(CMO) Lớp 1 nói riêng và bậc tiểu học nói chung được xem là khoảng thời gian quan trọng đặt nền tảng cho sự phát triển của trẻ trong những năm tháng học tập tiếp theo. Tuy nhiên, do chuyển từ giai đoạn vui chơi ở bậc mầm non sang học kiến thức nên các bé sẽ có nhiều bỡ ngỡ. Để giúp các em hoà nhập nhanh vào môi trường mới, bắt kịp nhịp học cần trang bị cho trẻ nhiều kỹ năng.
Những ngày này dù bận việc nhưng chị Nguyễn Thị Kiều, Phường 8, TP Cà Mau vẫn dành thời gian đưa con gái vào lớp 1. Chị Kiều chia sẻ: “Năm nay con vào lớp 1 nhưng cháu lại khá nhút nhát, ngại giao tiếp nên cũng thấy lo. Mấy ngày đầu chở cháu tới trường, tôi phải ở lại quan sát cháu, đợi cháu làm quen thầy cô và bạn bè rồi mới về”.
Những ngày đầu đi học các bé còn nhút nhát. |
Tâm trạng của chị Kiều có lẽ cũng giống nhiều phụ huynh khác khi có con mới bước vào lớp 1. Bởi lẽ, các bé không còn tham gia những hoạt động vui chơi, không được các cô giáo chăm sóc tỉ mỉ như còn học mầm non. Thay vào đó là các bé phải độc lập hơn.
Cô Nguyễn Thị Nghĩa, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Đình Chiểu (Phường 8, TP Cà Mau) cho hay: “Khóc, níu tay chân cha mẹ, không chịu vào lớp học hoặc không tập trung học, còn thói quen chơi trong giờ học... là những biểu hiện thường gặp của các bé khi bước vào lớp 1. Tuy nhiên, phụ huynh cũng không nên quá lo lắng mà vô tình gây áp lực cho bé. Những ngày đầu mới vào lớp 1, các cô giáo chủ yếu xây dựng nền nếp cho các cháu như cách ngồi trong lớp, làm quen với tập vở, cầm bút… Sau đó mới bắt đầu học viết, học kiến thức theo sự hướng dẫn của giáo viên”.
Giai đoạn bé vào lớp 1, nền nếp rất khác với học mẫu giáo. Song song với các nội quy mới, các bé bắt đầu tiếp thu kiến thức, phải học đọc, học viết. Những bài học vỡ lòng, những kỹ năng, kiến thức xung quanh cuộc sống sẽ được các em dần tiếp thu qua quá trình học tập. Những điều mới mẻ sẽ tạo động lực cho các em phát huy tính khám phá nhưng đôi khi sẽ tạo cho các em một áp lực học tập.
Theo cô Nguyễn Hồng Cẩm, giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Đình Chiểu (Phường 8, TP Cà Mau): “Những ngày đầu đi học các bé sẽ được cô giáo dạy từng bước như cách ngồi học, cách cầm bút, phấn… Cuối năm phải đảm bảo cho các cháu đọc được, viết được. Do đó, một trong những yêu cầu để các bé sớm hoà nhập vào môi trường tiểu học nói chung và lớp 1 nói riêng chính là trang bị cho bé các kỹ năng như tự lập, ngôn ngữ, giao tiếp. Ở nhà phụ huynh nên hướng dẫn các bé cách tự soạn tập vở, chuẩn bị những đồ dùng học tập…”.
Ngoài kỹ năng, việc trang bị tâm lý cho trẻ trong giai đoạn này là điều hết sức cần thiết. Chuẩn bị cho bé một tâm lý vui, phấn khởi trong những ngày đến lớp sẽ là động lực, hứng thú để các bé thích học hơn. Bằng cách tạo cho các bé thói quen tự lập trong sinh hoạt và học tập sẽ giúp các bé hứng thú và bắt nhịp tốt hơn ở giai đoạn này.
“Hiện nay nhiều phụ huynh cũng chọn cách cho con đi học chữ trước khi vào lớp 1 với mong muốn các bé sẽ học tốt, sớm hoà nhập nhanh vào môi trường học tập mới. Điều này sẽ ảnh hưởng đến hứng thú học tập trên lớp của các bé. Ngoài ra, cũng không cần thiết phải dạy trước bài hôm sau cho cháu, chỉ cần giúp bé nắm vững kiến thức bài đã học trên lớp”, cô Nguyễn Hồng Cẩm cho biết thêm.
Mỗi bậc học sẽ có một vai trò quan trọng riêng. Lớp 1 sẽ là kỷ niệm và hành trang đầu đời các bé mang theo suốt hành trình của cuộc đời. Sự đồng hành và kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình sẽ tạo điều kiện để các bé có một năm học đạt kết quả tốt và nhiều niềm vui./.
An Kỳ