Hằng ngày, ngoài giờ học, em phải đi làm thuê, ai thuê gì em làm nấy, đại loại như: cuốc đất, phụ hồ, bốc vác… Cái khổ, cái nghèo cứ bám víu em từ ngày này sang ngày khác. Người mà tôi muốn chia sẻ chính là em Trần Minh Hiểu, một học trò cũ của tôi cách đây 4 năm. Một học trò nghèo nhưng hiếu học.
Hằng ngày, ngoài giờ học, em phải đi làm thuê, ai thuê gì em làm nấy, đại loại như: cuốc đất, phụ hồ, bốc vác… Cái khổ, cái nghèo cứ bám víu em từ ngày này sang ngày khác. Người mà tôi muốn chia sẻ chính là em Trần Minh Hiểu, một học trò cũ của tôi cách đây 4 năm. Một học trò nghèo nhưng hiếu học.
Em Hiểu lớn lên trong một gia đình nghèo cùng với ba mẹ và hai người em gái. Hai em gái cũng rất hiếu học và chăm ngoan. Gia đình không có được mảnh đất canh tác, chỉ có căn nhà nhỏ rách nát làm chỗ che nắng, che mưa. Năm học 2008-2009 em học lớp 12C5 của cô Ngô Bảo Trân chủ nhiệm. Tôi nhớ rất rõ hình ảnh của em trong giờ học của tôi, em rất tập trung nghe cô giảng bài và luôn xây dựng bài học cùng bạn. Khi tôi kiểm tra bài cũ, đến 2 lần em không thuộc bài. Gương mặt em toát lên nỗi ân hận pha lẫn sự buồn bã. Lúc đó tôi nhìn em rất lâu, bất chợt tôi cảm nhận được gương mặt em hốc hác, già nua so với tuổi. Bấy giờ tôi mới cảm nhận được trong em như có điều gì đó muốn nói.
Em Trần Minh Hiểu |
Hết giờ dạy, tôi gặp riêng em để tìm hiểu và biết được nhà em nghèo khó, ngoài giờ học, em phải đi làm thêm, không có thời gian học bài. Tôi đề cập việc em đến nhà để tôi giúp đỡ em thêm về kiến thức nhưng em từ chối.
Một hôm trên đường đến chợ, tôi bắt gặp một dáng hình ốm yếu, già nua trong bộ đồ lao động ống cao, ống thấp, vác thùng hồ rất nặng nề trông rất quen. Tôi dừng xe lại từ xa rồi quan sát và nhận ra đó chính là học trò của tôi. Chạnh lòng, tôi thốt lên: “Mình còn có bao nhiêu học trò như thế!?”, thấy mà xót xa cho số phận của em.
Là một giáo viên, lúc bấy giờ gia đình tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn. Tôi chuyển công tác từ Trường THCS Khánh Bình đến thị trấn Trần Văn Thời và dạy ở Trường THPT Trần Văn Thời năm 2006. Cuộc sống của tôi rất chật vật, con nhỏ, gia đình tôi chỉ sống bằng đồng lương ít ỏi. Hằng tháng tôi còn phải bị trừ tiền vay ngân hàng hết một khoản. Lo cho gia đình không xong có đâu mà giúp đỡ cho ai. Tôi cảm thấy ngậm ngùi, xót xa, thương cho số phận của em.
Một hôm, tôi lại gặp em vào giờ ra chơi, tôi động viên em cố gắng sắp xếp thời gian và đến nhà tôi bất cứ lúc nào em rỗi để tôi giúp em học. Vậy là em đã không phụ lòng tôi, em tự sắp xếp thời gian hợp lý để không ảnh hưởng việc học, việc đi làm thuê, càng không làm ảnh hưởng công việc ở trường cũng như việc nhà của tôi. Tôi nhận thấy em rất chững chạc, rất ý tứ và khôn khéo trong cách cư xử. Một hôm, khi vừa dạy xong em trao tôi một phong thư rồi ra về. Cầm phong thư trên tay, tôi nghĩ chắc là em lại có tâm sự gì đó.
Tôi xé thư ra và nhìn thấy hai dòng chữ cùng với tờ 50.000 đồng. Tôi cầm tờ giấy lên đọc “Cô hãy nhận 50.000 đồng của em để bồi dưỡng cô nhé! Nếu cô không nhận em sẽ không dám tiếp tục học nữa”. Tôi xúc động vô cùng, tôi xúc động không phải em trả tiền học phí cho tôi, mà tôi xúc động vì em nghèo nhưng em luôn biết nghĩ đến người khác. Hôm khác em lại đến nhà tôi để học, hết giờ tôi trao em một phong thư nhưng em không nhận. Tôi nói: “Em cứ mang về nhà rồi mở ra xem”. Trong thư tôi gửi lại em 50.000 đồng và viết vài dòng trên giấy: “Cảm ơn em đã nghĩ cho cô nhưng em đừng như thế nữa, nếu em còn như thế là em phụ lòng cô rồi!”.
Thế là tôi phụ đạo cho em hết cả năm học, em tiến bộ rõ rệt với bộ môn tiếng Anh. Em rất vui và tôi cũng vậy. Tôi hỏi em, sau khi tốt nghiệp sẽ thi vào trường nào? Em bảo, sẽ theo học ngành Công nghệ. Em ước sau khi ra trường em có công ăn việc làm ổn định để lo cho ba mẹ và hai em. Tôi lại ủng hộ em về mặt tinh thần, động viên em sống mạnh mẽ hơn, tự tin hơn để bước vào đời.
Rồi em cũng đã học ngành Công nghệ ở Hậu Giang như mơ ước của mình. Thời gian trôi qua rất nhanh, cuối cùng thì em cũng đã tốt nghiệp. Nhưng rồi cuộc sống của em cũng rơi vào cái vòng luẩn quẩn. Em xin vào làm cho quầy photo tư nhân được một thời gian rồi lại thất nghiệp. Cuối cùng em được bạn bè cho mượn vốn để mua máy photo. Em thuê một quầy làm dịch vụ photo tại chợ khóm 9, thị trấn Trần Văn Thời. Một địa điểm không mấy thuận lợi nên ít khách.
Em tâm sự, em vẫn còn gánh nặng gia đình, một đứa em tốt nghiệp ngành Ngữ văn cũng đang thất nghiệp, một đứa thì đang học thạc sĩ. Dù nghèo, nhưng anh em của em rất hiếu học, cứ mong học thành tài để thoát khỏi cảnh nghèo. Vậy mà vẫn còn vô vàn khó khăn phía trước...
(Bài đoạt giải Khuyến khích cuộc thi viết “Thầy và trò cùng vượt khó”)
Nguyễn Thị Trinh, giáo viên Trường THPT Trần Văn Thời