(CMO) Trên đất Cà Mau anh hùng, mỗi di tích lịch sử là một hình tượng sống được ghi dấu bằng chiến công, trí tuệ của bao trái tim quả cảm, kiên trung. Tất cả không chỉ thể hiện sự tri ân với thế hệ đi trước, mà còn là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng muôn đời.
Gắn liền với quá trình đấu tranh cách mạng của Ðảng bộ và Nhân dân mảnh đất cực Nam trong thời kháng chiến chống Pháp, phải kể đến những sự kiện được ghi dấu ở Hồng Anh Thư Quán, với hiệu sách và quán ăn được nguỵ trang thành nơi hội họp của Chi hội Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội; Ðình Tân Hưng, nơi treo cờ Ðảng Cộng sản Ðông Dương đầu tiên tại Cà Mau (năm 1930) và còn là điểm đóng quân của Bộ Chỉ huy Mặt trận Tân Hưng, mặt trận chống Pháp tại Cà Mau; Nhà Dây thép, địa điểm nhận tin tức quan trọng cũng như sự chỉ đạo kịp thời để củng cố lực lượng và phát động quần chúng Nhân dân đấu tranh cách mạng; căn cứ Lung Lá - Nhà Thể, nơi đồng chí Trần Văn Thời dùng ngôi nhà và khu vườn của gia đình mình làm điểm hoạt động của Ðảng, đồng thời diễn ra Hội nghị thống nhất khởi nghĩa Hòn Khoai ngày 13/12/1940; Ban Ấn loát đặc biệt Nam Bộ, nơi trực tiếp in và phát hành đồng tiền Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, mà người dân Nam Bộ thường gọi là giấy bạc Cụ Hồ, để phục vụ công cuộc kháng chiến và kiến quốc của Nam Bộ…
Tự hào với lịch sử quê hương, việc tuyên truyền giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ được các địa phương, tổ chức đoàn thể thực hiện thường xuyên, với nhiều hoạt động ý nghĩa như: tổ chức báo công, về nguồn, sinh hoạt truyền thống, dọn dẹp vệ sinh khuôn viên di tích…
Khát vọng vươn lên của mũi đất phương Nam được dệt nên từ nền tảng truyền thống cách mạng vẻ vang. Nhân kỷ niệm 76 năm Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945-19/8/2021) và Quốc khánh 2/9, Báo Cà Mau giới thiệu một số di tích lịch sử là những địa chỉ đỏ thời kháng Pháp, nhằm nhân lên niềm tự hào và tinh thần trách nhiệm trong công cuộc dựng xây, phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Ðình Tân Hưng (xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau) là nơi lần đầu tiên Nhân dân Cà Mau được thấy cờ Ðảng công khai xuất hiện (năm 1930) và còn là nơi đóng quân của Bộ Chỉ huy Mặt trận Tân Hưng, mặt trận chống Pháp tại Cà Mau. |
Bia kỷ niệm Ban Ấn loát đặc biệt Nam Bộ tại xã Hàm Rồng, huyện Năm Căn là nơi có số lượng đồng tiền Cụ Hồ được phát hành lớn nhất trong thời điểm Nam Bộ kháng chiến chống Pháp. |
Mô hình thông tin liên lạc được trưng bày tại Nhà Dây thép (Phường 2, TP Cà Mau). Nơi đây do thực dân Pháp xây dựng sử dụng cho việc cai trị và khai thác thuộc địa của chúng. Tận dụng tình hình, giai đoạn 1930-1939, địa điểm này trở thành đầu mối thông tin liên lạc giữa Xứ uỷ Nam Kỳ với Chi bộ Ðảng Cà Mau. |
Khu nhà ở của “chúa đảo” Hòn Khoai. Ngày 13/12/1940, thầy giáo Phan Ngọc Hiển lãnh đạo khởi nghĩa Hòn Khoai giành thắng lợi, ghi mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của Ðảng bộ và Nhân dân Cà Mau. Thời điểm này, trên đảo, lực lượng địch có tên “chúa đảo” Olivier, phó đảo Rocker và 8 nhân viên người Việt. |
Mộng Thường thực hiện