(CMO) Khi thực Pháp xâm chiếm nước ta, người dân rừng biển mũi Cà Mau truyền đi lời thề đanh thép với quân thù:
“Bao giờ hết đước Năm Căn
Ông Trang hết cá, Viên An hết rừng
Khai Long hết xác cá đường
Mũi Cà Mau đó ta nhường cho bây”
Hết chống Pháp rồi đến chống Mỹ, quân dân Hàm Rồng cùng với quân dân miền Đất Mũi Cà Mau lại xông trận. Nhà thơ Tố Hữu ví phong trào cách mạng ở đây như một rừng gỗ cứng trước bão táp phong ba:
“Đước đã mọc thành rừng gỗ cứng
Gió càng lay, càng vững thành đồng”
Mũi Cà Mau bao la rừng biển, đâu cũng có phong trào cách mạng và đâu đâu cũng có sự tích anh hùng gắn với tên đất, tên người. Cũng từ mảnh đất này, Bia Di tích Ban Ấn loát đặc biệt Nam Bộ được xây dựng để ghi lại lịch sử, tri ân những đóng góp của quân dân ta thời kháng chiến chống thực dân Pháp. Cũng từ mảnh đất này, Đội Du kích Tí Hon Hàm Rồng ra đời, lớn lên lập nhiều chiến công như huyền thoại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và đã đi vào văn thơ.
Dấu ấn qua văn chương
Các thành viên Đội Du kích Tí Hon Hàm Rồng năm xưa chụp ảnh lưu niệm tại buổi toạ đàm về thành tích của đội. Ảnh: HUYỀN ANH |
Ông Trần Thanh Liêm, nguyên Tỉnh uỷ viên, Bí thư Tỉnh đoàn Cà Mau, Phó Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Cà Mau, từng là cán bộ phụ trách thiếu nhi của Xã đoàn Năm Căn trong những năm đầu chống Mỹ cứu nước, kể: “Năm 1972, Đại hội Trung ương Đoàn Thanh niên nhân dân cách mạng miền Nam tổ chức tại tỉnh Tây Ninh, Tỉnh đoàn Cà Mau viết bảng thành tích Đội Du kích Tí Hon Hàm Rồng báo cáo điển hình tại đại hội này. Nghe Tỉnh đoàn Cà Mau báo cáo chiến công của Đội Du kích Tí Hon Hàm Rồng, những người dự đại hội rất thán phục và trân trọng. Nhiều lãnh đạo ở Trung ương Đoàn so sánh: Cả nước mình chỉ có 2 đội du kích tí hon. Ngoài Bắc trong kháng chiến chống Pháp có Đội Du kích Đình Bảng, ở miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ có Đội Du kích Tí Hon Hàm Rồng.
Từ báo cáo điển hình về Đội Du kích Tí Hon Hàm Rồng, Nhà văn Nguyên Ngọc sau này khi về rừng đước Năm Căn, đã tìm hiểu và viết về chiến công của đội. Dường như quyển sách này có trong Thư viện Cà Mau”.
Theo trí nhớ “dường như” của ông Trần Thanh Liêm, tôi đến Thư viện Cà Mau tìm đọc quyển sách của Nhà văn Nguyên Ngọc với hy vọng hiểu biết thêm về cuộc sống, con người Hàm Rồng trong chiến tranh và những hoạt động của Đội Thiếu niên tiền phong và Đội Du kích Tí Hon Hàm Rồng. Cô quản lý thư viện và cô thủ thư, ai cũng nhiệt tình đáp ứng nguyện vọng tôi đề đạt. Hết tra thư mục trên máy vi tính, lại lục tìm trong các sổ sách ghi thư mục, nhưng chỉ tìm thấy quyển sách “Đội Thiếu niên tiền phong Đình Bảng”. Tôi mượn quyển sách đó và nhờ cô thủ thư cố tìm giúp cuốn sách của Nhà văn Nguyên Ngọc viết về Đội Du kích Tí Hon Hàm Rồng.
Trong lúc chờ đợi, tôi mở đọc lướt nhanh từng trang sách viết về Đội Thiếu niên tiền phong Đình Bảng. Quyển sách do Nhà văn Xuân Sách viết theo dạng tiểu thuyết lịch sử, Nhà Xuất bản Văn học tái bản năm 1995. Với độ dài 147 trang, nội dung tóm tắt như sau: Đình Bảng là một xã cách Thủ đô Hà Nội hơn 60 km về hướng Tây Bắc. Sau khi chiếm Hà Nội, thực dân Pháp đưa quân đóng đồn ở xã này nhằm đàn áp phong trào kháng chiến của ta. Các đoàn thể kháng chiến phát triển mạnh, các em độ tuổi thiếu niên trong làng được vào sinh hoạt trong tổ chức Đội Thiếu niên tiền phong. Từ căm ghét “lính Tây thằng nào mặc quần áo cũng có nhiều túi để đựng gà vịt của nhân dân khi càn vào làng” và thương cán bộ kháng chiến bị giặc Pháp bắn ở đầu làng mà các em có nhiều hoạt động giúp cán bộ kháng chiến, sau đó các em tham gia vào du kích xã đánh nhiều trận càn của lính Pháp. Đội du kích trưởng thành, có 3 em trở thành lãnh đạo đội du kích và thành tích tiêu biểu của Du kích Thiếu niên tiền phong là tổ chức đánh tập kích đồn Đình Bảng, buộc chúng phải ra hàng.
Đội Thiếu niên Đình Bảng lập thành tích vào những năm 1949, sự kiện này được Nhà văn Xuân Sách viết thành tiểu thuyết lịch sử xuất bản lần đầu tiên năm 1964. Năm 1995 được tái bản lần thứ năm, trong phần giới thiệu sách tái bản lần này, tác giả viết: “Lần tái bản nào cũng có bổ sung, nhưng vẫn chưa tải hết những lời kể của nhân chứng. Nhờ quyển sách này mà độc giả trong nước biết về Đình Bảng và biết về hoạt động của thiếu niên Việt Nam đánh giặc. Nhiều đoàn khách từ các nước xã hội chủ nghĩa như: Liên Xô, Tiệp Khắc, Trung Quốc, Bắc Triều Tiên đến tham quan Đình Bảng như tìm đến biểu tượng Việt Nam anh hùng…”.
Đã hết giờ làm việc của buổi sáng, cô thủ thư của Thư viện Cà Mau dù nỗ lực nhưng cũng không tìm thấy quyển sách nào nói về Đội Du kích Tí Hon Hàm Rồng. Tôi ra về trong tiếc nuối.
Trong cuộc trò chuyện với ông Trần Nam Việt để ghi lại chiến công mà ông và những đội viên trong đội tham gia, được biết, sau giải phóng vài năm, Trung ương Đoàn có vô gặp các thành viên Đội Du kích Tí Hon Hàm Rồng để viết thành tích. Sau lần đó, bà Trần Lệ Thu, phụ trách công tác thiếu nhi Xã đoàn Năm Căn lúc đó, được Trung ương Đoàn chọn đại diện cho thanh - thiếu niên Cà Mau đi tham quan một số nước xã hội chủ nghĩa.
Có lần tôi nghe đồng nghiệp - Nhà báo Đặng Huỳnh Lộc kể, anh có viết bài ký về Đội Du kích Tí Hon Hàm Rồng lúc anh còn công tác ở Báo Minh Hải (giờ là biên tập viên của Báo Pháp Luật TP Hồ Chí Minh). Tôi làm cuộc phỏng vấn nhỏ với anh: “Anh còn nhớ viết bài ký đó hồi năm nào không, động cơ nào thôi thúc anh đến đó?”.
Nhà báo Đặng Huỳnh Lộc trả lời: “Tôi viết bài ký đó hồi năm 1985. Nghe các anh ở Tỉnh đoàn kể, trong mấy năm kháng chiến chống Mỹ, thanh - thiếu niên ở đó có nhiều hoạt động hay lắm, nên phóng xuống tàu đi cả ngày trời mới tới, rồi ở đó luôn mấy ngày để nghe mấy ảnh kể chuyện”. “Chi tiết hay những việc làm nào của Đội Thiếu niên tiền phong và những trận đánh của Đội Du kích Tí Hon mà anh tâm đắc nhất?”. Anh Đặng Huỳnh Lộc tiếp tục trả lời câu hỏi của tôi: “Có nhiều, nhưng sướng nhất là nghe mấy ổng kể hồi nhỏ đi lội sông, lội đầm ngoi sình đóng râu hai bên mép mà làm việc như mò cua, bắt cá lo bữa ăn, chuyển thư cho mấy chú... Anh Ba Na (Nguyễn Hoàng Na) có sáng kiến chuyển thư bằng nạng giàn thun, tức khi nhận thư rồi bỏ thư và cục đạn vô bọc cột lại, chọn khoảng đất trống dùng nạng giàn thun bắn qua sông để người bên kia sông lượm. Cách này nhanh, an toàn mà khỏi phải lội sông. Còn mấy trận đánh thì hỏi anh Trần Nam Việt, Huỳnh Hoàng Vân, Nguyễn Thanh Hồng…, mấy ảnh tham gia nhiều trận lắm”.
Hàm Rồng in đậm dấu chân người đi mở đất và tiếp tục ghi thêm những sự tích hào hùng của Đội Thiếu niên tiền phong và Đội Du kích Tí Hon. Vùng đất, con người ấy xứng đáng cho văn thơ lưu truyền. Đã có một số cây bút ghi lại nhưng do bất cập trong lưu trữ, nên khó tìm để phổ biến.
Ngoài những tác phẩm kể trên, còn có 1 bài ca theo điệu Bắc Sơn Trà và bài thơ ca ngợi về chiến công của Đội Du kích Tí Hon Hàm Rồng. Lời bài ca và bài thơ này nhiều người dân ở Hàm Rồng chép tay hoặc thuộc lòng.
Bài ca theo điệu Bắc Sơn Trà mô tả Đội Du kích Tí Hon phục vụ bao vây Chi khu Năm Căn: “Hai năm trước nhân dân nhất trí, xây chiến hào, bao ví Năm Căn. Các em là binh chủng hậu cần, bắt cua, mò cá, vót chông, biểu diễn dân công, ra nơi chiến hào, hát chào mừng công”. Trong công tác phục vụ chiến đấu, bài ca viết: “Đi sản xuất không quên chiến đấu, lưng gùi chông, vai vác mang ên, tiếp nhau vượt bùn lầy, cứ mỗi ngày vũ khí đẻ thêm...”.
Ông Trần Việt Thanh là đội viên du kích của xã Năm Căn, trong những năm cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ có viết bài thơ về lực lượng vũ trang xã Năm Căn và Đội Du kích Tí Hon Hàm Rồng. Chiếc xuồng là phương tiện lưu thông trên địa bàn sông nước của lực lượng vũ trang xã và Đội Du kích Tí Hon. Bài thơ có 41 câu nhưng đã có 19 câu nhắc tới từ “xuồng”: xuồng đi trên sông nước, xuồng đi vào các ngõ ngách sông rạch, xuồng chở bộ đội và xuồng chở chiến công:
“Xuồng qua khói lửa mịt mù
Bao vây đồn giặc, chặn đầu, chặn đuôi
Xuồng đi chiến thắng dập dồn
Xuồng về đầy ắp, ngổn ngang súng thù”
So với những gì mà đất và con người Hàm Rồng đóng góp trong 2 cuộc kháng chiến chống ngoại xâm thì vẫn còn quá ít những thước phim, quyển sách, bài hát, bài thơ, bia tượng ghi công về những sự tích anh hùng này. Trong lần kể chuyện về sự hình thành và chiến công của Đội Du kích Tí Hon, ông Trần Thanh Liêm có nhiều tâm nguyện: “Xã đoàn, Huyện đoàn, Tỉnh đoàn hay ai đó phải làm sao tổng kết thành tích đề nghị tặng thưởng một danh hiệu gì đó cho Đội Du kích Tí Hon Hàm Rồng. Làm điều đó giúp lớp trẻ hôm nay hiểu biết thêm có một thời tuổi trẻ Hàm Rồng cống hiến tiêu biểu cho kháng chiến cứu nước thắng lợi”.
Thơ của ông Trần Việt Thanh cũng nằm trong dòng chảy này:
“Hỡi người du kích tí hon
Quê hương mong đợi mùa xuân thanh bình
Mong cho con cháu mai sau
Lập công, rồi lại lập công không ngừng”.
Những người con ưu tú
Từ thời còn trong Đội Thiếu niên tiền phong đến trưởng thành trong Đội Du kích Tí Hon Hàm Rồng, rồi qua những tháng năm xây dựng, bảo vệ quê hương đất nước, dù ở cương vị và thời điểm nào, những đội viên Đội Du kích Tí Hon - những người con của quê hương Hàm Rồng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Đảng và nhân dân giao phó.
Chiến tranh gắn liền với mất mát đau thương. Một số thành viên Đội Du kích Tí Hon Hàm Rồng khi trưởng thành tham gia vào các đơn vị chủ lực và đã mãi ra đi trong chiến đấu, trở thành những anh hùng liệt sĩ như: Lê Thanh Bình, Võ Quốc Hải, Phạm Minh Ngoan, Võ Tấn Thành.
Tiếp tục trong thời kỳ xây dựng đất nước, nhiều người là cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước và quân đội, tiêu biểu như: Đại tá Huỳnh Hoàng Vân, nguyên Huyện uỷ viên, Chỉ huy phó về chính trị Ban Chỉ huy Quân sự huyện Ngọc Hiển, nguyên Phó Chủ nhiệm chính trị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Hiện là Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh. Ông Trần Nam Việt, từng giữ các chức vụ Huyện uỷ viên, Bí thư Đảng uỷ xã Tân Ân, Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh uỷ, nguyên Phó Trưởng Ban Phòng chống tham nhũng tỉnh. Ông Trần Lê Trung, nguyên Bí thư Huyện uỷ Ngọc Hiển, nguyên Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Cà Mau.
Giờ đây, dù tuổi cao nhưng hằng năm những đội viên Đội Du kích Tí Hon Hàm Rồng năm xưa đều tổ chức họp mặt, để nhắc nhở một thời gian lao mà anh dũng hơn nửa thế kỷ qua, để trao truyền về một quá khứ hào hùng cho thế hệ trẻ tiếp tục niềm tự hào, ra sức phát huy truyền thống trong công cuộc dựng xây và bảo vệ quê hương, đất nước./.
Chung Thuỷ