Cách trung tâm Thủ đô Hà Nội khoảng 10 km, chúng tôi đến thăm làng lụa Vạn Phúc vào một chiều cuối năm. Vạn Phúc (nay thuộc phường Vạn Phúc, quận Hà Ðông, Hà Nội) là một làng nghề dệt lụa tơ tằm đẹp nổi tiếng từ ngàn năm trước. Làng lụa Vạn Phúc được công nhận kỷ lục “Làng nghề dệt lụa tơ tằm lâu đời nhất còn duy trì hoạt động đến ngày nay” do Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam trao tặng. Mỗi tháng làng đón từ 3.000-5.000 khách du lịch.
Cách trung tâm Thủ đô Hà Nội khoảng 10 km, chúng tôi đến thăm làng lụa Vạn Phúc vào một chiều cuối năm. Vạn Phúc (nay thuộc phường Vạn Phúc, quận Hà Ðông, Hà Nội) là một làng nghề dệt lụa tơ tằm đẹp nổi tiếng từ ngàn năm trước. Làng lụa Vạn Phúc được công nhận kỷ lục “Làng nghề dệt lụa tơ tằm lâu đời nhất còn duy trì hoạt động đến ngày nay” do Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam trao tặng. Mỗi tháng làng đón từ 3.000-5.000 khách du lịch.
Trước cổng làng, nép mình dưới tán cây cổ thụ xanh rì là tảng đá màu trắng xám đầy vẻ nguyên sơ với dòng chữ: “Làng lụa Vạn Phúc” cách điệu mềm mại như lụa. Bước qua cánh cổng làng làm bằng gạch đỏ au uy nghi, sừng sững, chúng tôi như lạc vào thế giới của sắc màu. Dọc 2 bên đường, những gian hàng lụa san sát tụ hội đủ sắc màu: xanh, đỏ, tím, vàng, nâu, đen, trắng…
![]() |
Cổng làng uy nghi, sừng sững. |
Nằm bên bờ sông Nhuệ, làng lụa Vạn Phúc vẫn còn giữ được ít nhiều nét cổ kính của làng quê xưa như hình ảnh cây đa cổ thụ, giếng nước, sân đình, buổi chiều vẫn họp chợ dưới gốc đa trước đình.
Cánh cổng tre đậm nét Việt dẫn vào khu giới thiệu - nơi đưa khách du lịch đến gần hơn với lụa Vạn Phúc, với 2 câu đối: “Chấn hưng nghiệp Tổ kết tinh hoa/ Hoà hợp âm dương sinh bảo vật” thể hiện niềm tin, sự quyết tâm gìn giữ, bảo tồn nghề truyền thống của ông cha truyền lại. Trong khu giới thiệu trưng bày mô hình 1 khung dệt lụa cổ có từ đầu thế kỷ 19. Trên từng thanh gỗ in hằn những vết chân thời gian, nó được đặt uy nghiêm trong lầu tứ trụ nâng đỡ mái lợp ngói mũi hài, uốn cong 4 góc mềm mại, chạm trổ phượng long, rèm tre rủ 4 phía. Hiện nay những khung dệt máy thay dần cho những khung dệt thủ công, vì thế khung dệt lụa cổ ấy như ôm vào lòng mình bao thăng trầm của làng lụa Vạn Phúc.
Du khách không chỉ đắm mình vào những màu sắc tươi rói của lụa với đủ thứ mặt hàng đa dạng, đẹp mắt như quần, áo, túi, ví, khăn, gối hay những tấm lụa nguyên bản… trong gian hàng trưng bày mà còn được lắng nghe âm thanh rộn ràng của khung cửi, tiếng lách cách của con thoi những âm thanh đã trở thành nhịp điệu cuộc sống nơi đây. Choáng ngợp với miên man những sắc màu, chúng tôi được một nghệ nhân giới thiệu về quy trình hoạt động của chiếc máy dệt lụa. Chị vừa thoăn thoắt tay làm vừa hồ hởi: “Công việc này đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận, chịu khó. Khi khung dệt chạy, lúc nào cũng phải có người túc trực bên để khi sai lỗi thì chỉnh sửa kịp thời để có được một tấm lụa đẹp, đảm bảo chất lượng”.
Ðược chạm tay lên tấm lụa mềm mịn, mát rượi, óng ả như đánh thức mọi giác quan, lòng chợt nhớ 2 câu thơ của Nhà thơ Nguyên Sa trong bài thơ Áo lụa Hà Ðông: “Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát/ Bởi vì em mặc áo lụa Hà Ðông”. Hoa văn trang trí trên vải lụa rất đa dạng và tinh tế như mẫu Song hạc, mẫu Thọ đỉnh, mẫu Tứ quý... khiến cho các bộ trang phục trở nên duyên dáng, sống động. Dường như những nghệ nhân đã gửi cả cái tình đằm thắm vào từng đường kim, mũi chỉ.
![]() |
Trầm mặc Đền thờ Tổ nghề. |
Ðền thờ Tổ nghề trầm mặc, mái ngói đỏ au dẫu qua bao mưa nắng như thắm mãi sự tôn kính, lòng biết ơn đối với cha ông đã gây dựng lên làng nghề Vạn Phúc. Trong hậu cung của đền thờ vẫn bày những thúng sơn, thước sơn, kéo bằng sắt, vạch bằng ngà là những đồ dùng của thợ may. Hằng năm, cứ vào ngày mùng 10/8 và 25 tháng Chạp âm lịch, làng Vạn Phúc lại nô nức lễ hội giỗ tổ.
Dạo quanh những con đường nhỏ giữa làng, chúng tôi đặt chân vào không gian linh thiêng của Chùa Vạn Phúc. Theo lời kể của người trong làng, ngôi chùa là nơi hàng trăm thợ thủ công làng Vạn Phúc và gần 600 thợ vùng Nam Hoài Ðức đấu tranh đòi cải thiện đời sống cho Nhân dân lao động, tố cáo tội ác của thực dân Pháp vào ngày 6/2/1937. Ðây là cuộc đấu tranh công khai đầu tiên của Nhân dân Vạn Phúc trong thời kỳ cao trào cách mạng dân chủ 1936-1939. Vì thế ngôi chùa không chỉ là địa chỉ tâm linh mà còn mang đậm dấu ấn lịch sử. Giữa hồ nước xanh thăm thẳm, tượng Phật Bà Quan Âm bằng đá trắng ngự trên đài sen hướng ra con đường chạy qua trước cổng làng./.
![]() |
Nghệ nhân bên khung dệt. |
![]() |
Đa dạng những mặt hàng làm từ lụa. |
Bài và ảnh: Ðào Mạnh Long