(CMO) Cùng với sự phát triển của xã hội, của mạng Internet, việc tiếp cận thông tin tham khảo của học sinh cũng dễ dàng hơn. Sách tham khảo có thể đặt mua trên các trang mạng xã hội hay các nhà sách uy tín... Chính vì lẽ đó, việc tiếp cận thông tin, kiến thức từ sách tham khảo rất phong phú, đa dạng.
Em Nguyễn Minh Đức, học sinh lớp 10M, Trường THPT Hồ Thị Kỷ, cho rằng, việc lựa chọn sách tham khảo là điều em hết sức băn khoăn, vì ngày càng có nhiều đầu sách, nhiều lĩnh vực, nhiều mẫu mã khác nhau… Làm sao để tìm sách phù hợp với sở trường và kiến thức của mình luôn là lựa chọn đau đầu của học sinh.
"Ma trận" sách tham khảo
Tham quan một số nhà sách lớn ở TP Cà Mau, điển hình như Fahasa (Phường 5, TP Cà Mau), rất dễ nhận thấy sách tham khảo được trưng bày theo cấp học, có nhiều đầu sách riêng biệt. Riêng 2 môn Văn, Toán thì số lượng rất nhiều.
Nhà sách Fahasa trưng bày rất nhiều loại sách tham khảo cho học sinh. |
Ở kệ sách môn Ngữ văn cấp THCS và THPT thường là sách về những bài văn mẫu, tuyển tập các bài văn hay, ôn tập văn cho học sinh giỏi. Đối với môn Toán thì có nhiều đầu sách về cách giải bài tập toán, kiểm tra đánh giá bài tập toán… giá từ 30-120 ngàn đồng/quyển.
Chị Nguyễn Ngọc Kiều, nhân viên phụ trách quầy Nhà sách Fahasha, thông tin: “Nhiều nhất là sách của Nhà Xuất bản Giáo dục, Nhà Xuất bản Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, Nhà Xuất bản Đại học quốc gia Hà Nội…, sách về các câu hỏi trắc nghiệm cho các em ôn tập thi THPT và đại học”.
Nhiều lần đưa cháu đi nhà sách, bà Lê Cẩm Hường, Khóm 6, Phường 1, TP Cà Mau, nhìn vào kệ sách tham khảo mà phân vân không biết chọn sách nào cho cháu.
Bà Hường cho biết: “Chỉ cảm thấy sách nào phù hợp với cháu mình thì mua thôi, chứ không biết nội dung có đáp ứng nhu cầu của cháu hay không”.
Em Lê Vy, lớp 8G, Trường THCS Nguyễn Thái Bình, chia sẻ: “Em lựa một hồi là “rối” vì không thể xác định được cuốn nào nên mua. Trước mắt, em sẽ mua cuốn “270 đề văn mẫu 8” về để học, sau này tuỳ theo môn học em sẽ mua thêm để ôn tập và chuẩn bị cho kỳ thi cuối học kỳ, cuối năm…”.
Qua những lần cải cách sách giáo khoa, các loại sách tham khảo cũng cải tiến, kiến thức ngày càng rộng hơn. Em Nguyễn Minh Đức, lớp 10M, Trường THPT Hồ Thị Kỷ, bộc bạch: “Đối với môn Toán, Hoá có những bài chưa hiểu thật sâu khi trên lớp, về nhà em xem cách làm trong sách tham khảo để hiểu rõ hơn, khi đến lớp có thể xung phong làm bài”.
Đức cho biết: “Đa số học sinh dùng sách tham khảo để chép đối phó, em thấy việc tự học vẫn tốt hơn sử dụng sách tham khảo. Quan trọng là giờ lên lớp, thầy cô giảng phải chú ý tiếp thu thì làm bài được thôi”.
Vai trò của cơ sở giáo dục
Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Đầm Dơi Trần Thanh Văn thông tin, Thông tư số 21 ngày 7/7/2014 của Bộ GD&ĐT quy định trách nhiệm của giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục các cấp về cung cấp đầy đủ thông tin, nhận định và đề xuất đúng, khách quan, tin cậy cho cơ sở giáo dục để lựa chọn được những xuất bản phẩm tham khảo có chất lượng, sử dụng hiệu quả trong quá trình giảng dạy, nghiên cứu. Đặc biệt là những ấn phẩm sách tham khảo được Bộ GD&ĐT phê duyệt, học sinh mới nên sử dụng, đảm bảo phục vụ cho việc học, không vượt quá chuẩn kiến thức kỹ năng của học sinh.
“Hiện sách tham khảo tràn lan, đặc biệt là sách “lậu”, mạo danh các nhà xuất bản lớn. Có nhiều đầu sách về một môn học, nhưng nội dung được “xào nấu” làm cho học sinh, phụ huynh khó lựa chọn, tốn kém nhiều tiền bạc. Vì vậy, vai trò của nhà trường, giáo viên chủ nhiệm là phải định hướng phụ huynh học sinh về nguồn sách tham khảo cho con em mình”, ông Văn lo lắng.
Ông Trần Thanh Văn cho rằng, nên công khai danh mục đầu sách tham khảo cho các đơn vị trường học một cách cụ thể. Cần tăng cường công tác kiểm tra đối với các cơ sở kinh doanh sách, thiết bị trường học, văn phòng phẩm… để có định hướng đúng. Phụ huynh, học sinh hãy là người sáng suốt trong việc lựa chọn sách tham khảo, tránh lãng phí tiền của./.
Nhật Minh