(CMO) Theo thông tin tuyển sinh mới nhất, năm học 2019-2020, Trường Cao đẳng Cộng đồng (CĐCĐ) tiếp tục đào tạo hệ cao đẳng chính quy giáo dục mầm non.
Sau khi xét tuyển hồ sơ học bạ, các thí sinh được phát giấy báo dự tuyển phần thi năng khiếu. Một trong những yếu tố, thế mạnh của giáo viên mầm non là khả năng âm nhạc, múa hát. Chính vì vậy, để trúng tuyển đầu vào hệ giáo dục mầm non, trước hết, các thí sinh phải vượt qua phần thi năng khiếu - âm nhạc.
Kể từ ngày thông báo, thí sinh có hơn 1 tháng để chuẩn bị phần thi năng khiếu. Theo đó, các thí sinh chuẩn bị 2 phần thi gồm kể chuyện và hát, chủ đề được giới hạn là những bài hát nói về tình yêu quê hương, đất nước, tình bạn, thầy cô, mái trường...
Chọn chuyên ngành giáo dục mầm non Trường CĐCĐ để theo học vì tình yêu đơn thuần với trẻ con, em Phạm Thảo My, xã Thới Bình, huyện Thới Bình, phấn khởi: “Trước đó em cũng băn khoăn ở khâu chọn bài hát và câu chuyện để dự thi phần năng khiếu, quyết định chọn câu chuyện “Gà trống và vịt bầu” để thể hiện vì em nghĩ nó vừa đơn giản nhưng mang ý nghĩa giáo dục lớn, phù hợp với các em thiếu nhi. Em hài lòng với phần thi của mình, tuy nhiên, nếu khắc chế được cảm giác run thì phần thi sẽ trọn vẹn hơn”.
Tại phòng chờ, nhiều thí sinh cũng rơi vào trạng thái lo lắng, tuy đây chỉ là phần thi năng khiếu nhưng cảm giác run, lo, có phần hoang mang y như kỳ thi tốt nghiệp, đại học.
Lặng lẽ ở một góc để ôn bài, thí sinh Hữu Minh Thuỳ, xã Tân Lộc, huyện Thới Bình, cũng thoáng bối rối dù trước đó em đã tập thuần thục tại nhà: “Để rèn luyện sự tự tin, trước đó em tự đứng trước gương để luyện tập, sau đó trình diễn trước mặt gia đình. Đối với câu chuyện, bài hát em sẽ ưu tiên chọn bài ngắn, có tiết tấu, quan trọng là phù hợp với chất giọng”.
Tố chất âm nhạc là một trong những điểm mạnh giúp giáo viên mầm non tương lai tạo ấn tượng tốt với trẻ. |
Chia sẻ về ngành học đã lựa chọn, Minh Thuỳ thích thú: “Thực sự từ nhỏ em rất thích làm cô giáo dạy trẻ, hôm nay có mặt tại đây xem như hoàn thành được nửa chặng đường. Sau khi trúng tuyển em sẽ cố gắng để ước mơ sớm trở thành hiện thực”.
Có mặt từ rất sớm sau đoạn đường di chuyển dài nhưng em Bạch Ngọc Trân, thị trấn Cái Đôi Vàm, huyện Phú tân, vẫn phấn khởi: “Em luôn giữ trạng thái thoải mái, vui vẻ nhất để thể hiện tốt phần thi. Trước đó, em cũng tìm hiểu cách lấy hơi, nhấn nhá thông qua các video trên mạng, rồi đi thư viện tìm các câu chuyện hay, ý nghĩa. Mất thời gian chuẩn bị hơn 2 tuần, ngay lúc này em cảm thấy tự tin và muốn thể hiện ngay phần thi của mình”.
Cô Lê Tuyết Đào, Phó trưởng Khoa Sư phạm, Trường CĐCĐ, chia sẻ: “Mặt bằng chung năm nay các thí sinh thể hiện phần thi năng khiếu rất tốt, các em có sẵn chất giọng và luyện tập kỹ trước ở nhà. Điều đáng khen ngợi là những bài hát, câu chuyện trình bày được lựa chọn phù hợp với lứa tuổi mầm non, thái độ biểu diễn nghiêm túc, các em có ý thức theo đuổi nghề”.
Đối với sinh viên theo học ngành giáo dục mầm non, sau khi trúng tuyển sẽ được nhà trường đào tạo bài bản. Suốt các học phần trong 3 năm đào tạo, năng khiếu âm nhạc gắn liền với nhiều bộ môn khác, được đánh giá làm nên bề nổi cho giáo viên mầm non tương lai. Chính vì vậy, trước hết sinh viên ít nhiều nên có tố chất âm nhạc, biết cảm nhạc và có chất giọng tương đối. Tuy vậy, phần hát trong phần thi năng khiếu không quá khắt khe, trong các bộ môn được đào tạo, đối với những thí sinh có chất giọng không tốt, hoặc hát không hay sẽ được cho hát đệm, hát lót trên nền nhạc có sẵn.
“Trẻ con rất hay bắt chước người lớn, đặc biệt là cô giáo, mọi hành động, cử chỉ ở trường của cô đều là khuôn mẫu để các bé noi theo, vì thế giáo viên mầm non phải là người giọng không khiếm khuyết, tức là không ngọng, đớt. Đôi khi vì lời cô giáo truyền đạt không rõ sẽ khiến trẻ hiểu sai về lời bài hát, câu chuyện, về sau sẽ rất khó sửa”, cô Đào cho biết./.
Tình Nhi