(CMO) Võ Thanh Hùng, Hiệu trưởng Trường THPT Ðầm Dơi: Ðổi mới và nâng cao chất lượng quản lý
Cuộc cách mạng 4.0 với sự bùng nổ công nghệ đã, đang và sẽ tạo ra những phương thức giáo dục và quản lý trong giáo dục mới hơn, tiết kiệm chi phí hơn, hiệu quả hơn. Hiện nay, xu hướng chuyển đổi số trong giáo dục đang được các cơ sở trường học thực hiện với quyết tâm cao nhất vì hiệu quả của nó.
Ðối với công tác quản lý, được thực hiện trên môi trường Internet đã mở ra một không gian quản lý mọi lúc, mọi nơi theo yêu cầu của công việc. Các nhà quản lý có thể quản lý công việc một cách thuận tiện và dễ dàng trên mọi thiết bị thông minh.
Chuyển đổi số hỗ trợ tích cực cho việc thực hiện Thông tư 32 của Bộ GD&ÐT (trong đó có quy định về sử dụng công nghệ phục vụ học tập của học sinh), nhờ đó người dạy và người học được trao quyền để sử dụng công nghệ và nhà quản lý quản lý hoạt động này bằng công nghệ. Các thành tựu công nghệ như Big data giúp lưu trữ mọi loại hồ sơ quản lý lên không gian mạng, Blockchain giúp xây dựng hệ thống quản lý thông tin và hồ sơ giáo viên, hồ sơ học sinh, cho phép hợp nhất, quản lý và chia sẻ dữ liệu từ nhiều trường học đảm bảo thông tin dữ liệu được đồng nhất.
Chuyển đổi số góp phần tăng hiệu quả tương tác giữa các nhà quản lý giáo dục và đối tượng quản lý giáo dục. Các thông tin cần truyền đạt, các biện pháp tác động đến đối tượng quản lý, các thông tin phản hồi nhanh và kịp thời, từ đó giúp nhà quản lý giáo dục có thể ra quyết định, điều chỉnh quyết định hợp lý nhất.
Trường THPT Ðầm Dơi thời gian qua đã từng bước thực hiện chuyển đổi số trong các hoạt động giáo dục, từ đó góp phần tích cực trong đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác quản lý trong nhà trường. Hoạt động dạy học và quản lý hoạt động dạy học được từng bước đổi mới theo hướng ứng dụng công nghệ số; các thiết bị thông minh được lắp đặt tại phòng học như bảng điện tử thông minh, ti-vi, máy tính, đường truyền Internet. Các phần mềm quản lý được đưa vào sử dụng để số hoá hồ sơ, giúp lãnh đạo dễ dàng quản lý các hoạt động giáo dục trong nhà trường, không bị giới hạn bởi không gian và thời gian.
Qua thực tế việc chuyển đổi số của nhà trường, hiệu quả đem lại và xu thế của thời đại, chúng ta có thể khẳng định rằng, việc chuyển đổi số trong nhà trường là việc làm có ý nghĩa quan trọng với mọi cơ sở giáo dục trong giai đoạn hiện nay.
Chuyển đổi số giúp các em học sinh dễ dàng tiếp cận tri thức mới để hiểu sâu hơn về bài giảng. Ảnh: THANH CHI |
Huỳnh Thị Thu Thảo, Hiệu trưởng Trường THPT Sông Ðốc:
Hỗ trợ dạy học sáng tạo
Chuyển đổi số sẽ hỗ trợ đổi mới GD&ÐT theo hướng giảm thuyết giảng, truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực người học, tăng khả năng tự học, tạo cơ hội học tập mọi lúc, mọi nơi, góp phần tạo ra xã hội học tập và học tập suốt đời, từ đó giúp bài giảng sinh động, hấp dẫn hơn.
Ngoài ra, việc kiểm tra, đánh giá học sinh cũng thuận lợi, tiết kiệm thời gian khi hệ thống câu hỏi trắc nghiệm được cài đặt sẵn, câu hỏi tự đảo và có đáp án ngay sau khi học sinh kết thúc bài làm. Ðiều này cũng giúp học sinh khắc sâu thêm kiến thức khi được sửa bài ngay, tính độc lập trong làm bài cũng được phát huy.
Hơn thế nữa, việc dạy, học sáng tạo thời kỳ chuyển đổi số sẽ tạo được sự tương tác nhiều hơn giữa giáo viên với giáo viên, giữa giáo viên với học sinh, bởi kho tài liệu mở giáo viên sẽ dễ dàng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy, còn học sinh sẽ dễ tìm kiếm tài liệu học tập chính xác, phù hợp hơn khi đã được giới hạn.
Tuy nhiên, việc dạy, học sáng tạo thời kỳ chuyển đổi số cũng gặp phải những thách thức nhất định, nhất là trang thiết bị hỗ trợ cho việc chuyển đổi số còn hạn chế. Bên cạnh đó, ý thức của một bộ phận học sinh trong việc học trực tuyến chưa thật sự nghiêm túc. Việc dạy học sáng tạo trong thời kỳ chuyển đổi số cũng gặp khó khăn trong công tác quản lý học sinh của giáo viên và phụ huynh./.
Sở GD&ÐT Cà Mau
(tổng hợp)