Thân đứng hàng thứ chín trong “địa chi”, Bính đứng hàng thứ ba trong “thiên can”. Bính Thân, hai chữ dường như vài năm lại gặp. Không đâu, muốn có năm đó, tên như vậy phải mất lục thập hoa giám, tức sáu mươi năm. Khỉ ngoài đặc tính gần giống người, nó còn biểu tượng cho sự nghịch ngợm, nhanh nhẹn, láu lỉnh và có mặt trong văn hoá đại chúng Đông Tây Kim Cổ.
Thân đứng hàng thứ chín trong “địa chi”, Bính đứng hàng thứ ba trong “thiên can”. Bính Thân, hai chữ dường như vài năm lại gặp. Không đâu, muốn có năm đó, tên như vậy phải mất lục thập hoa giám, tức sáu mươi năm. Khỉ ngoài đặc tính gần giống người, nó còn biểu tượng cho sự nghịch ngợm, nhanh nhẹn, láu lỉnh và có mặt trong văn hoá đại chúng Đông Tây Kim Cổ. Nhắc tới khỉ, tôi chợt nhớ con khỉ thời ông tôi, nhớ kỹ, chứ không thoáng qua, chỉ có điều lâu quá, với già rồi nên chuyện chắc hơi chắp vá, thậm chí “chằng đụp” nhưng Tết đến xuân Bính Thân về mà, thêm câu chuyện về loài khỉ cho có không khí!
Nghe kể, năm đó, ông tôi và anh em trong xóm vào rừng đi săn, săn heo rừng cơ. Thời đó đâu có dự báo thời tiết gì, đi theo mùa, con nước. Không ngờ lần đó chưa tới rừng trời tối om, sấm chớp, chim cò lao nhao bay về tổ. Trời bắt đầu trút mưa, mưa suốt từ sớm tới chiều. Trên nước xối xả xuống, ở dưới nước dâng lên, người và chó loi ngoi, đói run cầm cập. Chống xuồng đi tìm cái gò để ghé lại, cắm lều nấu nướng như mọi khi nhưng chẳng có. Anh em đói lả do củi ướt, cây rừng đầy nước, loay hoay trên chiếc xuồng trăm giạ nào người nào chó, hì hục tới đêm mới có cơm. Sớm hôm sau, chó và người đi săn, như kế hoạch, ông tôi ở lại lo cơm nước để vài tiếng sau anh em về ăn nghỉ chân, nếu thuận lợi thì tiếp tục bằng không thì về.
MH: KHỞI HUỲNH |
Ông tôi vo gạo xong, lúi húi thổi phì phò cho than cũ trong lò bắt qua củi thì chợt nghe động đậy sau lưng, xuồng lắc nhẹ, ngoái lại giật mình, thì ra một con khỉ. Con khỉ đang nhăm nhe giỏ gạo, ông tôi xông tới, nó liền ôm giỏ gạo chạy ra mũi xuồng, gạo chảy ro re từ miệng nghiêng đổ ra ngoài như vệt nước sơn ngoằn ngoèo màu xám bạc, ông tôi đành phải dừng lại bởi tiến tới nó sẽ nhảy lên cây, gạo đổ hết xuống nước. Giả vờ như không có chuyện gì xảy ra, ông liền quay lại thổi lò, lửa cháy, ngồi nhịp đùi hút thuốc. Con khỉ dõi mắt theo ông, ông lại nằm xuống co ro, dáng người hiền hậu. Hồi lâu, thấy im, nó từ từ mò lại gần ông kiếm thức ăn hay kiếm đồ để phá. Chờ cho nó quen hơi, dạn dĩ với người, bất thình lình ông xoay ngang như chớp, chộp dính chân, túm gọn, trói gô chờ xử. Ở rừng khỉ thường sống bầy đàn, riêng con này lang thang một mình, thấy lạ, ông nhìn kỹ phát hiện mấy ngày trước đây thôi chắc là nó bị con khỉ đột đầu đàn cắn mất cặp dái để hả giận, trừ hoạ về sau.
Hoạn quan có nét đặc trưng khác người về giọng điệu, tài năng. Hoạn hầu cũng vậy, nó khôn ngoan, khéo léo hơn đồng loại. Con khỉ từ ngày rời rừng được ông đem về nuôi nấng trông nó khoẻ ra, lông mướt mượt, mắt tinh anh, không biểu hiện chút nào buồn bực, ngược lại còn tỏ ra phấn khích khi ông thả dây cho rong chơi, vui đùa, nhảy nhót với bầy trâu, đàn heo, gà, vịt vườn nhà. Tuy vậy, cũng có đôi khi cảm giác dâng trào khi hình dung cuộc trở lại kỷ niệm xưa gặp lại kẻ thân, ghét, thù và cảnh rừng ban mai có tiếng chim hót, tiếng gọi nhau vào mùa làm rơi rơi chiếc lá vàng xuống dòng kinh, lời hẹn hò với con cái cùng lứa hôm nào làm nó nao nao, thao láo mấy đêm liền.
Rồi điều mơ ước trở về chốn xưa của con khỉ cũng thành hiện thực. Số là, thời kỳ này, đánh nhau dữ tợn lắm, rừng tràm từ thượng xuống hạ được làm căn cứ cách mạng từ Trung ương tới địa phương nên ông tôi không đi vào rừng săn heo nữa. Đàn chó chuyển qua săn chồn các khu vườn hoang loanh quanh gần xóm. Chồn, rắn, rùa là sản vật đi săn, ngoài để dùng còn làm quà hàng xóm hoặc nhà ai tiệc tùng, khách khứa. Một đàn chồn cáo mèo rất đông nhưng mấy năm qua không tài nào bắt được, chó rượt đuổi một chút nó thoát lên cây cao vút thợ săn tiếc hùi hụi đứng nhìn, chó sủa vang động, cuối cùng phải chào thua. Lần này, có đám tiệc, ở xóm nài nỉ ông đi kiếm mớ chồn cho rôm rả, lạ miệng. Ông tôi hứa, cả đám thợ vào ra lo lắng. Trà lá xong, ông lệnh cho anh em thợ săn tập tành bài phối hợp tác chiến giữa người, chó và khỉ.
Tiếng tù và xông trận chưa dứt hẳn, đàn chó và người di chuyển ầm ào theo đội hình gọng kềm siết chặt. Con khỉ thì vui nhất, bay lên chuyền cành dáng vẻ thoải mái, oai vệ, trải nghiệm. Các điểm báo cho ông tôi biết bầy chồn cáo mèo trên dưới ba chục đã lên các cây cao, sần sùi gai nhọn, người và chó vây chặt các gốc theo phương án đã định. Ngay lập tức, tiếng lào xào rung cây chen giọng cười chí choé mỗi lần chồn rơi lịch bịch xuống đất. Chưa đầy tiếng sau, hơn hai phần ba bầy chồn được bắt gọn bởi chó cắn, người đâm. Khoái chí lắm, trên đường về, khỉ nhìn người, tay sờ “chiến lợi phẩm” ra vẻ khoe khoang, thích thú, gảy gảy, miệng nhe cười… Qua lần đó, mặc nhiên nó được “lên lon”, tính cách có khác, tài năng hơn nhiều so đồng loại. Ông tôi rầy la nó, nó biết sợ, biết sửa, bắt đầu có uy tín nên thời gian cột cổ cũng ít lại. Chắc là nó sống với người hay là nỗi đau bản năng về nối dõi tông đường đã làm nó ngày càng khôn ra.
Mấy năm sau, giữa khuya trời sắp Tết, gió bấc lạnh cắt da, máy bay bỗng từ đâu lao tới thảy hoả châu rồi tuôn bom bắn phá. Cả nhà, cả xóm lo xuống hầm trốn đạn đâu hay biết chuồng trâu bốc cháy, cũng nhờ nó, nhờ con khỉ phát hiện miệng réo vang, nhảy xuống hầm nắm tay ông tôi, chỉ ra chỗ cháy. Thấy đàn trâu có nguy cơ bị nướng, ông tôi bổ nhào mở cửa chuồng trâu, trâu thoát cũng là lúc ông bị cháy ở ngay lưng áo, ngay lập tức, con khỉ bay lên, tay ôm cổ ông tôi tay đập, chân đập và dùng cả thân mình chà xát dập lửa. Cứu được ông tôi, nó mừng nhưng nó đâu hay lửa đã bắt qua thân nó do lớp lông dày, nhiều và khô mượt, nóng quá, nó chạy ra vườn tự cứu bằng cách luồn, cọ vào cây lá. Người ở xóm vây quanh thuốc men cứu chữa cho ông tôi ngay trong đêm, còn con khỉ bị quên lãng. Tới sáng ra, ông tôi đỡ lại, vội vã đi tìm nó, trong cơn nguy kịch, đến phút cuối, con khỉ vẫn nhìn ông tôi nhoẻn miệng cười dưới dòng lệ rưng rưng.
Nụ cười của nó làm tôi nhớ mãi!./.
Trịnh Công Văn