ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 20-9-24 23:50:28
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Đi tìm đồng đội

Báo Cà Mau Những tia nắng ban mai hiếm hoi xuyên qua kẽ lá tạo thành những vệt sáng dài ngoằng cứ nhấp nháy, lung linh. Khu rừng già lặng im phăng phắc trông thật rợn người. Thỉnh thoảng xuất hiện một vài tiếng chim hót phá tan vẻ tĩnh lặng âm u vốn có. Gió âm âm trên đất Campuchia không vào được chốn này, bởi sự đan xen dầy đặc của những cây cổ thụ. Nếu không có những tia nắng nhỏ nhoi kia thì khó đoán được thời khắc của đất trời đang ngày hay đêm.

Những tia nắng ban mai hiếm hoi xuyên qua kẽ lá tạo thành những vệt sáng dài ngoằng cứ nhấp nháy, lung linh. Khu rừng già lặng im phăng phắc trông thật rợn người. Thỉnh thoảng xuất hiện một vài tiếng chim hót phá tan vẻ tĩnh lặng âm u vốn có. Gió âm âm trên đất Campuchia không vào được chốn này, bởi sự đan xen dầy đặc của những cây cổ thụ. Nếu không có những tia nắng nhỏ nhoi kia thì khó đoán được thời khắc của đất trời đang ngày hay đêm.

- Nghỉ một lát rồi bắt đầu công việc. Hôm nay vất vả lắm đây, nhưng phải cố gắng hoàn thành nhiệm vụ - tiếng Trung tá Hưng đanh gọn, dứt khoát.

Cả tổ nhanh chóng trải tấm bạt ở khoảng trống giữa các thân cây to đùng. Trên đó, những tán lá dương xỉ đang xoè ra xanh mượt, chen lẫn những đoá hoa rừng tim tím. Bữa ăn sáng gồm thịt hộp, những chiếc bọc ni-lông gói cơm, mớ gỏi rau muống trộn với cải bắp giờ đã héo queo, xám màu.

Trung tá Hưng ăn vội vã rồi ngồi dựa vào gốc cây to phì phà điếu thuốc. Bất chợt anh nhìn thật lâu vào khuôn mặt những người chiến sĩ trẻ trong tổ công tác lần nầy. Họ trẻ lắm, chỉ trạc tuổi con anh, có đứa mặt non tơ chưa một lần biết mùi rừng núi. Anh thấy thương chúng nó quá. Cả tổ vẫn đang nằm sâu trong cánh rừng già biên giới để làm nhiệm vụ quy tập hài cốt bộ đội. Anh cũng nhớ rõ mồn một khuôn mặt thiếu tướng cục trưởng cục chính trị thật đôn hậu pha lẫn chất rắn rỏi, cương nghị dặn dò trước lúc đoàn lên đường:

"Các cậu đang làm nhiệm vụ hết sức thiêng liêng cho đất nước, cho dân tộc, làm vơi đi nỗi mất mát của các gia đình liệt sĩ đến nay chưa tìm thấy hài cốt người thân, vất vả đấy, nhưng không được chùn bước, rõ chưa?". "Rõ, chúng tôi cương quyết hoàn thành nhiệm vụ", cả tổ đồng thanh trả lời dõng dạc.

Minh hoạ: Minh Tấn

Trung tá Hưng đã quá quen thuộc với những cuộc chia tay như thế, đã quá quen với những lời dặn dò nhưng cũng là mệnh lệnh của cấp trên. Mười lăm năm được giao nhiệm vụ tổ trưởng tổ công tác đặc biệt tìm kiếm hài cốt đồng đội hy sinh trên chiến trường Campuchia, anh cùng đồng đội đã mòn chân trên khắp núi rừng đất nước Ăng Co. Anh cũng không còn nhớ hết mình đã vượt qua bao nhiêu cánh rừng ác hiểm, bao nhiêu con suối, ngọn đèo cheo leo hiểm trở. Nguy hiểm nhất là những cơn sốt rét ác tính cứ rình rập quanh đây làm nhiều thành viên đã phải quay về. Hưng không trách mà chỉ thấy thương họ nhiều hơn, gian khổ lắm, vất vả lắm, và có khi phải đánh đổi cả sinh mạng của chính mình.

Mới đây Hưng về thăm nhà sau đợt công tác, anh đã bị vợ con trách móc đủ điều.

- Anh định đi như vậy cho đến bao giờ? Sao người khác họ cũng là bộ đội như anh nhưng được ở nhà hạnh phúc với vợ con. Chưa hết, họ còn có nhà cao cửa rộng, con cái đi học nước này nước nọ. Còn anh, gần sáu mươi tuổi rồi, ở nhà mà lo trị cái bệnh sốt rét rừng của anh cho vợ con nhờ - tiếng vợ Hưng khóc lóc, hờn tủi.

Tiếng con Thảo nài nỉ:

- Ba ơi, thôi ba xin chuyển công tác khác đi, chớ ba đi hoài con buồn lắm. Ở nhà chỉ có mẹ và con vắng vẻ lắm ba à, con tủi thân với bạn bè lắm.

Hưng nín lặng không nói nên lời. Vợ con anh hoàn toàn đúng khi nói những lời như thế. Họ có quyền lôi kéo, níu giữ anh như níu giữ cái hạnh phúc ấm áp của mỗi gia đình. Anh lặng lẽ bước tới khung cửa sổ nhìn ra con hẻm nhỏ. Cứ mỗi lần về thăm nhà, anh lại thấy nhiều ngôi nhà mới khang trang mọc lên, còn nhà anh vẫn như xưa, vẫn mái tôn xam xám cũ mèm đang hoen gỉ, những sợi dây kẽm trên trần nhà đan xen tứ tung để chống đỡ tấm la phông “dã chiến” bằng thùng giấy cạc-ton. Trời nắng còn đỡ chớ mùa mưa thì vất vả không sao kể xiết. Anh thấy thương vợ con và thấy thật có lỗi. Nhưng việc tìm kiếm hài cốt đồng đội cứ ngày đêm thúc giục anh. Giận thì nói vậy, chứ anh biết vợ con rất thương và thông cảm cho anh. Họ chỉ lo sức khoẻ anh vì cơn sốt rét gần đây hay trở đi trở lại.

Trên ba mươi năm gia nhập quân đội là cũng ngần ấy thời gian anh vắng nhà biền biệt. Mười năm làm nghĩa vụ quốc tế trên đất bạn với thương tật 3/4, chưa kịp ngơi nghỉ, anh lại tình nguyện gia nhập tổ công tác đặc biệt này.

Hưng bất chợt nhìn lại đám bạn cũ. Ðâu rồi những thằng lính từng vào sinh ra tử có nhau, hạt muối cắn đôi, có lúc lấy tro tranh chắc lấy nước chan cơm giữa chiến trường khói lửa. Cái thứ rau rừng mọc hoang vậy mà bỗng chốc quý giá vô vàn. Chén nước tro tranh nhạt nhẽo mằn mặn thay muối hột như những liều thuốc hồi sinh trong những tháng ngày gian khổ. Có những lá thư tình nhận từ lâu lắm cả bọn cứ lấy ra thay nhau đọc đi đọc lại, đọc quen đến nỗi thuộc lòng từng câu, từng chữ. Nhớ nhất là lúc thằng Nam bị cơn sốt rét vật ngã, cả bọn phải thay nhau cõng nó cắt rừng mấy ngày trời mới ra đến trạm quân y đơn vị, nhờ vậy nó được cứu sống kịp thời. Hay cái vụ thằng Lâm đào ngũ nửa đêm khiến cả bọn nháo nhào đi tìm suốt hai ngày trời mới thấy. Nó nằm ngất bên bờ suối vắng do không biết đường ra khỏi rừng. Ðược anh em động viên, nó khóc sướt mướt, hứa không tái phạm và nó đã thực hiện đúng lời hứa của mình.

Giờ đây, đứa nào cũng to béo hồng hào, bụng phệ lè phè nung núc mỡ, có lẽ dùng quá nhiều bia bọt. Những chiếc xe du lịch sang trọng đắt tiền đậu kênh kiệu ngay đầu hẻm nhà anh khiến nhiều người thắc mắc. Có lần dì Tư hàng xóm hỏi anh:

- Mấy ông nhà giàu ấy đến tìm chú có việc gì?

- Dạ, họ tới chơi chớ có gì quan trọng đâu dì, bạn bè cũ mà - Hưng từ tốn trả lời.

Một lần khác, thằng Lâm, thằng Nam nói huỵch ra:

- Tụi tao tính rồi, mầy ra quân đi. Tụi tao lo việc làm ăn cho mầy. Ðảm bảo không thấp hơn mức lương mầy đang hưởng, lại được gần vợ con. Nè, tao ứng trước ít tiền để mầy sửa lại căn nhà đi, tướng tá gì mà nhà ở bèo quá người ta cười cho.

- Mấy cha im đi, tới thăm thì tôi cảm ơn, còn nói cái giọng khinh người ấy thì về liền đi - Hưng hằn học.

Thấy vậy cả bọn tháo lui và không một lần ghé thăm lại bạn cũ. Nói vậy cho qua chớ anh cũng không trách gì bạn bè. Tụi nó cũng đã gian khổ nhiều rồi, giờ tìm cách sống an nhàn âu cũng là lẽ thường tình. Riêng anh vẫn canh cánh nỗi buồn. Trong cuộc chiến tranh giúp nước bạn thoát nạn diệt chủng, nhiều đồng đội của anh đã nằm lại đất nầy. Có người còn mang được về quê cha đất tổ, có người tới nay vẫn chưa thấy được.

Trong số đó anh nhớ nhất là thằng Thành quê ở Bến Tre. Cái thằng trắng toát thư sinh như con gái, hát hay, đàn giỏi, làm thơ thì tuyệt. Khi có lệnh điều động sang công tác trên đất bạn, đêm đó nó khóc như mưa vì nhớ nhà. Lúc xe qua biên giới Việt Nam - Campuchia, hai mắt nó đỏ tươi. Vậy mà hơn hai năm sau nó nổi tiếng là lính đặc công gan lì nhất đơn vị. Sau một trận đánh xuất thần, nó được thưởng bảy ngày phép khiến cả bọn tâm phục khẩu phục. Lúc nó trở lại đơn vị cứ tủm tỉm cười, ai hỏi gì cũng không nói, chỉ huy gặng hỏi mãi nó mới thú thiệt vừa cưới vợ. Biết lính đặc công lâu lắm mới về phép, gia đình hai bên tổ chức ngay đám cưới nhà binh thật “hoả tốc”.

Mấy tháng sau, vợ nó gởi thư báo tin đã mang thai, nó cười cười suốt ngày coi bộ hả hê lắm. Ban đêm nó tranh thủ lấy vỏ đạn làm lược, làm nhẫn cho vợ con. Vậy mà… nó đã ra đi mãi mãi, đến nay chưa biết xương cốt nằm ở nơi nào. Hay thằng Trung, Sơn, Quốc quê tận Thái Bình, Thanh Hoá cũng chung số phận với Thành. Tội nghiệp những người lính trẻ chưa kịp nói yêu ai thì đã nằm lại với núi rừng xa thẳm.

Chiến tranh là vậy, mất mát là vậy. Đã có những nấm mồ nằm hiu quạnh trải dài theo hình hài đất nước chùa Tháp được tổ công tác của Hưng khai quật, mang về quê hương. Những kỷ vật chiến tranh vẫn còn đây như một dấu ấn lịch sử không thể phai nhoà theo thời gian. Những chiếc võng dù mục nát, chiếc bi đông đựng nước uống, chiếc đèn pin gỉ sét, những nấm xương hiu quạnh chơ vơ... Tất cả được gói ghém cẩn thận vào chiếc quách nho nhỏ trong nỗi ngậm ngùi của đồng đội. Cả tổ vừa tủi lại vừa mừng trào rơi nước mắt. Tủi vì đã không sớm đưa các anh về với quê hương để sớm hôm có người nhang khói, mừng vì từ nay đồng đội sẽ không còn quạnh quẽ dưới ba tấc đất sau cuộc chiến tranh.

Tiếng binh nhất Toàn đưa anh trở về thực tại:

- Báo cáo chú, đã tiến hành công việc được chưa ạ?

- Ðược, để chú xem lại sa bàn, sơ đồ do người dân địa phương cung cấp. Ðịa hình nầy toàn là đá và đất sét, rễ cây cũng khá nhiều, gay go lắm đây, nhưng dù khó khăn mấy cũng phải cố tìm. Tiếng người Khmer già dẫn đường chen vào:

- Cố lên bộ đội Việt Nam ơi, tội nghiệp vong hồn mấy ảnh lắm. Hồi xưa chính tay tui chôn mà. Bộ đội Việt Nam tốt lắm, cứu dân làng tôi khỏi bị Pôn Pốt tàn sát, vậy mà…

Nói đến đó, bác nấc lên tiếng khóc thảm thiết như trẻ con do quá xúc động. Hồi lâu bác lấy từ trong giỏ xách ra một con gà luộc với một chai rượu, thuận tay với bẻ mấy đoá hoa rừng cắm vào bát nhang. Chậm rãi rót rượu ra chung, bác bắt đầu khấn vái:

- Mấy anh bộ đội đang ở đâu, có linh thiêng về đây chỉ đường dẫn lối, để mau về sum họp với gia đình làng xóm, bộ đội ơi!

Nói đoạn, bác cúi xuống khấn vái liên tục như mong chờ một sự linh ứng từ cõi hư vô huyễn hoặc nào đó hiện về. Gió bắt đầu thổi mạnh, cuốn lá rừng khô bay rào rào tạo nên những cơn lốc xoáy hình trôn ốc cứ mạnh dần lên. Trời bỗng tối âm âm, những tia nắng cứ yếu dần đi. Trời bắt đầu đổ mưa nhưng công việc cứ vẫn đều đều. Tiếng cuốc xẻng huỳnh huỵch xới đất bới tìm, ánh đèn pin quét vùn vụt. Hưng kiên nhẫn lần hồi xem xét bóp vụn những mẩu đất trong cơn mưa tầm tã. Nước trên những chiếc nón cối chảy rào rào xuống mặt anh em trong tổ, thấm ướt áo quần dù đã được các chiếc áo mưa che chắn. Nước mưa còn tuôn xối xả ngập đầy những đôi ủng chứa đầy sình đất, nhão nhoẹt, lầy lội. Mặc, cả tổ cứ tiến hành công việc một cách tỉ mỉ như sợ những nhát xẻng vô tình chạm vào xương cốt đồng đội.

Mưa cứ tuôn. Gió cứ thổi phần phật lạnh thấu xương da. Nhưng lòng Hưng lại thấy ấm áp vì đã sống có nghĩa, có tình với đồng đội anh - những con người đã hy sinh vì nghĩa lớn. Thấp thoáng, anh như thấy bóng Thành, Trung, Sơn, Quốc và bao đồng đội đang từ cõi vĩnh hằng nở với anh nụ cười thân thiện./.

Truyện ngắn của Trần Trấn Giang

"Lửa thử vàng" - Câu chuyện truyền nhân gia tộc cải lương

Cải lương đi qua thời hoàng kim, nhưng truyền nhân các gia tộc cải lương chưa bao giờ tắt ngọn lửa đam mê và niềm khao khát viết tiếp chặng đường nghệ thuật của cha ông đã gầy dựng.

Cảm xúc dẫn lối

Từ nhỏ, Nguyễn Hoàng Giang đã yêu thích nghệ thuật. Cơ duyên đưa anh đến với nhiếp ảnh bắt đầu từ tình yêu dành cho cái đẹp và nghệ thuật. Thế nên, tuy từng có 20 năm gắn bó với Hà Nội, nhưng mảnh đất Hội An đậm chất nghệ thuật lại chính là động cơ thôi thúc, khiến anh quyết định chuyển vào nơi này định cư. Ðến nay, khi đã là chủ một công ty du lịch và sở hữu chuỗi khách sạn, nhà hàng, dù bận rộn, anh vẫn dành thời gian cho nhiếp ảnh.

Dâng hương Tổ nghiệp Sân khấu

Suốt 13 năm qua, Ngày Sân khấu Việt Nam cũng là ngày hướng về Tổ nghiệp của những người hoạt động lĩnh vực sân khấu. Ngày Giỗ Tổ là dịp để những người hoạt động trong lĩnh vực sân khấu cùng nhau nhắc nhớ về thế hệ tiền nhân đã có công sáng lập, gìn giữ loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống của dân tộc. Đồng thời cũng là cuộc họp mặt hâm nóng tình nghệ sĩ, tạo sự gắn kết, cùng động viên nhau phấn đấu để mang những cái hay, cái đẹp phục vụ công chúng.

Còn đó những cánh chim không mỏi

Nghe tôi có ý định tìm một địa điểm lý tưởng để khám phá, thưởng thức các loại hình nghệ thuật truyền thống tại mảnh đất được mệnh danh là “thành phố đáng sống”, một người anh đồng nghiệp đang công tác tại Ðài Phát thanh - Truyền hình Ðà Nẵng giới thiệu ngay Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. Vậy rồi, qua vài lời kết nối nhiệt tình, NSƯT Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát, liền đích thân mời đoàn văn nghệ sĩ Cà Mau đến xem một suất diễn trong ngày gần nhất.

Nối dài tình yêu nước bằng nghệ thuật

Nghệ thuật kết nối quá khứ và hiện tại, là phương tiện giúp gìn giữ, lưu truyền và phát huy văn hoá dân tộc. Với ý nghĩa ấy, các bạn trẻ tại Cà Mau, bằng hoạt động nghệ thuật, đã góp phần lan toả, nhân lên tình yêu quê hương, đất nước trong những người trẻ và cộng đồng.

Ấm áp chương trình nghệ thuật “Tình ca Đất Mũi”

Nhằm tôn vinh Âm nhạc Việt Nam nói chung, Âm nhạc Cà Mau nói riêng, thể hiện sự tri ân đối với các tác giả có nhiều cống hiến cho sự nghiệp âm nhạc tỉnh nhà. Tối 3/9, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh đã diễn ra Chương trình nghệ thuật chào mừng kỷ niệm lần thứ 15 Ngày Âm nhạc Việt Nam với chủ đề :“Tình ca Đất Mũi”. Chương trình do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng với Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh phối hợp tổ chức.

Sắc màu miền Tây đến với Huế

Những năm qua, mỹ thuật đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) có bước phát triển mạnh, tạo được tiếng vang trong khu vực, các vùng miền trong và cả ngoài nước. Câu lạc bộ (CLB) "Sắc màu miền Tây ART" đã có 4 cuộc triển lãm tại Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh và Hà Nội từ năm 2019-2023.

Khám phá cùng nhiếp ảnh

Nghệ sĩ Nhiếp ảnh (NSNA) Lê Minh Vũ (Quyên Vũ) sinh năm 1974, tại tỉnh Tiền Giang, hiện sinh hoạt tại Hội NSNA Việt Nam, Chi hội Tiền Giang.

Sắc màu văn hoá địa phương hoà quyện trong từng bài ca, điệu múa

Đạo diễn Nguyễn Tiến Dương, Trưởng Ban giám khảo Hội diễn Nghệ thuật quần chúng tỉnh Cà Mau lần thứ IX - 2024, đánh giá, một trong những điểm nổi bật của hội diễn là những sắc màu văn hoá của địa phương hoà quyện trong các bài hát, điệu múa, càng làm tăng thêm sự hấp dẫn. So với những hội diễn trước, các đội đã có nhiều sự tiến bộ về ca, múa, âm nhạc và trang phục.

Cho chữ mùa Vu lan

Tôi gặp thầy đang cho chữ tại một góc nhỏ trong khuôn viên chùa Thiền Lâm, phường Tân Thành, TP Cà Mau, vào ngày chùa tổ chức lễ Vu lan. Mặc dù bút trên tay đang nắn nót, mắt chăm chú vào con chữ, nhưng được vài nét, khi ngẩng lên chấm mực là thầy nhanh miệng mời gọi mọi người đang đứng túm tụm gần đó: “Viết mấy câu tặng cha mẹ đi chị (cô, chú, anh, em...) ơi!”; “Lại chú cho chữ cầu sức khoẻ, học giỏi nè các con!”; “Cầu tài lộc, sức khoẻ, vạn sự như ý nè anh chị em, cô bác ơi!”... Và bao giờ sau những câu mời gọi, thầy cũng nhấn mạnh “tặng chữ hoàn toàn miễn phí” để khách khỏi đắn đo.