ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 23-11-24 18:35:28
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Ði xem chiếu bóng thời chiến

Báo Cà Mau Kể từ ngày 5/8/1964, khi đế quốc Mỹ tiến hành ném bom, bắn phá miền Bắc thì chiến tranh chính thức lan rộng ra cả nước. Cuộc sống hoà bình của người dân nhanh chóng được chuyển qua cuộc sống thời chiến. Hệ thống hầm hào trú ẩn như mạng nhện được thiết lập nơi nơi để mọi người có nơi ẩn nấp an toàn khi gặp máy bay Mỹ đánh phá.

Kể từ ngày 5/8/1964, khi đế quốc Mỹ tiến hành ném bom, bắn phá miền Bắc thì chiến tranh chính thức lan rộng ra cả nước. Cuộc sống hoà bình của người dân nhanh chóng được chuyển qua cuộc sống thời chiến. Hệ thống hầm hào trú ẩn như mạng nhện được thiết lập nơi nơi để mọi người có nơi ẩn nấp an toàn khi gặp máy bay Mỹ đánh phá.

Do hoàn cảnh chiến tranh, mọi nhu cầu vật chất lẫn tinh thần đều bị hạn chế. Trong đó, việc xem được một bộ phim hay một tối biểu diễn của các đoàn văn công là niềm hạnh phúc khó quên. Thông thường, người dân quê tôi mỗi tháng được xem phim một vài lần và khâu chuẩn bị hết sức công phu, vất vả… Ngoài ra, thỉnh thoảng được “coi ké” vài lần các đoàn văn công phục vụ công nhân nhà máy điện; đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn.

Công đoạn chuẩn bị chiếu phim trong thời chiến tranh chống Mỹ.         Ảnh tư liệu

Khi có đội chiếu bóng sắp về phục vụ, toàn xã được báo trước ba, bốn ngày (có khi trước cả tuần) là sẽ có đội chiếu bóng về phục vụ và địa điểm chiếu ở đâu. Ðối với người dân nông thôn thời ấy, chiếu bóng là một “sự kiện” lớn nên nhà nhà nô nức chuẩn bị đi xem. Bọn nhỏ chúng tôi nôn nao tính từng ngày và phải tự giác học bài, làm bài tập, bài soạn (môn Văn phải tự soạn bài theo câu hỏi trong sách giáo khoa) xong đâu vào đó trước vài ngày. Các anh chị thanh niên thì khỏi phải nói, niềm vui xen lẫn sự hồi hộp vì đây là cơ hội “ngàn năm có một” được hò hẹn, gặp gỡ nhau. Tôi nhớ chị tôi nấu một nồi nước lá bưởi, lá chanh để gội đầu cho thơm… Các cụ già cũng hăng hái “tham gia” xem phim cùng con cháu với suy nghĩ “mấy đời mấy thuở mới có…”.

Vé vào sân bãi xem phim là một hào đối với người lớn; trẻ em dưới mười lăm tuổi là năm xu. Chúng tôi xin tiền mẹ và ra vườn rọc lá chuối khô mang đi để lót chỗ ngồi trên cỏ. Phía gần màn ảnh là các em nhỏ thiếu niên, nhi đồng giành nhau chỗ ngồi tốt. Kế theo là người lớn tuổi. Các anh chị thanh niên hầu như chẳng chịu ngồi một chỗ mà đứng tụm năm tụm ba từng tốp phía hai bên hoặc phía sau phòng chiếu; chọc ghẹo nhau, cười nói vang trời…

Ðịa phương phối hợp cùng nhân viên đoàn chiếu phim hôm trước đã tìm được nơi có tán cây rộng có độ che phủ ánh sáng tốt. Màn ảnh rộng được dựng lên bởi khung tre hình chữ nhật được cột dây kéo căng bốn phía đề phòng gió thổi làm bung màn ảnh thì mệt. Hai miếng vải xanh dài khoảng hơn mười thước, rộng khoảng hai thước được kéo che hai bên, hạn chế tối đa ánh sáng lọt ra ngoài. Cách màn ảnh hơn mười thước là phòng chiếu.

Ðội chiếu phim lưu động có khoảng sáu người. Một tổ trưởng phụ trách chung; một phụ trách máy nổ; một phụ trách thuyết minh, một phụ trách vận hành máy chiếu và vài người còn lại lo việc “hậu cần” phía sau. Ðịa phương cử dân quân canh gác máy bay ở vòng ngoài; khi có tiếng máy bay thì báo động cho phim ngừng chiếu ngay. Có những lần đang hồi hội theo dõi tình tiết gay cấn thì có tiếng kẻng báo động có máy bay. Máy chiếu phụt tắt. Cả sân bãi nhốn nháo bởi tiếng kêu í ới gọi nhau. Nhưng một lúc sau, tiếng máy bay xa dần và phim lại tiếp tục chiếu…

Ðến giờ chiếu, tất cả bóng đèn đều phụt tắt và tất cả đều im lặng, chỉ còn nghe tiếng máy quay xè xè. Trên màn ảnh xuất hiện dòng chữ “Phim tài liệu” và tựa phim hiện ra “Sâu gai hại lúa và cách phòng trừ”. Thông thường là vậy, có khoảng mười lăm phút phim tài liệu, phổ biến kiến thức khoa học “khởi động” hoặc phim hoạt hình phục vụ thiếu nhi trước.

Có lần chiếu bộ phim hoạt hình về du kích miền Nam đánh giặc bằng ong vò vẽ… Ðám lính đi càn đụng ngay “trận địa” ong vò vẽ, các anh du kính giật dây cho ong bay ra. Cả đám chạy tán loạn; ong đuổi theo đốt khiến chúng kêu la rần trời. Ðến cảnh tên lính Mỹ cuống cuồng nhảy xuống ao tránh ong đốt lại gặp ngay con đỉa to gần bằng... bắp tay lao tới bám vào ngực. Nó hét lên thất thanh: “Ê con đỉa ! Con đỉa” rồi ngã ngửa xuống nước, miệng uống nước ùng ục.

Ðám thiếu niên ngồi trước lố nhố đứng lên, vỗ tay liên hồi, la hét rần rần khoái chí khiến đội trật tự phải nhắc các em ngồi xuống cho người phía sau xem… Hoặc những bộ phim hoạt hình khác như “Nàng công chúa Cóc”, “Chú mèo đi hia”… cũng khá hấp dẫn tuổi nhỏ.

Hết phim tài liệu, hoạt hình là tới phim chính. Ðó là những bộ phim của điện ảnh Việt Nam trong chiến tranh như “Con chim vành khuyên” hoặc “Chung một dòng sông” rồi phim “Chị Tư Hậu” đến “Vĩ tuyến 17 - ngày và đêm”, rồi “Vợ chồng A Phủ”, “Mỗi bước anh đi”, “Nguyễn Văn Trỗi”, “Rừng xà nu”, “Tiền tuyến gọi”… Bên cạnh đó là những bộ phim chiến đấu của Liên Xô như “Cuộc chiến đấu vẫn còn tiếp diễn”… Phim “Lôi Phong” của Trung Quốc (tôi còn nhớ những câu thơ về nhân vật này: Với đồng chí ấm áp như mùa xuân/Với việc công cháy nồng như nắng hạ/Với chủ nghĩa cá nhân như gió mùa thu quét lá/Với quân thù như băng giá đêm đông).

Thỉnh thoảng phim đang chiếu thì gặp sự cố là phim bị đứt. Lúc ấy, anh thợ máy bình tĩnh nối lại và lắp phim vào để tiếp tục chiếu.

Những đêm coi phim cách xa nhà cả bảy, tám cây số; chúng tôi phải tranh thủ ăn cơm sớm rồi “khởi hành” từng tốp lớn, nhỏ đi bộ từ khi mặt trời còn lấp ló xuống chân trời sau rặng cây xa xa bên kia sông. Ðường lên xã bạn phía trên phải qua một cây cầu từng bị đánh bom. Những quả bom nổ chậm (đã được công binh tháo ngòi nổ) nằm lăn lóc bên đường như đàn heo đang ngủ... Qua những chỗ này, chúng tôi thi nhau chạy thật nhanh, càng xa càng tốt.

Xong buổi chiếu phim, mọi người lục tục kéo nhau ra về. Lại hình thành từng tốp; nhỏ đi theo nhỏ, lớn đi theo lớn. Tốp thiếu nhi luôn vượt lên trước một cách hăng hái. Thỉnh thoảng một vài đứa lớn lém lỉnh vọt lên, trốn trong lùm cây; đợi mấy đứa đi đầu tới nơi thì nhảy ra nhát ma khiến mấy đứa con gái kêu thất thanh…

Tốp các anh chị thanh niên thì hình như chẳng vội vàng gì, cứ đi thong thả; vừa đi vừa nói chuyện, chọc ghẹo nhau rồi cười vang giữa đêm trên đường quê. Có những tốp thì vừa đi vừa bình luận, nhận xét về nhân vật này nhân vật khác thật rôm rả… Thích nhất là những đêm trăng sáng, nhìn ra cánh đồng như được dát bạc trong sương. Có những lúc thanh bình giữa thời chiến như thế. Giờ này tiếng máy bay chẳng còn, mấy bậc cao niên nói rằng chắc bọn phi công cũng đã đi ngủ (!).

Những bộ phim được xem hồi ấy đã mở tầm nhìn cho chúng tôi, những đứa trẻ miền quê chỉ biết chạy nhảy trong luỹ tre làng. Ðó là những con người dũng cảm, thật sự mưu trí như hình ảnh một chiến sĩ Hồng quân nối đường dây điện thoại giữa làn đạn kẻ thù. Dây điện thiếu một gang tay thôi, tưởng chừng liên lạc sẽ bị đứt vì không thể tìm ra dây điện thoại lúc nguy cấp này. Anh đã cắn chặt hai đầu dây, lấy thân mình cho đường điện truyền qua được thông suốt.

Bên cạnh đó là hình ảnh đau thương của đồng bào miền Nam ruột thịt chịu cảnh bom rơi đạn nổ, nhà cháy; mất ruộng mất vườn; cảnh chết chóc đầy oán hờn… Và hình ảnh của miền Nam vùng lên trong những bộ phim hừng hực hơi thở chiến trường với khúc mở đầu hùng tráng: “Vùng lên Nhân dân miền Nam anh hùng/Vùng lên xông pha vượt qua bão bùng/Thề cứu lấy nước nhà/Thề hy sinh đến cùng/Cầm gươm, ôm súng xông tới…”.

Những bộ phim thời chiến còn giúp chúng tôi biết cảm thông, chia sẻ với mọi người. Hình như điện ảnh tác động nhanh hơn các loại hình nghệ thuật khác. Hồi ấy, phim nói gì thì mọi người tin ngay vì hình ảnh trong phim rất chân thực như ngoài đời. Có một thời phim “hay, chân thực”, lay động lòng người như thế. Phải chăng, trong thời buổi chiến tranh thuở ấy, con người sống với nhau thật hơn, tình cảm hơn, tình nghĩa hơn?

Xem chiếu bóng thời chiến thật vui và thật cảm thông, thật thương cho một thế hệ sống trong cảnh chiến tranh mà phải chịu đựng bao thiếu thốn về tinh thần. Bù lại, đó cũng là một thời thật hào hùng không bao giờ quên được./.

Lê Ðức Ðồng

Những "ngôi nhà cách mạng"

Thời chiến tranh chống giặc ngoại xâm, Cà Mau là căn cứ địa đặc biệt quan trọng đối với phong trào cách mạng cả nước. Từ thành thị đến làng rừng có rất nhiều địa điểm ghi dấu ấn, nay là di tích lịch sử cách mạng.

Chuyện xin giống cây vú sữa trồng ở Phủ thờ Bác

Tại Phủ thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, xã Trí Lực, huyện Thới Bình (mọi người thường gọi thân thương là “Phủ thờ Bác xã Trí Lực”), hiện có cây vú sữa được nhân giống từ cây vú sữa của má Lê Thị Sảnh (Ấp 10, xã Trí Phải, huyện Thới Bình) gửi Tiểu đoàn 307 mang ra miền Bắc tặng Bác Hồ trên chuyến tàu tập kết năm 1954. Cây vú sữa này cũng đã cho trái từ mấy chục năm qua, khắc sâu thêm tình cảm thiêng liêng của người dân Cà Mau đối với Bác. Thế nhưng, chuyện xin cây vú sữa mang về trồng như thế nào và từ khi nào, cũng là thắc mắc của nhiều người.

Vụ thảm sát Cái Sắn qua lời kể của nhân chứng U100

Ông Phạm Văn Quang (Hai Quang), Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Thới Bình, là người tâm huyết với công tác khuyến học, hầu như khóm, ấp nào trong huyện cũng có bước chân ông. Một hôm, ông phấn khởi điện cho tôi: “Chú biết có ông cụ này tuổi hơn 90, còn minh mẫn lắm, biết rất nhiều chuyện xưa của vùng đất Thới Bình, trong đó có vụ thảm sát ở Cái Sắn. Sắp xếp rồi chú đưa đi gặp cụ”.

Việt Nam trân trọng độc lập, phát triển bền vững

Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố trước quốc dân, đồng bào và toàn thế giới ngày 2/9/1945 đã khẳng định Việt Nam là một quốc gia tự do, độc lập. Ở đó người dân có quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc… Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, đến nay chúng ta ngày càng có cơ sở vững chắc để khẳng định sự thật chúng ta đã trở thành nước tự do độc lập, người dân ngày càng ấm no hạnh phúc…

Tự hào 79 mùa thu lịch sử

Cách đây 79 năm, với thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Ðộc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà, ngày 2/9/1945 trở thành ngày Tết độc lập đầu tiên của Tổ quốc trong thời đại Hồ Chí Minh - thời đại của độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; Nhân dân ta từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước với ánh sáng chân lý của sự nghiệp cách mạng mà Bác Hồ và Ðảng ta soi đường, dẫn lối. Một mùa thu vạch ngang lịch sử, được lịch sử lựa chọn để đi vào bất tử.

Tri ân hai vị lãnh đạo nghĩa quân

Những ngày tháng Tám lịch sử, chúng tôi có dịp tháp tùng cùng Nhà báo Ðỗ Văn Nghiệp (Sáu Sơn), hiện là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Kể chuyện lịch sử (do Bảo tàng tỉnh thành lập) về thăm, thắp hương tại Khu tưởng niệm hai lãnh đạo nghĩa quân, Ðỗ Thừa Luông - Ðỗ Thừa Tự (toạ lạc tại ấp Bùng Binh, xã Hoà Thành, TP Cà Mau) - Di tích lịch sử cấp tỉnh.

Món quà nghĩa tình tri ân mẹ

Thiêng liêng gì bằng Tổ quốc và mẹ. Mẹ đã cống hiến tuổi xuân, tài sản lớn nhất là chồng, là con cho Tổ quốc. Bằng tấm lòng tôn kính, cảm phục, việc xuất bản quyển kỷ yếu "Bà mẹ Việt Nam anh hùng tỉnh Cà Mau” thể hiện trách nhiệm và là món quà mang nặng nghĩa tình của Ðảng bộ và Nhân dân tỉnh Cà Mau gửi đến các Mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) còn sống, thay nén tâm hương dâng lên những mẹ đã khuất.

Chuyện về liệt sĩ nằm lại vùng đất lửa

Cách đây 5 năm, trong chuyến về nguồn cùng Tỉnh đoàn Cà Mau, đó là lần thứ 3 tôi được đặt chân đến Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn (tỉnh Quảng Trị). Mang theo tấm lòng của người con miền Nam đến thắp nén tâm hương cho những vị anh hùng của Tổ quốc, như một sự tình cờ kỳ diệu, giữa hơn 10 ngàn ngôi mộ liệt sĩ nằm lại ở vùng đất lửa, đoàn chúng tôi bất ngờ tìm được một phần mộ đặc biệt. Ðó chính là nơi an nghỉ của Liệt sĩ Nguyễn Ngọc Xinh, quê tại xã Tân Lộc, huyện Thới Bình.

Những địa chỉ thiêng liêng

Trong 2 cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, lớp lớp những người con Cà Mau lên đường đánh giặc, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Ðể đổi lấy ngày độc lập, chỉ trên quê hương Cà Mau đã có 17.678 liệt sĩ, 16.467 thương binh, 2.510 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, gần 17 ngàn người đang hưởng trợ cấp hằng tháng.

Làm đẹp địa chỉ đỏ

Trải qua hai cuộc chiến tranh ác liệt, xương máu của lớp lớp thế hệ ông cha đã thấm đẫm trên từng tấc đất quê hương. Ðể tưởng nhớ công ơn các anh hùng liệt sĩ, tại các xã, thị trấn trong huyện Ngọc Hiển đều xây dựng các đài tưởng niệm, nhà bia ghi danh liệt sĩ. Những công trình này vừa thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, vừa góp phần giáo dục truyền thống cách mạng vẻ vang của dân tộc cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.