Ðể đảm bảo quyền tiếp cận giáo dục cho con em đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), thời gian qua, tỉnh Cà Mau có nhiều giải pháp thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế. Trọng tâm là tuyên truyền vùng đồng bào dân tộc để người dân hiểu hơn về vai trò của giáo dục trong thời kỳ mới, từ đó thay đổi nhận thức, chủ động đưa con em đến với nền giáo dục chính quy, hiện đại, đúng độ tuổi.
- Bảo đảm bình đẳng giữa các dân tộc và tôn giáo, không để ai bị bỏ lại phía sau
- Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Cà Mau gặp gỡ các tổ chức tôn giáo, dân tộc
- “Giềng mối” cho công tác dân tộc, tôn giáo
Trong chiến lược phát triển giáo dục, Ðảng và Nhà nước nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo công bằng xã hội, đặc biệt là tại các vùng DTTS, đây là mục tiêu hướng đến. Thực tiễn đã qua, giáo dục vùng DTTS có chuyển biến tích cực nhờ vào các chủ trương, chính sách và giải pháp thiết thực.
Ðảm bảo con em vùng đồng bào DTTS tiếp cận giáo dục nhằm hướng đến sự công bằng và phát triển toàn diện cho mọi tầng lớp xã hội. (Ảnh chụp tại Trường Tiểu học Hồ Thị Kỷ, xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình).
Xã Tân Lộc, huyện Thới Bình có đông đồng bào dân tộc Khmer, với 229 hộ, hơn 1.047 khẩu, trong đó, con em độ tuổi đến trường hơn 450 em. Ðể đảm bảo quyền tiếp cận giáo dục, thời gian qua, địa phương có nhiều giải pháp phù hợp, thực hiện đúng và đủ chế độ chính sách hiện hành.
Bà Mai Tú Nhi, Phó chủ tịch UBND xã Tân Lộc, cho biết: "Trên nhiều diễn đàn công khai, chúng tôi thường xuyên phổ biến các quyền được tiếp cận giáo dục cho đồng bào dân tộc, cũng như các chế độ, chính sách hiện hành. Ðiều đáng mừng, đa phần cán bộ địa phương đều trẻ, có trình độ, nên việc tiếp cận chính sách và phổ biến chính sách có phần thuận lợi, tuyên truyền, vận động nhận được sự đồng tình cao trong đồng bào dân tộc ở lĩnh vực tiếp cận giáo dục".
“Hiện nay, nhờ chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế, an cư ở đồng bào dân tộc như: tái định cư, chuyển đổi ngành nghề, hỗ trợ vốn... nên đời sống tại vùng đồng bào dân tộc khởi sắc. Xoá bỏ tâm lý trông chờ, ỷ lại, nhiều hộ dân chủ động trong phát triển kinh tế, quan tâm cho con em tiếp cận con chữ từ chính nguồn thu nhập của mình”, bà Nhi chia sẻ thêm.
Chị Hữu Thị Mi Ni (Ấp 7, xã Tân Lộc) cho biết: "Nhà có con nhỏ, không tư liệu sản xuất, công việc không ổn định, không may trong lần làm thuê tại công trình xây dựng, chồng tôi bị thương ở chân, để lại di chứng, hiện tại không thể làm được những việc nặng như trước". Vốn dĩ gia đình thuộc hộ cận nghèo, nhưng không lùi bước trước số phận, bằng nghị lực, chị đã thoát nghèo. Dù kinh tế không gọi là khá, nhưng vẫn ổn định so với trước đây, nhờ bán đồ ăn uống trong chợ xã Tân Lộc. Ðồng tiền có được từ sức lao động, chị quyết tâm cho con theo học đúng tuổi tại trường ở địa phương.
Chị Hữu Thị Mi Ni tạo thu nhập từ việc bán đồ ăn trong khu vực chợ Tân Lộc.
Chị Ni chia sẻ: "Thời nay, có trình độ học vấn mới có thể phát triển. Chính vì thế, dù bất cứ hoàn cảnh nào, tôi cũng phải cho con ăn học, khó khăn cũng đã khó khăn, nhưng không vì thế mà để con bỏ học”.
Thực tế đặt ra đối với cộng đồng DTTS, việc tiếp cận giáo dục còn gặp nhiều khó khăn, thách thức do rào cản ngôn ngữ, khi ngôn ngữ truyền thống không trùng với ngôn ngữ giảng dạy phổ thông. Chính vì thế, việc tiếp cận giáo dục không đơn thuần chỉ là việc đưa các em đến gần với hệ thống giáo dục phổ thông, mà còn bảo tồn và gìn giữ bản sắc văn hoá ngôn ngữ, chữ viết truyền thống của đồng bào DTTS.
Bà Quách Kiều Mai, Phó giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Cà Mau, cho biết: "Bên cạnh đảm bảo cho con em vùng đồng bào dân tộc tiếp cận giáo dục, việc gìn giữ bản sắc ngôn ngữ cũng được địa phương quan tâm. Cụ thể là vào các dịp hè hằng năm, địa phương thường xuyên phối hợp tổ chức các lớp dạy chữ cho con em đồng bào dân tộc, chủ yếu là dân tộc Khmer, Hoa. Qua đây tạo được sự đồng thuận và hưởng ứng tích cực".
Việc quan tâm tiếp cận giáo dục cho con em đồng bào DTTS được đánh giá như bước tiến quan trọng của ngành giáo dục. Những chính sách hiện hữu, giải pháp được triển khai như cầu nối mang lại sự công bằng và phát triển toàn diện cho mọi tầng lớp xã hội./.
Văn Ðum