Đỗ Thừa Luông, Đỗ Thừa Tự được sách sử, báo chí đề cập khá nhiều, riêng "chú Lồng Ban" là ai, có quan hệ như thế nào trong việc cùng nghĩa quân họ Đỗ xây dựng căn cứ chiến đấu chống thực dân Pháp ở Cái Tàu cách đây hơn 140 năm, cho đến nay rất ít người được biết.
Lịch sử huyện U Minh có ghi câu ca dao:
“Sông Cái Tàu có nhiều nhà quốc sự
Đỗ Thừa Luông, Đỗ Thừa Tự với chú Lồng Ban”
Đỗ Thừa Luông, Đỗ Thừa Tự được sách sử, báo chí đề cập khá nhiều, riêng "chú Lồng Ban" là ai, có quan hệ như thế nào trong việc cùng nghĩa quân họ Đỗ xây dựng căn cứ chiến đấu chống thực dân Pháp ở Cái Tàu cách đây hơn 140 năm, cho đến nay rất ít người được biết.
Ngày 10/4/2016, Hội Khoa học lịch sử tỉnh Cà Mau theo chân thân nhân "chú Lồng Ban" đến Rạch Chệt, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh. Sự thật lịch sử hé lộ thêm nhiều chi tiết thú vị.
Từ gia phả họ Hồng…
Trong gia phả họ Hồng ở Cái Tàu có nêu: “Cáo chết quay đầu về núi - Cầm thú còn như thế huống chi con người”. Xuất phát từ mục đích tìm về nguồn cội, con cháu họ Hồng đã sưu tầm và ghi chép khá đầy đủ về dòng họ của mình để các thế hệ mai sau am hiểu tổ tiên, trong đó nêu một số sự kiện về ông Lồng Ban, một nhân vật lịch sử quê hương U Minh mà từ lâu ít ai được biết.
Những nét khái quát trong gia phả: “Tứ đại họ Hồng ở tại Rạch Chệt, vùng quê Cái Tàu đang thờ phụng là ông Hồng Vận Ban (tên thường gọi là Lồng Ban), người khởi thuỷ từ Hải Nam (Trung Quốc), vì bất mãn với hôn quân, ám chúa triều đình nhà Thanh và cũng vì chí khí của một con chim bằng, của một con chim hồng muốn bay cao, bay xa tìm cho mình và muôn đời con cháu mảnh đất sinh cơ lập nghiệp với nhiều hứa hẹn dài lâu, nên đã cùng với những người bạn tâm giao khác vượt trùng dương thẳng đến Cà Mau khai phá, dựng xây cơ nghiệp vào cuối thế kỷ XVIII".
Cà Mau xưa vốn là vùng đất có cư dân lưu trú từ thời Mạc Cửu. Đây là vùng đất người Hoa sống rải rác với người Kinh, người Khmer. Đến thời Gia Long thì những giồng đất cao ráo ở ven sông Ông Đốc và vài phụ lưu như sông Cái Tàu đã thành những thôn xóm trù phú.
Nơi đây vào cuối năm 1870 diễn ra cuộc khởi nghĩa của 2 anh em Đỗ Thừa Luông, Đỗ Thừa Tự cùng với sự trợ giúp của một số Hoa kiều. Trong sách Cà Mau xưa và nay của Nghê Văn Lương có chép: “Sứ mệnh qua Xiêm (Thái Lan ngày nay) để mua khí giới, đạn dược đem về chống quân Pháp xâm lược thì giao cho người Hoa kiều - Hải Nam tên là Lồng Ban”. Lồng Ban chính là tên thường gọi của ông Hồng Vận Ban, vị tằng tổ khảo họ Hồng.
Mãi đến năm 43 tuổi (năm 1870) ông mới lấy vợ. Đầu năm 1871, ông tham gia kháng chiến chống Pháp. Ông là nghĩa quân tín cẩn của 2 chủ tướng trẻ Đỗ Thừa Luông, Đỗ Thừa Tự. Đến đầu năm 1875, ông đi chở vũ khí, đạn dược từ Xiêm về đến vàm sông Ông Đốc bị quân Pháp phát hiện, chúng bắt người, thu hết vũ khí và đưa quân tiêu diệt căn cứ nghĩa quân.
… Đến những ngôi mộ cổ
Từ con lộ cặp ven sông Cái Tàu rẽ vào phía trái vàm Rạch Chệt khoảng 50 m là 2 ngôi mộ cổ. Một của ông Hồng Vận Ban (trên bia mộ có ghi: sinh năm Quý Hợi (năm 1827), mất năm Mậu Thân (năm 1908), thọ 82 tuổi); một của bà Đào Thị Mẫn (sinh năm Canh Thân (năm 1850), mất năm Quý Hợi (năm 1923), thọ 74 tuổi). Giữa 2 ngôi mộ có 1 tấm bia hình chữ nhật đứng, ghi thời gian dựng bia là năm 1939 (sau khi ông mất 31 năm). Kế bên phần mộ của ông bà Hồng Vận Ban có ngôi mộ tập thể (vô chủ), trên núm mộ có trồng 1 bụi hẹ quanh năm tươi tốt. Đến nay đã hơn 140 năm mà ngôi mộ vẫn còn.
Ngang phía bên kia Rạch Chệt, sau nhà ông Hai Cho cũng có ngôi mộ tập thể và trong Rạch Chuôi, cách chừng 2 cây số đường chim bay, gần nhà ông Huỳnh Văn Ngôn cũng có 1 ngôi mộ tập thể. Theo những người lớn tuổi ở địa phương, đây là những ngôi mộ tập thể của nghĩa sĩ tử trận trong cuộc quyết chiến với quân Pháp năm 1875, dưới sự chỉ huy của 2 chủ tướng trẻ Đỗ Thừa Luông và Đỗ Thừa Tự.
Các ông Hồng Văn Xoài, Hồng Quang Tuyên (Năm Phương), Hồng Quang Hải, cháu cố của ông Hồng Vận Ban cho biết, ông nội các ông (tức con trai ông Hồng Vận Ban) là Hồng Thế Xương, tên thường gọi là Tư Bá, lúc sinh thời là chàng trai khôi ngô tuấn tú, vạm vỡ, tráng kiện. Bà nội các ông thường kể: “Ông nội bây có võ mà xứ này có ai biết đâu. Đêm đêm ông đi quyền roi trên 20 trái dừa khô xếp hàng đôi mà không hề chạm chân xuống đất”. Tính ông ít nói, cần cù lại sáng dạ, chăm chỉ, lại biết “tích cốc phòng cơ, tích y phòng hàn”. Ngoài việc ruộng vườn, ông còn dong thuyền buôn bán ngược xuôi tới miền lục tỉnh. Ông sống thanh cao, đạm bạc nhưng vẫn phóng khoáng, trọng nghĩa khinh tài, biết trọng chữ nhân, biết giữ lễ, trí, tín; đã bao dung nhân hậu lại giàu lòng vị tha không sa vào vị kỷ. Bất cứ gia đình nào trong thôn xóm “tối lửa tắt đèn hoặc hiếu hỷ” đều có bàn tay của ông chung lo.
Cháu nội của ông Hồng Vận Ban là bà Hồng Nguyệt Ảnh (Sáu Ảnh) tham gia kháng Pháp, tập kết ra Bắc, làm đầu bếp cho Bác Hồ; ông Hồng Nghĩa Trọng, nguyên Chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến hành chính huyện Trần Văn Thời, sau năm 1954, ở lại miền Nam và cho 2 con tập kết ra Bắc là Hồng Đông Mai, kiến trúc sư và Hồng Mỹ Nhung, nguyên Trưởng Phòng Tài vụ, Văn phòng 2 Chính phủ tại TP Hồ Chí Minh. Ngoài ra còn có các cháu cố như: Hồng Xuân Quang (Bảy Vệ), nguyên Phó Ban Tuyên huấn tỉnh Rạch Giá, hy sinh năm 1969; Hồng Quang Tuyên (Năm Phương), nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện U Minh, đã nghỉ hưu.
Sự tích oai hùng
Những năm trước đây, khi sưu tầm về nghĩa quân họ Đỗ, Nhà thơ Nguyễn Bá đã viết: “Như vậy, lực lượng về cuộc khởi nghĩa ở sông Cái Tàu, rừng U Minh đầu thập niên 70, thế kỷ XIX được nâng lên tầm cỡ to lớn. Trong hơn 4 năm (1871-1875), nghĩa quân Cái Tàu dưới sự chỉ huy của 2 thủ lĩnh trẻ tuổi Đỗ Thừa Luông, Đỗ Thừa Tự đã đánh nhiều trận ác chiến, thu được liên thanh và đại bác của giặc trang bị cho quân ta. Sử còn cho rằng, nghĩa quân nhận chìm tàu giặc, giết nhiều tên và bắt sống nhiều tù binh".
Cuộc chiến đấu ở rừng U Minh, sông Cái Tàu lần ấy là ngọn lửa rực đỏ, huy hoàng, bật nổi cuối trời Nam, kết thúc tuyệt đẹp một giai đoạn chiến tranh Nhân dân vệ quốc từ nửa thế kỷ XIX ở Nam Kỳ, lưu truyền lịch sử. Hơn 600 nghĩa quân từng chiến đấu ở chiến trường Tân An, Mỹ Tho, Trà Vinh, Bến Tre… được sự hợp tác nhiều phía của phong trào du kích chiến của vùng đất, quen đánh nhau trên rừng, biển, sông, rạch. Nghĩa quân cùng Nhân dân cản ngăn tàu giặc ở Rạch Hàn Nhỏ và Rạch Hàn Lớn (sông Cái Tàu) chiến trận thường diễn ra ở đây. Khi đại bản doanh nghĩa quân đóng ở đoạn cuối sông, tiếp giáp bờ biển Tiểu Dừa, vịnh Thái Lan để nhận tiếp tế lương thực và đón tàu mua vũ khí từ Xiêm La chở về. Đây là cuộc chiến đấu thần thánh trên địa bàn đất phương Nam. Thiên nhiên và con người cùng tiến công giặc, mưu cầu giải phóng đất nước, rửa nhục xâm lăng, làm rạng rỡ nòi giống Lạc Hồng ở phía cuối trời Nam. Bởi vậy cuộc chiến đấu đầy hào khí anh hùng và chiến công hiển hách.
Thầy giáo Nguyễn Hoàng Giang (Út Hoàng), xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, cho biết: Trước năm 1940, nhà giáo Lê Minh Chiếm và thân phụ của thầy, cụ Nguyễn Văn Miêng, từng nói với thầy về Đỗ Thừa Luông, Đỗ Thừa Tự và nghĩa quân ở căn cứ Cái Tàu với nhiều chi tiết đáng ghi dấu. Những cây kè tổ phụ đốn hàn cản ở Rạch Hàn Nhỏ, Rạch Hàn Lớn nay còn nằm sâu dưới đáy sông. Ngôi mộ của viên vận lương quan bị giặc bắt lúc thất trận, Pháp đem về Cà Mau chém đầu cùng lúc với 2 thủ lĩnh họ Đỗ, được người vợ xin xác đem về chôn sau vườn nhà ở Rạch Chệt.
Cũng ở Rạch Chệt có một gia đình vẫn còn thờ cúng 2 nhân vật thuộc nghĩa quân họ Đỗ nhưng con cháu bây giờ không kể được 2 người ấy là ai. Trong chiến trận cuối cùng đầu tháng 8/1875 âm lịch, thây người trôi đầy sông, giặc không cho vớt chôn, nhưng Nhân dân ta đã dùng dây đay cột chân tử thi kéo vào bờ chôn cất chu đáo. Các xã của huyện U Minh bây giờ có hàng ngàn người họ Đỗ, mặc dù không ai biết mình có quan hệ gì đối với họ Đỗ của nghĩa quân năm xưa hay không. Trong tác phẩm “Bạc Liêu xưa và nay” của Huỳnh Minh và “Cà Mau xưa” của Nghê Văn Lương đều có những trang viết về sự kiện đặc biệt này.
Trách nhiệm của hậu thế
Năm 2000, 2 ngôi mộ của 2 vị lãnh đạo nghĩa quân Đỗ Thừa Luông, Đỗ Thừa Tự tại xã Hoà Thành, TP Cà Mau được con cháu trong dòng họ trùng tu từ mộ đất thành mộ xi-măng. Hiện nay, mỗi năm con cháu trong dòng họ Đỗ tiếp tục tôn tạo để ngày thêm khang trang hơn. Ban Quản lý Di tích lịch sử tỉnh Cà Mau đã hoàn thành hồ sơ đề nghị cấp trên công nhận Di tích Lịch sử cấp tỉnh và cấp quốc gia.
Việc tìm thấy ngôi mộ của ông Lồng Ban tại Rạch Chệt cùng các ngội mộ tập thể khác do các thành viên Hội Khoa học lịch sử thông qua thân tộc họ Hồng càng làm rõ nhiều hơn một sự kiện lịch sử oai hùng của ông cha ta trong thời kỳ đầu kháng chiến chống Pháp xâm lược. Sắp tới, Hội Khoa học lịch sử cùng các ngành chức năng tiếp tục điều tra, sưu tầm, tiến tới tổ chức hội thảo nhằm khẳng định rõ nét và tái hiện sinh động bức tranh chiến đấu phi thường của những con người bất khuất nơi vùng đất cuối trời Tổ quốc./.
Trường Sơn Đông