(CMO) Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong học đường là mục tiêu ngành giáo dục hướng tới, nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy. Trong tình hình dịch bệnh nguy hiểm như hiện nay, vấn đề ứng dụng CNTT càng trở nên thiết yếu, vì việc học trực tiếp đang giảm, còn dạy trực tuyến có xu hướng phát triển mạnh.
Trường THCS-THPT Khánh Hưng, xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời có tổng số 885 học sinh, 51 cán bộ, giáo viên. Thầy Huỳnh Hữu Nhân, Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Khánh Hưng, cho biết: “Không phải đến dịch bệnh mới tiếp cận CNTT hay mạng xã hội, mà từ lâu, ngoài các môn học cơ bản về tin học, đa số học sinh nơi đây đều được trang bị kiến thức về CNTT. Lãnh đạo nhà trường chỉ đạo từng bộ môn, giáo viên chủ nhiệm truyền đạt cho các em một cách dễ hiểu, dễ tiếp cận. Mục đích là giúp các em ứng dụng CNTT mang lại hiệu quả cao nhất trong học tập”.
Ứng dụng công nghệ thông tin đang là xu hướng tất yếu trong tình hình dịch Covid-19. (Ảnh chụp tại Trường THCS-THPT Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời, đầu tháng 7/2021) |
Hiện nay, dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc giảng dạy có nhiều thay đổi để phòng tránh dịch. Ngoài ứng dụng công nghệ hiện đại, nhà trường còn khuyến khích thầy cô giáo, học sinh sử dụng điện thoại di động thông minh để giảm tiếp xúc trực tiếp. Nhà trường đẩy mạnh sử dụng phần mềm Zoom trong việc quản lý lớp học trực tuyến, trao đổi chuyên môn nghiệp vụ. Ðồng thời, tích hợp sử dụng thêm các trang mạng xã hội khác như Zalo, Facebook trong việc quản lý, học tập.
“Tiếp cận CNTT hay mạng xã hội là chuyển biến tích cực của giáo viên, học sinh vùng sâu. Việc đẩy mạnh các loại hình này tạo thuận tiện, kích thích sự tò mò, ham học hỏi của học sinh trong việc nâng cao kỹ năng, mở rộng kiến thức một cách thoải mái. Việc dạy trực tuyến thông qua các ứng dụng CNTT tạo sự phấn khích cho học sinh khi thay đổi hình thức học mới, nhưng phù hợp với tình hình dịch bệnh phức tạp hiện nay”, thầy Nhân nhận định.
Ứng dụng CNTT mang đến hiệu quả tích cực, tuy vậy vẫn có nhiều vấn đề cần lưu ý. Thầy Nhân cho biết: “Ðối với các em ý thức học, việc ứng dụng CNTT mang lại nhiều tích cực. Còn những em không ý thức thì xảy ra nhiều tác hại không đáng có. Khi học trực tuyến phát huy được tính tự lập, sáng tạo, nhưng một số em yếu kém, giáo viên khó có thể kiểm soát được kiến thức cho những trường hợp này”.
Thầy Nguyễn Hoàng Phương, giáo viên dạy tiếng Anh, Trường THCS-THPT Khánh Hưng, cho rằng: “Nếu học tiếng Anh mà ứng dụng các phương tiện CNTT tốt thì giúp các em nhanh chóng tiếp thu kiến thức, ghi nhớ lâu. Nhưng để làm được việc này, giáo viên bộ môn hết sức lưu ý việc quản lý, tuyên truyền cho các em sử dụng CNTT, mạng xã hội đúng đắn. Học sinh vùng sâu khi tiếp cận CNTT là điều đáng khuyến khích, nhưng phụ huynh cần phối hợp chặt chẽ với nhà trường để mang lại hiệu quả cao”.
Hiện nay, 100% đơn vị, trường học trong tỉnh đáp ứng được hạ tầng CNTT để kết nối Internet và xây dựng được hệ thống phòng họp trực tuyến với 45 điểm cầu (1 điểm cầu chính tại Sở GD&ÐT, 9 phòng GD&ÐT huyện, TP Cà Mau và 35 đơn vị, trường học trực thuộc). |
Hằng My