(CMO) Những năm qua, Trường Ðại học Bình Dương nói chung và phân hiệu tại Cà Mau (phân hiệu) nói riêng, đạt nhiều kết quả tích cực trong công tác đào tạo và cung ứng cho xã hội đội ngũ lao động chất lượng. Ðể đạt được mục tiêu đó, bên cạnh việc thay đổi phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng đào tạo, hoạt động phong trào luôn được tổ chức song hành để bồi dưỡng, trau dồi kỹ năng sống, kỹ năng làm việc cho sinh viên (SV).
Hoạt động "Ngày Chủ nhật xanh" nhận được sự quan tâm của đoàn viên, sinh viên phân hiệu. |
Chủ động, kịp thời, đa dạng các hoạt động
Phân hiệu đã và đang triển khai đa dạng nhiều hoạt động phong trào, phù hợp theo từng giai đoạn. Năm 2020, tình hình dịch Covid-19 cũng như thiên tai ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống kinh tế - xã hội, phân hiệu triển khai nhiều hoạt động thiết thực như: trao tặng nước rửa tay cho người dân lao động (tại khu lưu cư phường Tân Xuyên, TP Cà Mau); tổ chức gian hàng “San sẻ yêu thương, cùng chung tay vượt qua đại dịch” hỗ trợ nhu yếu phẩm và đồ dùng sinh hoạt cho SV mùa dịch; tổ chức cuộc thi vẽ tranh “Hướng về miền Trung” góp quỹ ủng hộ đồng bào miền Trung bị thiệt hại do bão lũ. Có thể thấy, việc chủ động, kịp thời tổ chức các hoạt động thiết thực này, góp phần thể hiện được trách nhiệm của nhà trường với cộng đồng trước những khó khăn chung của đất nước.
Ngoài ra, những hoạt động mang tính truyền thống, thường niên luôn được quan tâm triển khai như: giáo dục truyền thống lịch sử cho SV qua các hoạt động tìm về địa chỉ đỏ, viếng nghĩa trang liệt sĩ; thăm, tặng quà các Mẹ Việt Nam anh hùng và các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhân các ngày lễ lớn… Các hoạt động phong trào “Ngày Thứ bảy tình nguyện” và “Ngày Chủ nhật xanh” cũng được phân hiệu duy trì đều đặn, với các phần việc như: vệ sinh cảnh quan xung quanh trường, phát quang bụi rậm tại Quảng trường Thanh Niên, phối hợp cùng các Ðoàn phường tiến hành tháo gỡ các biển quảng cáo trái phép, vệ sinh các khu vực chợ, thu gom rác thải trên sông, tham gia các chương trình đạp xe vì môi trường…
Giúp sinh viên hoàn thiện bản thân
Ðể những hoạt động phong trào ngày càng tạo được chiều sâu chất lượng, phân hiệu khảo sát thực tế và chọn lọc, tổ chức những hoạt động cần thiết, có sức lan toả.
Ðơn cử như “Ngày hội hiến máu tình nguyện” đã dần trở thành một hoạt động ý nghĩa, thu hút được sự quan tâm, tham gia không chỉ của cán bộ, nhân viên, giảng viên, SV nhà trường, mà nhiều cá nhân, tập thể bên ngoài cũng đăng ký tham gia vì ý nghĩa của chương trình với cộng đồng.
Các hoạt động phong trào giúp SV có được những trải nghiệm quý báu để trưởng thành. Ðó là những bài học về sự đồng cảm, san sẻ, thái độ sống tích cực và ý thức trách nhiệm với xã hội. Bạn Lê Thanh Thoại, SV năm 3 ngành Kế toán, hiện là Ðội trưởng Ðội công tác xã hội, bộc bạch: “Với mình, SV mà không tham gia hoạt động phong trào thì chưa phải là SV, vì SV không chỉ có học mà phải có thực hành. Bên cạnh thực hành nghề nghiệp, thì những hoạt động phong trào là cơ hội để mỗi người trau dồi thêm kỹ năng sống cho bản thân. Việc tham gia hoạt động, bản thân mình đã hoàn thiện hơn rất nhiều từ việc ứng xử phù hợp đến việc giải quyết các tình huống bất ngờ trong cuộc sống”.
Tham gia các hoạt động phong trào, SV được đi rất nhiều nơi, gặp gỡ rất nhiều người, thấy được nhiều điều bổ ích từ môi trường xung quanh. Bên cạnh đó, các bạn còn có cơ hội tiếp cận những phong tục, tập quán, văn hoá của nhiều địa phương, góp phần đa dạng vốn sống cho bản thân.
Tham gia các hoạt động phong trào là cơ hội để mỗi đoàn viên, SV được tham gia làm việc nhóm, điều chỉnh thái độ và tư duy sống trong môi trường tập thể. Ðiều đó góp phần mở rộng cơ hội việc làm sau tốt nghiệp cho SV, bởi bên cạnh kiến thức chuyên môn, thì kinh nghiệm xã hội và kỹ năng làm việc nhóm là những yếu tố bất cứ nhà tuyển dụng nào cũng yêu cầu./.
Minh Sang