(CMO) “Dạy con bản lĩnh như đại bàng” là phương pháp mà các bậc cha mẹ hiện nay đang hướng đến.
Cuộc sống dư dả, đủ đầy khiến con người có chiều hướng trở nên lười biếng, sợ hãi trước những khó khăn, nghịch cảnh. Đứa trẻ lớn lên trong sự bảo bọc quá kỹ lưỡng từ cha mẹ sẽ trở nên yếu đuối hơn về ý chí và dễ dàng bỏ cuộc. Vậy cha mẹ hiện đại cần dạy con như thế nào để giúp con cái trở nên mạnh mẽ, tôi luyện ý chí, nghị lực kiên cường để giúp con kiên cường hơn?
Nuôi con theo kiểu “đại bàng” hay “gà công nghiệp”?
Hiện nay, nhiều bậc phụ huynh có quan niệm đời cha đã khổ thì phải cho con cuộc sống sung sướng, nên thường nuông chiều con, con muốn cái gì là đáp ứng cái đó. Tuy nhiên, việc thương con, muốn con sung sướng thành ra hại con. Mỗi khi con làm việc thì ngăn cản và không cho con làm: “Việc này con không làm được đâu. Thôi để mẹ làm cho…”. Từ đó trẻ có thói quen ỷ lại, yếu đuối và hay đòi hỏi nên dễ trở thành “gà công nghiệp”, thụ động trước cuộc sống.
Để trẻ tự mang ba lô đến trường nhằm rèn luyện tính tự lập của trẻ. |
Tại hội thảo "Dạy con bản lĩnh như đại bàng" do Trung tâm Superbrain Cà Mau tổ chức mới đây, chị Lê Ngọc Tuyền (Phường 5, TP Cà Mau) chia sẻ: “Con tôi mới 5 tuổi nên mọi việc tôi thường làm hết cho con. Ăn uống tôi cũng phải đút, dần dần tôi cảm thấy con không còn thiết tha với việc ăn uống nữa. Nếu mẹ không đút bé cũng không chịu ăn uống gì. Lúc ấy tôi lại lo lắng, ra ngoài xã hội, không có cha mẹ bên cạnh con sẽ sống ra sao? Bao bọc con quá kỹ thực sự đã làm hại con mình”.
Từ những thực tế và lo lắng đó, các bậc cha mẹ đã lựa chọn phương pháp dạy con theo trưởng thành mạnh mẽ và hiểu biết “bản lĩnh như đại bàng”. Có lẽ cha mẹ đã được truyền tai rất nhiều về những câu chuyện về đại bàng. Đại bàng dạy con tập bay bằng hành động hất con từ trên cao xuống vực sâu để chúng vùng vẫy rồi rơi xuống. Khi ấy, đại bàng mẹ lao xuống và đưa chúng trở lại vách đá.
Cứ như vậy, điều này diễn ra liên tục cho đến khi đại bàng con có thể bắt đầu vỗ cánh và bay được. Lúc đó, đại bàng mẹ sẽ bay đi, để lại nó với cuộc sống mới. Từ đó, đại bàng con phải tự kiếm ăn, tự đương đầu với mọi khó khăn, dũng mãnh như đồng loại của nó. Hay câu chuyện về cuộc tái sinh của đại bàng về quá trình “lột xác” đau đớn như “đạp gãy mỏ”, nhổ “từng chiếc lông” của mình kéo dài 150 ngày để chào mừng cuộc đời một lần nữa, để sống được thêm 30 năm.
Quá trình tái sinh của đại bàng cũng giống như sóng gió xảy ra trong cuộc đời một con người. Mỗi chúng ta muốn phát triển, bước sang trang mới thì phải thay đổi, dấn thân vào mạo hiểm. Và dạy trẻ “bản lĩnh như đại bàng” là phương pháp thực sự cần thiết. Khi ấy phụ huynh giúp con trưởng thành chứ không phải giúp con sung sướng và biết cách hướng trẻ đến các hoạt động nhóm, hoạt động vì cộng đồng, vì thiên nhiên.
Diễn giả Trần Việt Quân, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Trường Liên cấp Tuệ Đức (cơ sở tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội), chia sẻ: “Khổ hay sướng không quan trọng, quan trọng là hoàn cảnh trưởng thành. Những người thành công đa phần đều trưởng thành trong gian khó, qua quá trình rèn luyện, nuôi dưỡng ý chí mới có thể thành công. Vì thế, các bậc phụ huynh cần phải có định hướng đúng trong cách dạy con mình, để trẻ có bản lĩnh như một con đại bàng dũng mãnh, là chúa tể của bầu trời hay “gà công nghiệp” nhỏ bé, bị người khác sắp đặt cuộc đời mình”.
Nhận diện nội lực giúp trẻ trưởng thành
Cha mẹ cần phải có nhận định đúng đắn giúp con trưởng thành là do yếu tố bên ngoài hay yếu tố bên trong. Bên ngoài là do “duyên”, bên trong là “nhân”. Cuộc sống bên ngoài sẽ làm con trưởng thành, nhưng đó chỉ là yếu tố ảnh hưởng. Điều quan trọng là phụ thuộc vào bản thân của trẻ. Bởi lẽ đó, các bậc phụ huynh cần có cách nhìn nhận đúng về nội lực của trẻ, để có cách dạy và định hướng đúng cho con.
Duy trì những thói quen tốt trong thời gian dài để rèn luyện nghị lực ở trẻ. |
“Hãy để trẻ đứng dậy từ chính nơi vấp ngã” là việc làm các bậc cha mẹ muốn dạy con có “bản lĩnh như đại bàng". “Cha mẹ thường hay có tâm lý xót con, sợ con bị đau hoặc bị thương, nên lỡ con có té ngã thì hớt hải chạy lại đỡ con, dỗ trẻ đừng khóc, trẻ thì khóc nhiều hơn. Tôi rất ít khi như vậy, vì công việc tôi ít ở bên con nên từ nhỏ tôi đã để con mình tự lập. Lúc con chập chững bước đi, nếu con có bị té, thay vì dỗ dành tôi đã đứng từ xa vỗ tay rồi cổ vũ con đứng dậy để đi đến chỗ mình, nhiều lần như vậy con tôi không còn khóc lóc, nhõng nhẽo khi té nữa mà đã biết tự đứng dậy và bước đi”, chị Nguyễn Ngọc Phượng (Phường 6, TP. Cà Mau) bộc bạch.
“Chúng ta không thể làm điều vĩ đại cho con, nhưng chúng ta có thể làm những điều cho con bằng tình yêu vĩ đại” để con trưởng thành. Để con tự lập, mạnh mẽ và hiểu biết hơn bằng những việc vừa sức với mình bắt đầu từ những việc rất nhỏ, như tự mang ba lô đến trường, tự đạp xe đi học hoặc tự mình làm việc nhà phụ giúp mẹ, đó cũng là cách để trưởng thành.
Em Trần Thành Tài, học sinh Trường THCS Võ Thị Sáu (Phường 6, TP. Cà Mau), bày tỏ: “Những ngày cuối tuần em thường được cha mẹ chở đến Thư viện tỉnh đọc sách. Lúc đầu em thấy mệt vì ngày nào cũng phải thức sớm đi học, cuối tuần còn phải thức sớm đi thư viện. Nhưng từ từ em thấy quen và rất thích. Em không còn chăm chú vào màn hình điện thoại để chơi game nữa mà yêu thích việc đọc sách hơn. Em làm quen được nhiều bạn, học hỏi được nhiều thứ và học được tính kiên trì, nhẫn nại bên trang sách”.
Để giúp con trở nên cứng cáp hơn, có tinh thần sẵn sàng trước mọi thử thách, dám dấn thân và mạo hiểm, phương pháp "Dạy con bản lĩnh như đại bàng" là lựa chọn cần thiết để rèn nghị lực cho con trong tình thương có hiểu biết và sự thấu hiểu của cha mẹ./.
Nguyên Nguyên