền: Tôi luôn muốn dành cơ hội cho các bạn diễn viên trẻ trong khả năng và phim cho phép. Ai biết tôi đều hiểu, tôi là người đi tìm nhân vật chứ không tìm diễn viên. Ðối với tôi, mọi thứ rõ ràng. Các diễn viên cứng nghề, có tên tuổi thường nhận tuyến chủ chốt, dàn bao, tạo sự an tâm cho phim dù họ không phải tuyến chính. Còn dàn chính, tôi chắc chắn phải casting để tìm người mới, tìm sự tươi trẻ, nên cơ hội cho các bạn diễn viên mới rất cao, nếu các bạn có thực lực và hợp vai. Nếu các bạn theo dõi phim của tôi sẽ thấy ở "Cha rơi", "Vua bánh mì"..., mới nhất là "Mẹ biển" đang phát sóng trên VTV đều cân bằng 50-50 cho các diễn viên kỳ cựu và các gương mặt mới.

- Sau nhiều năm làm nghề, anh nhận thấy phim truyền hình Việt Nam hiện tại phát triển thế nào?

Ðạo diễn Nguyễn Phương Ðiền: Tôi thấy VFC đang nhỉnh hơn, có chiều sâu hơn phim miền Nam một chút. Ðặc biệt, công tác truyền thông PR của họ khá bài bản và chuyên nghiệp. Ngày trước, truyền hình phía Nam từng có thương hiệu danh tiếng của Hãng phim Truyền hình TP Hồ Chí Minh (TFS) và có Lasta cùng nhiều hãng sản xuất phim khác, nhưng giờ theo thời gian, phim truyền hình phía Nam hiện tại không đủ sức tạo tiếng vang. Tuy nhiên, các nhà làm phim miền Nam vẫn không ngừng nỗ lực tạo ra nhiều phim hay và cũng tạo được tiếng vang trong suốt thời gian qua.

Tôi nghĩ, những nhà làm phim phải tự làm mới mình. Tôi cũng tạm dừng làm phim xưa để chọn đề tài có tính chữa lành như "Mẹ biển". Ý tưởng phim được tôi lấy lại từ tiểu thuyết "Xóm không chồng". Tôi muốn có một câu chuyện mà ai coi cũng có sự an ủi, tìm được sự nương náu cho trái tim dù cuộc đời quá bão táp, cực nhọc. Tôi làm khó diễn viên trong lần này ở chỗ là muốn họ phải đóng một nhân vật ở cả hai giai đoạn, thanh xuân và về già. Họ phải lột tả được sức sống của tuổi trẻ, những đắng cay, bão táp của cuộc sống mang lại và sự từng trải khi đã già. Nếu hai diễn viên đảm nhận một nhân vật sẽ giả, cảm xúc không liền mạch.

- Cảm ơn Ðạo diễn Nguyễn Phương Ðiền về buổi trò chuyện này!


Ðạo diễn - NSƯT Nguyễn Phương Ðiền sinh năm 1969 tại Sài Gòn, quê quán ở Tây Ninh. Anh tốt nghiệp Ðại học Sân khấu - Ðiện ảnh TP Hồ Chí Minh và từng kiêm qua nhiều vai trò như: diễn viên phụ, trợ lý, phó đạo diễn... Ðến năm 2022, Nguyễn Phương Ðiền mới đóng vai trò đồng đạo diễn phim "Lục Vân Tiên" cùng với Ðỗ Phú Hải và Lê Bảo Trung.

Những tác phẩm gắn liền với tên tuổi của NSƯT Nguyễn Phương Ðiền phải kể đến như: "Dù gió có thổi", "Cá Rô, em yêu anh!", "Âm tính", "Chiếc giường chia đôi", "Cuộc chiến quý ông", "Cha rơi", "Mắt lụa", "Kẻ thù giấu mặt", "Mặt nạ tình yêu", "Sống trong bóng đêm", "Con gái bố già", "Tiếng sét trong mưa", "Vua bánh mì", "Lưới trời"... Trong sự nghiệp, anh từng được đề cử và thắng giải tại các Liên hoan Truyền hình toàn quốc, Cánh diều vàng, Giải Mai Vàng, Hội Ðiện ảnh TP Hồ Chí Minh như: Huy chương Bạc tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc cho bộ phim “Cải ơi” năm 2006, Huy chương Vàng tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc năm 2009 cho bộ phim “Âm tính”...


Lam Khánh thực hiện

Ảnh nhân vật cung cấp

 

Truyền cảm hứng qua ảnh

Tác giả Vũ Thanh Nam, sinh năm 1972, tốt nghiệp Trường Ðại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, Khoa Hội hoạ, giảng dạy Mỹ thuật tại Trường THCS Hải Long từ năm 1993 đến nay, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Nam Ðịnh, bộ môn Nhiếp ảnh.

Trang nghiêm lễ giỗ Đình thần Tân Nghĩa

Đình thần Tân Nghĩa được xây dựng vào năm 1852, nằm bên ngã ba sông Ô Rô – Bạch Ngưu, nay là Ấp 6, xã An Xuyên, TP Cà Mau.

Về xứ “Khánh”, “Tân”...

Cà Mau là vùng đất trẻ ven biển ở cực Nam, nằm trên Bán đảo Cà Mau, mới được khai phá khoảng hơn 3 thế kỷ. Trải qua quá trình lịch sử đã nhiều lần thay đổi về địa giới hành chính, điều thú vị là Cà Mau có nhiều địa danh hành chính mang tên gọi với chữ “Khánh”, “Tân”, như: Khánh Lâm, Khánh Tiến, Khánh Thuận, Khánh Hoà, Khánh An (huyện U Minh); Khánh Bình, Khánh Lộc, Khánh Hưng, Khánh Hải, Khánh Bình Tây, Khánh Bình Tây Bắc, Khánh Bình Ðông (huyện Trần Văn Thời); Tân Lộc, Tân Phú (huyện Thới Bình); Tân Xuyên, Tân Thành (TP Cà Mau); Tân Trung, Tân Ðức, Tân Duyệt, Tân Thuận, Tân Dân, Tân Tiến (huyện Ðầm Dơi); Tân Ân, Tân Ân Tây (huyện Ngọc Hiển). Những địa danh này gắn liền với lịch sử, văn hoá của cả vùng đất và nay đang ngày càng phát triển đi lên đổi mới và giữ gìn bản sắc văn hoá độc đáo.

Sống chậm, nhẫn hơn cùng nhiếp ảnh

Tay máy nữ Bảo Huy tên thật là Lê Thị Thu Thuỷ, sinh năm 1973, quê tỉnh Quảng Nam, hiện sinh hoạt tại Câu lạc bộ (CLB) Nhiếp ảnh nghệ thuật Sông Hàn (Ðà Nẵng).

Ca khúc cách mạng hút khán giả trẻ

Góp công lớn khiến các ca khúc cách mạng Việt Nam “sống lại lần nữa cùng thời đại” chính là sự kiện lễ diễu binh dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025) vừa qua.

Cà Mau tạo ấn tượng đẹp tại Hội thi Tiếng hát Người khuyết tật toàn quốc lần 3, năm 2025 khu vực phía Nam

Trong 2 ngày: 26 và 27/5, tại UBND quận Bình Thạnh (TP Hồ Chí Minh), Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi Việt Nam chủ trì phối hợp với Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch tổ chức Hội thi Tiếng hát Người khuyết tật toàn quốc lần thứ 3, năm 2025 - khu vực phía Nam với chủ đề “Tiếng hát từ trái tim”.

Lý Hải: “Gia đình luôn là điểm tựa vĩnh cửu"

Chứng kiến nhiều câu chuyện gia đình trong cuộc sống hiện đại, nhịp sống hối hả, áp lực, thế nên Ðạo diễn Lý Hải mong muốn những bộ phim của mình sẽ là tấm gương phản chiếu mâu thuẫn giữa các thế hệ, để mọi người thấu hiểu nhau hơn, cùng tháo gỡ.

Sôi nổi hội thi Chúng em kể chuyện Bác Hồ

Nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2025), từ ngày 22-23/05, Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh tổ chức Hội thi Chúng em kể chuyện Bác Hồ với chủ đề “Bác Hồ trong trái tim em”. Hội thi diễn ra tại Thư viện tỉnh Cà Mau.

Triển lãm ảnh “Trường Sa nhớ ơn Bác”

Kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2025) và 70 năm ngày truyền thống Hải quân Nhân dân Việt Nam (7/5/1955-7/5/2025), được sự chỉ đạo của Hội Nhiếp ảnh TP Hồ Chí Minh, từ ngày 19-21/5/2025, tại Ðường Sách TP Hồ Chí Minh, toạ lạc trên đường Nguyễn Văn Bình, phường Bến Nghé, Quận 1, TP Hồ Chí Minh, diễn ra triển lãm ảnh "Trường Sa nhớ ơn Bác".

KHI CÀ MAU – BẠC LIÊU HỢP NHẤT

Ta lại về cùng chung một mái nhà Như hai anh em mừng ngày sum họp Không gian rộng mở cho tình người tình đất Mảnh đất cuối trời chảy suốt những dòng sông