(CMO) Mặc dù chưa có số liệu thống kê cụ thể, nhưng số vụ xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em ở Cà Mau từng trường hợp có sự phức tạp và có nhiều vụ việc vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội.
Năm 2018, Cà Mau xảy ra 18 vụ XHTD trẻ em. Từ đầu năm 2019 đến nay có 2 vụ. Nạn nhân các vụ việc được báo là bé gái. Tuy nhiên, theo cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em, có trường hợp bé trai bị XHTD, nhưng do người nhà không trình báo vụ việc nên không thể đưa ra con số thống kê cụ thể.
Không nên chủ quan
Trao đổi với phóng viên báo Cà Mau về công tác phòng tránh XHTD cho trẻ em tại Cà Mau, bà Phan Lan Hương, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quyền trẻ em (trực thuộc Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam), nhận định, người ta vẫn nghĩ, XHTD thường nạn nhân là bé gái. Do đó, việc phòng tránh ở bé trai là thờ ơ và ít được quan tâm.
“Nguy cơ các bé trai bị XHTD ngày càng cao, bởi sự chủ quan, tò mò của trẻ và của gia đình. Hậu quả của XHTD bé trai cũng nghiêm trọng giống như đối với các bé gái. Tổn thương về thể chất cũng nặng nề. Đã có những trường hợp bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến bộ phận sinh dục do thói bạo dâm, hay tổn thương vùng hậu môn và khắp cơ thể”, bà Phan Lan Hương nhấn mạnh.
Đơn cử là sự việc Hiệu trưởng Trường PTDT nội trú Thanh Sơn, Phú Thọ dâm ô hàng chục nam sinh đã gióng lên hồi chuông báo động về suy đồi đạo đức, vấn nạn XHTD không chỉ rình rập các bé gái mà cả các bé trai cũng phải chịu sự tổn thương của những kẻ bệnh hoạn. Và không ai nghĩ rằng trong môi trường sư phạm lại xảy ra chuyện đáng phẫn nộ như vậy, nhưng nó đã xảy ra.
Bà Phan Lan Hương cho rằng, phụ huynh nên quan tâm nhiều hơn đến con cái, hãy dạy trẻ biết cách tự bảo vệ mình trước nguy cơ bị XHTD dù con là bé gái hay bé trai, bởi nguy cơ xâm hại là như nhau, thậm chí cao hơn ở bé trai và mức độ ngày một gia tăng. Điều lo lắng là hiện nay, việc lạm dụng tình dục ở bé trai khó phát hiện hơn, phụ huynh e ngại báo cáo vụ việc vì sĩ diện gia đình, vì tội nghiệp con... dẫn đến tiềm ẩn nhiều nguy cơ với sức khoẻ của trẻ và vô tình tiếp tay cho kẻ thủ ác tái phạm lỗi với bé trai khác, tồi tệ hơn là tái phạm ở chính con mình. Một khi con trẻ bị xâm hại không chỉ bị tổn thương về thể chất mà còn ảnh hưởng tinh thần sâu sắc, đeo đẳng cuộc đời các con, tồi tệ hơn là sự ức chế tâm lý có thể dẫn đến trẻ tự kỷ hoặc tự sát.
Hãy cho trẻ môi trường học tập, vui chơi bổ ích và dạy trẻ những kiến thức cần thiết để tự bảo vệ mình. |
Bà Lan Hương lưu ý rằng, thủ phạm tấn công trẻ đa phần có mối quan hệ thân thiết, gần gũi như: Hàng xóm, bạn bè và ngay trong chính môi trường các con đang học tập. Đã có không ít trường hợp bé trai bị xâm hại bởi chính cô, chị hàng xóm, hay thậm chí là người thân trong gia đình. Đặc biệt là khi trẻ đã bị lạm dụng tình dục sẽ lầm lũi vì sợ mà không dám nói ra, vì các đối tượng XHTD thường đe doạ, khống chế, dụ dỗ, bắt các em phải phục tùng mệnh lệnh.
Hãy “dẫn hươu chạy đúng cách”
Bà Bùi Lệ Oanh, Trưởng phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Cà Mau, cho biết, hạn chế của tỉnh Cà Mau là chưa có dịch vụ hỗ trợ trẻ em về mặt tư vấn tâm sinh lý, cũng chưa có lực lượng chuyên trách về công tác xã hội. Các buổi tuyên truyền chỉ ở mức chung chung do không có chuyên gia hỗ trợ; Từ hình thức đến cách thức tổ chức chưa thực sự hiệu quả, chưa thu hút người quan tâm. Có chăng, khi những vụ việc được phát giác, phụ huynh trình báo thì có cán bộ làm công tác trẻ em các cấp đến, nhưng chỉ thăm hỏi, động viên. Gia đình mới là điểm tựa cho các em.
Đối với 2 vụ việc xảy ra trong năm 2019, bà Oanh lo ngại việc trẻ em dễ bị dụ dỗ “yêu sớm”, tự nguyện đi theo, do đó, bà cho rằng, dù là bé trai hay bé gái, gia đình cũng cần có sự quản giáo nghiêm khắc, thay vì sợ “vẽ đường cho hươu chạy” thì hãy “dẫn hươu chạy đúng cách, đúng hướng và biết tự bảo vệ mình”.
Bà Phan Lan Hương cho biết thêm, mới đây bà nhận được đoạn clip từ người bạn. Clip đó ghi lại một buổi livestream trực tiếp của một gia sư là nam giới đang dạy học cho học sinh nam, được thực hiện tại một căn phòng nhỏ trên một ứng dụng dành cho đồng tính nam (gay). Gia sư là một thanh niên còn trẻ, mặc chiếc quần short ngắn đến đầu gối, anh ta dạy trẻ với những lời lẽ và giọng nói gay gắt, quát tháo đầy bạo lực. Đứa trẻ lí nhí trả lời, giọng nói chứa đầy sự căng thẳng. Khi gia đình trẻ bước vào, anh ta dịu giọng nhẹ nhàng thái độ khác hẳn. Tham gia xem live là những người trong cộng đồng gay (đồng tính nam) bên cạnh những lời bình phẫn nộ về thái độ dạy học của thầy đối với học trò của mình thì cũng không ít những lời bình luận không dành cho một đứa trẻ, đến mức thô thiển, thậm chí xúi giục xâm hại em.
Bà Lan Hương đưa ra lời cảnh tỉnh ngay trên trang facebook cá nhân của mình: “Nếu đây là gia sư nhà bạn, bạn có nghĩ đến con trai bạn, một đứa trẻ 14 tuổi sẽ bị ảnh hưởng như thế nào về tâm lý, thể chất? Có nghĩ liệu một lúc nào đó chính thầy giáo đồng tính kia xâm hại con bạn? Những sờ mó động chạm, những buổi livestream, rồi một lúc nào đó ai biết được trong căn phòng nhỏ ấy, kín đáo ấy điều gì sẽ xảy ra?”.
“Có rất nhiều bé trai bị XHTD đồng tính bởi những lơ là của các bậc phụ huynh. Thường các em không được quan tâm đến sự an toàn bằng các bé gái. Mọi người hay nghĩ bé gái dễ bị xâm hại nhưng hiện nay, thực tế cho thấy các bé trai là đối tượng bị xâm hại rất dễ dàng bởi sự tin tưởng và mất cảnh giác của cha mẹ vì ai cũng nghĩ: Nó là con trai mà!”, bà Lan Hương khẳng định.
“Hơn tất cả, cho dù các con đã lớn. Cho dù chúng ta tin tưởng những kiến thức chúng ta đã trang bị cho các con thì sự quan tâm chia sẻ, gần gũi, tin tưởng giữa cha mẹ và con cái là điều kiện tiên quyết giúp con mình an toàn hơn bao giờ hết. Mong rằng sẽ giảm đi những nỗi đau mang tên XHTD trẻ em trong các bản tin trên truyền hình hay trên những mặt báo, hay ở đâu đó trẻ em phải âm thầm chịu đựng những nỗi đau mà bố mẹ không hề biết”, bà Phan Lan Hương chia sẻ./.
Băng Thanh