(CMO) Không quá khi nói chợ đã góp phần thay đổi bộ mặt, cuộc sống vùng nông thôn. Bởi chính sự giao thương, buôn bán, trao đổi hàng hoá giữa các hộ, giữa các vùng, không những phục vụ nhu cầu thiết yếu mà còn kết nối cung cầu, tiếp cận với cái mới, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người dân. Ðó cũng là mục tiêu hướng đến của tỉnh trong thực hiện Tiêu chí số 7 Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM).
Ông Dương Vũ Nam, Phó giám đốc Sở Công thương, đánh giá: “Phát triển mạng lưới chợ nông thôn sẽ góp phần tích cực tiêu thụ sản phẩm tại địa phương, tạo điều kiện cho thương nhân cung cấp hàng hoá thiết yếu, nâng cao đời sống và thu nhập cho lao động khu vực nông thôn, thực hiện mục tiêu phát triển thương mại nông thôn theo định hướng của Ðảng và Nhà nước. Do vậy, hàng năm, sở luôn chú trọng triển khai, hướng dẫn việc áp dụng các quyết định của Bộ Công thương đối với Tiêu chí số 7 trong Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng NTM đối với các xã dự kiến đạt chuẩn NTM”.
Dành nguồn lực ðầu tư hạ tầng thương mại nông thôn
Xác định rõ tầm quan trọng đó, tỉnh luôn quan tâm dành nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực này, đồng thời tăng cường mời gọi xúc tiến đầu tư, xã hội hoá từ các doanh nghiệp. Cụ thể, giai đoạn 2016-2021, đã đầu tư xây dựng mới, cải tạo và nâng cấp 18 chợ vùng nông thôn (xây dựng mới 10 chợ, cải tạo, nâng cấp 8 chợ) với tổng số tiền 185,48 tỷ đồng (trong đó: vốn ngân sách địa phương 43,51 tỷ đồng; vốn tư nhân 141,97 tỷ đồng).
Theo đó, đến nay, toàn tỉnh có 82/82 xã đạt tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn. Trong đó, có 17 xã thực hiện chợ nông thôn, 1 xã thực hiện siêu thị mini, 21 xã thực hiện cửa hàng tiện lợi, còn lại là cửa hàng kinh doanh tổng hợp. So với năm 2020, số chợ nông thôn đạt chuẩn tăng 10 chợ, tăng 21 cửa hàng tiện lợi, 1 siêu thị mini.
Xã Thanh Tùng, huyện Ðầm Dơi, từng là xã 135, điều kiện phát triển kinh tế nhiều khó khăn. Trong đó, tiêu chí chợ cũng là một trong những trăn trở của địa phương. Chợ Thanh Tùng đặc thù quy hoạch đã lâu, lộ nhỏ, xuống cấp. Trước đây, mỗi năm, chợ Thanh Tùng sạt lở sâu làm mất đi từ 1-2 m đất. Hộ kinh doanh buôn bán lo âu, thấp thỏm mỗi khi mùa nước lên.
Ông Lê Quốc Bảy, Chủ tịch UBND xã Thanh Tùng, chia sẻ: "Ðiểm nổi bật của Thanh Tùng hiện nay là xây dựng bờ kè ngay khu vực chợ, hoàn thành đưa vào sử dụng tháng 6/2021 với tổng vốn đầu tư 1,5 tỷ đồng. Từ khi xây dựng bờ kè, người dân buôn bán trong chợ rất an tâm, tạo cảnh quan khang trang đẹp. Ðây là điều đáng mừng".
Bờ kè chợ Thanh Tùng, huyện Ðầm Dơi, được đầu tư khang trang, các tuyến đường vào chợ được nâng cấp, tạo diện mạo mới cho địa phương. |
Bên cạnh đó, bà con trong chợ đặt vấn đề nhiều năm rồi chợ Thanh Tùng không có xe lớn vào được, gây khó khăn trong việc buôn bán của người dân, giá thành đội lên cao do chi phí vận chuyển. Ðịa phương đang chỉnh trang, nâng cấp chợ, xây dựng tuyến đường vào trung tâm chợ rộng 8 m đúng chuẩn đô thị. Còn lại, đang cho nâng cấp một số tuyến trong chợ, đảm bảo rộng từ 3-4 m, đảm bảo buôn bán, lưu thông. Xã đang phấn đấu đạt chuẩn NTM vào năm 2023.
Cùng với chợ, tại trung tâm các xã, đa số có cửa hàng bách hoá tổng hợp, cửa hàng kinh doanh tiện lợi, cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Ngoài ra, ngành công thương đã coi trọng tổ chức phát triển công nghiệp nông thôn từ kinh phí khuyến công hàng năm, như: hỗ trợ thiết bị, máy móc, tổ chức lớp nâng cao năng lực quản trị, nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp sản xuất; tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại qua hình thức hội chợ nhằm quảng bá, giới thiệu, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm sản xuất tại địa phương.
“Những năm qua, hạ tầng thương mại đã được củng cố, có sự chuyển biến tích cực; hệ thống chợ, cơ sở bán lẻ khu vực nông thôn đã từng bước được đầu tư cả về số lượng và quy mô theo hướng chuyên nghiệp và hiện đại, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân địa phương”, ông Nam phấn khởi cho biết.
Khắc phục khó khăn, tiếp tục hoàn thiện quy hoạch
Tuy nhiên, cũng theo ông Nam, nguồn kinh phí để thực hiện Tiêu chí số 7 về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn còn hạn hẹp. Nhà nước chưa bố trí được nguồn vốn ngân sách để xây mới, cải tạo, nâng cấp hệ thống chợ (nhất là chợ vùng sâu, vùng xa), nguồn vốn tư nhân không đầu tư vào những vùng này.
Thêm vào đó, ở khu vực nông thôn, khó thu hút doanh nghiệp đầu tư bởi chi phí xây dựng chợ khá lớn, thu hồi vốn lâu dài, cơ chế ưu đãi về đất đai, thuế, hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ, rõ ràng.
Mặt khác, một số địa phương có quy hoạch chợ nhưng chưa bố trí được quỹ đất sạch để mời gọi, đầu tư xây dựng chợ đảm bảo các điều kiện theo quy định tiêu chuẩn thiết kế chợ, tiêu chuẩn chợ kinh doanh thực phẩm…, còn hệ thống cơ sở bán lẻ đều huy động nguồn xã hội hoá, chủ yếu do tư nhân tự đầu tư nhưng một số hạng mục chưa đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định.
Trong thời gian tới, ngành tiếp tục phối hợp với các cấp, các ngành tổ chức thực hiện quy hoạch phát triển mạng lưới chợ trên địa bàn tỉnh đã được phê duyệt.
"Trọng tâm là đôn đốc thực hiện Chỉ thị số 04/CT-UBND, ngày 12/11/2021, của UBND tỉnh về tăng cường chỉ đạo kinh doanh khai thác và quản lý chợ trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Tập trung đầu tư, cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng thương mại theo quy hoạch. Tiếp tục thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý chợ. Khuyến khích, tạo điều kiện cho các thương nhân có nhu cầu đầu tư xây dựng chợ nông thôn tham gia đầu tư xây dựng chợ. Ðồng thời, tăng cường chỉ đạo triển khai công tác đảm bảo an toàn thực phẩm tại các chợ, bố trí quầy hàng trong chợ, công tác đảm bảo an toàn vệ sinh, phòng, chống cháy nổ, công tác tập huấn cho cán bộ quản lý chợ", ông Nam nêu rõ định hướng./.
Đoàn Thuý Vy