(CMO) Đường truyền không ổn định, điều kiện học sinh vùng sâu còn nhiều khó khăn là những trăn trở của những ngôi trường vùng sâu khi triển khai việc dạy và học trực tuyến trên Internet. Tại những ngôi trường này, mỗi tiết dạy luôn là sự nỗ lực của cả gia đình và nhà trường.
Nỗ lực vượt khó
Trường THCS Võ Thị Sáu là một trong những ngôi trường còn nhiều khó khăn ở xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân. Năm học 2020-2021, toàn trường có 272 học sinh. Ðiều kiện cơ sở vật chất còn thiếu thốn, trường lại nằm ở vùng sâu nên việc đến trường, học hành của các em học sinh khá khó khăn. Từ những hạn chế này nên từ khi thực hiện dạy và học trực tuyến càng đặt ra cho nhà trường nhiều thách thức.
Kế hoạch dạy và học trực tuyến trên Internet chỉ tập trung cho các khối lớp 8-12 (các lớp còn lại khuyến khích thực hiện), song, để tạo điều kiện cho tất cả học sinh và thầy, cô giáo có điều kiện tiếp cận với hình thức học tập mới trong thời đại công nghệ 4.0, Trường THCS Võ Thị Sáu đã nỗ lực vượt lên những khó khăn để dạy học trực tuyến cho học sinh khối lớp 6 và lớp 7.
Học trực tuyến là một trong những cách để học sinh và người dạy tiếp cận nhanh hơn với công nghệ thông tin hiện nay. (Ảnh chụp tại Trường THCS Tân Hưng Tây). |
Cô Nguyễn Tuyết Liễu, giáo viên nhà trường, bộc bạch: “Ðây là hình thức học tập mới, giúp học sinh phát triển năng lực tự học. Các em rất thích thú với kiểu học trực tuyến này".
Qua rà soát, Trường THCS Võ Thị Sáu có 8 học sinh chưa có điều kiện tiếp cận với hình thức học trực tuyến. Trong đó có trường hợp chưa trang bị được thiết bị học, có trường hợp ở vùng sâu đường truyền quá yếu.
Cần sự chung tay của phụ huynh
Toàn huyện Phú Tân hiện có 12/12 trường THCS đang triển khai dạy học trực tuyến trên Intrenet cho học sinh. Phòng GD&ÐT đã chỉ đạo các trường rà soát, nắm lại số liệu học sinh có trang thiết bị để tham gia học trực tuyến, đồng thời rà soát cơ sở vật chất của nhà trường như máy móc, thiết bị, đường truyền… Sau khi rà soát, toàn huyện Phú Tân có gần 400 học sinh không có điều kiện tham gia học trực tuyến.
Cô Nguyễn Tuyết Liễu chuẩn bị cho tiết dạy trực tuyến. |
Phó trưởng phòng GD&ÐT huyện Phú Tân Nguyễn Thị Thuý Chiều cho biết: “Nhìn chung, việc thực hiện dạy và học trực tuyến cho học sinh đã ổn định. Ðiều địa phương trăn trở nhất hiện nay là thiết bị học tập của học sinh, đường truyền tại một số nơi vùng sâu, vùng xa rất chập chờn, một số nơi chưa phủ sóng tới. Ðối với trường hợp học sinh có hoàn cảnh khó khăn chưa thể trang bị được thì tập trung tại một lớp để dạy trực tiếp, đảm bảo kiến thức cho học sinh”.
Việc dạy và học trực tuyến trên Internet là bước đầu để người học và người dạy được tiếp cận với cuộc chuyển đổi số trong thời đại công nghệ đang phát triển như hiện nay. Ngoài nỗ lực của thầy cô giáo, sự ủng hộ, đồng tình từ phía phụ huynh cũng đóng vai trò quan trọng tạo nên chất lượng cho việc học.
Thầy Quách Văn Mộng, giáo viên Trường THCS Tân Hưng Tây (xã Tân Hưng Tây) chia sẻ: “Ða phần các bài học Online được lựa chọn có nội dung kiến thức đơn giản, thường là các bài ôn tập lại kiến thức. Giáo viên hướng dẫn học sinh ôn tập, làm bài kiểm tra đơn giản. Nếu phụ huynh cùng hỗ trợ với nhà trường, thường xuyên theo dõi và nhắc nhở thì việc học của các em học sinh sẽ hiệu quả hơn”./.
An Kỳ