Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Căn cứ Cái Chanh toạ lạc tại ấp Cây Cui, xã Ninh Thạnh Lợi, tỉnh Cà Mau, là một trong những di tích mang đậm dấu ấn lịch sử của cách mạng tỉnh Bạc Liêu (cũ) nói riêng và của cách mạng miền Nam Việt Nam nói chung trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước.
- “Nghĩa tình đồng đội" về với khu căn cứ
- Công bố Di tích lịch sử cấp tỉnh “Bia kỷ niệm Bác Hồ với cây vú sữa miền Nam”
- Lãnh đạo tỉnh thăm, tặng quà tại Khu căn cứ Tỉnh uỷ Xẻo Đước
- Tạo không gian phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hoá
Toàn cảnh Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Cái Chanh.
Theo thuyết minh Nguyễn Thị Lụa, khu di tích này có địa hình rừng cây rậm rạp, sông ngòi chằng chịt, nằm tiếp giáp với thành phố Cần Thơ và tỉnh An Giang ngày nay, nên rất thuận lợi cho việc liên lạc và các đồng chí cách mạng đã chọn nơi đây làm khu căn cứ để hoạt động trong những năm kháng chiến trường kỳ.
Đường vào căn cứ.
Theo đó, vào tháng 10/1949, các đồng chí lãnh đạo cơ quan Xứ uỷ Nam Bộ được dời từ Đồng Tháp Mười về địa điểm này. Tại đây, Xứ uỷ Nam Bộ (năm 1952 là Trung ương Cục miền Nam) đã có nhiều chủ trương quan trọng để chỉ đạo cách mạng miền Nam lúc bấy giờ. Sự có mặt của các đồng chí lãnh đạo xứ uỷ, lãnh đạo Trung ương Cục miền Nam mà sau này đã trở thành lãnh tụ của Đảng và Nhà nước ta, trong đó có các đồng chí: Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Phạm Hùng, Ung Văn Khiêm, Võ Văn Kiệt… Kể từ đó, Đảng bộ Bạc Liêu được sự giúp đỡ và chỉ đạo trực tiếp của các đồng chí lãnh đạo trong suốt 2 cuộc kháng chiến.
Để tưởng nhớ công lao to lớn của các đồng chí đã lãnh đạo phong trào cách mạng, khu di tích có đặt các tượng bán thân của đồng chí Lê Duẩn, Phạm Hùng, Võ Văn Kiệt.
Tại đây, ngày 20/11/1973, đồng chí Vũ Đình Liệu, Bí thư Khu uỷ Khu 9 đã chủ trì hội nghị công bố quyết định tái lập tỉnh Bạc Liêu lần thứ nhất, chỉ định Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm 11 uỷ viên, do đồng chí Nguyễn Văn Đáng, Khu uỷ viên giữ chức Bí thư Tỉnh uỷ.
Cũng tại khu căn cứ này, ngày 13/1/1975, Tỉnh uỷ Bạc Liêu đã họp và thông qua quyết định giải phóng tỉnh Bạc Liêu; quyết định dời Căn cứ Tỉnh uỷ về ấp Lái Viết, xã Ninh Quới, huyện Hồng Dân để thuận lợi trong chỉ đạo điểm tấn công giải phóng thị xã Bạc Liêu. Vào lúc 9 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, Tỉnh trưởng nguỵ quyền đã công bố đầu hàng vô điều kiện, tỉnh Bạc Liêu hoàn toàn được giải phóng.
Tái hiện hình ảnh đấu tranh trực diện cuộc nổi dậy vũ trang của nông dân Ninh Thạnh Lợi năm 1927, chống ách thống trị và bọn tay sai.
Từ giá trị lịch sử kháng chiến nêu trên, ngày 21/1/2011, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch xếp hạng Khu căn cứ Tỉnh uỷ Bạc Liêu năm 1973-1975 (hay còn gọi là Căn cứ Cái Chanh) là Di tích lịch sử Quốc gia; ngày 31/12/2020, Thủ tướng Chính phú đã ký Quyết định 2280/QĐ-TTg xếp hạng Di tích lịch sử Căn cứ Cái Chanh, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu là Di tích Quốc gia đặc biệt.
Hầm chữ nằm cạnh bên nhà hội trường của Tỉnh uỷ.
Để bảo tồn và phát huy giá trị di tích văn hoá lịch sử của dân tộc, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch lập dự án đầu tư tái hiện và tôn tạo Di tích Khu Căn cứ Tỉnh uỷ Bạc Liêu có tổng diện tích 38.454,60 m2, với nhiều hạng mục công trình như: Nhà bia và bia ghi lược sử di tích; Nhà trưng bày tài liệu, hiện vật và hình ảnh về quá trình hình thành căn cứ Xứ uỷ Nam Bộ, Khu Căn cứ Tỉnh uỷ Bạc Liêu; Sân khấu ngoài trời và sân tổ chức hoạt động văn hoá truyền thống; Đường đi nội bộ và hệ thống rừng tràm phủ kín căn cứ; Một số căn nhà lá - nơi làm việc của các bộ phận trong khu căn cứ…
Chiếc xuồng lườn (xuồng độc mộc) được đồng chí Võ Văn Kiệt sử dụng để thuận tiện di chuyển trên những kênh rạch chằng chịt trong thời gian hoạt động tại huyện Hồng Dân. (Chiếc xuồng của gia đình ông Võ Văn Đại, một cơ sở nuôi giấu cách mạng ở ấp Tà Ben, xã Ninh Hoà, huyện Hồng Dân).
Di tích Quốc gia đặc biệt Khu Căn cứ Cái Chanh mỗi năm đón hàng chục ngàn lượt khách đến tham quan, tìm hiểu về truyền thống cách mạng của cha anh đi trước. Từ lâu nơi đây đã trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm, bồi đắp lý tưởng cách mạng, nhằm lan toả sâu rộng truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam anh hùng.
Huỳnh Lâm